Bước vào ngưỡng cửa thế kỷ XXl, loài người đang dần khẳng định mình với những phát minh siêu việt của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, nhưng cũng chính là lúc họ phải đau đầu với những vấn đề xã hội.
Họ chế tạo những máy móc tân tiến làm thay sức lao động con người và cho năng suất cao. Họ bay vào vũ trụ khám phá, tìm tòi, họ đào sâu vào lòng đất khai thác những mỏ khoáng sản có giá trị. Thế nhưng, bên cạnh đó thì xã hội loài người ngày càng rối ren, lộn xộn bởi tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tệ nạn xã hội, tính chất bạo lực gia tăng và quan trọng hơn hết là vấn đề khủng hoảng tâm lý, nhất là giới trẻ.
Đứng trước những vấn đề đó, các nhà lãnh đạo đất nước từ Đông sang Tây đều có nhiều biện pháp nhằm ổn định lại xã hội. Nhưng tiếc thay, những giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời không giải quyết triệt để vấn đề nên cũng như công dã tràng se cát mà thôi. Thử đơn cử một ví dụ, lấy vấn đề tệ nạn xã hội chẳng hạn. Thường ngày qua báo chí, ti vi, đài phát thanh hay những cuộc hội thảo bàn về tệ nạn xã hội... đều có những mục tuyên truyền về tác hại của các tệ nạn xã hội nhưng bên cạnh đó các vũ trường, khách sạn, phim ảnh, sách báo mang nội dung thiếu lành mạnh vẫn cứ lan tràn. Mặt khác, lòng tham con người thì vô đáy mà ma lực đồng tiền thì quá hấp dẫn nên càng ngày những bài tuyên truyền trở thành vô nghĩa và nhàm chán. Chúng ta sẽ chẳng thay đổi được gì nếu lòng tham con người vẫn chưa được soi sáng.
Vậy, phải làm thế nào để giải quyết các vấn đề này một cách trọn vẹn và hướng đến một xã hội ổn định thật sự? Cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện hữu giữa cõi Ta-bà này trên đất Ấn. Ngoài những giáo lý căn bản, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và những giáo ý khác, đức Phật còn dạy về Tam quy-Ngũ giới. Ở đây, ta khoan bàn luận về pháp Tam quy mà chỉ xoay quanh Ngũ giới. Ngũ giới, đây là một nền móng quan trọng xây dựng nên đạo đức căn bản của một con người ở cuộc đời và cũng nền móng vững chắc để bước lên quả vị Chánh giác. Thói thường, phần lớn người đời đều hiểu rất sai lầm về Đạo Phật, cho rằng Đạo Phật cũng giống như các tôn giáo khác là siêu nhiên, là bi quan yếm thế, là trốn tránh cuộc đời... Hiểu như thế thì thật là quá thiển cận. Nếu chỉ nhìn sâu vào năm giới cấm này thôi, đã thấy Đức Phật xây dựng năm giới cấm hoàn toàn trên nền tảng của nhân tính.
Con người vốn là sản phẩm hoàn hảo, là đứa con lai giữa chất Phàm và chất Thánh. Nói như một nhà triết học “Con người không hẳn là thần thánh mà cũng không hẳn là thú vật”. Không hẳn, tức là đều có mang trong mình chất phàm và chất thánh nên khi gặp điều kiện thuận lợi đối với bên nào thì bên đó phát triển. Cũng vậy, năm giới cấm của Đức Phật do xây dựng trên nền tảng của nhân tính, nên đây là điều kiện cần và đủ để hoàn thiện giá trị đích thực của con người. Nói cách khác, là nâng cao chất Thánh và xóa dần đi chất Phàm trong mỗi con người.
Quay trở lại với các vấn đề xã hội, một khi muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, muốn giải quyết những tiêu cực trong xã hội thì trước tiên cái nút cần phải gở chính là xây dựng con người.
Theo quan điểm của Phật giáo, một con người lý tưởng phải là con người được thiết lập bởi năm giới cấm.
Giới thứ nhất Đức Phật dạy đó là không sát sanh. Một người đã thọ nhận giới này thì suốt đời tránh xa sự giết hại, từ các bậc Thánh nhân, loài người cho đến các loài bàng sanh và ngay cả các loài có mạng sống, có tri giác. Không giết hại tức là trước hết tự tôn trọng và bảo vệ sự sống của mình, của mọi người và môi sinh. Xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mọi con người trong xã hội biết tôn trọng sự sống của nhau, biết chia sẻ cho nhau tình người. Thử hỏi một xã hội như vậy thì vấn đề bạo lực có còn tồn tại hay không? Vấn đề môi sinh có còn đáng để nhức đầu nữa hay không?.
Bên cạnh sự tôn trọng, bảo vệ sự sống, con người phải biết thường xuyên luyện tập cách tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác cũng như tâm chia sẻ cho nhau. Đây là giới cấm thứ hai mà Đức Phật dạy để tránh xa sự trộm cắp từ vàng bạc châu báu cho đến cây kim ngọn cỏ. Thực hiện đầy đủ giới cấm này thì xã hội sẽ không còn những bất công, sẽ không còn giai cấp đối kháng nhau. Hơn nữa, giới cấm này là liều thuốc hay nhất để đối trị tâm tham lam của con người. một khi tâm tham lam bị loại bỏ thì sẽ giải quyết được rất nhiều mặt tiêu cực của xã hội như tham nhũng, buôn lậu vv...
Như đã nói ở trên, muốn xây dựng xã hội thì trước tiên phải xây dựng con người. Xã hội sẽ chẳng thể nào ổn định một khi giá trị nhân bản của con người bị chà đạp. Quay trở về với các chế độ chính trị trước đây như chế độ chiếm hữu nô lệ hay phong kiến. Con người bị mua bán như một đồ vật, trở thành nô lệ, tay sai cho những ông chủ giàu có lắm quyền hành. Nhìn lại xã hội loài người hiện nay tuy rằng không có những biểu hiện một cách lộ liễu như vậy nhưng dưới hình thức này hay hình thức khác giá trị con người vẫn chưa được khẳng định. Góp phần tích cực với những thế lực, những phần tử chà đạp lên giá trị con người chính là sự tà hạnh. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên nhiều tệ nạn xã hội và dìm sâu những phẩm tính cao quý của con người xuống tận đáy bùn đen. Ý thức được những tác hại to lớn do tà hạnh gây ra, nên Đức Phật đã cảnh báo cuộc đời bằng cách tuyên bố giới cấm thứ ba. Người giữ giới cấm này suốt đời tránh xa sự tà hạnh, ngoại trừ vợ chồng đã cưới hỏi hợp lý. Giữ được một cách trọn vẹn như thế thì cũng đồng nghĩa tự nâng cao giá trị nhân bản của chính mình. Từ nơi giá trị nhân bản của mỗi con người sẽ đi đến một xã hội có tính nhân bản cao. Hơn nữa, đứng trên một khía cạnh nào đó, giới cấm này nhằm bảo vệ hạnh phúc cho con người, gia đình và xã hội.
Hiện nay trên thế giới tình trạng ly hôn đang đứng trước con số đáng báo động và gây ra khủng hoảng gia đình. Những biểu hiện đó cũng đều bắt nguồn từ tác nhân của sự tà hạnh. Thế nên, giới cấm thứ ba này là bức thông điệp hạnh phúc mà Đức Phật đã trao tặng cho thế giới.
Ở đây, thiết nghĩ cũng cần lạm bàn thêm về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đây là vấn đề nóng bỏng, là hiểm họa của toàn nhân loại. Căn bệnh này đã cướp đi biết bao sinh mạng con người, hủy hoại biết bao thế hệ. Do đó, căn bệnh này gây sự chú ý rộng lớn, đã có rất nhiều tổ chức, nhiều cuộc hội thảo mang tính quốc tế nhằm ngăn chặn nó. Thế nhưng, tình hình nhìn chung vẫn không mấy sáng sủa. Tại sao vậy? Cũng do chúng ta chỉ đối trị mang tính hình thức mà nội dung thì chưa sâu sắc. Có bao giờ con người nhìn sâu và chiêm nghiệm nguồn gốc của nó chưa? Thử hỏi muốn diệt cỏ cú mà không đào sạch củ của nó thì có diệt được không? Khi đã có được cái nhìn sâu, thấy rõ sự tà hạnh chính là cái gốc của căn bệnh thế kỷ này, thì chúng ta tiêu diệt nó bằng cách áp dụng giới cấm thứ ba vào đời sống xã hội. Với giới không tà hạnh, ý thức của mỗi người tự nâng cao. Chính ý thức con người được nâng cao nên việc loại bỏ căn bệnh này không phải là điều không tưởng.
Qua ba giới cấm đã trình bày, thì một xã hội ổn định, tươi đẹp đang dần dần được định hình. Nhưng ở đây Đức phật muốn hoàn thiện thêm nhân cách con người, xã hội nên dạy chúng ta giới cấm thứ tư và thứ năm.
Giới cấm thứ tư là không nói dối nghĩa là suốt đời tránh xa lời nói có nói không, không nói có, nghe nói không, không nói nghe... Đây là một vấn đề rất nhạy cảm đối với xã hội. Hiện nay, niềm tin giữa con người với nhau đang sứt mẻ dần. Một xã hội mà niềm tin giữa con người với nhau không được bảo đảm thì xã hội đó sẽ chìm trong đau khổ và phiền não. Tất cả sự sứt mẻ về niềm tin này đều do lời nói, hành động không chân thật gây nên. Một lời nói, một hành động được gọi là không chân thật biểu hiện qua bốn hình thức. Thứ nhất là lời nói, hành động mang tính dối trá, hư vọng. Thứ hai là lời nói thêu dệt, phóng đại. Thứ ba là lời nói thô ác, mắng nhiếc nhau và thứ tư là lời nói hai lưỡi. Do đó, giới cấm thứ tư này có công năng bảo đảm giá trị, uy tín cho con người. Thêm nữa, giới cấm này cũng nhằm củng cố niềm tin giữa con người với nhau và đi đến một xã hội không còn nghi ngờ, không còn lường gạt nhau để sống.
Từ nhân cách con người được nâng cao và hoàn thiện thì trí tuệ cũng cần được khai mở để đi đến một xã hội mà trong đó mỗi con người hội đủ hai yếu tố trí và đức. Muốn đạt được như vậy thì phải ý thức về những khổ đau do sự tiêu thụ những thực phẩm của thân và tâm một cách thiếu suy nghĩ. Đây là toàn bộ nội dung mà giới cấm thứ năm của đức Phật đã dạy. Người thọ giới này suốt đời tránh xa uống các thứ rượu và mọi thứ làm cho tinh thần đảo lộn say sưa. Ở đây, nếu ta nhìn vào giới cấm này bằng chiều sâu của con mắt tuệ quán thì giới cấm này không những bảo đảm cho chính bản thân người hành trì mà còn bảo đảm cho đời sống tổ tiên, dòng họ tâm linh và huyết thống của họ nữa.
Qua một số trình bày mang tính đại cương về vấn đề xây dựng xã hội trên nền tảng của ngũ giới như vậy, cho thấy bản chất tích cực của Phật giáo đi vào cuộc đời. Nhưng dẫu sao, trên sách vở cũng chỉ là một mớ lý thuyết hỗn độn, Điều quan trọng chính là ở nơi ý thức hệ của mỗi con người. Nói cách khác, mỗi người chính là mỗi viên gạch để cùng nhau xây dựng nên bức tường xã hội tốt đẹp và vững chắc.