Do sự thường xuyên tương tác của các hạt và vi hạt vật chất, những hiện tượng trong vũ trụ cứ mãi biến đổi như đã nêu từ xưa trong Kinh Dịch, trong chu trình ‘thành, trụ, hoại, không’ bất tận. Sự biến đổi đó được tạm gọi là ‘thời gian vật lý’, có thể được đo lường để thuận tiện cho công việc.
Dù mọi sự vẫn diễn tiến không hề ngơi nghỉ, nhưng nếu có thêm yếu tố tình cảm hoặc xúc cảm cá nhân, sẽ phát sinh cái gọi là ‘thời gian tâm lý’. Sự mong chờ hay chán ghét … khiến cho thời gian có vẻ dài ra. Sự bám víu hoặc ham thích … khiến cho thời gian có vẻ quá ngắn ngủi. Như vậy, không hề có yếu tố thời gian độc lập với sự thay đổi. Khi không biết có sự thay đổi, người ta không cảm thấy có thời gian, hoặc cảm thấy thời gian như dừng lại.
Vì thế, khi sử dụng ‘thời gian vật lý’ một cách đúng đắn, chúng ta có thể làm việc hiệu quả, và có điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn. Mặt khác, giải tỏa được áp lực của ‘thời gian tâm lý’ là một trong những yếu tố của cuộc sống hạnh phúc.
2. Tuổi già
Tiến trình lão hóa xảy ra trong thời gian dài nên ít ai để ý. Rồi một ngày nào đó mỗi người chợt nhận thấy mình có dấu hiệu già nua, và bắt đầu có những băn khoăn … Tuổi già mang theo sự suy giảm sinh lực, và các loại bệnh tật.
Tuổi già là điều tự nhiên mà sớm muộn gì mỗi người cũng phải trải qua. Vì thế, chúng ta cần học hỏi ‘Cách Dinh dưỡng cho Người Cao tuổi’, và cách sống thế nào để bớt bệnh tật hoặc tránh được một số bệnh tật trong tuổi già. Thậm chí khi có bệnh tật thì cũng làm sao để có tâm trạng thoải mái và dùng giai đoạn tuổi già một cách tươi vui và hữu ích.
3. Sự chết
Các phần tóm lược 1 và 2 là tiền đề cho ‘Sự chết’. Với phần đông mọi người, sự chết có tính cách ghê sợ và tuyệt vọng, là sự vĩnh biệt tất cả những người thân và những gì ta yêu mến, là sự hoàn toàn tan biến của mỗi cá nhân vào hư vô. Người cho rằng mình chỉ là thân xác thì sống ngày nào hay ngày nấy, vì mai đây họ có thể không còn trên cõi đời này. Do đó, họ dễ làm quấy để thủ lợi, hưởng thụ cho riêng mình, không kể gì cái hại cho người khác. Cũng có những người cho rằng mình chỉ là ngũ uẩn (thân xác, tình cảm, tư tưởng, cái hành và cái biết trong đó), và sau khi chết thì ngũ uẩn tiêu tan, mình chẳng còn lại gì cả. Với quan niệm như vậy, dù họ có sống theo qui chuẩn đạo đức, lành thiện thì niềm vui của họ vẫn không trọn vẹn (…Vui là vui gượng kẻo mà …). Họ vẫn bị ám ảnh bởi sự chết, dù ít hay nhiều, và cảm thấy bâng khuâng khi quỹ thời gian của mình đang cạn dần, mà những ước vọng tốt đẹp nhất thì không còn đủ điều kiện thực hiện.
Trên bình diện nhân loại, chân lý về sự chết vốn đã có từ khi những con người đầu tiên hiện diện trên mặt địa cầu. Sự thực ấy qua nhiều thời đại đã được nhiều người tìm kiếm, phát hiện. Bao nhiêu kinh, sách đã viết về sự chết và các giai đoạn sau khi chết. Tuy nhiên, có những khác biệt trong cách trình bày và những chi tiết của các tác giả. Điều đó chứng tỏ rằng trình độ của họ không đồng đều, và mỗi người chỉ có thể nói lên những gì họ thấy được, với xác suất của mình. Ngoài phạm vi của xác suất ấy, họ có thể bị nhầm lẫn. Vì vậy cần tìm kiếm những điểm chung, và những điểm tương đồng.
Khi quan sát một tiêu bản hoặc mẫu xét nghiệm với kính hiển vi có độ phóng đại 400 lần, ta thấy được nhiều điều mà trần (mắt thường) không thể thấy. Cũng chính mẫu vật này nếu đặt dưới kính hiển vi điện tử có độ phóng đại 1.000.000 lần, người quan sát sẽ phát hiện rất nhiều điều bổ ích hơn nữa. Với người đã khai mở nhãn thông (thấu thị) lão luyện, mẫu vật đó sẽ hé lộ vô số các chi tiết thú vị, và tinh tế không thể tả, với xác suất rất cao. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó … Trong trường hợp này, cần lưu ý là không nên dùng câu chuyện “Mù sờ voi” để phủ nhận cái thấy của một người quan sát, dù họ đang dùng mắt trần, kính hiển vi thường, kính hiển vi điện tử, hoặc nhãn thông, … Bởi vì mỗi cái thấy qua sự quan sát thận trọng đều có công dụng hữu ích ở cấp đó, miễn là người quan sát đừng lầm tưởng rằng mình thấy, biết hết mọi sự với mức xác suất của mình. Hiển nhiên là, kết quả quan sát với xác suất cấp cao sẽ bao gồm các kết quả quan sát ở cấp thấp hơn.
• Những câu chuyện kể về người do tham của mà đầu thai trở lại làm chó; vì ham ăn mía, thích mía mà phải đầu thai làm sâu mía; vì chê người khác tụng kinh như chó sủa mà phải đầu thai 500 kiếp làm chó; cơ may trở lại làm người giống như con rùa mù 100 năm mới nổi lên mặt biển một lần và khúc cây mục có lỗ cứ 500 năm mới trôi qua vùng biển đó một lần, và làm thế nào con rùa có thể may mắn nổi lên đúng vào lỗ của khúc cây (thực tế là khúc cây mục đó sẽ bị tan rã, còn đâu đến 500 năm); cần được kiểm tra lại độ chính xác (tiếc rằng hiện nay chúng ta chưa có phương tiện để kiểm tra, nên hãy đợi đấy!), không nên nhắm mắt tin theo.
Hơn nữa, chúng ta thấy trong kinh điển đã dùng con số 500 cho nhiều trường hợp khác nữa như câu chuyện Phật ngồi thiền bên đường có 500 cổ xe bò đi qua mà Ngài không bị xao động; câu chuyện 500 người lái buôn; 500 vị La-hán, v.v. Tại sao cứ phải 500 mà không là 499 hoặc khác hơn? Chúng ta cũng biết người xưa thích dùng lối nói ẩn dụ, hoặc dùng mỹ từ pháp thậm xưng (cường điệu) để nhấn mạnh, tạo sự chú ý. Vì thế, để cho an toàn và hữu ích về mặt thực hành, trước hết nên hiểu ý nghĩa ẩn dụ của các câu chuyện kể trên: 500 có nghĩa là nhiều; các câu chuyện kia khuyên ta không nên tham luyến (chỉ sử dụng đúng) bất cứ điều gì trong đời này để khỏi bị ràng buộc vào đó; nên tận dụng thời gian sống trong đời một cách hữu ích và đúng lẽ phải, để tu tiến, vì kiếp người khó được, v.v.
• Những câu chuyện và hình vẽ về hỏa ngục đời đời, về địa ngục, Diêm vương, Phán quan, quỉ La-sát, chuyện bà Thanh Đề, v.v. đến nay vẫn tiếp tục được trưng bày, rao giảng tại các nhà thờ, chùa chiền, thánh thất … với mục đích làm cho tín đồ vì quá sợ hãi mà ngoan đạo, lo tu hành … cần được xét lại. Những nhà nhãn thông đã tìm kiếm rất nhiều nhưng họ không thấy ở đâu có loại địa ngục như thế. Trái lại họ thấy rằng có nhiều người dù đang sống hoặc đã từ trần nhưng lại bị rơi vào những tình trạng “địa ngục” tương tự - một loại tâm cảnh hoàn toàn do chính họ tự tạo, lắm khi cũng hết sức đau khổ, bi đát, ghê gớm, như những “địa ngục trần gian” mà chúng ta đã biết.
Thiết tưởng, với hệ thống địa ngục và nhân sự như mô tả trong kinh, thì chắc hẳn phải tốn biết bao nguồn lực, trí tuệ và công sức để quản lý, xét xử và hành phạt hàng muôn tỉ tù nhân. Vì thế mà người ta cho rằng trong đời này hay trong vũ trụ này có “Nguyên lý Phổ quát về Sự Tự giác và Tự trị”. Mỗi chúng sinh đều có khả năng tự giác và tự trị, tự lập luật lệ cho chính mình, tự thưởng mình, tự phạt mình. Nếu đúng như thế thì vấn đề trở nên quá đơn giản, và “hồ lửa với lưu hoàng, vạt dầu, Diêm vương, Phán quan, quỉ sứ …” chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho cái nguyên lý ấy trong mỗi người, cái nguyên lý mà họ có thể tùy ý vận dụng để ban phước, giáng họa cho chính mình, đúng theo luật công bình. Ngẫm lại vô số sự kiện trong đời, cái nguyên lý này càng rõ nét và được nghiệm đúng.
• Những cuộc nghiên cứu về NDE (Near Death Experience – Kinh nghiệm cận tử) có chút giá trị gì chăng? Có giá trị ở mức xác suất của mỗi người quan sát. Họ có thể thấy chính xác được xâu chìa khóa bị bỏ quên, những lời của người thân, y tá, bác sĩ, … trong khi họ “chết”. Tuy nhiên, trong các chi tiết có tính trừu tượng hơn về “đường hầm, về ánh sáng, các thần thánh và giáo chủ” họ gặp … thì chúng ta cần thận trọng. Có thể những chi tiết đó ở ngoài tầm của họ, chỉ là tâm cảnh (biến hiện theo kiểu ‘cầu được ước thấy’) và cần được kiểm tra lại. Dù sao, cố gắng này vẫn bao gồm một phần sự thực, có tác dụng khiến mọi người lưu ý, tìm hiểu thêm, thay đổi thái độ sống tốt hơn, và không còn xem đó là chuyện đùa.
• Cũng có tác dụng tương tự là những trường hợp các em bé nhớ lại tiền kiếp được điều tra cụ thể, và hơn 14.000 tài liệu khán bệnh và truy lại tiền kiếp người khác còn lưu trữ tại Virginia Beach , do ông Edgar Cayce thực hiện. Riêng nhãn thông của ông Cayce có độ chính xác rất cao qua các cuộc khám bệnh từ xa, tìm lại các tư liệu cổ xưa trong thư viện mà không cần đến nơi, hoặc chỉ cho bệnh nhân một loại thuốc mới sản xuất chưa tung ra thị trường … Tất cả đều cho chúng ta thấy có những sự thực sâu xa nào đó trong mỗi người, cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Đến đây có thể đặt ra câu hỏi then chốt: “Vậy thì ngoài thân xác hay ngũ uẩn, chúng ta còn lại điều gì sau khi thân xác hay ngũ uẩn tiêu tan?”
Một số người nói “Không”, và ít nhiều gì cũng lâm vào tình trạng đáng buồn kể trên. Một số người khác nói “Có”, và cảm thấy an tâm hơn. Dù nói không hay nói có, đây cũng chỉ là niềm tin, mà tin có nghĩa là chưa thật biết. Dù tin hay không, sự thực muôn đời vẫn còn đó để cho chúng ta khám phá. Dù vẫn phải nhờ một phần vào kinh điển nhưng, do khả năng tam sao thất bổn, chúng ta không nên hoàn toàn dựa vào kinh điển, hoặc dùng thẩm quyền của kinh điển để chứng minh cho niềm tin của mình, vì e rằng “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan”.
Những bậc giác ngộ cho biết rằng ẩn sâu bên trong thân xác, hoặc các uẩn, có Sự Sống Tinh thần siêu việt và tuyệt diệu, thường tồn, bất diệt (nhưng không bất biến), và liên tục tiến hóa cho đến mức toàn giác. Dù gọi Cái Đó bằng danh hiệu gì, hoặc mô tả Nó theo cách nào do mình tưởng tượng, chúng ta vẫn chính là Cái Đó. Nó dùng các thể bên ngoài như những lớp áo để hoạt động và thu thập kinh nghiệm, và thay đổi chúng để có những lớp áo thích hợp hơn trên đường tiến hóa. Các Ngài thấy những sự thật vừa kể là hiển nhiên, nhưng không cần phải phí thời gian chứng minh hoặc thuyết phục ai cả. Các Ngài hiểu rằng, nếu muốn, mỗi người đều có thể trải qua những cố gắng lâu dài và khó nhọc để cuối cùng tự mình thực chứng như các Ngài đã làm. Đó mới là điều đáng kể. Trong thời gian chờ đợi, tình trạng không rõ ràng, nghi ngờ, thắc mắc, … vẫn rất có ích vì chúng kích thích sự tự nỗ lực, dù phải mất bao lâu.
Ai đã tin vào những sự thực kể trên không nên hài lòng và dừng lại ở niềm tin. Họ cần thu thập thêm nhiều chứng cứ, dùng khả năng gạn lọc, phán đoán, thẩm định và qui nạp của lý trí để đến mức xác tín. Khi đã đến đỉnh cao của trí tuệ, họ sẽ dùng thêm trực giác (dù đã phát triển ít hay nhiều) để trực nhận vấn đề. Từ đó, sự thực chứng chỉ còn tùy thuộc vào nỗ lực.
Những người đã xác tín, và trực nhận được rằng mình là Sự Sống bất diệt trong các thể, thì sống cuộc đời rất tươi vui và tích cực, với ảnh hưởng tốt đẹp nơi chính mình và những người chung quanh. Họ không còn bận tâm đến yếu tố thời gian, dù vẫn tận dụng thời gian vật lý, và loại bỏ hẳn thời gian tâm lý trong cuộc sống thường nhật. Bằng cách nào đó mà họ hiểu rằng quá khứ, hiện tại và tương lai đều nằm trong tay mình. Nói cách khác, dù vẫn tích cực tham gia các hoạt động hữu ích, thực tiễn, họ biết cách sống thảnh thơi, nhàn hạ trong Vĩnh cữu.
Họ không e ngại tuổi già vì cảm thấy rằng tình trạng già nua của thân xác không ảnh hưởng đến sự trẻ trung, thanh khiết của tâm hồn. Họ vui vẻ sống chung với bệnh tật, nếu có, vì họ cố gắng học bài học cảm thông và tuôn rải tình thương cho vô số chúng sinh khác đang đau khổ hơn mình. Trong khi đó họ hiểu rằng khi nghiệp quả đau khổ qua đi, sự lưu thông và lành mạnh của Nguồn Sống vẫn ngự trị.
Mãi chú tâm thể hiện Sự Sống một cách đầy đủ, sung mãn trong từng khoảnh khắc, họ không còn bận tâm đến Sự chết hoặc Tái sinh, xem đó chỉ là những giai đoạn chuyển tiếp của Tâm thức liên tục. Sống sung mãn trong từng khoảnh khắc là cách chuẩn bị tốt nhất cho các giai đoạn kế tiếp. Tuy nhiên, họ vẫn học hỏi về các giai đoạn chung quanh việc từ trần để có thể trợ giúp và phụng sự những huynh đệ còn khó khăn trong giai đoạn đó. Có một kỹ thuật đơn giản mà những ai đã qua một thời gian hành thiền đều có thể thực hành hằng ngày, để ra đi một cách an vui và nhẹ nhàng vào lúc từ trần.
Sự thực chứng đánh dấu thời điểm bài học này đã thuộc. Từ đây, người phụng sự viên đã đủ đầy kinh nghiệm trong Nghệ thuật Sống, và Nghệ thuật Từ trần, và tiến đến những bài học sâu rộng hơn.
Tác giả : phuongg