Bạn thật đang sống?

Đây có thể là một câu hỏi thật ngớ ngẩn, nhưng đây là vấn đề vô cùng quan trọng, nên tôi phải đề cập đến. Nếu bạn không thể quả quyết trả lời "Vâng,tôi đang sống", có lẻ bạn chỉ có những vận động của thể xác mà chưa kinh nghiệm được sự thỏa mãn của sự sống.

1. Quan niệm sai lầm về sự sống: Những ý tưởng sai lầm về sự sống có thể khiến chúng ta mất sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, theo họ, sống là hưởng thụ cho thật sung sướng và đầy đủ: xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ v.v. Như thế chúng ta cứ mãi lo thu góp tài sản và đến bao giờ mới chịu bắt đầu sống thật? Của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ trang bị cho cuộc đời. Những đồ dùng vật chất tự chúng không thể đem lại cho ta sự thỏa mãn lâu dài được. Chứng cớ rõ ràng ấy là chúng ta rất mau chán những gì chúng ta có, và không ngừng ao ước những điều mới lạ. Chúng ta luôn nghĩ nếu có thêm vật mình đang khao khát thì sẽ mãn nguyện, nhưng thực tế không như vậy. Đạt được vật mong muốn chỉ là sự kích thích lòng tham tiến xa hơn mà thôi. Chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và là đầy tớ những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống trốn chạy xa và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng.

Một số người lại nghĩ sống là hoạt động không ngừng. Thấy một người lúc nào cũng làm việc, họ liền bảo: "Đó chính là người thật đang sống!!!". Lao mình vào hoạt động này sang hoạt động khác, gánh vác nhiều công việc, gia nhập nhiều tổ chức, phục vụ trong nhiều ủy ban, luôn luôn cầm điện thoại và đi hết nước này đến nước khác vẫn thường là hình ảnh hiện đại của con người đầy sức sống. Thế nhưng chính họ mới là kẻ vô cùng run sợ trước câu hỏi: "Bạn thật đang sống chăng?". Lúc nào họ cũng xua đuổi khỏi tâm trí những nghi vấn như: "Hoạt động của bạn thêm được gì cho bạn?". Càng đi nhanh họ càng phải tiến nhanh hơn để dập tắt mệt nhọc và chán nản. Có ai tin được đó là hình ảnh thật và cuối cùng của cuộc đời không?

Người khác cho rằng sự sống gói trọn trong thành công và sự nghiệp. Chúng ta đặt một mục đích rồi ép mình tiến tới đích đó. Chẳng hạn một thanh niên nọ muốn trở thành triệu phú trước 40 tuổi. Mục đích của chàng không những là tài sản nhưng còn là niềm kiêu hãnh muốn đạt được đến đích lúc còn trẻ tuổi. Trên con đường thực hiện, có khi chàng mất những bạn thật. Chàng trở thành kẻ xa lạ trong gia đình. Thành công của chàng chỉ là một kết quả trống rỗng. Chàng phải làm gì với quãng đời còn lại? Chàng đã mắc bẫy trong thói quen tự tạo của mình, vì hiện nay chàng không thể làm gì hơn là cứ tiếp tục kiếm thêm tiền. Ngày ngày chàng sống trong lo âu giử gìn của cải. Chàng nghĩ bạn bè chú ý đến mình chỉ vì mong lấy điều gì của chàng. Chàng cố gắng tự thuyết phục rằng, mình đang sung sướng, mình đang có tất cả những gì kẻ khác mong ước trong cuộc đời. Thế nhưng sự sống có phải là tất cả những điều đó không? Nếu có người hỏi chàng: "Bạn thật đang sống chăng?", có lẽ câu hỏi ấy sẽ khiến tâm trí chàng bị ray rứt không ngừng.


2. Chúng ta hãy suy nghĩ về giá trị của của cải vật chất bởi vì đó là mối bận tâm hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có đầy đủ tiện nghi vật chất để sống hợp với nếp sống văn minh, để sống cho ra người có văn hóa, để sống xứng với phẩm giá con người, điều đó xem ra không có gì ngược lại với đạo lý. Ước mơ có được một chiếc xe Dream, một đầu máy video, một máy truyền hình đa hệ, ước mơ ấy xem ra cũng là một ước mơ chính đáng và bình thường. Tự nó của cải vật chất không phải là một điều xấu xa, giàu tự nó cũng không phải là một cái tội. Tuy nhiên,hãy coi chừng của cải vật chất dễ biến con người thành nô lệ, thay vì hưởng dụng của cải như một phương tiện thì con người lại biến của cải thành chủ nhân. Tội lỗi không nằm trong vật chất mà trong chính thái độ của con người. Tội lỗi đi vào trong thế gian bởi vì con người đã sùng bái và nô lệ vật chất.

Con người được tạo dựng để làm chủ của cải vật chất, vì nhu cầu, vì lòng tham mà con người lại biến thành nô lệ cho của cải, thay vì sử dụng của cải vật chất để tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu là sự công bình, gây liên đới, tình yêu thương giữa người với người, thì con người lại làm nô lệ cho của cải và chối bỏ tha nhân. Thay vì sử dụng của cải vật chất để xây dựng đức bác ái thì con người lại biến của cải thành những hàng rào kiên cố để xây lên những ốc đảo và giam mình vào trong đó. Ðó là nguy cơ của cải vật chất sẽ dần dần sói mòn lương tri và đạo đức con người.

Previous Post
Next Post