Cuộc sống luôn thay đổi từng ngày, từng giờ và trong từng sát na. Đứng trước sự thay đổi đó, con người luôn hướng về phía trước, luôn đi về phía trước để tìm khiếm cho mình sự hạnh phúc. Nhưng trong cuộc ra đi ấy, có người lên đường mang theo bao nỗi buồn nhớ nhung; có người mang theo bao hy vọng gởi vào nơi xa xôi, có người ra đi vì tìm cầu chân lý, có người ra đi mang theo hạnh nguyện vĩ đại để lên đường. Ở đây, chúng ta hãy cùng thảo luận về sự ra đi của Phật giáo.
Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm có một cuộc lên đường làm chấn động muôn loại, làm vỡ tan bao thành kiến , bao tư tưởng cổ hủ thời bấy giờ. Người ra đi ấy mang theo thông điệp của hòa bình, thông điệp của trí tuệ, thông điệp của sự giải thoát để gởi tặng cho tất cả mọi người. Có thể nói đây là cuộc ra đi mang ý nghĩa rất lớn cho nhân loại, không chỉ cho nhân loại ý nghĩa sống, mà còn chỉ cho nhân loại con đường sáng ở phía trước, con đường ấy là đoạn tận khổ đau, chứng ngộ giải thoát.
Lịch sử cũng ghi nhận rằng, sau cuộc ra đi của người thầy vĩ đại này, là sự tiếp nối của những người học trò ưu tú, thông qua lời dạy tha thiết: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” [1] tiếp nối lời huấn từ của thầy, bao đệ tử đã lên đường, mà trong đó tiêu biểu là hình ảnh ra đi của Tôn giả Xá lợi Phất. Trong kinh Trung A Hàm đã ghi lại rằng: “Này Xá Lợi Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn. Này Xá Lợi Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn.” [2] Như vậy, ở đây chúng ta thấy sự ra đi của Tôn giả Xá lợi Phất là ra đi để đem lại an lạc cho đời, đem lại hạnh phúc cho cuộc đời, làm đẹp cho cuộc đời, làm thăng hoa cuộc sống bằng chất liệu của giải thoát. Thiết nghĩ, chỉ có chất liệu ngọt ngào của giải thoát mới là chất liệu mà chúng ta cần trong cuộc sống với bao nhiêu biến đổi thăng trầm này.
Ai trong chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một vị tăng sĩ quấn trên mình một chiếc y màu vàng, một bình bát, thong dong bước vào đời, để truyền trao năng lượng của tình thương, của tuệ giác cho dù phải mất thân mạng vô thường này. Lịch sử Phật giáo ghi nhận rằng, Phú Lâu Na Tôn giả vì tinh thần hoằng dương Phật Pháp, mang hạnh phúc vào đời, vượt qua bao sự khó khăn, bao giông bão của cuộc đời, cho dù phải chịu đánh đập, chịu hủy báng mạ lụy, chịu sự chê cười của người đời… bất chấp tất cả chỉ với một tâm niệm duy nhất bên người là hướng dẫn mọi người trở về bến giác, nơi đó chính là sự an lạc chân thật của cuộc sống. [3] Phải chăng hình ảnh này là cảm xúc cho sự dạy dỗ của chư Tổ trong văn cảnh sách. “Phàm là người xuất gia khi cất bước lên đường là hướng về một phương trời siêu tuyệt, với tâm nguyện và hình dung thoát tục, nhằm phát huy và làm rạng rỡ hạt giống của giòng Thánh, nhiếp hóa và hàng phục ma quân để trên có thể đền đáp bốn ân nặng, dưới có thể cứu độ ba đường khổ.” [4]
Tóm lại, trong cuộc sống, chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một sự ra đi, nhưng thiết nghĩ đi theo hướng của sự tu tập, dẫn lối về đường giải thoát, vượt thoát trầm luân là có ý nghĩa tuyệt vời nhất trong cuộc đời này.
Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau đi qua bên kia bờ giác, nơi ấy có suối ngọt của cam lồ, có chất liệu của trí tuệ, có hoa trái của từ bi, và có cả sự viên mãn của Niết Bàn tịch tĩnh.
[1] Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502.
[2] Kinh Trung A Hàm , quyển 5 , Xá Lợi Tử Tương Ưng Phẩm, Kinh Sư Tử Hống , Đại chánh 01, Trang 452.
[3] Kinh Tạp A Hàm, quyển 13, kinh số 311, Đại chánh tạng 02, trang 89.
[4] Quy Sơn Cảnh Sách Chú, quyển 1, Tục tạng 63, trang 227. Truy Môn Cảnh Huấn , quyển 1, Đại chánh 48, trang 1043.