Bàn về cái tâm của con người

...Xuất phát từ nhu cầu sinh tồn, con người có 2 bản năng cơ bản: 1. Duy trì sự tồn tại của nòi giống và 2. Duy trì sự tồn tại của bản thân.

Do xã hội loài người đã phát triển ở mức độ tinh tế rất cao, cấu trúc văn hóa xã hội cũng trở nên rất phức tạp, mỗi chúng ta sẽ có ý thức rõ về vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình cũng như các giới hạn tự do cá nhân được phép theo qui định của xã hội. Điều này dẫn đến sự đối kháng giữa 2 khái niệm cơ bản mà dựa vào đó các cá nhân sẽ đưa ra quyết định trong tất cả các hoạt động sống của mình, đó là việc đặt lợi ích nào lên trên để làm mục tiêu hành động:

Lợi ích của xã hội (tức của người khác) - hay lợi ích của cá nhân (tức lợi ích của bản thân mình).

Trong xã hội của các loài động vật có vú, một cá thể sẽ hành động theo tiêu chí đặt lợi ích của cá nhân lên trước nhất. Điều quan trọng nhất là phải duy trì được sự tồn tại của cá nhân, tức bản năng số 2 sẽ có tác dụng mạnh hơn trong những trường hợp cá nhân tồn tại độc lập. Tuy nhiên, đối với những loài có trí thông minh phát triển ở mức độ cao, khi đứng trong bầy đàn, các cá thể sẽ liên kết lại để hành động theo tiêu chí vì lợi ích của bầy đàn.

Ở xã hội loài người, do trí thông minh phát triển ở mức rất cao nên việc lựa chọn tiêu chí để ra quyết định của con người cũng trở nên rất đa dạng và ở nhiều cấp độ: Vì bản thân mình, vì những người thân của mình, vì gia đình, vì bạn bè, vì tổ chức của mình hay vì dân tộc mình,… Có rất nhiều tiêu chí để dựa vào đó mà ra quyết định.

Điểm khác biệt giữa người với loài thú là con người có ý thức và có khả năng tự trấn áp được bản năng số 2 để hành động vì mục đích của bản năng số 1 – Sống vì người khác, vì cộng đồng.

Trong các xã hội chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Phật Giáo phương Đông, có một khái niệm đã được đưa ra để đánh giá về mức độ tốt xấu của cá nhân đối với cộng đồng, đó chính là “cái tâm”, tức cái phần lý trí, cái phần “người” ở trong mỗi con người.

Về bản chất, cái tâm chính là sự hiện thực hoá bản năng số 1 của con người - Bản năng duy trì sự tồn tại của giống nòi - Sống vì người khác, sống vì cộng đồng.

Theo Phật giáo, cái quan trọng nhất tác động đến các hành vi của con người chính là cái Tâm. Tùy theo cái Tâm của mình, mọi việc sẽ dẫn tới kết quả theo như luật Nhân Quả đã chỉ ra.

Người có cái Tâm được hiểu là người luôn đối xử tốt và công bằng với tất cả mọi người, là người luôn giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, là người không bao giờ có ý làm hại hoặc lợi dụng người khác,… nói tóm lại đó là một người tốt về bản chất.

Trong lịch sử, tất cả các thể chế xã hội và các tôn giáo đều định hướng giáo dục để thành viên của mình có những hành vi hướng tới mục đích vì lợi ích của cộng đồng. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, trở thành một cá nhân có cái Tâm tốt đẹp luôn là tiêu chí được xã hội ca ngợi và đề cao.

Trên thực tế, cái Tâm được tạo ra không chỉ là do các yếu tố di truyền. Một phần quan trọng giúp tạo nên cái Tâm của cá nhân nằm ở các trải nghiệm sống, có ảnh hưởng của nền giáo dục và nền văn hóa của xã hội đó.

Liệu có một cái Tâm thật tốt đẹp có phải là điều nên làm trong xã hội hiện nay ?

Như vậy, việc các cá nhân cần tự tạo cho mình một cái Tâm tốt đẹp là điều rất cần thiết để tạo nên một xã hội lý tưởng.

Tuy nhiên, nếu một xã hội mà tât cả mọi người đều nhường nhịn, đều sống một cách thỏa hiệp để tránh xung đột, tránh lợi dụng người khác thì xã hội sẽ thiếu tính cạnh tranh, thiếu sự tranh đấu, tức thiếu đi động lực chính giúp xã hội phát triển.

Xã hội hiện đại ngày nay đang phát triển nhanh chóng theo xu hướng nhằm thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân ở mức cao nhất. Các tổ chức kinh tế kinh doanh hàng tiêu dùng tiêu tốn hàng trăm tỷ Đô la Mỹ mỗi năm để tác động tạo nhu cầu cá nhân và qua đó làm giàu bằng cách cung ứng hàng hoá giúp các cá nhân thỏa mãn nhu cầu với một mức giá cao để thu lợi. Điều này dẫn tới việc kích thích và tạo cơ hội cho sự phát triển bản năng số 2 của con người, tức sống để thoả mãn phần “con thú” nằm trong mỗi chúng ta, khiến chúng ta hướng tới một cuộc sống vật chất đầy các nhu cầu về hàng hóa xa xỉ và cách sống thực dụng.

Ở một phía đối nghịch, các tổ chức xã hội cũng rất nỗ lực quảng bá và tuyên truyền những tư tưởng và lẽ sống vì cộng đồng, vì lợi ích chung của xã hội, vì những những người khốn khó – nhằm phát huy bản năng cơ bản vì giống nòi trong mỗi chúng ta.

Khái niệm ‘Quân Tử Tàu’ và ‘Người tốt nhu nhược’ - Hai cái bẫy cho những ai muốn có một cái ‘Tâm’ tốt dễ dãi

Bạn cũng biết rằng mọi người hay dùng khái niệm ‘Quân Tử Tàu’ để ám chỉ một người cố gắng thể hiện lòng tốt của mình nhưng không đúng chỗ, không đúng lúc cần thiết, hoặc không đúng cách.

Thông thường, vì sự sĩ diện của bản thân, chúng ta sẽ tỏ ra là người rộng rãi, hào hiệp, sẵng sàng coi nhẹ những giá trị mình đang có như tiền bạc, thời gian, hay thậm chí cả uy tín để làm theo ý của người mà mình muốn tạo ấn tượng, hy sinh lợi ích của mình để làm lợi cho người khác một cách không hợp lý, không cần thiết.

Vì muốn giữ sĩ diện, hoặc muốn thể hiện mình như một hiệp sĩ (giống như các đấng trượng phu hảo hán trong các truyện kiếm hiệp Trung Hoa), chúng ta sẽ thiếu tỉnh táo nhìn nhận vấn đề hoặc trở nên rất sĩ diện quyết định thực hiện ‘cử chỉ đẹp’, ví dụ có nhiều anh sẵn sàng mượn tiền bạc của bạn bè để làm đẹp lòng người đẹp, nhiều ông sẵn sàng đem tiền mua sữa cho con đi bao bạn bè ăn uống chỉ vì bị khích một câu,…

Ở một khía cạnh khác, tư tưởng muốn làm người tốt một cách dễ dãi luôn làm cho nhiều người trở nên nhu nhược, sẵn sàng thỏa hiệp với người khác, chỉ vì muốn được yên thân. Luôn thỏa hiệp vì không muốn mang tiếng xấu là làm trái ý bạn, trái ý người yêu, hoặc trái ý ông xã, bà xã ở nhà. Luôn im lặng không dám phản ứng chống lại cái xấu vì không muốn đối đầu để tạo ra các vần đề cho bản thân, dù biết rằng điều đó sẽ dẫn đến các kết quả xấu cho cộng đồng.

Với cách sống dễ dãi của ‘một người tốt nhu nhược’, chỉ chú ý làm sao không làm phiền lòng người khác, vô tình bạn sẽ trở thành người không có lập trường, thiếu tôn trọng bản thân và trở nên bị sai bảo, bị tác động bởi người khác, thậm chí trở nên mất tự tin, muốn làm chuyện gì cũng phải hỏi vì sợ trái ý người khác, kể cả những người dưới quyền của mình hoặc nhỏ hơn mình.

Chúng ta cần phân biệt người có cái Tâm tốt thực sự là người luôn ý thức kiểm soát được bản thân và tự tin làm điều tốt một cách chủ động có ý thức. Khác với sự việc gọi là tốt bởi vì không dám đối đầu với hoàn cảnh hoặc với sự việc trái đạo lý, rồi chấp nhận thực hiện theo ý người khác một cách miễn cưỡng, hoặc để làm hài lòng một người mà ảnh hưởng tới mọi người, để rồi sau đó lại tự ngụy biện rằng mình đang làm điều tốt.

Một cái Tâm tốt cần phải đi bên cạnh sự Công Bằng và sự Chính Trực. Bạn và tôi, chúng ta có một cái Tâm tốt nhưng không có nghĩa là ta sẽ luôn nhún nhường, cả nể để chấp nhận những việc sai trái hoặc để sự bất công xảy ra.

Cần ý thức việc đấu tranh cho sự công bằng và loại trừ điều xấu luôn là một tố chất không thể thiếu của một con người có cái Tâm tốt, để từ đó tạo nên một xã hội hoàn mỹ.

Trích từ Bí mật cảm xúc của Nguyễn Nam Trung
Previous Post
Next Post