Theo thuyết tiến hóa, thì loài
người cũng phải trải qua giai đoạn tiến hóa ban đầu, giống như mọi loài sinh
vật khác, nhất là động vật có vú. Tin hay không tin và đúng hay sai, dù là khoa
học cho đến nay cũng chưa hoàn toàn xác quyết điều này (xin xem bài viết “Loài người
tiến hóa ra sao?”). Tuy nhiên, có một điều là con người cũng có những cấu
trúc sinh lí cơ thể giống y hệt loài vật. Nếu có khác chăng, thì chỉ khác về
mức độ và hình dạng cấu trúc mà thôi.
Tức, nói về mặt sinh lí cơ thể,
con người cũng bị những nhu cầu sinh lí cơ thể CHI PHỐI, LÈO LÁI và TÁC DỤNG,
theo như bản năng phản xạ sinh lí cơ thể THÚC BÁCH—tương tự như các sinh vật
khác. Và đây chính là nguồn gốc và lí do tại sao NHÂN CHI SƠ TÁNH ÍCH KỈ mà
chúng tôi đã có dịp bàn đến trong bài viết “Nhân chi sơ
tánh ích kỉ”.
Nhưng dù gì đi nữa, con người vẫn
là con người, tức KHÁC VỚI CON THÚ. Lí do là vì con người vừa có nhu cầu sinh
lí cơ thể, nhưng cũng vừa có NHU CẦU VĂN HÓA TINH THẦN. Theo Plato, triết gia
Hi-lạp ở thế kỉ 4 TCN, thì: “Con người là một con thú được thuần thục và có văn
hóa; dù vậy, con người đòi hỏi phải có sự chỉ giáo thích nghi và một thiên
nhiên may mắn, để sau đó mới trở nên văn hóa nhất và thánh thiện nhất; nhưng
nếu con người không được giáo dục đủ hoặc giáo dục xấu, thì trở thành dã man
nhất trong các loài thú trên trái đất.”[1]
Aristotle, học trò của Plato,
cũng cho rằng; “Con người là một sinh vật chính trị, mà bản chất của sinh vật
chính trị là sống với kẻ khác (Man is a political creature and one whose nature
is to live with others).”[2] Còn William Harvey, một nhà vật lý nước Anh ở thế
kỉ 17, cũng nhận xét:
Con người đến với thế gian trần
truồng và không vũ khí, dường như đã được Thiên nhiên chỉ định như là một sinh
vật xã hội, và được truyền lệnh sống công bình và sống hòa bình; dường như
Thiên nhiên đã muốn con người nên được lèo lái bởi lí trí hơn là bởi sức mạnh;
do đó Thiên nhiên đã phú cho con người sự hiểu biết, và đã cung cấp hai bàn
tay, để con người có thể tự xoay trở điều gì là cần thiết cho việc ăn mặc và tự
vệ của mình.[3]
Riêng triết gia kiêm nhà giáo dục
Hoa Kì John Dewey (1859-1952) lại nêu lên đặc tính văn hóa để chỉ ra sự khác
nhau giữa con người và con thú, với một đoạn ý như sau:
Con người khác với loài động vật,
vì biết lưu giữ những kinh nghiệm quá khứ của mình. [...] Do đó khác với muôn
thú ở ngoài đồng, con người không chỉ sống trong một thế giới vật chất của
những vật thể, mà còn sống trong một thế giới của dấu hiệu và biểu tượng. [...]
Và tất cả điều này biểu lộ sự khác nhau giữa thú tính và nhân tính, giữa văn hóa
và bản tính thiên nhiên thuần sinh lí cơ thể: lí do là vì con người biết nhớ,
biết bảo lưu và biết ghi lại những kinh nghiệm của mình.[4]
Như vậy, mặc dù bản chất con
người ích kỉ, nhưng cũng từ bản chất CON NGƯỜI LÀ CON THÚ CÓ VĂN HÓA, nên con
người không thể sống vớí bản năng ích kỉ để quay trở lại phạm trù con thú
nguyên thủy. Ngược lại, với lí trí, với lẽ phải, cũng như với kinh nghiệm luân
thường đạo lí, và nhất là với giáo dục, con người đã, đang, và sẽ còn BIẾT HÀI
HÒA CỘNG TÁC giữa quyền lợi với bổn phận và trách nhiệm, trong các mối quan hệ
“thiên, địa, nhân”, để cùng nhau tồn vong tiến bộ VĂN MINH NHÂN ÁI: vừa có lí
mà cũng vừa có tình, vừa có “chân” có “mỹ” nhưng cũng vừa có “thiện”– để đạt
cái mối TƯƠNG QUAN HÀI HÒA “chân, thiện, mỹ”.
Thật vậy, trên thực tế chúng ta
cũng biết không thiếu gì những tấm gương sống tận tụy hi sinh hơn là ích kỉ.
Chẳng hạn những người hoạt động tự nguyện trong các tổ chức y tế, xã hội, hoặc
những nhà chân tu truyền giáo, phục vụ người nghèo khổ, bịnh tật, phong cùi. Và
cũng phải công bình mà nói, hầu hết những người biết tận tụy hi sinh “cho kẻ
khác và vì kẻ khác”, đều xuất phát từ bản thân hoặc gia đình có nền tảng HỌC
HỎI và GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC—mà phần nhiều đều xuất phát từ niềm tin tôn giáo của
họ.
Ngoài ra, cũng có một thứ tình
yêu tận tụy hi sinh khác mà theo hiểu biết của chúng tôi là vô điều kiện, tức
không ích kỉ hoặc ít ích kỉ nhất: đó là SỰ HY SINH CHO CON CÁI CỦA NHỮNG KẺ LÀM
CHA MẸ. Như mọi người đều biết, ngoài bản năng bảo tồn nòi giống và tình cảm yêu
thương (có tính di truyền thể “DNA” của nòi giống loài người), mức độ tận tụy
hy sinh của mỗi người làm cha mẹ trong chúng ta ắt cũng phải được thừa kế ảnh
hưởng của truyền thống giáo dục luân lí, không những từ trong dòng họ và gia
đình, mà còn từ bên ngoài xã hội, và nhất là từ những nổ lực HỌC HỎI CỦA BẢN
THÂN CHÚNG TA.
Nói khác hơn, chính giáo dục nói
riêng và văn hóa nói chung đều có tác dụng LÀM BIẾN TÍNH CON NGƯỜI, từ ích kỉ
trở nên vị tha, bác ái và yêu thương. Và điều này dường như đã được diễn biến
một cách hết sức mầu nhiệm trong nội tâm của những kẻ làm cha mẹ, cũng như
những kẻ tận hiến phục vụ tha nhân (vì lí tưởng niềm tin tôn giáo), đến đỗi con
người trong cuộc không những KHÔNG CẢM NHẬN MÌNH ÍCH Kỉ (dù có chút ít ích kỉ
thật sự), mà còn tin rằng MÌNH ĐÃ THẬT SỰ SỐNG KHÔNG ÍCH KỶ cho lí tưởng, cho
tình yêu—nhất là tình yêu của cha mẹ đối với con cái.
Các thí nghiệm nghiên cứu về hành
vi xử sự của con người gần đây đã cho thấy: “Thủ diễn một vai trò nào đó thường
dẫn dắt người ta nhập tâm vào cách hành xử của vai trò đó. Hành động trở nên
tin tưởng (Playing a role often leads people to internalize their behavior.
Acting becomes believing).”[5]
Dĩ nhiên, đối với chúng ta ngày
nay những diễn biến làm biến tính con người—chỉ trong một đời người—từ ích kỉ
trở nên vị tha, bác ái và yêu thương, trông có vẻ ngắn ngủi, khó có thể chấp
nhận. Tuy nhiên, nếu đi ngược dòng lịch sử của nhân loại, chúng ta sẽ hiểu
rằng: Sở dĩ chúng ta có luân lý, giáo dục và văn hóa như ngày nay, đó là một
chuỗi dài diễn biến mà tổ tiên loài người chúng ta đã dày công kinh nghiệm phấn
đấu cải hóa, cải thiện và cải tiến, theo qui luật “chọn lựa tự nhiên (natural
selection)”, để vượt lên và tách biệt ra khỏi phạm trù động vật tinh khôn cách
đây hàng triệu năm. (Xin xem bài viết “Loài người tiến hóa ra sao?” cũng trên
mạng này.)
Và đó cũng là một nghiên cứu đã
được nhà bác học Pháp Pierre Lecomte du Nouy viết trong sách Human Destiny của
ông, mà chúng tôi xin lược ý như sau:
Loài người tuy đã tiến hóa qua
kiếp động vật như mọi loài động vật khác cách nay hàng trăm triệu năm, nhưng đã
không dừng lại ở kiếp động vật—vì sự phát triển của kiếp động vật đã hoàn hảo,
như chúng ta thấy ngày nay. Trái lại, loài người đã tách ra và tiếp tục tiến
hóa lên giai đoạn luân lý và tinh thần, với một lương tri được Trời phú cho và
được thúc đẩy bởi luật tiến hóa viễn đích (the laws of teleological
evolution).[6] Tức, theo ông, có sự can thiệp của Tạo Hóa.
Còn Giáo sư Tiến sĩ Theodore C.
Kahn, Khoa trưởng Nghiên cứu Ứng xử của Đại học Colorado, Hoa Kỳ, viết trong
sách An Introduction to Hominology: The Study of the Whole Man, xuất bản năm
1972, cũng có một phần ý tương tự:
Sau khi thoát ra khỏi hệ động vật
tinh khôn bằng cách đứng thẳng và vĩnh viễn đi hai chân, loài người dần dần mất
khả năng kiếm ăn và tự vệ bằng răng và nanh vút nhọn, cũng như bằng sức mạnh
của thể lực, như các loài thú hoang dã khác. Tuy nhiên bù lại, nhờ bộ óc càng
ngày càng phát triển, con người đã biết sáng tạo văn hóa, phát huy văn hóa và
lưư truyền văn hóa, trên tinh thần cộng tác với số đông, để cùng nhau tồn tại,
xuyên suốt hằng trăm ngàn thế hệ, từ thời kì Băng hà cách nay 2 triệu năm, mà
căn bản nhất và quan trọng nhất là hệ thống giá trị luân lí, như khuyến khích
về cách đối xử có Tình nghĩa (Graces), về Bổn phận (Duties), về Đạo đức
(Virtues), cũng như về những Hy sinh Cống hiến (Dedications).
Rồi ông cũng cho rằng: “Những
hoạt động lưu truyền văn hóa của loài người không chỉ thực hiện bằng truyền
khẩu và văn bút, mà còn được tích lũy, thừa kế và thăng tiến phát triển, trong
hệ thống di truyền thể “DNA” mà cha mẹ lưu truyền qua sự phối ngẫu sinh sản
truyền giống.”[7]
Tóm lại, cho dù bản chất con
người ích kỉ, nhưng cũng từ bản chất CON NGƯỜI LÀ CON THÚ VĂN HÓA, nên con
người không thể sống vớí bản năng ích kỉ để quay trở lại phạm trù con thú
nguyên thủy. Ngược lại, với lí trí, với lẽ phải, cũng như với kinh nghiệm luân
thường đạo lí, và nhất là với giáo dục, con người đã, đang, và sẽ còn BIẾT HÀI
HÒA CỘNG TÁC giữa quyền lợi với bổn phận, trong các mối quan hệ “thiên, địa,
nhân”, để cùng nhau tồn vong tiến bộ CHÂN, THIỆN, MĨ.
Nguồn: phanchauhong.com
Xem thêm: ‘Điều
gì giữ con người không "hóa thú"?’; ‘Ác như
con… người’
Tham khảo
[1] Adler, M. J. & Doren, C.
V. (Ed.): Great Treasury of Western Thought. R. R. Bowker Company, New York , 1977, 1.1.11.
p. 6.
[2] Adler & Doren, sđd,
1.1.19 & 24. tr.7.
[3] Bản văn tiếng Anh: “Man comes
into the world naked and unarmed, as if Nature had destined him for a social
creature, and ordained him to live under equitable laws and in peace; as if she
had desired that he should be guided by reason rather than be driven by force;
therefore did she endow him with understanding, and furnish him with hands,
that he might himself contrive what was necessary to his clothing and
protection.” (Adler & Doren, sđd, 1.1.45. tr. 9.) [4] Bản văn tiếng Anh:
“Man differs from the lower animals because he preserves his past experiences.
[...] Hence he lives not, like the beasts of the field, in a world of merely
physical things but in a world of signs and symbols. [...] And all this which marks
the difference between bestiality and humanity, between culture and merely
physical nature, is because man remembers, preserving and recording his
experiences.” (Adler & Doren, sđd, 1.1.130. tr. 21.)
[5] Eshleman, Ross J.: The
Family. Allyn and Bacon, 2000 (9th ed.), p. 175.
[6] Pierre Lecomte Du Nouy: Human
Destiny. Longmans, Green and Company, New
York , 1947, pp. 88, 94-111.
[7] Kahn, T. C.: An Introduction
to Hominology: The Study of the Whole Man.
Charles C. Thomas, Illinois ,
1972 (2nd ed.), pp. 257-262 & 275-293.