Suy niệm vô thường

Ba pháp Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã là ba pháp tuy rằng là nền tảng rất căn bản của Phật Pháp nhưng lại là ba điều không có người Phật tử nào mà không nên biết và không thể áp dụng vào đời sống hàng ngày được. Nói một cách khác: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là ba pháp cho chúng ta rất nhiều.

Thứ nhất chúng ta hãy định nghĩa Vô Thường là gì? Chữ Vô Thường có thể hiểu trong ba cách:

- Thứ nhất là không có gì đứng yên một chỗ. Chúng ta cứ nhìn một đóa hoa rất đẹp được chưng trong bình, lúc đó chúng ta cảm thấy đó là một kết tinh đầy thú vị của thiên nhiên, hương đó sắc đó và với bàn tay khéo léo cắm hoa thì chúng ta có một bình hoa thật đẹp, nhưng ngay trong giờ phút đó thì chúng ta hiểu là khi đóa hoa được chưng lên mỗi một phút một giây trôi qua, đóa hoa đó đang đi dần đến một trạng thái khác, nó không nằm yên một chỗ, nếu đóa hoa nằm yên một chỗ thì sẽ không có hiện tượng hoa tàn. Trong giờ phút tất cả chúng ta đang nói chuyện tại đây có đôi khi chúng ta nói rằng thời gian như đứng lại, chúng ta tự đóng khung mình ở trong một thời khắc nào đó và nghĩ rằng nó không thay đổi nhưng trên thực tế thế giới nó là một giòng tuông chảy. Ngoại giới là cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình thấy, mình nếm, mình đụng v.v... tất cả đều cuồng cuồng chạy không ngừng.

Âm thanh qúi vị đang nghe chúng tôi nói thì thật sự là của nhiều âm ba rung động, sự rung động đó khẳng định một điều là ở trong thế giới hiện tượng cho dù những chất tế nhị nhất, có những cái chúng ta thấy được, có những cái chúng ta không thấy được, nhưng cho dù thấy hay không thấy thì nó luôn luôn biến động, nó mới tạo ra thế giới của hiện tượng. Chúng ta nhìn mặt biển đôi lúc biển rất yên phẳng lì nhưng chúng ta vẫn cảm thấy ở trên đó có lao xao và mặt biển không bao giờ yên được. Ngay cả một khối đá chúng ta nhìn thấy nằm yên bất động như vậy nhưng những hiện tượng vật lý về nguyên tử cho chúng ta biết rằng những phân tử luôn luôn biến đổi. Và do vậy trước nhất là trong ý nghĩa vô thường không có cái gì đứng yên một chỗ.

- Điều thứ hai chúng ta nên hiểu về sự vô thường là mọi vật có sanh thì phải có diệt. Khi chúng ta nghĩ về sự biến đổi thì chúng ta cứ nghĩ rằng nó có thể đẹp hơn, có thể tốt hơn. Thí dụ như hồi chúng ta còn nhỏ vào khoảng 5 tuổi 7 tuổi rồi chúng ta trở thành một thanh niên một thiếu nữ, chúng ta nghĩ rằng nó có thay đổi nhưng sự thay đổi đó là điều mà chúng ta mong muốn. Hay là mùa hè đang đến tại thành phố Houston rồi cơn nóng bức sẽ đi qua khi mùa thu đến, chúng ta khao khát sự vô thường, chúng ta mong mỏi sự thay đổi, sự thay đổi đó làm cho mùa hè oi bức nhường chỗ lại cho một mùa thu thơ mộng với lá vàng với khí hậu mát mẻ.

Nhưng thật ra sự vô thường không đơn giản là sự thay đổi, mà sự vô thường còn cho chúng ta biết rằng tất cả những gì gọi là hiện hữu cho dù là thân của chúng ta, tâm của chúng ta, quốc độ hay kể cả một hành tinh, kể cả thế giới mà chúng ta gọi là galaxy, thì tất cả những thứ đó đều dẫn tới sự hủy diệt, một sự hủy diệt toàn bộ. Dĩ nhiên là có cái diệt rồi sanh, có cái diệt thế này rồi chuyển qua hình thế khác, và có cái đến lúc diệt thì chỉ diệt thôi. Người ta nói cái diệt của hiện tượng tâm lý khác với hiện tượng vật lý.

Dù sao đi nữa thì ý nghĩa thứ hai của sự vô thường là cái gì có sanh thì phải có diệt. Cái chuyện nó thay đổi là điều thứ nhất, mà chúng ta nói là nó không đứng yên một chỗ đó là một lẽ, nhưng cái gì có sanh thì ắt phải có diệt thì cho chúng ta biết rằng mọi thứ ở trên đời dù xấu, dù đẹp, dù hay, dù dở mà trong ngôn ngữ của Đức Phật là:

- "Này các vị tỳ kheo, sắc thọ tưởng hành thức, dù quá khứ hiện tại vị lai bên trong bên ngoài thô thiển vi tế hạ liệt thù thắng gần hoặc xa các sắc ấy đều là vô thường, và các con nên nhận thức chân lý ấy như vậy, đó không phải là ta, đó không phải là của ta, đó không phải là tự ngã của ta."

Ý nghĩa thứ hai này thật ra rất quan trọng, bởi vì trong nhận thức thì chúng ta nghĩ rằng không có cái này thì phải có cái kia. Và chúng ta đừng ngạc nhiên là con người bằng sản phẩm tưởng tượng chúng ta biết rất ít về đời sống nội tại, chúng ta biết rất ít về đời sống nội tâm, nhưng chúng ta vẫn nói rằng có một linh hồn bất biến. Cái linh hồn bất biến đó người ta đào ở trong sách vở, người ta đào ở trong kho tàng của nhân loại. Thật ra nó đến từ đâu. Nó đến từ cái khát vọng khi mà tất cả những thứ khác đều thay đổi, vật đổi sao rời, bãi bể nương dâu, chúng ta nói về một quốc gia, một triều đại, một văn hóa, chúng ta nói về đế quốc lớn như là đế quốc của Thành Cát Tư Hãn, đế quốc La Mã, đế quốc Ottoman, hay là ở phương đông của chúng ta có những đế quốc lớn như đế quốc Trung Hoa, đế quốc Khmer v.v... Tất cả những đế quốc đó đều tan biến theo thời gian.

Con người khi nhìn thấy sự vô thường thì điều đó lại nghĩ đến trong tất cả hiện tượng vô thường phải có một cái gì trường cửu mà người ta tạm gọi là linh hồn. Nói một cách khác là nếu tất cả đều có sanh và có diệt thì làm cho chúng ta rất sợ hãi, do vậy chúng ta nói rằng: đồng ý nhiều thứ đa số là có sanh có diệt nhưng linh hồn thì trường cửu bất biến. Việc này chúng ta sẽ nói sau, nhưng ý nghĩa thứ hai của vô thường là cái gì có sanh thì phải có diệt.

- Điều thứ ba, và điều này đặc biệt là một điều rất lợi lạc để chúng ta biết. Đó là vô thường có thể là một gọng kềm, gọng kềm đó luôn luôn làm cho chúng ta lo sợ, làm cho chúng ta bất an, và làm cho chúng ta đau khổ cùng cực. Nhưng vô thường cũng là chất xúc tác cho tuệ giác sanh khởi. Đây là ngã rẽ của vô thường. Và để đặt mình ở trong vị thế được thắp sáng tuệ giác hoặc giả là cúi đầu phủ phục khóc lóc trước sự vô thường, tất cả đều do thái độ của chúng ta. Nhưng vô thường ở trong đạo Phật không đơn giản chỉ là một hiện tượng mà vô thường còn có những tác động và tác động đó sâu xa chúng ta không ngờ được.

Có những hiện tượng mà hầu như chúng ta rất ơ hờ, chúng ta gặp một người lúc họ 30 tuổi, thời trung niên đẹp đẽ son trẻ, rồi 30 năm sau gặp lại tóc bạc trắng trên đầu, nhiều lắm thì chúng ta nói rằng "Anh đã già đi rồi, chị đã già đi rồi" mà hầu như điều đó chúng ta mãi mãi không một mảy may nhận thấy rằng ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, chúng ta thường hở hững với vô thường cho đến khi vô thường nhận chìm chúng ta xuống, cho đến khi vô thường làm đau buốt tâm của chúng ta. Nhưng cũng có những người họ dùng những hình ảnh đó để thắp sáng trí tuệ. Đây là một điều kỳ lạ nhất khi chúng ta nói về vô thường.

Bài học ngày hôm nay chúng tôi lấy từ quyển "Con Đường Hạnh Phúc" của Hoà Thượng Viên Minh và Sư Khánh Hỷ viết cách đây rất lâu. Sở dĩ chọn bài này bởi vì chúng tôi nghĩ văn phong của hai vị này tương đối nhẹ nhàng, đề tài không có chuyên môn và không có xa lạ như phần nhiều chúng ta nói đến những điều có tánh cách rất chuyên môn.

Vô thường ở trong mỗi sát na. Khi chúng ta nói vô thường trong mỗi sát na. Chúng ta có thể nhắm mắt lại và chúng ta niệm một điều rằng phải chăng ở trong giờ phút này tất cả mọi thứ thuộc về danh pháp, sắc pháp đều thay đổi. Có thể chúng ta không thâý được. Một hình ảnh mà từ xưa người ta vẫn dùng và chúng tôi cho rằng đó là một thí dụ đẹp nhất, đó là hình ảnh của một giòng sông cuộn chảy, một con suối cuộn chảy. Con suối cuộn chảy hay giòng sông cuộn chảy cho chúng ta cảm giác là con sông như vậy, một con sông bình yên muôn thuở.

Chúng tôi lớn lên ở miền Nam ở miền sông ngòi. Hồi nhỏ khi nhà ở đường Văn Thánh thì thường đi ra ngoài giòng sông, đó là một nhánh sông của giòng sông Cửu, rồi khi chúng tôi sống ở trên Tân An Luông thì đi tắm cũng ra bờ sông, rồi chúng tôi về quê nội quê ngoại đều gần sông, hình ảnh con sông trong tâm tư của chúng tôi thật sự là thơ mộng, chúng tôi cảm tưởng như giòng sông đó nằm yên một chỗ, nằm yên như một bức tranh cho chúng ta ngắm.

Có bao giờ chúng ta thấy có sự biến đổi gì ở bức tranh đâu, một giòng sông muôn thuở nhưng thật sự giòng sông đó lúc nào cũng tuông chảy, không có cái gì đứng yên, ngay cả những lúc chúng ta gọi là nước đứng. Thủy triều ở biển Nam Hải rất đặc biệt, rất ít con sông nào trên thế giới có hai chiều, ngược và suôi, lên và xuống, giống như ở miền Nam nước Việt. Bởi vì thủy triều ở biển Nam Hải tương đối rất khác, hầu hết những con sông khác trên thế giới đều muôn thuở chảy về xuôi, từ núi cao chảy tuông ra biển cả. Nhưng triều nước ở miền Nam có nước rồng nước lớn, người nào sống ở miền quê thì biết, và giữa nước rồng nước lớn đó có một thời khắc nước đứng, lúc đó nước không chảy ra cũng không chảy vào.

Hồi còn nhỏ chúng tôi cảm thấy lúc đó rất hạnh phúc như là thời gian dừng lại và đi tắm không sợ nước trôi đi. Nhưng ngay cả lúc con sông đang đứng lại thì thật sự nó vẫn luân lưu không ngừng. Dĩ nhiên chúng ta không có cảm nhận được giòng thủy lưu đang tuông chảy, nhưng, như một con nước, nước trong mình có thể nằm yên ở trên giòng sông, tại vì đó là hiện tượng tự nhiên của nó. Đối với tất cả chúng ta thì cuộc sống có những giờ phút đứng một chỗ, giữ nguyên trạng, ở nguyên vị không thay đổi. Ở trên thực tế không bao giờ được như vậy. Sát na thay đổi đó là một hình thức vĩ mô mà chúng ta được biết là vô thường. Hiện tượng tâm lý hiện tượng sinh lý đều là vô thường, vật lý hay tâm lý tất cả những điều đó thường hay thay đổi.

Chúng ta nói về đời sống vô thường, có ai sanh ra mà sống hoài không chết, người ta nói người sống lâu nhất là ông Bành Tổ sống 800 tuổi. Chúng ta nói về pháp hữu vi là vô thường. Hữu vi là vô thường có ý nghĩa lớn trong đạo Phật. Tất cả pháp đều phải có nhân có duyên để sinh, không có pháp nào không có nhân có duyên để mà sanh, nó giống như ngọn lửa nào cháy mà không cần đến nhiên liệu, dầu đó là gas, dầu đó là củi, dầu đó là hỏa diệm sơn v.v... tất cả đều cần nhiên liệu.

Thật ra ngày nay trên thế giới vật lý người ta khám phá ra một chuyện là mọi sự hiện hữu đều cần đến năng lượng ( là energy) và năng lượng không phải là một nguồn bất tận, năng lượng rồi một lúc nào đó nó sẽ cạn kiệt đi. Chúng ta hãy nhìn mặt trời, người Trung Hoa có câu nói "Thiên trường địa cửu" nói đến cái gì trường cửu nói đến cái gì vĩnh hằng thì phải nói là trời và đất. Chúng ta sanh ra trong thế giới này lúc chúng ta lọt lòng mẹ khi bầu trời đã xanh mây trắng đã bay đó đây sống ở tuổi thơ và khi chúng ta nằm xuống thế hệ này qua thế hệ khác thì bầu trời vẫn vậy, riêng có ngày, có đêm, có lúc có mây, có lúc trong, nhưng mà bầu trời vẫn vậy, và trái đất này cơ hồ như dù con người có đào có bới có xây dựng v.v.... thì hành tinh này đã có mặt từ hàng tỉ năm về trước, và trước khi con người hiểu biết như là Đức Phật dạy thì con người nghĩ rằng trái đất không bao giờ thay đổi.

Ngay cả hình ảnh Đức Phật Ngài diễn tả về một người sanh vào cõi đại Phạm Thiên, lúc sanh lên thì ở cõi đó họ thấy vị đại Phạm Thiên và khi chết đi họ cũng thấy vị đại Phạm Thiên và khi sanh xuống làm kiếp người thì họ nhớ lại kiếp quá khứ thì họ nhớ là lúc sanh lên cõi đó họ gặp vị đại Phạm Thiên như vậy, uy lực như vậy, hào quang chói sáng như vậy, vì lúc họ chết đi vị đại Phạm Thiên vẫn còn như vậy, thì do cái nhớ cái ký ức về tiền thân như vậy vị này chắc là Thượng Đế vị sáng tạo chủ. Cái nhìn của chúng ta nó hạn hẹp quá, nó nằm ở trong một hạn cuộc của thời gian, cái tầm nhìn của chúng ta không đủ xa không đủ rộng.

Mãi cho đến gần đây ở trong suốt chiều dài mà con người có mặt ở trên trái đất này người ta nói rằng mấy chục triệu năm, có hơn 60 triệu năm một bộ xương người ta đào được, mà có khi còn hơn nữa mà người không tìm được. Thì mãi chỉ có vài thế kỷ qua loài người bắt đầu hiểu được một sự thật mà sự thật đó là ngay cả mặt trời rồi cũng sẽ tắt, ngay cả thái dương hệ này rồi cũng bị hủy hoại, qua những viễn vọng kính như viễn vọng kính Hubble hay Chandra chúng ta thấy vô số những thái dương hệ, vô số những hệ thống tinh tú ở trong dãy ngân hà, ở trong đó là những vật thể to lớn sáng hơn mặt trời của chúng ta gấp bao nhiêu lần. Nhưng tất cả có sanh ra và có đi đến chỗ hủy hoại thì nói gì đến cái vui cái buồn, nói đến chuyện đặng mất hơn thua. Nói đến kiếp người của chúng ta, nói gì đến trái đất này, chúng ta thật sự bé nhỏ và chúng ta thật sự có cái nhìn quá ngắn về cuộc sống.

Khi chúng ta nói vô thường trong sát na, vô thường trong kiếp sống, hay vô thường của tất cả pháp hữu vi, thì cho dù chúng ta nói vào lãnh vực nào đi nữa thì chúng ta nên nhớ một điều rằng cái nhìn của chúng ta về vô thường, cái thái độ của chúng ta về sự vô thường, cái nhận thức của chúng ta về sự vô thường không đơn giản là 2 + 2 = 4 khi chúng ta học số học, anh A cũng học như vậy anh B cũng học như vậy và tất cả chúng ta đều nhìn nhận 2+2=4. Đối với chúng ta thì cuộc sống có thay đổi nhưng thái độ của chúng ta đối với hiện tượng vô thường hoàn toàn khác. Dĩ nhiên là phần lớn chúng ta ở ngoài mặt thì rất vui vẻ nhưng trong lòng thì âu lo, lo tuổi già đến, lo những người đang thương mình họ không thương mình nữa, lo kinh tế không ổn định nó sẽ đi vào chỗ suy thoái, mình lo rất nhiều, mình lo như là mình muốn nắm níu những gì ở chung quanh mình nhưng mà rồi một lúc nào đó chúng ta không còn bàn tay để nắm níu được tại vì chính thân của mình cũng vô thường.

Do vậy khi chúng ta nói thái độ vô thường đầu tiên là sự lo âu, sự lo âu đó nằm sâu kín tận trong lòng của chúng ta, chúng ta không biết được. Chúng tôi lấy ví dụ là có những người suốt cuộc đời bị ám ảnh bởi cái nghèo, có những người suốt cuộc đời bị ám ảnh bởi sự phụ bạc của tình cảm, có những người suốt cuộc đời bị ám ảnh bởi điều chúng ta gọi là sự đổi thay. Đơn giản thôi. Cái gì mình cảm thấy rất đẹp rất vui thì chúng ta mong rằng xin nó nằm yên đó, hãy nằm yên như một công chúa ngủ trong rừng và khi ngủ thức dậy nó là một giấc mộng rất đẹp, nó đẹp như chuyện cổ tích. Người ta thường có mơ mộng như vậy nhưng thật ra thì tất cả sự đổi thay đều làm cho chúng ta bất an hết, chúng ta chỉ cố gắng dấu nỗi bất an đó lại.

Và thái độ khác chúng tôi tạm gọi là một thái độ có vẻ lãng mạn hơn đối với sự vô thường, thái độ lãng mạn này đối với sự vô thường đó là nhiều lúc người ta nghĩ vô thường cũng tốt thôi, không có chuyện gì, ví dụ như là ăn hoài một món thì cũng ngán, sống hoài một cách sống thì là điều làm cho chúng ta cảm thấy mất sinh thú, đời sống thay đổi thì sẽ vui. Người ta dùng vô thường làm thi hứng tức là tạo ra nguồn thơ, nhiều bài thơ rất nhiều bài thơ được viết nói về sự vô thường, thí dụ như một bài thơ nổi tiếng của cụ Vũ Hoàng Chương được khen là nói về sự vô thường mà lại không dùng một chữ vô thường nào hết:

"Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”

Hay hoặc giả là người ta viết một câu nghe rất vô thường nghe rất là hiển thực để mà ở trong cái vô thường hiển thực đó mang tính lãng mạn, con người khổ với vô thường nhưng họ xem cái khổ đó là cái chất liệu cho một tâm hồn văn nghệ. Phạm Thiên Thư viết câu này:

Kiếp người có là bao
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay chỉ vết chân chim.

Dĩ nhiên là ông đã viết trong một trạng thái nào đó rất đẹp, nhưng chúng ta đừng quên rằng đoạn thơ đó cũng nói về sự vô thường nhưng mà nó là một đoạn ở trong một phiên khúc về tình. Ngay cả có những bản nhạc như là "Đóa hoa vô thường". Người nghệ sĩ cũng lấy nghệ danh là vô thường. Và chúng tôi cũng được biết rằng ở trong rơom của chúng ta thì ít nhất cũng có hai người lấy nick name là vô thường hay là cái gì liên quan đến vô thường. Nhưng những điều đó nó nói với chúng ta điều gì? Đôi khi chúng ta cố gắng nhìn vấn đề ở trong cái nhìn của sự mơn trớn của ru ngủ. Cũng như ở trong sự đau khổ có người khóc, có người dùng sự đau khổ đó để viết thơ để làm nhạc. Nhưng chưa hẳn là những thái độ đó đã làm cho chúng ta vơi khổ mà có nhiều khi nó làm cho chúng ta da diết hơn.

Và dĩ nhiên là tất cả mọi người đều phải tự hỏi một câu: Vô thường đối với người Phật tử đối với một người học Phật thì thái độ gì là thái độ mà chúng ta được Phật Pháp soi sáng để mà nhìn vô thường?

Tất nhiên trong một đoạn kinh rất rõ rệt thì chúng ta thấy một cái tối hậu của sự vô thường là một chất xúc tác để cho tuệ giác sanh khởi, mà cái chuyện nhìn vô thường không bằng trí tuệ, không bằng như lý tác ý thì thật sự nó là thức ăn của vô minh.

Hồi xưa chúng tôi nhớ khi chúng tôi ở gần Ngài Taungpulu, có người hỏi Ngài một câu là: ở trong 12 nhân duyên nó là một mắc xích vòng tròn, là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, nhưng mà rồi lão tử duyên cái gì, và bắt đầu trước vô minh là cái gì? Thì Ngài nói rằng ở trong cái lão tử có sầu, có bi, có khổ ưu não, và sầu bi khổ ưu não đó nếu mà không khéo nhận thức thì nó là duyên của vô minh, đau khổ, nói một cách khác là vô thường.

Và cái khổ vì sự vô thường nó có thể là thức ăn, nó có thể là chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng vô minh trong đời sống nhưng mà vô thường nó cũng là một chất xúc tác để thắp sáng tuệ giác của chúng ta. Nhiều vị đệ tử Phật nhờ vào sự vô thường như Ngài Cunda em củaNgài Xá Lợi Phất ở trong ngày cưới của mình nhìn thấy mái tóc bạc trắng của bà ngoại, như là Ngài Yasa trong đêm tối nhìn thấy những vũ công nằm ngủ ngổn ngang không đẹp như lúc ban ngày, như là một vị vua nào đó dặn người hớt tóc thấy sợi tóc bạc trên đầu hãy cho trẫm biết. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rằng vô thường được gởi cho chúng ta bằng những tín hiệu rất rõ ràng.

Trong một bài kinh Thiên Sứ, bài kinh này đưa ra một hình ảnh thú vị, ở trong tất cả những nền đạo giáo của Trung Đông nói chung là những đạo giáo mang tính thần ngã thì người ta đều nói là có một người nào đó được lựa chọn thí dụ như chúa Jesu gọi là Christ là đấng được lựa chọn hay là đấng được ơn gọi của Thượng Đế để mang thông điệp đến cho loài người. Cái việc đem thông điệp của Thượng Đế đến loài người, người ta thường vẽ ra một hình ảnh nào là phép màu, nào là những điều phi thường, những điều vượt hơn sự hiểu bình thường. Nhưng, khi Đức Phật dạy trong kinh Thiên Sứ Ngài dạy rằng những sứ điệp gửi đến cho loài người thì những hiện tượng như là sanh già bịnh chết, hình phạt đó là những thiên sứ, và cái thông điệp muôn thuở là đời sống không nằm yên một chỗ, đời sống sanh ra ở trong sự sanh "Thảo nào khi mới chôn nhao đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra."

Có thể chúng ta đã quên chúng ta không nhớ và không biết nhưng mà nhìn những hài nhi sơ sinh thì chúng ta hiểu cuộc đời chúng ta bơi từ trong giây phút chào đời mỏng manh bé nhỏ chịu nhiều nóng lạnh chịu nhiều sự bực bội. Chuyện khóc đối với trẻ thơ là chuyện bình thường, đến khi chúng ta lớn lên thì chúng ta không khóc với cái gìa, với các bệnh, với cái chết, khóc ít chứ không khóc nhiều như một đứa trẻ nhưng nó là một hiện tượng, lẽ ra chúng ta đọc nhiều về hiện tượng đó. Do vậy chính Đức Phật qua bài kinh Thiên Sứ thì Ngài khẳng định một điều là vô thường hay là những hiện tượng của kiếp nhân sinh, sanh của già, bệnh, chết, hình phạt, tất cả những điều đó nó đều là một thông điệp nhắc nhở. Nói một cách khác nó khiến cho chúng ta tỉnh ngộ, bình tỉnh thắp sáng được trí tuệ, nhận thức được chân thực.

Và trong đời sống hàng ngày thì một thông điệp khác Đức Phật gửi cho chúng ta là đối với hiện tượng vô thường chúng ta có thể tinh tấn, tinh tấn nhiều hơn và có lẽ người Phật tử nhớ rõ lời dạy của Đức Phật ở trong giây phút cuối cùng, lời nói sau cùng của Ngài trước khi Ngài viên tịch

"Tất cả pháp hành đều vô thường, các con phải tinh tấn"

Thì ở đây có một khẳng định rõ ràng là chính những phù du ngắn ngủi vô thường, điều mà làm cho chúng ta mất đi nhuệ khí, điều mà làm cho chúng ta bủn rủn tay chân, điều mà làm cho chúng ta không có sự phấn đấu thì Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta điều ngược lại là nhìn như thế nào đó mà chẳng những vô thường là chất xúc tác cho tuệ giác mà vô thường còn là lý do chánh đáng 100% để cho chúng ta phải tinh tấn, phải vươn tới, chúng ta không sống hoài trên cõi đời này, chúng ta không có quá nhiều thì giờ để phung phí.

Ngày chúng tôi sang Hoa Kỳ năm đó chúng tôi 17 tuổi. Chúng tôi nhớ là khi rời Việt Nam vượt biên qua ngã Cà Mau xuống sông Ông Đốc. Từ chợ Cà Mau ra cửa biển trên sông ông Đốc, chúng tôi phải nằm trên xuồng hai ngày hai đêm. Buổi tốt nằm dưới khoang thuyền nhìn lên bầu trời đầy trăng sao vào ban đêm, chúng tôi có một câu hỏi ở trong lòng "không biết mười năm nữa cuộc đời mình sẽ ra sao" nhưng thoáng một cái đã hơn 30 năm trôi qua rồi. Chúng tôi nhớ rất rõ cái cảm giác ban đêm khi sương xuống nằm đắp một tấm nệm mỏng để che sương, thò đầu ra ngoài nhìn bầu trời đầy trăng, rồi hỏi một điều rằng mười năm nữa sẽ ra sao, lúc đó đời sống rất dài, 10 năm nữa dài, chúng tôi đang chờ đợi từ trong sông ra biển, từ tàu nhỏ ra tàu lớn, trải qua nhiều giai đoạn, đời sống đó đang dài đăng đẳng, nhưng mà rồi nó đi qua rất nhanh, thoáng một cái 30 năm.

Thật sự khi Đức Phật Ngài nhắn nhủ chúng ta thì Ngài khẳng định một điều là đời sống không có nhiều thì giờ để hoang phí. Chúng ta sống hững hờ, sống như là chúng ta sẽ sống mãi trên cuộc đời này, thậm trí có nhiều người cảm thấy kiếp sống dư thừa, có quá nhiều thì giờ để phung phí, có quá nhiều thì giờ để giận hờn, có quá nhiều thì giờ để mà cảm thấy đời sống trống rỗng, để than phiền, người ta không có thì giờ mà mình có quá dư thì giờ không biết làm cái gì. Khi chúng ta nói không biết làm gì thì rõ ràng là chúng ta không thấy được tánh cách ngắn ngủi phù du của cuộc sống, có trăm chuyện phải làm, có ngàn thứ phải học hỏi phải suy nghĩ nhưng mà chúng ta không có thì giờ để làm hết chuyện đó. Nên chi vô thường là một cái hiện tượng mà chắc chắn tác động khiến cho chúng ta qúi đời sống hơn nếu chúng ta sống bằng tinh thần của Phật pháp. Chúng ta nhớ được lời dạy của Đức Phật

"Này các tỳ kheo, chư hành là vô thường các con hãy tinh tấn"

Khi Đức Phật nói chư hành là vô thường, có rất nhiều người nhanh chóng gật đầu; phải Đức Phật nói đúng lắm, "chư hành là vô thường", nhưng mà nói "các con hãy tinh tấn nỗ lực" thì nhiều người trong chúng ta không lựa chọn thái độ như vậy, chúng ta lựa chọn một thái độ khác, hoặc thương mây khóc gió, hoặc giả là chán nản, hoặc giả là không tha thiết điều gì hết. Điều đó không nằm trong tinh thần của người Phật tử.

Khi chúng ta quán sát về vô thường, chúng ta còn có một khả năng khác đó là bớt đi tánh chủ quan, bớt đi tánh độc đoán mà chúng ta có thể chấp nhận với cái nhìn mà Đạo Phật gọi là "cái nhìn như thật" tức là sự thật như thế nào thì mình chấp nhận như vậy. Về điều này thì rõ ràng Đức Phật Ngài nói trong kinh Vô Ngã Tướng:

- Này các tỳ kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường?

- Bạch Đức Thế Tôn, là vô thường.

- Cái gì vô thường là khổ hay vui

- Bạch Đức Thế Tôn, là khổ

Cái gì vô thường là khổ thì có nên gọi là ta là tự ngã của ta chăng?

- Bạch Đức Thế Tôn chẳng nên.

Ở đây, có lẽ chúng ta thường cưỡng cầu, chúng ta thường đòi hỏi và đặc biệt là chúng ta thường giận dữ ở trong nhiều chỗ, và thấy rằng cuộc sống không phải như vậy, nó phải như vậy, nếu nó không được như vậy thì chúng ta đùng đùng nổi giận. Chính ra thì cái sống của chúng ta rất là chủ quan, cái đòi hỏi của chúng ta hầu như là mọi thứ phải tuyệt đối. Chúng ta không làm chủ được mưa được nắng, chúng ta không làm chủ được cái nhìn của những người chung quanh mình, chúng ta cũng không làm chủ được cái khỏe cái bệnh của thân mình, chúng ta không làm chủ được thế giới này.

Con người mơ ước tạo ra một xã hội mà xã hội đó có thể kiểm soát được, tạo ra một thứ tiền tệ mà thứ tiền tệ đó có thể ổn cố như là mình muốn, tạo ra một thế giới này nằm trong một nguồn máy thống trị, không phải chỉ về phương diện chính trị quân sự mà kể cả các tôn giáo người ta mơ ước rằng có thể biến thế giới này thành một vương quốc mà vị giáo chủ của tôn giáo mình là vua của vương quốc đó. Chúng ta mong muốn luôn luôn như vậy nhưng ở trên thực tế thì không, thế giới này muôn màu, muôn sắc, muôn mặt, và cái gì chúng ta có thể kiểm soát được. Rất ít. Và để chứng minh điều đó thì rất đơn giản, hãy nhìn những thay đổi ở chung quanh chúng ta, ở ngoài chúng ta, ở trong chúng ta thử xem chúng ta có bao nhiêu khả năng để kiểm soát sự thay đổi đó. Rất ít.

Vì vậy bài học về vô thường là bài học vỡ lòng nhưng lại rất là căn bản để cho chúng ta bắt đầu với niềm thanh thản nhất: Nhìn vào hơi thở, hơi thở ra hơi thở vào, hơi thở có vào thì phải có ra, hơi thở khi nhanh khi chậm, có khi chúng ta thở bằng cảm giác này và có khi chúng ta thở bằng cảm giác khác. Chúng ta hãy đọc sự thay đổi của cuộc sống qua hơi thở của chính mình. Chúng ta có thể đọc sự vận hành của bốn oai nghi, chúng ta không thể nằm hoài, chúng ta không thể đi hoài, chúng ta không thể đứng hoài, bốn tư thế lớn trong đời sống là đi, đứng, nằm, ngồi, cũng dạy cho chúng ta bài học lớn về sự vô thường. Chúng ta có thể ngồi ở trong thế ngồi dễ chịu nhất. Chúng ta ngồi trước máy nghe pháp ở trong tư thế dễ chịu nhất ngồi lâu cũng mỏi rồi cũng đứng lên đi. Chúng ta có thể đọc sự vô thường ở những người chung quanh mình, ai trong chúng ta không mong muốn rằng có những người hiểu mình, có những người thương mình, và có những người mãi mãi là của mình, nhưng mà rồi chúng ta nhìn chung quanh đời sống thì nó thay đổi, chúng ta thay đổi và cuộc đời thay đổi, ở bên trong thay đổi, và ngoài thay đổi, điều đó chúng ta không muốn thay đổi nhưng không được.

Chúng tôi chỉ muốn nói ở tại đây, vô thường không phải chỉ tác động cho tuệ giác sanh khởi, vô thường không phải là chất xúc tác cho tinh tấn, mà vô thường có thể đem áp dụng để hoá giải rất nhiều thứ trong đời sống này. Chúng tôi lấy ví dụ là chúng ta thường giận thường chấp. Có người ở gần thì nói tánh chúng tôi không giận lâu, nhưng chúng tôi phải nói một điều là chúng tôi luôn tâm niệm rằng đời sống ngắn quá tại sao không đầu tư tâm trí để làm chuyện gì đáng làm mà ngồi đó để nhai đi nhai lại chuyện không đáng, và khi chúng tôi nghĩ rằng mình dành thì giờ để phiền não thì chẳng những là sự hoang phí thì giờ, mà chúng ta không nhìn thấy được rằng ở trong lúc chúng ta đặc biệt quan trọng về một chuyện gì đó, một người nào đó, một vấn đề gì đó mà nó đã xảy ra rồi thì chúng ta bị cột trói vào trong chuyện đó, và chúng ta bị cột trói vào khoảng khắc đó, cái khoảng khắc đó nó đã đi qua rồi, sự việc đó đã đi qua rồi, nhưng mà vẫn ngồi nhai nuốt lại, mình nghĩ rằng chuyện mình ngậm nhấm nhai nuốt lại nó có ý nghĩa nhưng thật sự nó là vô nghĩa, nó vô nghĩa như câu chuyện một người ở trong Cổ Học Tinh Hoa nói rằng:

Một người đi thuyền và đánh rơi thanh kiếm xuống sông và họ làm dấu trên mạn thuyền, khi trở về họ muốn lặn xuống sông tìm lại thanh kiếm đánh rớt, cái dấu trên mạn thuyền thật sự vô nghĩa tại vì con thuyền ở trên sông di chuyển và cái dấu trên mạn thuyền thật ra nó không có nghĩa gì để đánh dấu hết, có ai đánh dấu được giòng sông, có ai mà nghĩ rằng đánh dấu trên mạn thuyền để nó trở thành một cái gì có ý nghĩa về sau đó. Nhưng mà chúng ta thường làm vậy trong đời sống, mỗi một sự việc xảy ra trong đời sống cái giá trị tồn tại của nó là ở trong thời khắc đó, ở trong giai đoạn đó, nhưng chúng ta đem về, chúng ta giữ lại, chúng ta cố gắng đánh dấu nó như người làm rớt kiếm xuống giòng sông đánh dấu trên mạn thuyền để rồi để giữ lại để nhớ lại, nhưng thật sự hành động đó rất là thơ ngây, hành động đó đối với đạo Phật là không như lý tác ý, chúng ta sống bằng sự vô minh.

Và vì vậy chúng tôi nghĩ rằng một sự ứng dụng tối đối với sự vô thường, đó là chúng ta có khả năng buông tay bớt chấp lại, bớt phiền lại, bớt giận lại, và tỉnh táo hơn để có thể làm những việc gì nên làm. Có rất nhiều người trải qua thập tử nhất sanh, họ trải qua giai đoạn đối diện với cái chết, và khi họ trở về thì thái độ của họ hoàn toàn khác với cuộc sống, họ mong rằng họ sống vui vẻ hơn, họ mong rằng họ sẽ bớt làm việc và dành thì giờ nhiều hơn cho người thân của mình. Những điều đó bình thường chúng ta không thấy. Có thể có rất nhiều người đã một lần nào đó nghĩ đến điều đó nhưng mà lúc chúng ta nghĩ đến thì cái chết đã đến ngay sau đó.

Người ta không làm được nhưng khi một người đã đối diện với cái chết, đối diện với sự phù du thật sự của cuộc sống với sinh mạng của họ thì nhân sinh quan của họ phải thay đổi. Và với người Phật tử thì không phải chờ đến giờ phút đó mà ngay ở giờ phút này chúng ta hãy tự đặt một câu hỏi thế giới này có đứng yên một chỗ không, hay mỗi thứ thay đổi, có ai mà sống hoài mà không chết không, hay là một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, tất cả pháp có sanh thì có diệt, có pháp nào có sanh mà không diệt không, chúng ta phải tự hỏi, và những câu hỏi đó nếu được thâm nhập, nếu được lãnh hội thì lấy nhận thức làm sao cho tuệ giác sanh khởi, cho sự tinh tấn sanh khởi, và cho khinh an sanh khởi, thì chúng tôi nghĩ rằng điều đó là một lợi lạc cho sự ứng dụng của Phật pháp đời sống hàng ngày.

Ngày mai này chúng ta sẽ nghe suy niệm về sự khổ não và ngày mốt suy niệm về sự vô ngã ,chúng ta sẽ tìm thấy rằng nó không làm cho chúng ta khổ hơn tại vì dầu chúng ta biết hay không biết thì chúng ta cũng khổ rồi. Nhưng những điều này nếu chúng ta đặt lại vấn đề khác nó sẽ lợi lạc và sẽ làm cho trí tuệ chúng ta sanh khởi. Đức Phật Ngài dùng một hình ảnh rất là đơn giản, Ngài nói cái vỏ trấu, nếu chúng ta đặt đúng chỗ nó có thể đâm thủng tay của chúng ta. Thì Đức Phật Ngài dạy rằng nếu chúng ta khéo nhận thức thì thuyết vô thường này có thể chọc thủng vô minh được đó là điều đáng cho chúng ta suy tưởng.

Minh Hạnh chuyển biên
Previous Post
Next Post