Ăn uống là sở thích lớn nhất của
bạn tôi, một đồng hương hiện đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Hầu như không món
ăn bình dân nào mà anh không biết, nếu muốn tìm hiểu về một món ăn của miền Bắc
hay miền Trung ở Sài Gòn thì tìm đến anh là đúng đối tượng. Nhiều lần anh chở
tôi đi tìm món ăn khoái khẩu, tôi đã phải xá dài. Để tìm được món ăn yêu thích,
anh có thể bỏ ra hàng giờ để đi đến nơi đó. Dù trời đang mưa hay nắng, hễ thèm
một món nào là lập tức anh nhảy lên xe tìm mua cho bằng được.
Vì là bạn thân nên tôi với anh
nói chuyện, cư xử với nhau rất tự nhiên thoải mái. Có lần tôi hỏi anh: “Tôi
thấy ông hôm nay thèm món này, ngày mai thèm món nọ, sao cứ thèm mãi vậy? Ông
đâu thiếu thốn thứ gì, những món ông thèm đều đã ăn qua hết, lại ăn hoài chứ đâu
phải lâu ngày không ăn đâu mà thèm mà nhớ. Rủi khi nào thèm mà không có món đó
thì phải làm sao? Lỡ như gặp lúc ông không có tiền, hoặc hôm đó nơi bán thức ăn
nghỉ bán thì chắc ông không chịu nổi”. Người bạn nhe răng cười: “Ông nói đúng
rồi, khi nào thèm mà không ăn được thì khổ lắm, trong người cảm thấy bực bội,
khó chịu làm sao! Mà tôi cũng chẳng biết sao nữa, cứ nay có cảm giác thèm món
này, mai có cảm giác thèm món kia, không lúc nào là không có cảm giác thèm ăn
cả”. Tôi cười bảo anh: “Không biết là cái dạ dày của ông hoạt động tốt hơn mức
bình thường hay là tại cái nghiệp (thói quen, tập khí) ăn uống của ông sâu
nặng?”. Người bạn vẫn cười xòa: “Bởi vậy sau khi chết chắc tôi thành ngạ quỷ
(quỷ đói) vì luôn có cảm giác thèm khát món ăn” (Bạn tôi cũng có chút ít hiểu
biết về đạo Phật). Tôi nói: “Nói gì sau lúc chết, bây giờ cũng đủ khổ vì cái
nghiệp đó rồi!”. Người bạn hớn hở: “Nhưng ông không biết đâu, cảm giác được ăn
món mình thèm thật thích thú lắm!”. Tôi nói: “Đúng rồi, ăn uống cũng khiến cho
người ta vui thích. Nhưng càng vui thích bao nhiêu, khi không được ăn, không
được thỏa mãn lại càng khổ não bấy nhiêu”. Khổ đây là khổ vì ham muốn, thèm
khát mà không được thỏa mãn. Đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm thỏa mãn
những ham muốn, thèm khát của mình, sao bằng chúng ta hạn chế, làm chủ những
ham muốn, thèm khát đó.
Ăn uống chẳng những là nhu cầu
của sự sống mà còn là cái thú của con người. Nhất là trong thời đại ngày nay,
khi đời sống vật chất ngày một lên cao thì người ta không chỉ ăn để no mà còn
ăn để thưởng thức, hưởng thụ. Ăn uống là một phần của ngũ dục lạc. Người ta cảm
thấy thỏa mãn, vui vẻ, thích thú khi ăn các món ngon vật lạ. Không ai biết trên
thế gian này có tất cả bao nhiêu món ăn, nào món Tây, nào món ta, nào món
truyền thống, nào món hiện đại… Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có
những món ăn đặc trưng của mình. Số lượng món ăn không thể nào tính đếm hết,
nhưng mỗi ngày người ta vẫn tìm tòi, chế biến ra những món ăn mới, lạ để làm
thỏa mãn thú ăn uống của con người. Ăn để sống, ăn để vui thì không có gì đáng
nói, vì đó là nhu cầu cơ bản của đời sống. Nhưng ăn để thỏa mãn ham muốn, khát
vọng vô cùng tận luôn được khơi dậy, nuôi dưỡng, nuông chiều thì không nên. Vì
đó là nguyên nhân của khổ. Nếu ham muốn, khát vọng đó không được đáp ứng, không
được làm thỏa mãn thì chúng ta rơi vào tình trạng buồn bã, khổ não, khao khát,
thèm thuồng.
Lại nữa, vì cái cảm giác thích
thú, thỏa mãn khi ăn mà con người tàn sát sinh linh không thương tiếc, biết bao
loài vật từ thượng cầm hạ thú cho đến côn trùng bị giết hại để chế biến thành
những món ăn khoái khẩu. Hãy nhìn những con ếch bị lột da, những con gà bị cắt
cổ, những con heo bị thọc huyết, những con bò bị đập đầu một cách tàn bạo dã
man; hãy nhìn những con cá kèo còn sống bị quẳng vào nồi lẩu, những con cua còn
sống đang hoảng loạn, sợ hãi tìm đường thoát ra khỏi chảo rang trên than hồng,
lửa đỏ… Hãy nghĩ xem, nếu mình rơi vào hoàn cảnh như thế mình có cảm giác ra
sao? Mình có đau đớn, khổ não không khi bị mổ bụng, lột da; mình có kinh hoàng,
hoảng sợ không khi sự sống sắp kết thúc? Chỉ vì một bữa ăn ngon, chỉ vì muốn
thỏa mãn cái cảm giác thích thú, mà cái cảm giác đó chỉ tồn tại trong giây lát
và còn đọng lại một ít trong ký ức mà thôi, người ta đã không ngần ngại cướp đi
mạng sống, gieo đau khổ cho các chúng sinh khác. Chỉ vì một bữa ăn ngon mà tạo
nhân khổ cho mình (tạo nghiệp sát sinh và huân tập thói quen hưởng thụ), và
gieo nỗi kinh hoàng, sợ hãi, chết chóc thảm thương cho muôn loài.
Tại sao không chuyển hóa những
tập khí, thói quen ăn uống hưởng thụ có hại để thoát ly khỏi những cảm giác
thèm khát và khổ não vì không được thỏa mãn. Biết tiết chế ăn uống, đừng làm
sinh khởi, đừng nuôi dưỡng, nuông chiều những tập khí, thói quen ăn uống hưởng
thụ; làm chủ sự ăn uống, những ham thích món ngon vật lạ, làm chủ những mong
muốn phải có cho bằng được để đáp ứng đòi hỏi của bản thân.
Thiết nghĩ, người con Phật chúng
ta cần ăn trong chánh niệm tỉnh giác, biết thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ),
đừng vì miếng ăn mà mê đắm, khổ lụy. Biết chọn món ăn có lợi cho sức khỏe, có
lợi cho thể chất lẫn tinh thần và tâm linh, nhất là những món ăn không gây hại
cho các loài động vật, không có huyết nhục, không có sát khí, oán khí tưới tẩm
bên trong. Nên tập làm chủ cảm xúc của mình, đừng để những cảm giác thèm
thuồng, khao khát thúc giục, dẫn dắt. Phải hướng tâm đến các pháp lành, thực
tập chánh niệm để không bị lôi cuốn bởi các dục - ở đây là dục ăn uống hưởng
thụ - để không bị tác động, bởi các duyên bên ngoài, để không bị các cảm xúc
tiêu cực, những ham muốn tầm thường làm chủ chế ngự tâm mình.