Có lẽ đây không phải là một cuốn
sách xa lạ gì đối với những người yêu sách. Bắt đầu từ những nhận xét nổi bật
rồi thành câu cửa miệng của mọt người khi nhắc đến cái tên Rừng Nauy: “Truyện
này toàn sex thôi.” Và vì thế nó đã gây ấn tượng mạnh mẽ và gợi trí tò mò cho
mọi người tìm đến. Tôi cũng là một trong những người tò mò đó. Thậm chí, khi
cho tôi mượn, cô bạn thân còn bảo: “Đừng nên đọc, tớ thấy ghê lắm.”. Nhưng tôi
vẫn cố chấp, phần vì tò mò, phần vì chán, phần vì muốn đọc thử văn phong của
một tác giả nổi tiếng vì sự khác người và ám ảnh trong lối viết đầy huyễn hoặc
ấy.
Và khi đọc xong, nói thế nào nhỉ,
câu chuyện không có những yếu tố sex dày đặc như nhiều người vẫn nhìn nhận một
cách phiến diện, hùa theo đám đông. Hơn nữa, mấy ai có thể “cảm” được câu
chuyện như màn sương huyền ảo mơ hồ này?
Nói về nội dung, tôi chỉ có thể
gói gọn trong hai từ: “kì lạ” và “ám ảnh”. Toru cũng chỉ là một thanh niên Nhật
sống trong một thời đại đầy biến động. Và chính cái thời đại đó đã làm anh chai
lì, thờ ơ, buông thả với mọi thứ. Và cái thứ gọi là “tình yêu” mà anh dành cho
Naoko có thực sự là tình yêu hay chỉ là sự ám ảnh của cả cuộc đời về một cô gái
trầm tính, đẹp đến nao lòng và có một cái nhìn già cỗi về cuộc đời? Toru đã khẳng
định là anh yêu cô, nhưng thật sự tôi không hiểu anh yêu cô vì điều gì? Sự lặng
lẽ đầy u buồn, bi thương mà bình thản, những triết lý kì lạ, khó hiểu đầy suy
ngẫm, hay đơn giản ,anh yêu cô từ cái nhìn đầu tiên. Vì cô là bạn gái của bạn
thân anh?
Và anh chìm đắm trong cái tình
yêu kì lạ mà hiển nhiên ấy. Anh có thể yêu Naoko, nhưng không thể ngăn mình có
tình cảm với Midori – một cô gái có cá tính mạnh mẽ, sôi nổi và tươi mới đã
cuốn anh khỏi khoảng lặng cuộc đời đầy buông thả, tẻ nhạt, u ám. Nhưng Toru vẫn
không thể thoát khỏi sự ám ảnh về Naoko cho đến tận khi cô chết đi. Một cái
chết đầy suy ngẫm và kì lạ. Phải chăng là vì sự chán ghét thế giới này, hay chỉ
vì quá mệt mỏi khi phải sống một cuộc sống tẻ nhạt, đầy lo âu, không có tương
lai, không có hạnh phúc? Câu chuyện khép lại đầy ám ảnh khi Toru nhận ra mình
đang lạc lối trong cuộc sống bế tắc này, không biết mình là ai, mình là gì
trong cuộc sống. Ý kiến này có thể là sai lầm, có thể là những điều nhàm chán,
cũ kĩ, nhưng không thể phủ nhận, đây là một câu chuyện ám ảnh và nhức nhối.
Quay trở lại với câu chuyện, tôi
có thể thấy mọi người dường như đang nói quá về những cảnh sex trong truyện.
Tôi khó đoán được lí do. Có thể do truyện phát hành đã lâu nên nó tạo ra nỗi ám
ảnh trong mỗi người khi mà những chi tiết trần trụi của tình dục trong tiểu
thuyết chưa được thể hiện nhiều như hiện nay. Và nó đã trở thành một “thương
hiệu” khi nhắc đến Rừng Nauy. Nhưng theo ý kiến của tôi, cuốn sách này không có
nhiều chi tiết trần trụi và thô tục. Nhiều người nhận xét rằng tình dục trong
truyện tràn ngập nhưng không hề thô mà rất nghệ thuật. Tôi không cảm nhận được
cái “nghệ thuật” ấy.
Sex trong truyện rải rác nhiều
nhưng lại theo một cách khá mờ nhạt, hơi thô và cũng không quá như mọi người
bàn luận. Nó như chỉ là gia vị tô đậm cho cuộc sống buông thả, bế tắc của lớp
thanh niên những năm 70 ở Nhật, hay chỉ đơn giản như hít thở lấy âm vị cuộc
sống ngột ngạt mà đau buồn của những kiếp người tàn tạ. Có thể vì tôi là một
người nghiện tiểu thuyết lãng mạn phương Tây nên mới cảm nhận thế? Có thể,
nhưng cũng không phải vì tôi đã đọc cuốn sách này khá trước khi bị mê hoặc bởi
những câu chuyện lãng mạn châu Âu. Và khi nhớ lại, tôi chỉ thấy sự buông thả
của Toru, sự chán ghét, xa vắng dành cho Naoko, sự sôi nổi của Midori mà thôi.
Thật sự không quá ngạc nhiên khi nhiều người chỉ để ý đến những chi tiết trần
trụi trong truyện khi mà những chi tiết ấy chỉ tô thêm cốt truyện u ám, đầy
triết lí này. Vì nó đã trở thành một “thương hiệu” mất rồi…
Và nói thật, tôi không hiểu tác
giả muốn gửi gắm điều gì vào cuốn sách này. Sự trải nghiệm và muốn tái hiện lại
một Nhật Bản đầy biến động đã làm những con người trở nên nghi hoặc với cuộc
sống? Những suy ngẫm về một cuộc đời đáng sống? Hay chỉ đơn giản Haruki muốn
tạo sự ám ảnh đầy sâu cay về những kiếp người lạc lối trong thế giới hỗn loạn
này? Họ không biết mình là ai, mình muốn gì, mình sống để làm gì, vì ai… chỉ cứ
tiếp tục sống thôi… Nghe thật sâu xa, vô tận quá…
Nhiều người tất nhiên sẽ có những
cảm nhận khác nhau về câu chuyện này. Đây cũng chỉ là một ý kiến cá nhân chủ
quan của tôi về một cuốn sách đã có quá nhiều những bình luận sâu sắc đến vượt
cả tầm thời đại. Nhưng có sao đâu, tự do bày tỏ sẽ giúp ta hoàn thiện mình hơn.
Và Rừng Nauy cũng vậy, nhiều suy ngẫm sẽ giúp ta thấy được cái hồn và hoàn
thiện hơn cái đẹp thô mộc, kì lạ mà ám ảnh của truyện.
Những ám ảnh về 'Rừng Na Uy'
Khoảng 5 năm trước là thời điểm
đầu tiên tôi cầm trên tay cuốn Rừng Na Uy, tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản -
Murakami Haruki. Tựa đề Rừng Na Uy xuất phát từ ca khúc cùng tên của nhóm nhạc
gạo cội The Beatles. Trong suốt 4 ngày đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi đã không
thể nào thoát ra khỏi thế giới của Toru Watanabe - nhân vật chính của tác phẩm.
Toru Watanabe trong truyện là một
thanh niên Nhật bình thường nhưng có phần hơi lập dị khi tự thu nhỏ thế giới
của mình lại. Với tài dẫn dắt câu chuyện và xây dựng tình tiết vô cùng tinh tế
của tác giả chúng ta đã được đi qua một phần tuổi trẻ của Toru Watanabe. Một
phần cuộc sống của thanh niên Nhật Bản trong thời hiện đại. Gặp Rừng Na Uy tôi
đã nhận thấy một thế giới hoàn toàn khác. Tất nhiên, trong thế giới của chúng
ta, con người có lúc lại ở vào hai thái cực trong các thời điểm khác nhau, có
khi là hạnh phúc bất tận hay có lúc đau khổ tận cùng.
Có lẽ sự đau khổ tận cùng nhưng
thầm kín hay còn gọi là "stress", "trầm cảm" đã đưa một con
người ưu tú như Kizuki tới chỗ tự sát khiến cho Naoko - bạn gái thời trung học
của anh cũng mang theo nỗi khổ đau và ân hận suốt quãng đời còn lại. Điều mà cả
Watanabe cũng phải mang theo nhưng khác Naoko, anh là một chàng trai, chuyện đó
dù diễn ra âm ỉ, thầm lặng trong lòng nhưng nó cũng không khiến anh phải đánh
đổi bằng một bi kịch.
Ở Rừng Na Uy, ta cũng bắt gặp một
xã hội Nhật tiến bộ, ta chứng kiến những con tàu tốc độ cao chạy trên đường ray
từ những năm 80. Nơi mà những kỷ luật và tự do gần như là ngang bằng nhau. Nơi
mà những suy nghĩ tiến bộ bị cai quản trong mớ kỷ luật sắt đá đến mức Watanabe
phải gọi cậu bạn cùng phòng bằng hai từ khó nghe "phát xít".
Cách xây dựng nhân vật của tác
giả cũng rất gần gũi mà không hề hoa mỹ. Một Nagasawa hoàn hảo nhưng phóng
đãng. Và cô bạn gái chung thủy Hatsumi xinh đẹp. Một Midori Kobayashi đầy cá
tính và thông minh. Và không thể không nhắc đến nhân vật chính, Toru Watanabe,
con đường tuổi thanh niên của anh đã làm nên câu chuyện này. Những con người ấy
đã khắc họa một cách sâu sắc về thế giới của những thanh niên Nhật và khoảng
cuối thế kỷ trước.
Murakami Haruki chính là thiên
tài trong lối miêu tả tâm lý nhân vật. Đến mức người đọc sẽ không chỉ bị cuốn
theo mạch cảm xúc của nhân vật, đắm chìm trong những diễn biến tuổi trẻ sôi nổi
của Toru Watanabe, mà thậm chí khi gấp cuốn sách lại những gì đã diễn ra trong
nó cũng khó mà làm ta quên nhanh được. Nó ám ảnh ta vì sự tương đồng hay đối
lập với hành vi và tích cách của chính bản thân độc giả, hoặc những gì họ sẽ
thấy trong trong tác phẩm
Haruki Murakami đã rất tinh tế
khi đan cài và diễn tả những cảnh sex trong tác phẩm này bằng ngôn ngữ riêng.
Các nhân vật hầu hết đều có đời sống nội tâm sâu sắc và một vài trong số đó đã
không làm cách nào để thoát khỏi những điều ám ảnh từ lâu trong đầu của họ. Đã
có lúc điều đó đưa họ đến sự tuyệt vọng vô cùng. Nhưng cuộc sống vốn dĩ cân
bằng và dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, thời gian vẫn cứ trôi đi, nỗi buồn
hay tâm trạng cũng bay đi mất. Đó chính là cái kết của tác phẩm.
Mặc dù bộ phim Norweegian wood đã
ra đời dưới bàn tay của một đạo diễn gốc Việt nhưng theo đánh giá của phần đông
độc giả yêu thích Rừng Na Uy thì tác phẩm điện ảnh này về giá trị nghệ thuật
không điễn tả được hết những điều có trong tiểu thuyết, có chăng chỉ là 70%,
thậm chí nhiều đoạn trong tiểu thuyết đã bị cắt đi khi đưa vào film. Nếu bạn
chưa từng đọc, hãy bỏ một chút thời gian để tìm hiểu lý do tại sao cứ 7 người
Nhật lại có một người đọc Rừng Na Uy nhé!