Trong khi những câu hỏi muôn thuở về hai thế giới dường như không bao giờ có lời giải đáp, lỡ được sinh ra vào cả hai thế giới đó, dày vò bởi những câu hỏi ta sinh ra từ đâu và đi về đâu hay chỉ đơn thuần để cho dòng nước vần vũ cho đến chết; trong cái trớ trêu ấy muốn hỏi làm thế nào để quên đi nỗi lẻ loi trong vũ trụ, để thu hoạch trái ngọt từ đống vật chất phi nghĩa.
Không bàn đến việc làm thế nào để biết cái gì là có nghĩa, cái gì là phi nghĩa. Hãy dùng chữ ý nghĩa theo cách hiểu thông thường nhất, tận dụng cảm giác như một món quà kì diệu nhất của tự nhiên từng ban phát cho vạn vật.
Điểm chung nhất giữa các thế giới là chúng ta đều không biết gì về chúng. Vậy có gì khác nhau giữa một nhà khoa học khám phá thế giới vật chất và một nhà văn khám phá thế giới tình cảm? Có chăng cũng chỉ là mức độ kính trọng mà người ta dành cho chúng.
Dù ở tầng lớp xã hội nào, mức độ học thức nào đi nữa, tất cả chúng ta đều có chung những lúc cảm thấy cô độc, đau đớn hay hạnh phúc; cho dù nguyên nhân của chúng có thể khác nhau ở mỗi người. Có người nhạy cảm với những tác động tinh thần tinh tế, những thay đổi vật chất thông thường; ai khác lại buồn chán vì sự lẻ loi của con người trong vũ trụ.
Nhưng cho dù nỗi buồn có đóng băng trái tim vào giấc ngủ tưởng như vĩnh hằng, bản năng sống luôn đánh thức trái tim đó bằng liều thuốc tình cảm-món quà đặc biệt từ tự nhiên. Cho dù biết rằng một ngày nào đó trái tim sẽ lại chảy máu và muốn khép vào giấc ngủ đông, trái tim vẫn khao khát được thoát ra ngoài để rung lên theo từng ngọn gió và tia nắng.
Đáng khâm phục như David Hume giấu trái tim vào một góc mà dành hết trí lực cho con đường cô độc ông đã chọn. Hay cùng quẫn Nietzsche vì tan vỡ tình cảm mà coi khinh phụ nữ như loài người hạng hai. Càng nhạy cảm càng dễ đau, nhưng nhờ đó mà cuộc đời ông là một bức tranh phong phú và đẹp đẽ nhất.
Thế giới đối với mỗi cá nhân là những gì cá nhân đó biết chứ không phải là thế giới mà mọi người đều biết, thậm chí sự tồn tại của cái thế giới mọi người đều biết đó còn nằm trong vòng nghi ngờ. Khao khát sinh tồn và hiểu thế giới là động lực cho xã hội phát triển, theo hướng nào thì không ai biết, nhưng động lực hiểu chính mình chắc chắn là nhân tố quyết định cho một câu chuyện cuộc đời hấp dẫn. Vậy thế giới ta biết chính là của ta và do ta làm nên, nó phụ thuộc việc chúng ta làm gì với nó trong hành trình cuộc đời. Đa số sinh vật làm nên những thế giới tồi và giống nhau do chúng làm những việc giống nhau. Để có một câu chuyện kì thú mà ta thấy sống xứng đáng với những gì tự nhiên ban phát khi nhắm mắt lìa đời, phải sống vì mình, sống mãnh liệt, sống phiêu lưu, sống cùng cực, sống kinh hoàng, sống nguy hiểm. Hãy tận dụng tất cả những bản năng tình yêu, căm ghét, thù hận, khao khát của bản năng sống để sống cuộc đời này.
Nguồn: connguoi.wordpress.com