1. Tránh xa sắc dục: đừng gần gũi người khác phái.
2. Không cất giữ tiền bạc, châu báu. Nó là con rắn độc, khiến cho ta phải nô lệ nó suốt đời. Bởi vậy trong giới luật Phật cấm các tỳ kheo cất giữ tiền bạc, mà những người mới xuất gia, thọ giới sa di cũng không được cất giữ tiền bạc.
3. Tránh xa danh lợi: nếu ai khen mình tụng kinh hay mà mình tụng, thâu băng đem phổ biến thì đó là cầu danh. Nếu ai khen thuyết pháp giỏi mà mình ra sức thuyết pháp hoài thì cũng là danh, là dục lạc.
4. Ăn mỗi ngày một bữa. Phải quán thức ăn là bất tịnh, như thuốc trị ghẻ đói cho ta.
5. Ngủ phải luôn luôn tỉnh thức, không có sợ thiếu ngủ, thèm ngủ. Nằm suốt đêm không ngủ là xả ngủ.
Năm thứ dục lạc này mà ta không xả được thì không bao giờ ta xả được những thứ khác. Nếu ai khen mà ta mừng, gặp gái đẹp mà nhìn, thì đến khi xả sáu thứ dục lạc thế gian (sắc, thanh, hương, vị, phúc, pháp) làm sao xả nổi? Nó còn khó hơn ngũ dục lạc rất nhiều. Đây là đối tượng của tâm, nó luôn luôn cám dỗ ta để trở lại phục vụ năm thứ dục lạc ở trên.
B. Xả bỏ sáu thứ dục lạc: Đó là đối tượng của sáu giác quan: sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp.
1. Sắc: sắc là đối tượng của mắt. Sắc trong ngũ dục lạc là sắc dục, còn sắc trong sáu trần là hình ảnh, sắc tướng của các pháp, như cassette, TV, tủ lạnh, bàn, ghế, ly, tách, nhà, xe, người, vật. Những hình ảnh có sức cám dỗ ta, tâm ta thích thú, khả ái, khả lạc, khả hỷ.
2. Thinh: âm thanh của người, vật, nhạc cụ làm cho tâm ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ. Thí dụ thích thú khi nhảy đầm theo điệu Rumba, Cha cha Cha, v.v...
3. Hương: mùi thơm của các pháp có sức hấp dẫn khiến cho ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ.
4. Vị: mùi vị ngon ngọt, cay đắng, có sức cám dỗ làm cho ta dễ chịu, ưa thích, khả ái, khả lạc, khả hỷ. Đứa con ăn cái bánh ngon cả tháng mà vẫn còn nhớ, còn thèm, và cứ nhắc hoài: Chừng nào ba đi chợ nhớ mua cho con cái bánh hiệu?
5. Xúc: Sự va chạm của các pháp sinh ra cảm giác mát, êm, nóng, lạnh, đau nhức, nhẹ nhàng, lâng lâng, say say, cảm giác khoái lạc, cảm giác khó chịu, cảm giác sung sướng, mừng vui, buồn khổ ... Người tu thiền mà có trạng thái thích thú say mê là đi vào hang quỉ. Nên nhớ là tu thiền để làm chủ sanh tử, tức là làm cho các hành ngưng hoạt động; sau đó thì ta cho phục hồi sinh hoạt, trở về hơi thở bình thường. Tu thiền không phải là đi vào đó để thọ dụng cái lạc thú của thiền định mà là để lấy lại sức cho ngày hôm sau tiếp tục làm việc.
6. Pháp: pháp ở đây không có nghĩa là bàn ghế, nhà, cửa mà là sự hiểu biết của cổ kim, nhân loại. Nó bao gồm cả khoa học, toán học, văn học, sử học, thiên văn học, các kinh sách của các tôn giáo lớn trên thế giới và giáo lý của Đức Phật. Đó là kiến chấp của người thế gian. Nó lôi cuốn và làm cho tâm ta ưa thích, xem đó là chánh pháp, là đúng pháp, ôm chặt khư khư, cho đó là khuôn vàng thước ngọc. Tu hành như thế khiến cho ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ, rồi dính mắc không buông bỏ được. Vì thế cho nên mới có tranh luận hơn thua, chia ra pháp này, pháp nọ, không có gì giải thoát. Thí dụ cúng kiếng vào các ngày giỗ, kỵ (ở nhà), hoặc là giỗ tổ (ở chùa), nếu ta không làm thì bị mọi người than phiền, chỉ trích. Mà làm tức là bị các pháp trói buộc, ta làm nô lệ cho phong tục, tập quán. Cho nên phải cương quyết bứt bỏ, mặc cho ai công kích, phản đối, ta phải nói: Tôi là thầy tu, tôi không thể làm chuyện mê tín như thế.
Tóm lại, các pháp thế gian là pháp cám dỗ, lôi cuốn con người đi đến chỗ làm ác, tạo bao cảnh khổ cho nhau. Người ta sát phạt nhau bằng lưỡi gươm, miệng kiếm. Có người chấp vào pháp tu của mình và nói xấu các thầy khác.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc