Làm sao cho cái ác không nảy mầm trong tâm hồn trẻ?

Tâm hồn trẻ thơ thường được ví như tờ giấy trắng; và tờ giấy trắng ấy trắng tinh hay vấy bẩn phụ thuộc rất nhiều vào người lớn chúng ta. Gần đây, nhiều người đã tỏ thái độ từ hoảng hốt, bất bình đến giận dữ, phẫn nộ… khi được xem một chương trình truyền hình có cảnh bốn đứa trẻ xúm nhau cột một con mèo con dễ thương vào vỏ hai chiếc chai nhựa rồi thả xuống hồ bơi để xem mèo phản ứng như thế nào? có nổi trên mặt nước hay không?

Người xem đã hoảng hốt, bất bình, giận dữ, phẫn nộ … Như thế bởi cảnh con mèo con tội nghiệp vẫy vùng tuyệt vọng kêu la thảm thiết kia là cảnh thật chứ không phải được tạo ra bởi thủ thuật dựng phim, và mấy đứa trẻ ra tay hành hạ, ngược đãi con vật nuôi khốn khổ chỉ để làm thí nghiệm lại hoàn toàn vô tư, xem như chẳng có gì bất thường xảy ra, bên cạnh những người xem thuộc loại “mẫn cảm”, không chịu được cái ác, hoặc biểu hiện của cái ác lộ liễu tung hoành, vẫn có người dửng dưng khi chứng kiến những cảnh tượng thể hiện sự hung bạo và ác độc như thế.

Tôi đã hỏi một người quen về cảnh quay mấy chú mèo làm thí nghiệm bằng cách hành hạ vật nuôi như thế để xem thái độ của ông ta như thế nào. Người đó đã cười và nói với tôi “có gì mà ầm ĩ, kết cục thì con mèo đó có chết đâu. À mà này, mình đã ăn thịt tiểu hổ nhiều lần rồi, ngon hơn thịt thỏ nhiều lần đấy nhé”. Rõ ràng, đối với người xem mèo là món ăn khoái khẩu, người ta trông thấy cảnh một con mèo đột nhiên không vì một lý do gì bị người ta đá cho một cái nên thân, thì thật chẳng có gì để phải động lòng. Đối với những người có trách nhiệm quay cảnh con mèo con khốn khổ bị ngược đãi kia, thiết nghĩ, chỉ khi bị báo chí phát hiện, bấy giờ mới có người giật mình nhận thức rằng những cách quay như thế chính là hạt giống xấu có thể nẩy mầm trong tâm hồn con trẻ mà mình đã góp phần gieo vào.

Phim ảnh của Mỹ thường bị phê phán là bạo lực. Tuy nhiên, nếu theo dõi các phim cũa Mỹ được chiếu trên truyền hình sẽ thấy những nhà làm phim rất tôn trọng sự sống của thú vật. Nếu phim có sự tham gia của ngựa, chó, mèo… kết thúc bộ phim đều có lời cam đoan của các nhà làm phim là đã không ngược đãi hoặc giết hại bất cứ loài vật nào. Đây có thể là luật, và luật này đã được soạn thảo bởi những người có tâm huyết với công cuộc bảo vệ động vật. Ở nơi có những người tâm huyết như thế, chắc chắn tâm hồn trẻ thơ nơi đó đã không nảy mầm những hạt giống ác là ngược đãi hay hành hạ thú vật.

Ở đây, người viết bài này tỏ ước mong sao cho cái ác không nảy mầm trong tâm hồn con trẻ. Để làm được điều đó,có nhiều phương cách thực hiện bởi đông đảo mọi người, nhưng có lẽ, có phương cách hết sức quan trọng là làm sao giáo dục giới trẻ thấu hiểu để tôn trọng sự sống nói chung, trong đó có sự sống con người và sự sống loài vật chung quanh mình. Có những cách cư xử hay những bài học rất hay, xuất phát từ truyền thống của dân tộc ta về tôn trọng sự sống của loài vật có thể dùng giáo dục trẻ.

Cách đây vài năm, tôi có hướng dẫn một sinh viên làm đề tài nghiên cứu tốt nghiệp đại học. Khổ nỗi, đề tài này liên quan đến súc vật là chuột lang (cobaye). Nhằm khảo sát sự biến đổi của niêm mạc dạ dày của chuột dưới tác động của một loại thuốc. Con chuột dùng làm thí nghiệm phải bị giết bằng cách bẻ cổ đúng phương cách khiến nó chết tức khắc; sau đó người làm thí nghiệm mổ bụng con vật lấy dạ dày quan sát. Em sinh viên đã chuẩn bị phần thực nghiệm rất chu đáo, nhưng khi đứng trước chuồng nuôi chuột, em lại khóc nức nở: “Thưa Thầy, em không thể giết những con chuột này được đâu! bởi em theo đạo Ông Bà cha mẹ, ăn chay mồng một, ngày rằm, đặc biệt em phải theo ngũ giới cấm, tức năm giới của Đạo Phật không được sát sanh”. Sau đó em nói với tôi những điều đã thuộc làu trong tâm khãm: “ Năm giới gồm có: giới thứ nhất là bảo vệ sự sống, tức không sát san, giới thứ hai là bảo vệ sự liêm khiết bản thân tức không trộm cắp, giới thứ ba là bảo vệ hạnh phúc cá nhân và gia đình tức không tà dâm, giới thứ tư là nói nghe trong chánh niệm tức không nói dối, giới thứ năm là tiêu thụ trong chánh niệm tức không uống rượu và dùng chất gây nghiện.”

Tôi nói với em: “em nên biết, không chỉ thử nghiệm lâm sàng, tức thử thuốc trên người, là phải tuyệt đối theo đúng tiêu chuẩn y đức, mà ngay cả thử nghiệm trên súc vật, chúng ta cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức đối với súc vật mà thế giới đề ra. Nếu em làm đúng theo quy trình thử nghiệm đã thiết kế, đặc biệt không làm điều gì là ngược đãi hành hạ thú vật trước khi giết chúng là đươc rồi. Hơn nữa chúng bị hy sinh là vì khoa học, và việc ta nên làm là cần thiết và bất đắc dĩ ”.

Có người lại kể, nhiều gia đình thấy con cái lỡ tay giết chết con mèo con vì chơi đùa, theo truyền thống lập hẳn một bàn thờ để mấy đứa cúng lạy chú mèo con xấu số và hứa không làm điều ác như thế nữa.

Truyền thống của ông bà chúng ta có những cách dạy dỗ con em tôn trọng sự sống của loài vật như thế đó. Cách đây đã lâu, ba má tôi hay những người thuộc trang lứa hai ông bà đã được dạy những bài học nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc trong quyển sách xưa là  QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ. Mới đây tôi có dịp dọc và thấm thía với bài: Đứa bé và con mèo, đăng trong quyển sách đó như sau:

“Cô Mão thơ thẩn ngồi chơi một mình trong vườn, cô thấy con mèo lượn qua, cô gọi, cô vẩy lại,. Mèo đến lẩn quẩn ở bên cạnh, cái đuôi ve vẩy như vui mừng, cái đầu ngẩng lên như chào hỏi, miệng kêu “meo meo” ra dáng bằng lòng lắm.

Cô Mão chơi với con mèo cũng lấy làm vui thích, cô lấy tay vuốt ve nó, ôm nó vào trong lòng. Nhưng được một chốc, cô nắm lấy cái đuôi mèo, kéo một cái thật mạnh. Mèo bị đau, giận quá, giơ ngay chân quàu cô một cái, xước cả tay rồi bỏ đi mất.

Cô Mão xuýt xoa, lại thơ thẩn ngồi một mình trong vườn. Thế mới biết người ác chẳng ai chơi với”.

Rất mong thay, giáo dục trẻ con ta hiện nay nên có những bài viết nhẹ nhàng, sâu sắc, chẳng có gì gọi là “lên gân” như vậy.

Previous Post
Next Post