Lòng từ là tình thương không ngằn
mé, không vụ lợi. Người có lòng từ sẽ đoạn trừ tận gốc tham sân si. Lòng từ là
một động lực thúc đẩy con người làm các diều thiện, nó được ví như dòng suối
mát để mọi người tắm khi trời nóng bức.
Lòng từ được ví như bình nước cam
lồ cứu khổ cho những ai đang bị ngọn lửa
sân si thiêu đốt. Cũng vì lòng thương xót tất cả chúng sanh mà Đức Thế Tôn đi
tìm con đường giải thoát để cứu độ chúng
sanh. Ngài không thể ngồi yên khi nhìn thấy chúng sanh đang trôi lăn trong vòng
sanh tử luân hồi. Ngài dạy các đệ tử rằng: “Người tu hạnh Bồ Tát phải lấy Từ Bi
làm gốc. Cây Bồ Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ vào trong đất. Kẻ tu hành lấy từ
bi, lợi lạc hữu tình làm lẽ sống cho chính mình”
Giáo lý Đạo Phật tập trung ba vấn
đề: Bi ,Trí, Dũng. Một khi tình thương được sử dụng một cách rộng rãi thì Trí
Tuệ phát sinh. Một khi Trí Tuệ phát sinh thì con người đó tràn đầy nghị lực. Bi
và Trí cần được trau giồi, trí làm cho bi sáng suốt, bi làm cho trí thuần
lương. Bi và trí là hai bánh xe của một chiếc xe, nếu thiếu một trong hai thì
xe sẽ bị ngã. Tình thương ở đây là vô biên không hạn cuộc thân sơ, chủng tộc,
tôn giáo, quốc gia… hằng ngày chúng ta trau giồi và thực hiện tâm từ bằng lời
nói và hành động thì bức màn ngăn che giữa ta và người không còn tồn tại. Lòng
từ làm cho con người trở nên nhu nhuyến, dịu dàng, thông cảm với mọi người, mọi
loài, biết tôn trọng sự sống không còn tâm sát hại hận thù …
Tâm từ của Phật Giáo căn cứ trên
sự sáng suốt, Từ Bi mà thiếu đi Trí Tuệ sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng tác hại.
Giống như một bà mẹ thương con không đúng cách cứ nuông chiều theo sở thích của
con sẽ đưa nó đến con đường tha hóa trụy lạc… còn Trí Tuệ mà không có Từ Bi
cũng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, ví như sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nếu
không áp dụng lòng từ thì con người sẽ sát hại lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân
hay bom nguyên tử… Như vậy, Từ Bi mà không có Trí Tuệ cũng giống như người có
tim mà không óc, Trí Tuệ mà thiếu Từ Bi cũng như người có óc mà không tim. Cho
nên, từ bi và trí tuệ phải đi song hành với nhau để hổ trợ nhau từng giây từng
phút trong hoạt động của con người.
Đức Phật đã từng nói: “Ta nguyện
đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số đau khổ của chúng sanh, vì ta nguyện tế
độ cho chúng sanh nên mới nguyện thành Phật”. Rõ ràng Ngài muốn thành Phật để
cứu độ chúng sanh, chứ không phải cứu độ chúng sanh để được thành Phật. Với một
tình thương bao la như thế, nên Ngài đã dạy những điều thật cao siêu mà thấm
đượm tình người có thể là phương châm cho nhân loại.
“Không nên lấy oán báo oán, chỉ
nên lấy ân báo oán”
“Trong thế gian này, chẳng phải
lấy oán trừ được, chỉ lấy nhân mới trừ được oán”
Hay:
“Với người dữ, ta nên ở lành, với
người câu nệ ta không nên câu nệ, với người gian tham, ta chớ nên gian tham.
Lấy từ bi đáp lại nộ khí, lấy thành thật đáp lại điêu ngoa, lấy lòng lành đáp
lại sự hung dữ”[1]
Đối với bậc đã Giác Ngộ thì những
hành động, lời nói, ý nghĩ của các Ngài luôn luôn mang tính chất Từ Bi và Trí
Tuệ, thấu rõ tất cả mọi pháp để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Cho nên, các
bậc chứng đạo không còn tạo nghiệp, mọi hành động của các Ngài bắt nguồn từ
hạnh nguyện độ sanh, vì lợi ích cho nhân loại mà các Ngài dấn thân. Hành động
đó vượt lên trên những sự đối đãi phân biệt của thế gian.
“Cũng như hoa sen đẹp không dính
nước, Bậc Thánh không chấp vào thiện ác… một người siêu việt thiện và ác sống
thanh tịnh, đi ra đời với sự hiểu biết người đó xứng đáng được gọi là Tỳ
Kheo”[2]
Vậy, chúng ta hãy tu tập hành trì
Giáo Pháp thậm thâm mà Như Lai đã trãi nghiệm và Ngài đã thành tựu một cách
viên mãn. Tiếp theo Ngài các Thánh Đệ Tử cũng miên mật thực hành. Chúng ta là
đệ tử của Phật phải tập học, tập tu để chuyển hóa nội tâm. Giống như hoa sen
dù sống ở trong bùn mà không nhiễm mùi
bùn.
Giáo lý Đạo Phật luôn luôn lấy
luật nhân quả làm chuẩn mực cho sự sống. Hằng ngày, chúng ta tạo ra bao điều
bất thiện là do ngu si mê muội, không sáng suốt, không nhận chân được sự thật
của các pháp, sống trái với đạo lý. Con đường chân chánh để xây dựng một cuộc
sống an lạc là phải trau giồi đạo đức một cách thuần khiết trong mỗi con người làm cho con người đó có một khối óc và trái
tim biết yêu thương và có lý trí trong cư xử. Đó là con đường dẫn đến chánh
nghiệp, là đạo lộ dẫn dắt những hành vi tạo tác của con người theo chiều hướng
tốt đẹp, nhằm phát sinh những hành vi đạo đức sống hòa nhã, tương thân tương ái
với mọi người thực hành thập thiện nghiệp đạo.
Chúng ta phải tịnh tu tam nghiệp
thân, khẩu, ý cho thanh tịnh. Khi tâm ý thanh tịnh, thì lòng từ ban rãi khắp
nơi, lúc đó trí tuệ sẽ phát sanh, con người có khả năng thấu triệt và thể nhập
vào chân lý cuộc sống cộng đồng của vũ trụ và nhân sinh, phân biệt được thiện
ác chánh tà. Người có lòng từ bi là người biết tôn trọng sự sống. Tình thương
ấy không chỉ giới hạn ở con người mà lan rộng đến tất cả mọi loài, mọi vật.
Chúng ta quan tâm đến cuộc sống của cả nhân loại, luôn nghĩ đến việc đem lại
nguồn vui cho mọi người trên tinh thần “ Vô Ngã Vị Tha”. Tinh thần này có tác
dụng thiết thực đem lại lợi ích cho mọi người, làm đẹp cho cuộc sống. Nó làm
cho con người không còn ích kỷ, luôn luôn thương yêu đồng bào dân tộc. Biết tôn
trọng sự sống, không vì một lý do gì mà
tàn sát lẫn nhau. Đây là tinh thần Từ Bi trong Đạo Phật. Vì vậy, Từ Bi và Trí
Tuệ giống như đôi cánh chim nương tựa vào nhau, tạo thành sức mạnh đưa con người
đến bến bờ an lạc trong tinh thần: “ Vô
Ngã Vị Tha”. Vậy, giáo lý vô ngã có lợi ích như thế nào trong đời sống tu tập
của chúng ta.
Tác giả: Trí
Nhật
[1] HT Thích Minh Châu. ( dịch ).
Kinh Pháp Cú.
[2] HT. Thích Minh Châu. ( dịch
). (1988). Tương Ưng Bộ, trang 547.