Cái ăn

Nếu tôi không lầm, thì kể từ khi những làn gió lạnh len lén trở về, cũng là lúc người ta bắt đầu “mùa ăn nhậu’’.

Thực vậy, mùa mưa đã qua đi cùng với lũ lụt và dông bão, để chào đón những ngày nắng ấm và trong xanh.

Thiên hạ thường bảo: chim chóc cứ đến mùa làm tổ, thì con người cũng đến mùa cưới hỏi, đây chính là thời gian cho những cặp tình nhân, trẻ cũng nhữ già, hối hả đi xây tổ uyên ương.

Mà đã làm đám cưới, thì thế nào cũng phải có tiệc tùng. Mỗi lần nhận được thiệp hồng với một tí trà… móc câu, là phải chuẩn bị hào bao và dạ dày để…ăn cưới.

Rải rác vào thời điểm này là những ngày lễ lớn, như Giáng sinh, tết tây và tết ta. Để lễ được lớn và thêm phần long trọng thì không thể thiếu vắng phần ăn nhậu, như thiên hạ vẫn thường bảo:

- Trước là kính thánh, sau la đánh chén.

Đúng là người ta ăn nhậu tơi bời hoa lá, người ta tiệc tùng tưng bừng khói lửa.

Ngày xưa, lúc còn trẻ hồ hởi ăn nhậu bao nhiêu, thì bây giờ khi đã có tí tuổi, lại cảm thấy ngán ngẩm khi phải vác cái thân già cho đình đám bấy nhiêu.

Nào là thời giờ bị đảo lộn. Nào là bao tử bị hành hạ… tham thực cực thân! Dẫu sao thì cũng vẫn phải đi vì tình nghĩa, vì nợ miệng…chuyện đời mờ lị.

Vậy thì người ta ăn để mà làm gì?

Câu hỏi này quả thực xưa như trái đất và một đứa nhỏ cũng có thể trả lời “phăng xi lô’’ rằng:

- Ăn để mà sống, chứ còn để làm cái đí gì nữa. Khéo ỡm ờ, vờ vĩnh, vẽ chuyện!

Thực vậy, người ta ăn để mà sống. Giống như chiếc xe không xăng dầu thì không thể nổ máy và chạy được. Cũng vậy, nếu không ăn, không đổ “xăng’’, không bồi dưỡng, chúng ta sẽ không thể nào sống và hoạt động cho nổi.

Kinh nghiệm bản thân cho thấy:                    

- Khi bụng đói, thì mắt mờ tiệt và tay chân bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua.

Đặc biệt là những ngày ăn chay. Mới kiêng nhim nhím tí xíu, mà lúc gần tới bữa, đã thấy đói cồn đói cào. Và mẹ gã thường bảo:

- Đó là chước mốc ma quỉ.             

Không kể trường hợp suy dinh dưỡng, mà nhiều người Việt Nam chúng ta vốn thường mắc phải do cái bệnh nghèo, hiện nay trên thế giới hàng triệu người đang lâm vào cảnh đói kém.

Những em bé chỉ còn da bọc xương nằm la liệt chờ đợi chút thực phẩm nhân đạo để sống qua ngày xuất hiện dài dài trên màn ảnh truyền hình, chẳng biết có đánh động được cõi lòng băng giá nào không hầu góp tí tiền còm làm phúc bố thí.

Ăn để mà sống, đó là chuyện đời thường, nhưng đời thường vốn có những cái nghịch lý của nó. Vì thế, không thiếu gì những người sống để mà ăn.

Họ đi tìm những khoái cảm trong việc ăn uống. Có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Ăn no uống đủ nhưng vẫn chưa đã. Và thế là “a-lê-hấp’’ móc cổ họng cho chó ăn chè để tiếp tục nhậu nữa. Tiệc một chưa đủ bèn rủ nhau gầy sòng  làm tiệc hai.

Bên cạnh những kẻ thiếu ăn, có những bàn tiệc mâm cao cỗ đầy, thức ăn thừa mứa, mà mỗi khẩu phần trị giá bằng cả một năm lao động cực nhọc của những kẻ khố rách áo ôm. Đúng là tác phong ném tiền qua cửa sổ.

Thánh kinh diễn tả rất đúng về hạng người thừa tiền và rửng mỡ này, khi gọi họ là những kẻ chỉ biết lấy cái bụng của mình làm chúa, “quorum deus venter est’’!

Tiếp đến, người ta thường ăn những gì?

Thưở ban đầu, khi còn là những bộ lạc du mục, người ta ăn những gì kiếm được trên rừng như: hoa trái, thịt thà, cá mú… và thường là ăn sống nuốt tươi cho đến khi tìm ra lửa.

Với lửa, người ta bắt đầu chế biến những thức ăn tươi sống thành những món cao lương mỹ vị. Từ đó nghệ thuật nấu nướng không ngừng phát triển.

Nếu là một triết gia, hẳn gã đã phát biểu một cách rất hách xì xằng  như sau:

- Người là một con vật biết nấu nướng.

Lời phát  ngôn này chắc chắn sẽ được treo ở các nhà hàng, tiệm ăn và xó bếp.

Có lần gã định viết một luận án phó tiến sĩ  về vấn đề này.

Đường đường là một đấng nam nhi, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, gã bèn truyền cho mấy cô em gái giao nộp cho mình tất cả những cuốn sách nữ công gia chánh.

Suốt mấy tuần liền chúi mũi vào đống sách ấy để mà…”ngâmkíu’’. Từ bản mục lục phân tích do mình tự biên tự diễn, gã nghiệm ra rằng thì là mọi món ăn đều được chế biến dưới bốn dạng khác nhau:

- Dạng thứ nhất qua nước hay hơi nước như: luộc, hấp…

- Dạng thứ hai qua dầu mỡ như: chiên, xào…

- Dạng thứ ba qua lửa như: nướng…

- Dạng thứ bốn là chơi tươi sống như ăn gỏi…          

Nắm vững bốn dạng này, rồi tùy cơ ứng biến, thêm mắm thêm muối, thêm hành thêm tỏi, uyển chuyển trong cách thức trình bày, để mà thiên biến vạn hóa, trở thành những món ăn khác nhau, vừa bắt mắt lại vừa khoái khẩu.

Thế nhưng, bao tử con người vốn có những đòi hỏi kỳ cục, hay nói đúng hơn người ta càng bày ra những món ăn lạ đời thì lại càng nổi tiếng.

Chẳng hạn như máu nào chẳng là máu, nhưng khi ngả thịt con bò, phải múc lấy bát màu từ trong lồng ngực của nó mà…húp xùm xụp, thì mới bổ béo.

Dân ghiền thịt rắn, trước khi xơi thịt phải uống máu nó bằng cách treo con rắn lên chặt mẩu đuôi, rồi kê miệng vào đó mà mút như cu Tí bú sữa mẹ, hay để cho những giọt máu ấy nhỏ xuống ly rượu nồng rồi chuyền tay nhau mà uống.

Và theo những thày lang chính hiệu con nai vàng, thì đây mới đúng là “tửu xà’’ rượu rắn thứ thiệt đại bổ.  Uống vào không bổ ngang cũng bổ dọc, và nếu lỡ quá chén chút xíu, bảo đảm sẽ… “bổ chẩng’’ liền tại chỗ.

Thiên hạ có kể cho gã nghe câu chuyện sau đây:

Ngày xưa, Từ Hi Thái Hậu bên Tàu mở tiệc thiết đãi các ông tây bà đầm. Bữa tiệc có một món đặc biệt đó là món óc khỉ.

Bàn ăn được khoét một lỗ nhỏ cho mỗi người. Dưới lỗ nhỏ ấy là một hộc bên trong nhốt một con khỉ.  Chỏm đầu con khỉ vừa vặn với lỗ nhỏ ấy.

Tới lúc thực khách xơi món này, người ta chỉ cần dùng một con dao thật sắc, phạt ngang một phát, bay luôn chỏm đầu cho óc khỉ hiện lên. Thực khách chỉ cần nêm vào đó chút muối tiêu chanh, rồi dùng thìa mà múc như khi ăn… vịt lộn vậy.

Một  định luật kinh tế được áp dụng trong phạm vi nghệ thuật ăn uống đó là phàm cái gì càng hiếm thì lại càng quí. Mà càng quí thì lại càng mắc.

Thẩn thơ trên hè phố Sàigòn, tôi đã từng đọc thấy những mẩu quảng cáo của các nhà hàng đặc sản. Thôi thì từ rùa, rắn, chuột đến khỉ, nai, tê tê… tất cả mọi thứ trên trời, dưới biển cũng như trong rừng đều chui tuốt luốt vào cái bụng con người.

Thảo nào mà có biết bao nhiêu loài động vật quí hiếm đang dần dần bị tuyệt chủng. Mai mốt con cháu mình chỉ còn thấy chúng qua hình ảnh của những trang sách nằm trong thư viện mà thôi!

Đồ ăn thì để mà ăn, đó cũng là chuyện đời thường. Tuy nhiên, có những thứ không thể đút vào miệng mà ăn, thế mà người ta vẫn cứ phải ăn hay cứ vẫn muốn ăn.

Trước hết, có những thứ không thể ăn mà vẫn phải ăn, nổi cộm trong lãnh vực này đó là ăn đòn.

Gã nhớ rất rõ, hồi còn bé ít khi nào ba gã cho gã ăn đòn. Nhưng đã cho ăn, thì phải ăn đến nơi đến chốn, không biết bao nhiêu roi mà kể.

Việc ăn đòn cũng có mục đích cao cả của nó. Cha mẹ cho con cái ăn đòn là để giáo dục chúng, cho chúng biết vâng lời. Còn trong chốn giang hồ, xã hội đen, thì cho nhau ăn đòn là để đánh phủ đầu, dằn mặt nhau lần sau chớ có làm như vật nữa. Con nít Tây phương bây giờ được pháp luật bảo vệ, chẳng được… ăn đòn, nghĩ cũng uổng.

Tiếp đến, có những thứ không thể ăn mà người ta vẫn muốn ăn, đó là ăn tiền.

Thực vậy, nhìn vào cuộc sống chúng ta thấy có biết bao nhiêu mánh mung, có biết bao nhiêu cách thức để ăn tiền của nhau.

Gã nghĩ rằng ăn tiền đó là cả một nghệ thuật, cũng thiên biến vạn hóa đến qủy thần cũng không lường nổi.

Gã xin kê đơn hoàn tán, đại khái như sau: ăn bẩn, ăn hối lộ, ăn bòn, ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm, ăn chận, ăn gian, ăn quỵt, ăn bớt… Tất cả những kiểu này đều có một mẫu số chung là tiền.

Hiện nay việc ăn hối lộ là một cơn bệnh trầm trọng, không riêng gì Việt Nam, mà hầu như quốc gia nào cũng mắc phải. Nó làm cho dân chúng khổ cực, đất nước nghèo túng và chính quyền sụp đổ.

Nhưng thấy tiền ai mà chẳng muốn xơi, nhất là tiền chùa của nhân dân cũng như của nhà nước.

Một đứa con nít cũng thấy được quyền lực và giá trị của đồng tiền:

- Có tiền mua tiên cũng được

- Tiền là tiên là phật
  Là sức bật của người già
  Là cái đà của danh vọng
  Là cái lọng để che thân
  Là cái cần của công lý          

Ăn tiền là chuyện khó. Nhưng chùi mép sau khi đã ăn tiền cũng lại là chuyện khó nữa. Vì nếu không khéo chùi mép, chắc chắn một lúc nào đó sẽ thân bại danh liệt, nằm bóc lịch trong nhà đá  mà than thở:

- Của Cêsar trả cho Cêsar… Của thiên trả địa…sự giả trá thế gian là như thế đó.

Sau cùng gã xin viết thêm chút xíu nữa cho câu hỏi:

- Phải ăn như thế nào?

Kinh nghiệm cho thấy: nhân cách con người được biểu lộ rất rõ trong khi ăn.

Thực vậy, người tham thì muốn xơi luôn phần của kẻ khác. Gã nhớ mang máng trong một cuốn sách nào đó về phép lịch sự có kể mẩu chuyện như sau:

Bàn ăn có bốn người. Đĩa có bốn miếng giò. Anh chàng tham ăn gắp cá cặp một phát hai miếng liền, rồi giả bộ vẩy vẩy để cho nó bong ra.

Thế nhưng, người ngồi cạnh bèn kê tủ đúng vào miệng hắn ta mà nói:

- Anh có lấy chân mà đạp, thì nó cũng chẳng bong ra đâu.

Người bất lịch sự thì chỉ biết cúi mặt xuống như muông chim mà ăn lấy ăn để, chả còn lưu ý tới kẻ khác. Họ có thể ợ ngáp như ở trong phòng riêng. Họ có thể húp canh sùm sụp như biển gầm sóng vỗ, muốn trôi cả bàn ghế và những người chung quanh.

Vì thế, cha ông chúng ta đã dạy:

- Học ăn học nói học gói học mở.
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

Tuy nhiên, có một góc cạnh của bữa ăn chúng ta cần lưu ý đó là bầu khí yêu thương.

Thực vậy, bữa ăn là lúc qui tụ những người có cùng một mẫu số nào đó. Mẫu số ấy có thể là tình nghĩa ruột thịt như bữa ăn trong gia đình, cũng có thể là một niềm vui hay một nỗi buồn như tiệc cưới, đám giỗ…hay công việc làm ăn.

Trước hết, những người cùng bàn chia sẻ  với nhau thức ăn, nguồn sinh lực cho thân xác. Trong cuốn “Người Việt cao quí”, tác giả Pazzi đã ca tụng chén nước mắm của mâm cơm Việt Nam. Hơi mất vệ sinh một tý đấy nhưng lại là một biểu tượng của chia sẻ và hiệp thông.

Tiếp đến, những người cùng bàn còn chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi buồn… vì vậy cần phải tạo ra một bầu khí yêu thương cho bữa ăn, đừng biến nó trở thành phiên tòa xử án con cái hay trở thành một dịp để đả kích, chửi xéo lẫn nhau vì:

- Trời đánh còn tránh bữa ăn.

Gia đình Việt Nam đâu cần đến những thứ cao lương mỹ vị mới nồng nàn yêu thương, trái lại chỉ cần:

- Canh tôm nấu với ruột bầu
  Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Viết đến đây gã cảm thấy hết chất, bèn phải vác tự điển ra để tra cứu và tham khảo thêm, gã bỗng khám phá ra rằng:  phạm trù ăn là một phạm trù quan trọng vào bậc nhất trong ngôn ngữ Việt Nam.

Thực vậy, để diễn tả động tác “ăn”, ngôn ngữ Việt Nam thật là phong phú.

Trang trọng thì:

- Xơi, mời…

Bình thường thì:

- Ăn, dùng…

Vui vẻ thì:

- Nhắm, nhậu, lai rai…

Bực bội tức tối thì:

- Đớp, hốc…

Nếu Phạm Quỳnh đã viết:

- Dân An nam ta phàm cái gì cũng cười.

Còn gã, gã cũng có thể xác quyết:

- Người Việt Nam chúng ta  phàm cái gì cũng ăn.

Vui cũng ăn như ăn cưới, an khao. Buồn cũng ăn như ăn đám ma, ăn đám giỗ.

Trong “Việt Nam từ điển” của Lê Văn Đức, gã đếm được cả thảy hơn một trăm năm chục tiếng được nghép với chữ ăn, như: ăn chay, ăn chực, ăn vụng… Thậm chí có những hành động chẳng hề liên hệ tới mồm miệng hay lục phủ ngũ tạng mà vẫn được ghép với chữ ăn  như: ăn đòn, ăn gian, ăn trộm, ăn năn…

Gã không biết Thượng đế có bé cái lầm hay không khi trao ban cho mỗi người chúng ta một cái miệng. Công dụng của cái miệng là nói và ăn.

Rất nhiều lần chúng ta đã phải khổ sở vì những lời dèm pha đầy ác ý. Lưỡi người còn sắc hơn cả gươm giáo và độc hơn cả nọc ong. Số người chết vì cái lưỡi còn nhiều hơn vì chiến tranh. Lời nói có thể làm cho chúng ta thân bại danh liệt, tiêu tan sự nghiệp.

Còn cái khoản ăn cũng không kém phần nhiêu khê và rắc rối. Người ta lao động quần quật cũng để tìm kiếm của ăn đút vào miệng. Cái miệng con người đã làm cho bao súc vật bị tuyệt chủng, cây cối đi đến chỗ xác xơ tiêu điều… và đến núi cũng phải lở.

Rồi những cuộc chiến tranh giữa người với người đã xảy ra cũng chỉ vì miếng ăn. Ôi, miếng ăn quả là miếng nhục.

Giá như con người không phải ăn nữa thì sẽ lợi biết bao nhiêu. Lợi được thời gian. Lợi được công sức. Lợi được tiền bạc. Nhưng mà có lẽ lúc bấy giờ đời cũng sẽ buồn đi rất nhiều.

Vì thế, gã vẫn cứ phải chịu khó ăn để mà sống mỗi ngày, cho dù là ăn những của đắng đót.

Previous Post
Next Post