Luận về tứ Đế

"Cuộc đời" hai tiếng âm vang bao ngọt ngào cay đắng mà mỗi kiếp con người đang nếm trải trên những tháng ngày một cuộc tồn sinh. Khổ đau đã tồn tại. Những sợi dây trăn trói chằng chịt vây lấy những kiếp người. Những triền miên khắc khoải tâm tư mãi hằn sâu vết chim trên cát vàng mê lộ.

Đức Phật - chẳng phải Ngài đã đem khổ đau đến cho cuộc thế, mà chính là Ngài đã chỉ ra bao nhiêu khổ đau đang ẩn núp giữa cuộc đời. Những khổ đau đang tự biến hình dưới muôn trùng lối nguỵ trang khéo léo, như những hố hầm đang chực chờ dưới bao lớp lá hồn nhiên. Những nỗi khổ đau bị che khuất nằm trong cái mà bề ngoài có vẻ thú vị, nhưng trong đó đã có sẵn niềm đau.

Nói thật thì mất lòng. Ngài đã thẳng thừng chỉ ra một lượt, những thủ phạm của khổ đau mà xưa nay bao người cứ ngờ rằng chính là bằng hữu đệ huynh thân thiết. Biết bao người chới với không dám tin vào sự thật: cuộc đời là bể khổ. Ngài đã nói ra những điều làm phủ phàng đảo lộn cả thế gian. Những sự thật mà thế gian không muốn nghe, không muốn tin, thậm chí còn hãi hùng khôn xiết. Họ đang nếm vị ngọt ngào của những giọt mật và đang quên mình đang bị vây bủa giữa bao mối hiểm nguy.

Quả là quá sức chịu đựng của thế nhân, khi biết rằng cuộc đời họ là một chuỗi dài những nối kết khổ đau. Có người không chịu nổi đã lớn tiếng la lên: Đức Phật ôi! Xin Ngài hãy để cho chúng tôi được sống bình yên. Dù cuộc đời thế nào xin được sống hồn nhiên. Hãy an ủi chúng tôi, đừng làm chúng tôi sợ. Hãy nói về những hão tượng tốt lành trên những tiên triệu bão tố âm u, hãy đem đến thêm những cành hoa đẹp. Hãy trỗi nhạc lên để chúng tôi múa hát. Dù là thế nào, chúng tôi vẫn thích sống vô tư …

Nhưng Ngài đã đem cuộc tử sinh của mình trải mở ra giữa lòng vạn loại. Đem luật tắc tồn sinh thể nghiệm trên chính sinh mạng của mình. Cũng như họ, Ngài trải qua bao ngọt bùi cay đắng. Nhưng Ngài đã đứng dậy được mãi mãi sau muôn trùng té ngã. Ngài không thể không nói về chân lý cho một cuộc đứng lên. Bởi vì Ngài đã nhận cho mình một trách nhiệm: Ngăn lại những con đường nguy hiểm, mở ra những con đường đưa đến hạnh phúc an lạc giải thoát cho chúng sanh. Đó là lòng từ mẫn của bậc cha lành, mà chúng sanh đang nổi trôi trong mê mờ mông muội nào biết đến.

Kinh Pháp Hoa chép: "Ba cõi không yên, ví như nhà lửa, các khổ dẫy đầy trong đó rất là đáng sợ, mà chúng sanh không biết, vẫn ở trong đó mặc ý vui chơi". Bởi vì sao? Vì chúng sanh không biết khổ là gì, cũng như không biết lửa là gì, nóng là gì. Cho nên cứ vui chơi thoải mái …

Những nỗi khổ trong đời rấtt nhiều, rành rành trước mắt mà con người thường nhìn với con mắt thờ ơ, tưởng chừng như nó không thể động tới mình. Hoặc ỷ tuổi trẻ sức mạnh. Hoặc tưởng thọ mạng dài lâu. Hoặc buông xuôi cát bụi.

Như giọt sương lộng lẫy buổi ban mai, dòng sinh mệnh chảy không ngừng, mau hơn nước ghềnh chảy. Ngày nay tuy tồn tại, ngày mai khó bảo toàn, thế mà cứ buông lòng làm ác...

Những khổ đau trong đời cần phải nhận rõ:

1. Những khổ về sanh: Người chết rồi, thần thức chẳng biết đi về hướng nào. Sống với thân trung ấm thời gian 49 ngày. Gặp khi cha mẹ giao cấu liền chạy vào thai. Bảy ngày ban đầu hình trạng như chất bơ lỏng. Bảy ngày thứ hai như bơ đông đặc. Bảy ngày thứ ba như bơ đông cứng. Bảy ngày thứ tư như lát thịt mỏng. Đến bảy ngày thứ năm mới bắt đầu thành bào thai. Như gió vào trong bụng mẹ mà thổi nơi thân thể, thời sáu căn mới mở khai. Nếu mẹ ăn một bát đồ ăn nóng, thì bào thai như nằm trong chảo nước sôi. Hoặc uống phải một ly nước lạnh thì như nằm trong hàn băng. Và lấn ép thân thể mẹ, mẹ rất đau khổ. Đầy đủ tháng ngày, đứa con mới quay đầu xuống nơi sản môn của mẹ, như hai viên đá ép, mạng mẹ nguy hiểm, lòng cha lo sợ. Ra khỏi lòng mẹ, da thân mỏng tăn, bị phải lá cỏ đụng vào thân như bị dao cắt, hoảng hốt mà thất thanh khóc lớn...

"Mới sinh ra thì đà khóc choé.
Đời có vui sao chẳng cười khì" (Cung oán ngâm khúc)

"Trời ơi sinh tôi làm chi,
 Để cho tôi khổ như ri hỡi Trời" (Ca dao)

2. Những nỗi khổ về già: Chịu nhờ ơn nuôi nấng của cha mẹ, lớn to mạnh mẽ. Nhưng lần lữa đã già, đầu bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc. Sức mạnh lui dần, nhường cho suy yếu thay thế. Da dùn mặt nhăn, trăm đốt xương đau nhức. Bước đi cực khổ. Ngồi đứng rên hừ hừ. Lòng dạ lo buồn và tinh thần dần dần tiêu giảm.

"Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi Xuân đi.
Cái già sồng sộc nó thì theo sau".

"Vì sương cho núi bạc đầu,
Vì chưng mưa nắng cho rầu nguyệt hoa".

 "Lão lai tài tận".

 "Già sinh tật, đất sinh cỏ".

3. Những nỗi khổ về bệnh: Thân người có 4 đại là đất, nước, gió, lửa hiệp lại mà thành. Nếu một món chẳng điều hoà thời phát sinh 101 bệnh. Mà 4 đại không điều hoà thì 404 bệnh sanh khởi. Như đại địa chẳng điều hoà thì thân thể nặng nề. Thuỷ đại chẳng điều hoà thì thân thể phù thủng. Hoả đại chẳng điều hoà thì thân thể nóng nảy. Phong đại chẳng điều hoà thì thân thể động chuyển. Cảm giác trăm đốt đau nhức, nên tay chân chẳng cử động theo ý muốn. Khí lực mòn dần, ngồi mà đứng dậy phải nhờ người phù trợ. Miệng khô, lưỡi thụt, mũi ngẹt, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe. Những đồ nhơ nhớp tuôn trào, rồi ngồi nằm trên ấy! Tâm thần khổ não, giọng nói bi ai buồn thảm. Bà con đến thăm nuôi, ngày đêm chăm sóc chẳng chút nghỉ ngơi. Món ngon, vật quý ngọt thơm, khi đưa vào miệng đều biến thành vị đắng…

"Khi mạnh thì muốn sống dai,
Khi bệnh thì muốn thác ngay cho rồi ".

"Hoạ tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập".

"Có thân phải khổ vì thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". (Nguyễn Du)

4. Những nỗi khổ về chết: Thân người đến lúc sắp chết, thời 404 bệnh nhất tề phát khởi. Bốn đại phân tán, thần thức chẳng an. Gió thổi như dao cắt, đau nhức toàn thân. Toát mồ hôi trắng, hai tay buông xuôi. Phong đại tản đi là hết hơi thở. Hoả đại đi theo là tấm thân lạnh ngắt như đồng!...

"Tóc xanh bao nả mà tóc bạc đã đâm,
Việc mừng chưa xong, mà việc điếu đã tới". (Trần Thái Tông)

"Chàng ơi ai vẻ cho chàng,
lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây,
Lá vàng còn ở trên cây,
lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời". (Ca dao)

5. Những nỗi khổ về tình yêu ly biệt: Trong ngoài gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu, dòng họ yêu mến lẫn nhau. Một khi bị phá hoại, lưu vong, mỗi người một ngã. Cha đông, con tây, chồng nam, vợ bắc, hoặc làm tôi tớ cho người, tuyệt vọng những ngày đoàn tụ...

"Tử biệt sinh ly".

"Mùi tháng năm đều rướm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiển biệt". (Xuân Diệu)

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường". (Nguyễn Du)

"Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm". (Nguyễn Du)

6. Những nỗi khổ về cầu mong chẳng được:

Của mất lại cầu. Muốn quý cầu quan. Muốn sang cầu giàu. Khổ cực tìm cầu đủ cách. Phỏng như cầu được quan sang rồi cũng bị mất, vì lòng tham của dân cướp lấy, lại mong cầu nữa mà nào dễ được đâu … "Trong lúc tìm cầu giàu sang rất khổ. Đã được rồi, giữ cũng khổ. Về sau bị mất, lo rầu lại càng khổ hơn. Xét trong ba thời đều không có vui". (Kinh Bách Duyên)

"Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết, một mình mình hay". (Nguyễn Du)

"Một năm là mấy tháng Xuân,
Một đời người được mấy lần sướng vui". (Ca dao)

7. Những khổ về gặp kẻ oán ghét:

Con người ở trong cảnh ái dục, một việc chút xíu cũng vẫn tranh giành. Rồi do đó mà giết hại lẫn nhau, gây thành oán lớn. Tuy cố tình tránh mặt, nhưng không nơi tránh thoát. Chỉ còn nước mạnh ai nấy mài dao, chuốt tên, gương cung, nắm gậy … gặp nhau giữa đường hai bên xáp lại. Cuối cùng tất nhiên đôi bên đều bị tồn hại …

"Gánh khổ mà đổ lên non,
Cong lưng mà chạy, khổ còn đuôi theo".(Ca dao)

"Trăm năm trăm tuổi trăm sầu,
Nào ai lấy khổ làm bầu bạn đâu" (Ca dao)

"Yêu nhau thì ném bả trầu,
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra". (Ca dao)

"Yêu nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười". (Ca dao)

8. Những khổ về lo rầu khổ não:

Người sanh ra đời có sống lâu lắm cũng chừng trăm năm là cùng. Lắm kẻ mới vào lòng mẹ liền bị trụt thai. Nay cứ người trăm tuổi mà luận: Hết 50 năm thuộc về ban đêm, 5 năm say rượu hoặc tật bệnh là những năm " bất tri nhơn sự ". 15 năm thơ ấu chưa biết việc gì. Và qua 80 tuổi thời già ngu hết trí huệ: tai điếc, mắt mù không còn biết lễ độ phép tắc gì nữa. Thời gian còn lại chỉ trên dưới 10 năm. Trong khoảng 10 năm ấy chỉ có lo rầu chiếm hết phần nhiều: Lo rầu thời cuộc biến loạn; Lo rầu về thời tiết, nắng hạn, mưa bão … mùa màng hư mất; Lo rầu về gia cảnh, vợ con, nội ngoại đau ốm nghèo khổ, của cải mất mát, thân quyến chia ly … Như vậy người sống ở cõi nhân gian chỉ có lo buồn mà phải bị già chết … (theo Kinh Pháp Cú Thí Dụ)

"Ta còn để lại gì không,
Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi"

"Vai mình mang một quê hương,
Còn mang nặng cả nổi buồn tử sinh". (Trần Thái Tông)

"Có đàn con trẻ nheo nheo,
  Có dăm món nợ eo sèo bên tai".

"Trong vòng danh lợi thương ta,
Cái thân nhăng nhít cho qua với đời". (Bạch Cư Dị)

"Trong vòng danh lợi vinh liền nhục,
Giữa cuộc trần ai khóc trước cười". (Nguyễn Công Trứ)

Khổ ở thế gian chia làm 8 loại như trên nhưng có thể tóm thâu lại trong 3 thứ là: khổ khổ, hành khổ, hoại khổ:

1) Khổ khổ: Là những nỗi khổ chồng chất lên nhau, tác động lên mỗi cá nhân. Ví dụ, đứng trên phương diện nghiệp lực, ở vị trí không gian thời gian của cõi thế gian này có đủ 5 món uế trược là kiếp trược, kiến trược, chúng sanh trược, phiền não trược, mạng trược. Đứng về phương diện đồng biệt nghiệp, thì mỗi cá nhân đang gánh chịu trên mình bao nhiêu vòng cộng nghiệp...

"Nước mất nhà tan về đâu hỡi,
Con đau vợ đẻ cực trời ơi!"

2) Hành khổ: Các pháp thiên lưu không dừng. Tâm niệm trôi chảy tương tục. Ngọn lửa của cây đèn đầu hôm không phải là một với ngọn lửa của cây đèn ấy ở cuối hôm. Do nhân duyên hoà hợp hư vọng có sanh, nhân duyên biệt ly hư vọng có diệt. Tất cả chỉ là sự chuyển biến vô ngã.

"Các pháp không bền chắc,
 Thường ở trong tâm niệm.
 Người thấu đạt lý không,
 Tất cả không khởi niệm".

3) Hoại khổ: Các pháp nhỏ lớn đều có 4 hành tướng là sanh, trụ, dị, diệt. Chuyển biến một cách vô ngã. Nhưng vì chấp ngã, con người cảm thấy xao xuyến, mất mát trước những hiện tượng tâm, cảnh đổi thay. Thật là vô lý phải không? Nếu chúng ta muốn một cành hoa không tàn, hay tuổi Xuân không bao giờ mất … Hiển nhiên là ta phải chấp nhận bi kịch của trần gian …

"Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua,
 Xuân còn non nghĩa là Xuân đã già,
 Mà Xuân hết nghĩa là tôi cũng mất". (Xuân Diệu)

Ví như người thầy thuốc, trước khi trị bệnh phải chẩn đoán để biết rõ nguyên nhân, trạng thái … mới có phương cách điều trị cho hết bệnh. Cũng vậy, Đức Phật trước hết nói về sự khổ; sau đó nói đến nguyên nhân dẫn đến sự khổ; nói đến trạng thái khi đã hết khổ và nói đến phương pháp đưa đến trạng thái chấm dứt khổ đau, tức là đạt đến an lạc, Niết Bàn.

Rõ biết sự khổ và các hành tướng của nó, chiêm nghiệm sâu xa về nó, là khâu mấu chốt trong việc điều trị căn bệnh đau khổ truyền kiếp của chúng ta.

Previous Post
Next Post