Nghèo là một cái tội

Thông thường người Việt chúng ta hay nói “Nghèo là một cái tội” để chỉ cái tình trạng nghèo khó, không có hoặc có rất ít những điều kiện vật chất tối thiểu trong đời sống hay sinh hoạt thường nhật. Vì nghèo nên đã không thể phát huy được những khả năng tinh thần cần thiết giúp cho có những quyết định lựa chọn đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh khách quan cũng như chủ quan riêng, đáp ứng một phần nào đó những mơ ước, hoài bão thầm kín của cuộc đời. Từ đó dẫn đến những thiệt thòi, thua kém những người chung quanh. Đã nghèo thì rất dễ lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu, đói rét, khổ sở, đôi khi còn xuống tới mức tận cùng, không còn có cơ may nào ngoi lên được nữa. Cho nên mới gọi nghèo là một cái tội, một thứ tai vạ không phải chỉ thấy ở  từng cá nhân mà còn rất dễ nhận ra trên bình diện xã hội nữa.

Trong một nước nghèo thì thường xảy ra nhiều tai biến như dịch tễ, nạn đói, tình trạng dân trí thấp, chính trị thiếu ổn định, kinh tế chậm phát triển. Ở những khu vực dân cư nghèo thì dễ phát sinh trộm cắp, cướp phá, nghiện ngập, xì ke ma tuý, mãi dâm. Nói chung nghèo gây ra đủ mọi thứ hệ luỵ làm cho xã hội trì trệ và cuộc sống khó khăn thêm.

Người Việt cũng còn nói “Cái khó bó cái khôn”. Tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn lại kìm hãm con người trong một phạm vi hoạt động chật hẹp, tù túng, làm cho trí óc chỉ biết lo toan chuyện sống còn, không có được cái phóng khoáng tự do trong suy nghĩ nên rất khó có những phát kiến mới mẻ, sáng tạo, giúp cho con người tìm thấy tự tin để phấn đấu, để vươn lên, để tìm lối thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, bế tắc.

Ý nghĩa của câu “Nghèo là một cái tội” thì đã rõ nhưng lại có thể nói “Giàu cũng là một cái tội” dù đó là một nghịch lý. Cho nên, sau khi đọc tiểu luận The Afflictions of Affluence (những Thảm Trạng của sự Thịnh Vượng) của Robert J. Samuelson trên tuần báo Newsweek (22.3.2004), đầu đề trên đã được chọn để trình bày một vài suy nghĩ về nghịch lý này trong xã hội Hoa Kỳ.

Samuelson cho rằng trong xã hội Mỹ ngày nay, càng ngày càng có nhiều vấn đề xã hội không phải phát sinh từ tình trạng nghèo khó, túng quẩn mà ngược lại, từ sự trù phú, sung túc.

Vấn đề thứ nhất do chính Tommy Thompson, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân dụng trong nội các của Tổng Thống George W. Bush, nêu lên. Ông Thompson công bố bệnh mập phì là nguyên nhân đưa đến số người chết trước tuổi hằng năm cao gần con số kỷ lục do bệnh nghiện thuốc lá gây ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh của Hoa Kỳ (CDC – Centers for Disease Control and Prevention) tính rằng số người chết vì bệnh mập phì hằng năm trong thập niên truớc là 400,000, gần bằng số người chết vì thuốc lá (430,000), vượt xa các nguyên nhân khác như nghiện rượu (85,000), tai nạn xe hơi (43,000), hay súng đạn (29,000), chưa kể đến con số nạn nhân của ma túy, cờ bạc, hay băng đảng. Đây quả là tai hoạ của một xã hội giàu có.

Theo Samuelson, bệnh phì và những di hoạ đi kèm như tiểu đường hay tim mạch làm tổn phí mất 9% ngân sách y tế của Hoa Kỳ. Cụ thể hơn, theo Amanda Gardner, phóng viên của Health Day News (21.1.2004), bệnh này đã làm Hoa Kỳ chi tiêu 75 tỷ đô-la năm 2003, trong đó người dân đóng thuế phải trả một nửa qua các chương trình Medicare và Medicaid. Tiểu bang California đã chịu phần cao nhất là 7.7 tỷ đô-la. Thời kỳ đầu mới lập quốc, lúc Hoa Kỳ còn nghèo, đâu có vấn đề này. Có ý kiến cho rằng tội phạm chính gây ra tình trạng này là các nhà hàng cũng như công ty sản xuất thực phẩm loại chế biến nhanh (fast food). Nếu chúng ta đến viếng các trường tiểu học hay trung học trong các khu học chính gần thành phố chúng ta đang ở, chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy khá nhiều cháu thuộc vào hai dạng mập (overweight) hoặc phì (obese). Có sự phân biệt này là do chỉ số BMI (Body Mass Index) khác nhau mà cách tính được giải thích trong phần ghi chú ở cuối bài.

Nhật báo Los Angeles Times (ngày 4 tháng 6, 2004) có đăng tải một bài của Rosie Mestel nói về kết quả của một công trình nghiên cứu tại tiểu bang Arkansas trong niên khoá 2003-2004 về tình trạng mập phì càng ngày càng gia tăng cần gióng lên tiếng chuông báo động. Arkansas là tiểu bang đầu tiên trên toàn quốc Hoa Kỳ bắt buộc phải báo cáo tình trạng này hằng năm. Trong số 276,783 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được thăm dò, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 58% có cân nặng bình thường, 22% được xem là mập (overweight) và 18% ở trong giới hạn được coi là có thể trở thành mập (at risk). Tỷ lệ 22% có nghĩa là ở Arkansas cứ mỗi 4 học sinh thì gần như có 1 em được sắp vào loại mập, một tỷ lệ quả thật đáng lo ngại.

Ngay trong cộng đồng chúng ta cũng đã có những cháu nếu chưa hẳn thuộc dạng phì thì cũng có thể được xem là trên mức cân bình thường ở lớp tuổi của các cháu. Nếu các bậc cha mẹ vì quá bận rộn công việc mưu sinh không có thì giờ chăm sóc, theo dõi vấn đề ăn uống của các cháu, hoặc vì nuông chiều, để cho các cháu ăn loại fast food của Hoa Kỳ mà các cháu ưa thích nhưng lại có rất nhiều chất béo như Big Macs, French fries, Sundae, Coke, rồi lại cho chúng ngồi hàng giờ trước TV hay chơi games trên máy điện toán, thiếu hẳn các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời…. thì chuyện lên cân quá mức bình thường là chuyện không thể nào tránh được.

Thật ra, theo tác giả Samuelson, nguyên nhân chính của bịnh mập phì là ở Hoa Kỳ giá thực phẩm rẻ hơn trước rất nhiều, do đó người Mỹ tiêu thụ nhiều hơn và ăn ngoài thường xuyên hơn. Ông cho biết là vào năm 1950 người Mỹ dành 1/5 thu nhập cho thực phẩm trong khi chi phí ăn ngoài chưa đến 1/5 của con số đó. Ngày nay thực phẩm rẻ hơn nên chỉ mất 1/10 thu nhập, trái lại chi phí ăn ngoài lại chiếm mất 1/2 số tiền này.

Roland Sturm, một chuyên gia về bệnh phì thuộc trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, cũng ghi nhận là khi các nước vừa thoát ra khỏi tình trạng nghèo và có điều kiện sống khá hơn thì hệ luỵ này bắt đầu xuất hiện, nghĩa là một số dân cư bắt đầu có dấu hiệu trở thành mập phì nhiều hơn. Như vậy giàu không phải là một cái tội hay sao?

Nhân nói về chuyện thực phẩm ở Hoa Kỳ đã rẻ lại nhiều về lượng cũng như loại và có phẩm chất bổ dưỡng cao mà ngay cả du khách đến từ các nước công nghiệp phát triển ở Châu Âu cũng phải choáng ngợp, tôi lại liên tưởng tới một hệ luỵ khác: đó là sự phí phạm. Có phải là vì tôi đến từ một đất nước quá nghèo, lại phải sống qua hàng chục năm ăn uống thiếu thốn, có khi phải ăn độn bo-bo, bắp, khoai, sắn dài dài vẫn không đủ no, cho nên đến giờ này trong lối nhìn còn quá khe khắt chăng?

Chúng ta hãy nhớ lại những lần họp mặt gần đây xem. Dù mục đích buổi họp mặt là gì đi nữa (họp đồng hương, đồng nghiệp, trường xưa, bạn cũ, sinh nhật, tân gia, tân khoa, mừng 25 hoặc 30 năm sống chung mà vẫn chưa tan đàn rẽ nghé?) và dù chủ nhân đứng ra mời có dặn dò cẩn thận đừng mang thêm thức ăn, hay tổ chức theo lối potluck mỗi người một món, có đôi có cặp thì lo món ăn, độc thân tại chỗ thì lo thức uống, có khi còn lập danh sách cả tháng trước để bảo đảm khỏi trùng nhau vì người ghi sau có thể nhìn vào danh sách để chuẩn bị cho mình một món chưa ai làm, vậy mà lần họp nào trên bàn cũng bày la liệt các món ăn và lần nào cũng thừa quá nhiều. Như vậy có phí phạm không? Hình như ai cũng hơn một lần nhìn thấy vấn đề này nhưng ít ai dám nói ra hay đề nghị một phương thức khác. Người Việt thường tế nhị và có tính hay lo, luôn luôn chủ trương thà dư hơn thiếu, sợ lỡ tính toán kỹ quá bạn bè sẽ cười.

Tổ chức ở nhà hàng cũng có tình trạng tương tự. Như tổ chức đám cưới ở nhà hàng Tàu chẳng hạn. Tại sao thực đơn cứ phải 8 hoặc 9 món? Càng ngày càng có nhiều người ăn kiêng vì bệnh hay muốn phòng bệnh. Ngồi xuống bàn ăn là nghe nhắc nhở, dặn dò “Nhớ nghe anh: low fat, low sodium”. Và hầu như bạn bè lớp tuổi tôi bây giờ đa số ai cũng lo ngay ngáy, cứ sợ món này món nọ ăn vào sẽ làm cao máu, cao mỡ. Như vậy mà nhà hàng cứ hết vòng này lại đến vòng khác, nhiều khi có món còn để nguyên, trong bàn không một ai động đũa đến. Trước đây thiếu ăn gọi là khổ, bây giờ thừa mứa rồi đâm ra phí phạm như vầy sao?

Vấn đề thứ hai đáng nói là mặc dù giàu có hơn các thế hệ trước, nhưng người Mỹ lúc nào cũng than thì giờ eo hẹp nên cứ tất bật, hối hả tối ngày vì đủ thứ chuyện lôi kéo. Nào là bận rộn vì công ăn, việc làm, nào là phải tất tả ngược xuôi lo chuyện gia đình, họp hành với thầy cô giáo ở trường học của con, rồi lại phải đưa đón con đi chơi thể thao, học đàn, học hát, v.v.. Thật ra thì sự phàn nàn này không đúng hẳn. Theo một thăm dò gần đây thì trong năm 1999 chỉ có 14% các bà nội trợ là phải làm việc nhà nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày, trong khi trước đó tỷ lệ này là 43% vào năm 1977 và 87% vào năm 1924. Theo Samuelson, ngay cả khi cộng số giờ làm việc ở sở và làm việc ở nhà thì tổng số giờ bận rộn cũng đã giảm đi cho cả hai giới, nam cũng như nữ. Thế thì tại sao lại có phàn nàn?

Hai kinh tế gia Daniel Hamermesh, Đại học Texas, và Jungmin Lee, Đại học Arkansas, lý giải như sau: càng làm được nhiều tiền thì càng có nhiều chuyện làm trong thì giờ nhàn rỗi, và khi không có đủ thì giờ để làm những gì mình thích thì đâm ra bực bội, bất bình.

Trong một cuốn sách mới có tựa đề Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn (The Paradox of Choice: Why More Is Less), giáo sư tâm lý học Barry Schwartz, Swarthmore College, khai triển vấn đề này một cách bao quát hơn. Ông cho rằng nền văn hoá quá chú trọng vào tự do cá nhân của người Mỹ đã đưa đến tình trạng tôn sùng tự do lựa chọn, và khi có quá nhiều cái để chọn thì tự nhiên thấy mình bị vây kín đến choáng ngợp. Ông nêu ví dụ là tạp chí Consumers Reports đã cung cấp cho độc giả bảng so sánh 220 loại xe hơi kiểu mới, 250 loại ngủ cốc ăn sáng, 400 kiểu VCR, 40 loại xà phòng, 500 chương trình bảo hiểm sức khỏe khác nhau, 350 loại bảo hiểm đầu tư, và 35 kiểu vòi nước gắn trong phòng tắm, thì làm sao biết được cái nào là sự lựa chọn tốt nhất cho khỏi hối tiếc về sau là đã chọn lầm?

Mua lầm sẽ gây ra bực dọc, còn chọn lầm trong những chuyện quan trọng hơn như nghề nghiệp, việc làm, hay thành lập gia đình thì còn tệ hại hơn nhiều. Vậy càng có nhiều khả năng quyết định từ những cái linh tinh trong cuộc sống hằng ngày như mua một cái quần jeans, gọi một ly cà phê, chọn một công ty điện thoại đường dài, hay tìm một bác sĩ gia đình đáng tin cậy, cho đến những quyết định có tầm ảnh hưởng sâu xa hơn như làm thế nào để cân bằng được cả ba lãnh vực sự nghiệp, gia đình, và những nhu cầu phức tạp của cá nhân, càng phải phải mất nhiều đắn đo, suy nghĩ trước khi lựa chọn, do đó mà người ta đâm ra bị khủng hoảng tinh thần, mất ăn, mất ngủ. Điều oái oăm là nhu cầu vật chất càng được thoả mãn, các khát vọng đòi hỏi tâm lý càng gia tăng. Về phương diện này đâu có phép lạ kinh tế nào giải quyết được.

Cây viết Gregg Easterbrook của nguyệt san The New Republic trong cuốn Nghịch Lý Của Sự Tiến Bộ (The Progress Paradox: How Life Gets Better While People Feel Worse) nói phần lớn những gì con người muốn từ cuộc sống như tình yêu, tình bạn, sự kính trọng, gia đình, địa vị, niềm vui, v.v… đều không thể thông qua thị trường mà có được. Thực vậy, sự giàu có trong cuộc sống chỉ có làm vấn đề xấu đi. Theo một thăm dò có nhắc đến trong cuốn sách của ông thì vào năm 1957 chỉ có 3% người dân Mỹ cảm thấy cô đơn. Con số hiện nay là 13%. Tỷ lệ người Mỹ nghĩ rằng mình có hạnh phúc chỉ bằng một nửa con số cách đây một thế kỷ, mặc dầu lương bổng cao hơn 50 năm trước đây gấp bội. Những người gọi là giàu ở nhà lớn, đi xe mới, với đủ thứ tiện nghi, môi trường sống sạch sẽ hơn, mức độ tội ác giảm sút, phần lớn bệnh tật đã bị xoá sổ, tuổi thọ tăng cao, vậy tại sao nhiều người vẫn chưa thấy bằng lòng? Easterbrook cho rằng chính vì các tầng lớp trung lưu đã có gần như tất cả những gì xa xỉ muốn có và không còn gì nữa để mà trông đợi, khao khát. Chính vì vậy mà người Mỹ tuy nhận là giàu nhưng vẫn thấy khổ. Tiền không mua được hạnh phúc là vì vậy!

Tuy nhiên, theo Easterbrook, những nhận xét trên không làm giảm đi giá trị của sự tăng trưởng kinh tế, một thực tế đã làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu người khác (chưa được gọi là giàu?) và còn tiếp tục phát triển nữa. Những vấn đề nêu trên đâu có trầm trọng bằng nạn nghèo đói hoặc thất nghiệp và cũng không phải thuộc loại nan giải.

Muốn kiềm chế bệnh mập phì, chỉ cần biết cách ăn uống lành mạnh hơn và chịu khó siêng năng luyện tập vận động, thể dục, thể thao nhiều hơn nữa. Để chế ngự tâm trạng ưu tư, lo lắng, cần nhận thức rằng một số lựa chọn trong cuộc đời không hệ trọng lắm đâu.

Tôi thấy Samuelson có lý khi kết thúc bài tiểu luận của mình rằng cũng cần phải chấp nhận một điều là những cơn đau trăn trở của bệnh giàu sẽ vẫn còn đeo đẳng và nhắc nhở đến một chân lý không chối cải được là đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn xã hội, điều quan trọng quyết định không phải là tích lũy được bao nhiêu tiền bạc trong quá trình làm giàu, mà là đã sử dụng số tiền kiếm được đó có đúng đắn không.

Tiểu luận về nghịch lý nói trên của Samuelson xuất hiện từ năm 2007. Bây giờ là đã cuối năm 2012, nghĩa là hơn 5 năm sau, tình trạng không mấy “đẹp” trong xã hội Hoa Kỳ, chỉ nói riêng về tỷ lệ “mập phì”, đã thay đổi nhiều chưa? Xin trả lời bằng con số thống kê mới nhất (2012) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh (CDC):

Trong 20 năm vừa qua, tình trạng mập phì ở Hoa Kỳ đã gia tăng thấy rõ và tỷ suất vẫn còn cao. Hơn 1/3 tráng niên (chính xác là 35.7%) và khoảng 17% thanh thiếu niên thuộc lớp tuổi từ 2 đến 19 được xem là “mập phì”.

Báo USA TODAY (5.11.2012) gộp chung hai thành phần được xem là mập (overweight) và phì (obese), nên con số họ đưa ra dựa trên thống kê của CDC có vẻ còn đáng quan tâm hơn: 2/3 tráng niên và 1/3 trẻ em ở Hoa Kỳ được xem là mập hay phì.

Theo dõi báo chí trong những năm qua chắc ai cũng thấy tình trạng nói trên đã được báo động và cũng đã được nhiều giới chức trong cũng như ngoài chính quyền quan tâm và đưa ra những phương thức cụ thể cổ vũ cho một phong cách sống mới lành mạnh hơn. Mục đích là nhằm thay đổi hai tác nhân chính gây nên tình trạng mập phì trong một bộ phận lớn của xã hội Hoa Kỳ, đó là chế độ dinh dưỡng có quá nhiều chất béo, chất đường, và thiếu hoạt động.

Hình ảnh tổng thống một nước giàu có, thịnh vượng như Hoa Kỳ, George W. Bush, trên yên chiếc xe đạp thể thao chạy qua những con đường ngoằn nghèo như rắn lượn trên một vùng đồi núi chập chùng, mồ hôi ướt đẫm áo, là một ví dụ điển hình. Theo các bác sĩ của ông, mỗi tuần ông tập thể dục 6 ngày, chương trình tập mỗi ngày đều có những động tác đẩy, kéo, nâng nhằm tăng cường sức chịu cũng như sự dẻo dai, bền bỉ.

Sáng kiến “Let’s Move” của Đệ Nhật Phu Nhân Michelle Obama đưa ra cách đây hai năm với mục đích phát động một phong trào kêu gọi chấn chỉnh cách ăn uống và tích cực tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt thể dục, thể thao là một ví dụ khác. Để khuyến khích các em, các cháu, Bà cũng chạy, cũng đi bộ, cũng nhảy múa cùng các em, các cháu mỗi khi có dịp tham gia các hoạt động của phong trào “Let’s Move” tại các địa phương Bà đến thăm viếng hay cổ động.

Hội đồng Chuyên trách về Tập luyện Thân thể, Thể thao, và Dinh dưỡng do Tổng thống Obama bổ nhiệm cũng nhằm khuyến khích mọi tầng lớp dân chúng Hoa Kỳ ăn uống lành mạnh hơn, chơi thể thao nhiều hơn, và thường xuyên tập luyện thân thể để bảo vệ sức khỏe.

Có thể đơn cử trường hợp cựu Tổng thống Bill Clinton như một ví dụ nổi bật liên quan đến vấn đề đang bàn. Như báo chí thông tin, năm 2004 ông đã phải chịu mổ “bắc cầu” nối 4 động mạch tim (quadruple bypass surgery) và đến năm 2010 ông lại kinh qua một phẩu thuật khác là thông tim và đặt ống (stent placement). Do bệnh tình đặc biệt của ông, các bác sĩ chữa trị đã khuyên ông thôi đừng ăn những món ông thích như Hamburgers và những món ăn vặt vô bổ vì quá nhiều muối, đường, hay chất béo, và chuyển qua ăn chay hoàn toàn, thức ăn hằng ngày chỉ có trái cây, rau, cải, đậu, tuyệt đối không ăn thịt đỏ, thịt gà, hay những món làm từ sữa. Ông đã xuất hiện nhiều lần trên truyền hình và báo chí để nói về sự cần thiết và mức độ giá trị của chế độ dinh dưỡng khe khắt này.

Trường hợp cựu Tổng thống Bill Clinton có thể là một trường hợp cá biệt, bất khả kháng, không thể không theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng cũng đáng suy nghĩ. Các cụ ta xưa vẫn nói “bệnh tòng khẩu nhập”, bệnh vào đằng miệng. Người Mỹ thì nói “you are what you eat”. Têu tếu một chút, có thể diễn dịch ý đó như sau: Vóc dáng ta bây giờ … như thế này (nghĩa là…đẹp dáng/xấu xí, mảnh mai/nặng nề, khỏe mạnh/bệnh hoạn…) là do những gì ta đã ăn từ bé đến giờ. Nói như vậy để mỗi chúng ta xét lại thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt hằng ngày của mình xem có khoảng nào cần phải thay đổi hay điều chỉnh không, ít ra là để ngăn ngừa những chứng bệnh nan y và những hệ lụy của chúng hầu có thể tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống lành mạnh trong những năm tháng còn lại của tuổi già.

Ghi Chú: Cách tính tương quan giữa trọng lượng cơ thể và chiều cao để biết chỉ số BMI (Body Mass Index) như sau:

1. Nhân trọng lượng bằng pounds với 704.
2. Chia số thành với bình phương của chiều cao bằng inches.

Kết quả:

a. BMI 19 - 24.9 = Bình thường.
b. BMI 25 - 29.9 = Mập, trên mức bình thường. Các bệnh cao máu, tim mạch, tiểu đường, cao mỡ có thể bắt đầu phát triển.
c. BMI 30+ = Phì. Nếu mắc phải một trong các bệnh trên thì rất nguy hiểm.
Previous Post
Next Post