Là con người, sao tránh khỏi
những lúc muộn phiền, đớn đau, giằng xé, rồi thất vọng, và rồi tuyệt vọng. Cái
quy trình của khổ đau ấy dắt dẫn con người đi từ mê lộ này đến mê lộ khác, để
rồi cái chết và sự “sống mòn” là kết quả tất yếu cho những ai không biết yêu
thương cuộc đời, đánh mất niềm tin nơi con người và chính mình.
Trong khoảnh khắc nào đó, trong
cơn đau giằng vặt ấy, có những con người may mắn gặp được chiếc phao, là một ai
đó khả kính đáng tin cậy để giúp mình lấy lại niềm tin và vượt qua đau khổ, xốc
xới lại yêu thương. Tôi là người đã được may mắn như thế, không phải một mà vài
lần, từ những ca từ chất chứa yêu thương của Trịnh, của một triết gia tài hoa,
đau đáu về thân phận và kiếp người.
Đó là khi tôi nghe lời réo rắt
của Khánh Ly, vang lên từng đợt “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá
mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng / Em là
tôi và tôi cũng là em”. Tôi như vỡ òa ra, nhìn thấy cái triết lý nhân sinh “có
mặt trong nhau” của những thực thể được biểu hiện trong cuộc đời này, được gọi
tên là “nương tựa”, là “tương tức” kiểu của Xuân Diệu “Xuân ở giữa mùa đông khi
nắng hé”.
Thực ra, ở cuối con đường hầm bao
giờ cũng là ánh sáng, ở trong khổ đau sẽ có chất liệu của hạnh phúc, cái quan
trọng là cách ta nhìn về khổ đau ấy, cũng như nhìn về “bùn” và “sen” trong thực
thể biểu hiện giữa cuộc đời, như ông nói “Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”.
Đừng đóng khung suy nghĩ của
mình, đừng để mình chết cứng với cái được gọi tên là bất hạnh, khổ đau, là đời
tôi chẳng còn gì. Chỉ cần mình nghĩ khác, nhìn khác, sống khác thì mình sẽ thấy
giá trị của cuộc sống và tất nhiên không đặt dấu chấm hết cho chính mình, cũng
như dồn mình vào bức tường, để rồi buông xuôi, tự hại.
Ngày nay, không thiếu những người
rơi vào những trạng huống tuyệt vọng, đau thương bởi có quá nhiều áp lực cũng
như quá nhiều ham muốn mà lắm khi con người cứ chạy theo, đeo đuổi, kiếm tìm.
Danh lợi, bạc tiền… nếu là thứ
hạnh phúc cuối cùng và duy nhất thì chắc bao đời nay những người giàu, có quyền
lực, địa vị đã không phải khóc. Nhưng, thực tế không phải như thế, mà “người
giàu vẫn khóc”, nước mắt vẫn chảy ở những con người giàu có, danh vị rỡ ràng
đấy thôi! Thế nên, ai cũng có những niềm đau riêng, nhưng nếu cứ đau và nghĩ
niềm đau ấy sẽ còn mãi thì sự vô thường đâu thể xem là một sự bất biến trong
cuộc đời này? Mà đã vô thường, và vô thường (sự thay đổi) đã là một định luật,
là điều duy nhất không đổi ở cuộc sống sanh-tử này thì cớ sao mình lại đau
thương, tuyệt vọng?
Nghe Trịnh, lắng từng chữ, từng
dòng, để rồi tôi vỡ ra điều mình u tối trước đây, tri thức được mở cửa, thắp
sáng bởi những ca từ giàu chất biểu cảm, gợi mở của ông: “Tôi là ai mà còn ghi
dấu lệ/ Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai, là ai, là ai/ Mà yêu quá đời
này”. Rồi cuối lời tâm sự, ông nhắc lại:
“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.
Vâng, thì em hồn nhiên, rồi em sẽ
bình minh. Làm người, quan trọng là nhận diện được thực tế, hiện tại để nếu mệt
quá thì “tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” (Ngẫu nhiên) có nghĩa là dừng lại và rồi
đi tiếp, “đừng-tuyệt-vọng”! Với tôi, đó
là tình yêu con người, một bài học về đạo đức, để ai đó có duyên nghe được
không bao giờ rũ bỏ niềm tin và tìm tới cái chết như một sự giải thoát mang tên
dại khờ…
Nguyễn Phong Châu