Ai trong chúng ta cũng có sẵn thói quen yêu thích cảm giác dễ chịu và kháng cự lại những cảm giác khó chịu. Đây cũng là bản năng tự nhiên của con người. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, con người đã nghiệm ra được đâu là con đường đi tới hạnh phúc chân thật. Trên con đường ấy, kẻ lữ hành đôi khi phải chấp nhận những cảm giác khó chịu, phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, tại vì chỉ có cách đó thì những chất liệu tinh anh của con người mới phát tiết ra được. Nói cách khác, một người hạnh phúc không phải là người luôn may mắn, mà ngược lại, đó chính là kẻ có nội lực vững vàng, có khả năng ôm ấp và chuyển hóa mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh.
Cố nhiên do cấu trúc tâm sinh lý mỗi người khác nhau nên bản tính cũng khác nhau, điều này ảnh hưởng nhiều nhất từ di truyền hoặc do môi trường lớn lên. Nhưng phần lớn mọi người đều có khuynh hướng tìm tới sự hưởng thụ, thích được cưng chìu, thích ăn sung mặc sướng, thích là tâm điểm chú ý của kẻ khác, thích được công nhận và khen ngợi ngay từ khi mới bắt đầu trưởng thành. Một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, muốn gì được nấy, sớm có cơ hội để bộc lộ tài năng, đi từ thành công này đến thắng lợi khác, tuy nhìn đứa bé ấy có một tương lai xán lạn đang mở ra nhưng trong chiều sâu vẫn thiếu một chất liệu cực kỳ quan trọng, đó là khả năng chịu đựng những cảm xúc xấu.
Bởi đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nếu ta không trang bị cho mình một khả năng có thể đối đầu và ứng phó mọi hoàn cảnh, thì sẽ có lúc ta ngã nhào hoặc rơi tõm vào vực thẳm khổ đau. Và chỉ có những điều bất như ý, những hoàn cảnh trái ngang xảy đến mới giúp cho những phản ứng bảo vệ cái tôi hiện ra, giúp ta tập làm quen với những phiền não trong lòng mình, để hiểu và tự học cách chuyển hóa nó. Trong đời sống, ta đã từng gặp những người có đầy quyền lực, danh tiếng, rất đông người ngưỡng mộ, nhưng họ rất dễ bị tự ái, tổn thương, một chút bất như ý xảy ra cũng có thể làm cho họ cuống cuồng, đau khổ. Đó là một kẻ yếu đuối, chưa biết cách sống và chưa có vốn sống.
Ta có thể nhận ra nội lực yếu kém của mình ngay từ thuở nhỏ như không thích chơi các môn thể thao hay các công việc có tính chất vận động nhiều đến tay chân, không thích những người bạn có cá tính tức là họ không theo sở thích của mình, không muốn đến những nơi mà người ta không quý mến mình, không thích làm cái gì có tính chất động não hay tốn nhiều công phu, không hứng thú với những môn học khô khan, không muốn đối diện với chính mình khi gặp khó khăn, không ưa những thực phẩm có tính chất bổ dưỡng nhưng lại không hợp khẩu vị, không thích những lời nói cứng cỏi dù đó là những lời góp ý chân tình, cái gì thích là phải có cho bằng được nhưng lại mau nhàm chán, còn vốn sống thì luôn dừng lại ở kinh nghiệm cũ chứ không chịu cập nhật hay khám phá…
Vì thiếu hiểu biết nên ta lầm tưởng cứ sống thật với bản năng của mình là được. Nhưng đến khi đối đầu với những trận giông bão lớn lao trong đời, ta mới phát hiện ra mình có quá nhiều lỗ hổng trong hiểu biết. Cái này bằng cấp không thể thay thế được. Vậy đó, ta đã bỏ ra hàng chục năm trời để nhồi nhét kiến thức, mục đích cũng chỉ để kiếm được nhiều tiền hay muốn được công nhận và cho đó là sự nghiệp cả đời người, chứ có mấy ai để ý tới việc nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn. Để rồi một lúc nào đó ta sẵn sàng xô ngã sự nghiệp khổ công gầy dựng ấy, thậm chí ta muốn hủy diệt luôn cả mạng sống của mình chỉ trong một cơn cảm xúc không kềm tỏa được. Dường như con người ngày càng bị cuốn vào vòng hưởng thụ bất tận của một xã hội văn minh, nhưng lại trở nên mờ mịt và bất lực với chính mình hơn bao giờ hết. Đây chính là bi kịch lớn nhất của thời đại.