George A. Akerlof sinh ngày 17/6/1940, là nhà kinh tế học Mỹ theo trường phái Kinh tế học Keynes và là giáo sư kinh tế tại Đại học California , Berkeley . Ông đồng nhận Giải thưởng Nobel kinh tế với Michael Spence và Josepth E năm 2001.
Robert J. Shiller sinh ngày 29/3/1946, là nhà kinh tế học Mỹ, giáo sư kinh tế Đại học Yale. Ông là một trong 100 nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới và là tác giả cuốn sách nổi tiếng Irrational Exuberance.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của hai tác giả trên.
Họ đã quên hết những bài học từ quá khứ
Cuộc sống đôi khi có những khoảnh khắc thật kỳ diệu. Trong cuốn Chiếc bát vàng (The Golden Bowl) của nhà văn, nhà phê bình văn học Mỹ Henry James, khoảnh khắc đó chỉ là một ánh mắt thoáng qua - rồi sau đó, người đàn bà thừa kế người Mỹ biết rằng những ngờ vực của mình là chính xác: Chồng mình và vợ của cha mình thậm thụt với nhau.
Đối với nền kinh tế thế giới thì ngày 29/9/2008 là một khoảnh khắc như thế. Quốc hội Mỹ đã từ chối (mặc dù sau này họ đã thay đổi quyết định) thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỉ đô-la của Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson đề xuất. Chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones sụt mất 778 điểm. Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới suy sụp. Thật ngạc nhiên, những gì tưởng chừng như chỉ là một viễn cảnh xa vời - sự lặp lại của cuộc Đại Suy thoái - giờ đây lại trở thành một khả năng thực sự.
Cuộc Đại Suy thoái chính là thảm họa của thế kỷ trước. Trong thập niên 1930, nó đã dẫn tới tình trạng thất nghiệp trên toàn thế giới. Và sau đó, dường như những mất mát mà tự nó gây nên là chưa đủ, khoảng trống quyền lực mà nó tạo ra đã châm ngòi cho Đại chiến thế giới lần thứ hai, khiến cho hơn 50 triệu người thiệt mạng oan uổng.
Sự tái hiện của cuộc Đại Suy thoái hiện giờ là có khả năng bởi các nhà kinh tế, chính phủ và dư luận chung trong những năm gần đây ngày càng trở nên tự mãn. Họ đã quên hết những bài học từ thập niên 1930. Trong những năm tháng đầy khó khăn đó, chúng ta đã nhận ra cách thức hoạt động thực sự của nền kinh tế. Chúng ta cũng đã nhận thức được vai trò thích đáng của chính phủ trong một nền kinh tế tư bản sung mãn. Chính vì vậy, cần phải nhắc lại những bài học đó, chúng ta phải thấu hiểu chúng để biết việc gì nên làm ngay bây giờ.
Vào giai đoạn giữa của cuộc Đại Suy thoái, nhà kinh tế học người Anh, John Maynard Keynes đã xuất bản cuốn The General Theory of Employment, Interest and Money (tạm dịch: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ). Trong kiệt tác được xuất bản vào năm 1936 này, Keynes đã cho thấy làm thế nào mà các chính phủ tín dụng đáng tin như Hoa Kỳ và Anh có thể vay và chi, nhờ đó mang lại công ăn việc làm cho người thất nghiệp. Đơn thuốc này đã không được áp dụng một cách có hệ thống trong suốt thời kỳ suy thoái. Chỉ đến lúc cuộc Đại Suy thoái qua đi, các nhà kinh tế mới bắt đầu đưa ra định hướng rõ ràng cho các chính trị gia. Thế nên các nhà lãnh đạo mới lúng túng như gà mắc tóc. Chẳng hạn như ở Mỹ, cả Tổng thống Herbert Hoover lẫn Tổng thống Franklin Roosevelt đều dính dáng đến vài khoản chi tiêu thâm hụt. Mặc dù mơ hồ đến đáng sợ, nhưng nhìn chung họ đều có trực giác đúng đắn, và phần lớn các chính sách của họ đều đi đúng hướng. Tuy nhiên, vì họ không nhận được bất kỳ định hướng nào nên họ không đủ tự tin để theo đuổi đến cùng những chính sách đó.
Cho đến khi việc vay và chi theo đúng tinh thần của Keynes rốt cuộc cũng diễn ra để chống lại chiến tranh thì tình trạng thất nghiệp biến mất. Đến thập niên 1940, đơn thuốc của Keynes đã trở thành chuẩn mực và nó được áp dụng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, thậm chí còn được trân trọng đưa vào luật. Ở Hoa Kỳ, Đạo luật Việc làm (Employment Act) năm 1946 quy định việc giải quyết công ăn việc làm đầy đủ là trách nhiệm của liên bang.
Các nguyên tắc của Keynes về vai trò của chính sách tiền tệ và tài khóa trong cuộc chiến đấu chống suy thoái đã trở nên ăn sâu bám rễ vào tư duy của các nhà kinh tế và các chính trị gia, các học giả và một bộ phận công chúng. Ngay cả Milton Friedman quá cố cũng được cho là đã từng nói rằng: “Hiện giờ, tất cả chúng ta đều là những người theo thuyết Keynes (Keynesian)” - mặc dù sau đó ông phủ nhận tuyên bố của mình.
Đúng vậy, cuộc đời có những lúc thăng trầm. Đã có những bước nhảy vọt lớn, chẳng hạn như nước Nhật vào thập niên 1990, Indonesia sau năm 1998, và Argentina sau 2001. Thế nhưng cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế thế giới cho thấy rằng toàn bộ thời kỳ hậu chiến đã, đang và sẽ tiếp tục là một thành công. Hết đất nước này đến đất nước khác duy trì được chỉ tiêu kiểu như đầy đủ công ăn việc làm. Giờ đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiết chế bớt khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của mình, với dân số khổng lồ, họ cũng bắt đầu trải nghiệm nền kinh tế thịnh vượng và tăng trưởng.
Bên cạnh tính hữu ích của vấn đề tài chính thâm hụt nhằm thoát khỏi suy thoái, một thông điệp quan trọng khác của Lý thuyết tổng quát (The General Theory) cũng bị cho ra rìa. Đó là phân tích sâu hơn của Keynes về cách thức vận hành của nền kinh tế và vai trò của chính phủ trong nền kinh tế đó. Năm 1936, khi cuốn Lý thuyết tổng quát được xuất bản, ở một cực của dải màu kinh tế - chính trị (political-economic spectrum) là những kẻ cho rằng các nhà kinh tế già cả trước thời Keynes mới là đúng. Theo những nhà kinh tế cổ điển này thì các thị trường tư nhân, bằng chính nội lực của mình mà không cần đến sự can thiệp của chính phủ, sẽ bảo đảm cung cấp đủ công ăn việc làm “như thể bằng một bàn tay vô hình”.
Trong hình thức đơn giản nhất, logic cổ điển này cho rằng, nếu một công nhân sẵn sàng làm việc để kiếm được ít hơn so với những gì mà cô ta có thể sản xuất ra thì một ông chủ có thể kiếm lời bằng cách trao cho cô ta một công việc. Các lão già với những quan điểm này đã hối thúc việc cân đối ngân sách và khăng khăng yêu cầu giảm thiểu vai trò điều tiết của chính phủ. Ở cực kia của dải màu trong năm 1936 là các nhà xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng quá trình hồi phục sau tình trạng thất nghiệp thập niên 1930 chỉ có thể hoàn thành một khi chính phủ nắm lấy việc kinh doanh. Sau đó chính phủ sẽ loại trừ tình trạng thất nghiệp bằng cách tự mình thuê mướn nhân công.
Nhưng cách tiếp cận của Keynes thì khiêm tốn hơn. Theo quan điểm của ông, nền kinh tế không chỉ bị thống trị bởi các yếu tố lý trí, những yếu tố “như thể bằng một bàn tay vô hình” sẽ can thiệp vào bất cứ giao dịch nào liên quan đến lợi ích kinh tế lẫn nhau của cả hai bên, theo đúng quan điểm của các nhà kinh tế cổ điển. Keynes cho rằng hầu hết hoạt động kinh tế đều là thành quả của các động cơ lý trí về kinh tế, nhưng đồng thời hoạt động kinh tế đó cũng bị điều khiển bởi tinh thần động vật (animal spirits). Trong con người tồn tại những động cơ phi kinh tế. Trong quan điểm của Keynes, tinh thần động vật là lý do chính của những biến động kinh tế thường thấy. Nó cũng là lý do chính của tình trạng thất nghiệp không tự nguyện.
Thế nên, để nắm bắt được nền kinh tế chúng ta phải hiểu được cách thức nền kinh tế bị điều khiển bởi tinh thần động vật. Nếu như bàn tay vô hình của Adam Smith là yếu tố chủ đạo trong quan điểm của các nhà kinh tế cổ điển thì tinh thần động vật của Keynes chính là yếu tố chủ đạo của một quan điểm kinh tế khác hẳn - một quan điểm lý giải cho những biến động ngầm của chủ nghĩa tư bản.
Khi di sản của Keynes, vai trò của Chính phủ bị thử thách thì hệ thống phòng vệ được lập nên từ bài học của cuộc Đại Suy thoái bị gặm mòn.
Những cơn phát cuồng sẽ dẫn tới hoảng loạn
Lý giải của Keynes về cách thức chi phối nền kinh tế của tinh thần động vật đưa ta đến với vai trò của chính phủ.
Quan điểm của ông về vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế rất giống với những gì chúng ta đọc được trong các cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con cái. Một mặt, những cuốn sách đó cảnh báo chúng ta không nên quá độc đoán. Con cái sẽ cực kỳ vâng lời, nhưng đến khi trưởng thành chúng sẽ nổi loạn. Mặt khác, sách cũng khuyên chúng ta không nên quá dễ dãi. Trong trường hợp này, con cái không được dạy dỗ để tạo ra những giới hạn phù hợp cho chính bản thân chúng.
Những cuốn sách hướng dẫn nuôi con đó nói với chúng ta rằng cách nuôi dạy con phù hợp chính là con đường nằm giữa hai thái cực trên. Vai trò thích đáng của bố mẹ là đặt ra những giới hạn để con trẻ không nuôi dưỡng thái quá tinh thần động vật của nó. Nhưng những giới hạn này cũng nên cho phép con trẻ được tự lập trong học hỏi và sáng tạo. Vai trò của bố mẹ là tạo nên một mái ấm hạnh phúc, nơi con trẻ được tự do, đồng thời là nơi bảo vệ nó khỏi tinh thần động vật của chính bản thân chúng.
Mái ấm hạnh phúc này tương ứng chính xác với thứ mà Keynes (và cả chúng ta nữa) đề cập đến về vai trò thích đáng của chính phủ. Như nhìn nhận chính xác của các nhà kinh tế cổ điển, xã hội tư bản có thể vô cùng sáng tạo. Mặt khác, khi được thả cương, nền kinh tế tư bản sẽ luôn tìm cách vượt quá giới hạn như đã nhiều lần chúng ta chứng kiến. Sẽ có những cơn phát cuồng. Những cơn phát cuồng này sẽ dẫn tới hoảng loạn. Tình trạng thất nghiệp sẽ xảy ra. Mọi người sẽ chi tiêu quá nhiều và dành dụm quá ít. Thiểu số sẽ bị ngược đãi và gánh chịu hậu quả. Giá nhà, giá cổ phiếu, và thậm chí cả giá dầu sẽ tăng vọt và bùng nổ. Cũng như vai trò thích đáng của bố mẹ trong cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con cái, vai trò thích đáng của chính phủ là tạo ra một vũ đài tạo điều kiện phát huy đầy đủ tính sáng tạo của chủ nghĩa tư bản, nhưng nó cũng phải chống lại được hiện tượng vượt ngưỡng do tinh thần động vật gây ra.
Đề cập đến chuyện vượt ngưỡng, Tổng thống George W. Bush đã có nhận xét sắc sảo về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời như sau: “Phố Wall say mất rồi.” Nhưng lời giải thích vì sao Phố Wall say, vì sao chính phủ tạo ra những tiền đề cho phép nó say để rồi ngồi ngẩn ra trong khi nó tự tung tự tác, thì lại phải xuất phát từ một học thuyết về nền kinh tế và cách vận hành của nó. Nó hình thành từ sự cắt xén đều đặn Lý thuyết tổng quát của Keynes, bắt đầu ngay sau khi nó được xuất bản lần thứ nhất và rồi trở nên có tác động mạnh mẽ hơn vào thập niên 1960 và 1970.
Sau khi cuốn Lý thuyết tổng quát xuất bản, các môn đồ của Keynes đã loại bỏ gần hết các loại tinh thần động vật - những động cơ phi kinh tế và cách hành xử phi lý trí - vốn là cốt lõi trong lý giải của ông về cuộc Đại Suy thoái. Họ chỉ để lại một vài loại tâm lý động vật đủ để cho ra đời thuyết Mẫu chung nhỏ nhất (Least-Common-Denominator) nhằm giảm thiểu khoảng cách nhận thức giữa lý thuyết tổng quát và học thuyết chuẩn mực của các nhà kinh tế học cổ điển đương thời. Trong thuyết kinh tế chuẩn mực này không tồn tại khái niệm tinh thần động vật. Con người chỉ hành động vì những động cơ kinh tế, và họ hành động đơn thuần theo lý trí.
Các học trò của Keynes áp dụng “tính chất tầm thường” (như mô tả của Hyman Minsky) này vì hai lý do chính. Thứ nhất là cuộc Suy thoái vẫn đang hoành hành, và họ muốn tạo ra những hoán đổi trong thông điệp của ông về vai trò của chính sách tài khóa càng nhanh càng tốt. Họ sẽ đưa ra những hoán đổi tối đa bằng cách tiếp cận gần nhất có thể với thuyết kinh tế đương thời. Và sai lệch tối thiểu này lại là hữu ích vì một lý do khác. Nó cho phép các nhà kinh tế hiện thời nắm bắt học thuyết mới theo quan điểm của học thuyết cũ.
Nhưng giải pháp tình thế này đã tạo ra những hậu quả lâu dài. Phiên bản Lý thuyết tổng quát này từ chỗ như đá ném ao bèo đã được chấp nhận rộng rãi vào các thập niên 1950 và 1960. Tuy nhiên, phiên bản rút gọn của các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes này cũng rất dễ bị tấn công. Trong suốt thập niên 1970, một thế hệ các nhà kinh tế mới trỗi dậy. Trong quan điểm được gọi là của các nhà kinh tế học cổ điển mới này, họ nhận thấy rằng một vài loại tinh thần động vật còn sót lại trong quan điểm của Keynes là quá tầm thường để có thể tạo nên ảnh hưởng trong nền kinh tế.
Trong quan điểm mà hiện nay đã trở thành ngành kinh tế học vĩ mô hiện đại này, họ cho rằng các nhà kinh tế học hoàn toàn không nên để mắt tới tinh thần động vật. Và thế là các nhà kinh tế học cổ điển theo trường phái tiền Keynes với quan điểm không tồn tại tình trạng thất nghiệp phi tự nguyện lại được vực dậy, không phải là không có ít mỉa mai. Tinh thần động vật đã bị quẳng vào chiếc sọt rác của lịch sử tri thức.
Quan điểm cổ điển mới về cách thức vận hành của nền kinh tế này đã được truyền từ các nhà kinh tế sang các chuyên gia cố vấn, các nhân vật chóp bu trong hoạch định chính sách, giới trí thức nói chung và cuối cùng là sang đến giới truyền thông đại chúng. Nó đã trở thành một câu thần chú chính trị: “Tôi là tín đồ của thị trường tự do.” Niềm tin rằng chính phủ không nên cản trở người dân theo đuổi lợi ích cá nhân của họ đã ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia trên toàn thế giới. Ở Anh, nó đã định hình nên chủ nghĩa Thatcher. Ở Mỹ, nó làm nên chủ nghĩa Reagan. Và từ hai quốc gia Anglo-Saxon này, nó đã lan tỏa đi khắp nơi.
Quan điểm rằng vai trò của bố mẹ giống như những ông bố, bà mẹ dễ dãi đã thay thế cho mái ấm hạnh phúc mà Keynes đề ra. Đến giờ, ba thập niên sau những cuộc bầu cử của Margaret Thatcher và Ronald Reagan, chúng ta mới nhận ra những rắc rối mà nó đẻ ra. Không giới hạn nào được đặt ra cho sự quá trớn của Phố Wall. Nó đã trở nên say cuồng. Và giờ đây thế giới phải đối mặt với những hậu quả đó.
Đã một thời gian dài kể từ khi chúng ta khám phá ra con đường mà chính phủ có thể cân bằng được những cú sốc lý trí và phi lý trí của các nền kinh tế tư bản. Nhưng khi di sản của Keynes và vai trò của chính phủ bị thử thách thì hệ thống phòng vệ được lập nên từ bài học của cuộc Đại Suy thoái đã bị gặm mòn. Thế nên chúng ta nhất thiết phải đổi mới nhận thức về cách thức vận hành thực sự của nền kinh tế tư bản, trong đó con người không chỉ có những động cơ kinh tế lý trí mà còn có tất cả các loại tinh thần động vật, việc phớt lờ nhận thức về cách thức vận hành thực sự của nền kinh tế đã dẫn tới tình trạng hiện nay của nền kinh tế thế giới, với sự sụp đổ của các thị trường tín dụng và nguy cơ sẵn sàng sụp đổ của nền kinh tế thực tại.
Với lợi thế trên 70 năm nghiên cứu về khoa học xã hội, chúng ta có thể phát huy vai trò của tinh thần động vật trong kinh tế học vĩ mô theo cách thức mà những người ủng hộ thuyết của Keynes trước đây không thể làm được. Và bởi vì chúng ta công nhận tầm quan trọng của tinh thần động vật, cũng như đặt chúng ở vị trí trung tâm trong học thuyết của chúng ta thay vì giấu nhẹm chúng đi.
Học thuyết này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh suy thoái hiện nay. Trên hết, các nhà hoạch định chính sách cần phải biết làm những gì. Và học thuyết này cũng rất cần thiết cho những người đã có những trực giác đúng đắn, chẳng hạn như Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang, Ben Bernanke. Chỉ khi nhận thức rõ ràng những gì mà học thuyết này cung cấp thì họ mới có đủ sự tự tin cũng như trí tuệ đúng đắn để theo đuổi khát vọng của mình về những biện pháp thực sự cứng rắn cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trịnh Thanh Thủy dịch