Nghịch lý chua xót của… người già

Ai cũng biết cuộc sống trong tù là tù túng, ngột ngạt, mất tự do. Nhưng trái khoáy thay, đôi khi con người ta lại tình nguyện nhận những cái gì tồi tệ ấy, để đổi lấy nhu cầu vật chất thiết yếu - thực phẩm, quần áo và chỗ ở. Đó là chuyện thật về những cụ già (có độ tuổi từ 60 trở lên) đến khi “gần đất xa trời” lại có quyết định kỳ lạ: chọn nhà tù là nơi ở cuối đời cho mình. Bởi họ cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa nhịp sống gấp gáp của xã hội công nghiệp hiện đại, rất sợ phải sống một mình và chết trong cô đơn, lạnh lẽo không ai hay biết.

Cụ già 78 tuổi đi cướp ngân hàng… 1 đô la

Cụ ông Richard Verone, 78 tuổi, đã làm việc suốt 40 năm với nghề pha rượu ở các quán ăn trong thành phố Pittsburg, Pennsylvania, Mỹ. Năm ngoái, cụ vẫn còn làm việc trong câu lạc bộ các cựu chiến binh Mỹ. Nhưng, cụ đã nghỉ việc cách đây 3 tháng vì sức khỏe không đảm bảo. 2 tháng sau, cụ ghi tên vào những lớp huấn luyện nghề cho người già. Tại đây, cụ được giao việc dọn dẹp các phòng, với mức lương 7.15 USD/giờ, làm 20 giờ/tuần. Nhưng cứ đến cuối tháng là hết cả tiền mua thức ăn, phải nhờ con gái trợ giúp. Nay lại thêm ốm đau, con cái thờ ơ, xin tiền mua thuốc thì chúng tỏ vẻ khó chịu: “Kinh tế gia đình con cũng đang khó khăn lắm. Tiền ăn, tiền học, tiền này tiền kia của lũ trẻ tốn khủng khiếp…”. Tủi thân, cụ quyết định đi cướp để được vào tù, hưởng tuổi già ở chốn song sắt. Với cụ ở cái tuổi này chỉ có cách vào tù mới có thể được hưởng các dịch vụ y tế trong trại giam mà ở cuộc sống tự do không đáp ứng được.

Ngậm ngùi, cụ nói với một thủ quỹ tại ngân hàng rằng, bản thân tôi không muốn bất cứ ai phải sợ hãi nhưng buộc phải cướp ngân hàng và muốn chỉ có được… 1 đô la mà thôi. Sau khi nhận được 1 đô la, cụ thản nhiên nói với nhân viên giao dịch của ngân hàng: “Tôi sẽ ngồi ngay ở đây, trên chiếc ghế và chờ đợi cho tới khi cảnh sát đến. Tôi đang chờ còng số 8 tra vào tay. Các anh chị cứ yên tâm, không phải canh chừng tôi đâu”. Khi cảnh sát đến, họ nhìn thấy cụ bình tĩnh đáp: “Tôi sắp xếp sự việc hợp lý theo logic của tôi. Với tôi đó là hành động cần thiết bởi vì tôi cần được chăm sóc bằng các dịch vụ y tế. Tôi đoán rằng sau vụ cướp, việc làm đầu tiên của tòa án là sẽ để tôi được chăm sóc sức khỏe”.

Chi tiết độc đáo trong vụ cướp này là cụ Richard không sử dụng vũ khí trong quá trình phạm tội. Theo kế hoạch tự mình vạch ra, cụ nhẩm tính: sau vụ cướp ngân hàng này sẽ khiến cụ bị giam giữ khoảng 3 năm tù. Tuy nhiên theo các nhà chức trách, dựa vào tuổi tác, mức độ gây án của cụ có thể chỉ phải lao động cải tạo khoảng 12 tháng.

Vào tù để kết thúc quãng đời vô gia cư 7 thập kỷ

Thất nghiệp, không có tiền, không có chỗ trú thân, ông cụ Lý Triệu Khôn, 71 tuổi, vừa hết án 5 năm tù vì tội cố ý phóng hỏa, đã quyết định đốt một khu rừng ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông. Khi cảnh sát hỏi nguyên nhân vì sao phạm tội, ông Lý thản nhiên trả lời vì muốn trở lại nhà tù bởi ở đó có đồ ăn, có chỗ ở, giúp chấm dứt quãng đời dài lang thang suốt gần 7 thập kỷ của mình. Nguyện vọng cuối đời chua chát của ông Lý làm dấy lên những lo ngại về đời sống của hơn 120 triệu người già Trung Quốc.

Không có giấy chứng minh nhân dân, ông Lý cũng chẳng biết mình từ đâu tới. Ông chỉ nhớ mình sinh ra ở một vùng nông thôn rất nghèo, mồ côi cả cha mẹ khi mới 10 tuổi. Cuộc sống của gia đình ông từ nhỏ là dựa vào những đồng bố thí của thiên hạ. Thời thơ ấu, ông sống vất vưởng qua ngày bằng việc ăn xin, nhặt rác và làm thuê các công việc chân tay nặng nhọc. Tuổi già đến, sức khỏe suy yếu, số tiền tiết kiệm cả đời được 50.000 nhân dân tệ (6.250 USD) cũng cạn dần. Suốt 3 năm nay, cuộc sống của ông càng ngày càng khó khăn, đói khổ, ốm đau.

Hai lần tự tử tìm đến cái chết, nhưng cả hai lần ông Lý đều được cứu và đưa vào các cơ sở từ thiện. Các cơ sở ở đó chỉ giữ ông trong một thời gian ngắn và yêu cầu ông về quê quán của mình để nhận sự giúp đỡ. Dù rất muốn nhưng ông Lý không thể làm được. Đến cái tuổi “gần đất xa trời” rồi mà ông vẫn không biết quê quán mình ở đâu. Không có những thông tin cụ thể, chính xác nên các quỹ cứu trợ không thể giúp, vì tiền cứu trợ là tiền từ ngân sách, tiền thu thuế của địa phương và thường chỉ dành cho người cơ nhỡ ở địa phương sở tại. Ngậm ngùi, ông Lý lại phải tiếp tục cuộc sống tha phương cầu thực.

Con số tù nhân già tiếp tục gia tăng

Tù nhân nào cũng than thở rằng muốn được vào sống nơi này chẳng dễ dàng chút nào. Tất cả đều phải theo tuân theo quy định nghiêm khắc. Ở nơi mà việc ăn uống phải tuân theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để giúp cơ thể khỏe mạnh, được bảo đảm an ninh và được chăm sóc chu đáo, điều mà ở xã hội bên ngoài có nằm mơ cũng không bao giờ thấy. Đó cũng là lý do vì sao mà nhiều cụ mới vừa mãn hạn tù lại vội vàng kiếm thêm tội khác để được trở lại tù.

Một cụ ông người Nhật bản đã 73 tuổi bị kết án tù giam 3 năm rưỡi vì tội ăn cướp. Ông đã thụ án được 3 năm 3 tháng. Sau khi biết chỉ còn 3 tháng nữa là được trả tự do, ông sợ hãi nhiều hơn vui mừng. “Tôi lo rằng sẽ không có việc làm cho những người như tôi. Đói, rét, bệnh tật… lại rình rập tôi. Và tôi còn lo lắng người em trai có thể sẽ xa lánh tôi như một thứ thừa thãi nên loại bỏ” - ông tâm sự trong nỗi tủi buồn.

Đến ngày mãn hạn tù không một đồng trong túi, nhưng lại ung dung bước vào một nhà hàng nhỏ, gần một đồn cảnh sát. Sau khi yên vị, cụ ra giọng gọi các món ăn, rồi khoan thai thưởng thức bữa tối thịnh soạn, nhâm nhi vài lon bia hảo hạng... Đánh chén no nê xong, cụ cầm tờ phiếu tính tiền lên đến 1.500 yên. Không chút phản ứng, cụ chịu khó ngồi im “chai mặt” một hồi, đợi cảnh sát đến bắt vì tội ăn không trả tiền.

Thông thường những người đang âm thầm tìm kiếm án tù giam không bao giờ muốn thổ lộ cho ai biết thực tế nỗi đau cùng tận của họ. Nhưng những khoảnh khắc vô tình: “Tôi thèm một bữa ăn đêm giao thừa”, “Tôi không thể chịu được cái lạnh giá mùa đông”, “Tôi muốn được đầm ấm, vui cười bên con cháu”... lại là những lời thổ lộ xuất phát tận đáy lòng có thể hiểu và cảm nhận được…

Hệ lụy vì nền kinh tế suy giảm, đạo đức bị xói mòn

Theo Nhật báo Wall Street cho biết, lớp người lao động trên 75 tuổi chiếm tới 7% lực lượng lao động cả nước, trong khi tình trạng thất nghiệp ở Mỹ hiện đang lên tới gần 75.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp ở người già không ngừng tăng bởi lẽ số người trên 65 tuổi vẫn còn đi làm tăng lên, cho nên khi nền kinh tế xuống, tỷ lệ thất nghiệp cũng cao hơn.

Còn theo hãng tin AP, số tù nhân ở Nhật từ 60 tuổi trở lên hiện đã là 10.000 người (chiếm đến 16% tổng số tù nhân), tăng gấp đôi trong thập niên qua. Khoảng một nửa trong số họ là những người phạm tội nhiều lần, kể cả một số người ăn cắp để bị bắt và tái phạm tội. Trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Shukan Shincho, một số lượng ngày càng tăng người dân phạm tội không có động cơ nào khác ngoài khao khát được sống trong nhà tù với điều kiện ăn uống và an ninh tương đối tốt.

Tình trạng người lớn tuổi vẫn phải đi tìm việc có một nguyên nhân sâu xa, là cơ cấu tổ chức xã hội ở các nước phát triển mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Tổ chức hưu bổng xã hội không đủ cho người về hưu nếu họ đóng góp ít ỏi vào quỹ đó trong suốt cuộc đời làm việc, vì họ chỉ làm những công việc lương thấp. Những người làm cho xí nghiệp nhỏ hoặc tự làm chủ bình thường không đóng đủ tiền cho quỹ hưu bổng xã hội khi chính họ về già. Chỉ những người may mắn làm việc ở các công ty cỡ trung và lớn mới được chủ nhân đóng góp thêm và yên tâm khi về hưu.

Trong khi đó, theo Quỹ bảo hiểm y tế xã hội chung cho những người về hưu không đủ trả chi phí bệnh tật vì phí tổn càng ngày càng cao hơn. Chẳng hạn, ở Mỹ cứ 100 đồng trong tổng sản lượng nội địa thì phải chi trên 15 đồng cho y tế. Tình trạng chi phí bệnh viện, tiền thuốc và bác sĩ lên cao là một nguyên nhân chính khiến các cụ già trên 65 tuổi vẫn phải đi làm để hưởng bảo hiểm y tế của công ty chủ nhân, hoặc để có tiền mua thuốc. Khi bế tắc không thể tìm được việc làm, để tiếp tục cuộc sống và nhất là được chăm sóc y tế ở tuổi già, các cụ già buộc phải tìm đến con đường phạm pháp nhanh nhất chỉ vì mục đích nhanh chóng được tống giam.

Ngoài ra, tình trạng người già càng ngày càng muốn vào tù ở quãng đời còn lại của mình một phần là do các giá trị truyền thống của gia đình bị xói mòn… Có thể vì nhịp sống gấp gáp của xã hội công nghiệp hiện đại, vì mải kiếm miếng cơm manh áo, hay vì lý do nào đó mà những người con “vô tình” quên đi hoặc thiếu sự quan tâm, săn sóc cha mẹ khi tuổi toan về già. Hình ảnh những người lang thang già cả đi ăn xin ở ga tàu và các địa điểm du lịch ở các thành phố lớn vẫn diễn ra hàng ngày thật xót xa, đau đớn.

Theo nhận đinh của các giám đốc nhà tù thì số tù nhân lớn tuổi đang tăng cao và không có dấu hiệu giảm xuống. Đó là một vấn đề nghiêm trọng mà cả xã hội phải giải quyết để những kẻ phạm tội không trở lại nhà tù sau khi họ đã được trả tự do. Họ cũng cho biết thêm: Một số người lớn tuổi ở đây bị kết án tội trộm cắp sau khi họ gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Họ là nạn nhân của một nền kinh tế yếu kém nhưng nhà tù không phải là nhà nghỉ dưỡng của họ.

Previous Post
Next Post