Người chiến binh khoan thai bước ra khỏi nơi mình an cư với ý muốn khám phá thế giới vật chất này. Anh bước từng bước nhẹ nhàng vào thành phố, đêm xuống trông có vẻ huyền diệu với muôn vàn ánh đèn màu, những khu nhà cao tầng chót vót, hàng trăm chiếc xe hơi cũng như xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chạy và tiếng còi đêm vẫn còn inh ỏi. Anh càng đi sâu vào thành phố, những bóng dáng cây cối cũng thưa dần nhường chỗ cho những lối đi chật hẹp. Nhiều người đeo những chiếc khẩu trang để tránh bụi đường và mùi hơi xăng xông vào mũi. Anh khụt khịt ho một vài tiếng nhỏ rồi vẫn tiếp tục bước đi, đầu và lưng vẫn thẳng. Mặc dù không khí hơi ngột ngạt nhưng anh vẫn thở nhẹ và đều.
Sau bao nhiêu năm tiến bộ khoa học và phát triển văn minh, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho những nhà máy và khu công nghiệp mọc lên, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của con người. Phúc lợi xã hội cao lên nhưng thật nghịch lý là người nghèo cũng nhiều theo. Khoảng cách giữa giàu và nghèo không hề thuyên giảm. Hàng hóa trở nên dồi dào với chất lượng được cải thiện, nhưng kỳ thực người nghèo vẫn đói. Bây giờ anh đi vào siêu thị, hàng hóa chất cao như núi, người đi mua thì hối hả, tấp nập. Lối sống xa hoa và phù phiếm cùng với biết bao nhiêu trò chơi mới lạ của người giàu, và trên báo chí xuất hiện những gương mặt đại gia sắm sửa máy bay sang trọng, xe hơi đắt tiền hay cưới vợ hoa hậu. Những điều này quyến rũ người giàu, làm chóa mắt người nghèo, và quyết tâm làm ăn của họ mạnh mẽ thêm.
Của cải tạo ra nhiều như vậy thì đâu có gì là đáng trách, con người được sống thoải mái. Tuy nhiên lối sống tôn thờ vật chất và vô hình chung biến bản thân trở thành nô lệ của vật chất mà ngày nào đó mình không còn hay biết nữa. Hãy tưởng tượng xem người ta xếp hàng từ khuya để mua cho được chiếc iPhone 3G mà họ quyết sở hữu bằng được. Cách thức hãng máy tính Apple tạo ra để quảng bá cho sản phẩm của mình thật kỳ diệu. Sản phẩm vừa rẻ vừa sành điệu thì tại sao lại không là người sở hữu chủ đầu tiên chứ. Thế là biết bao nhiêu thanh niên chen chúc nhau một cách mệt mỏi để mua cho được chiếc máy. Có người được hỏi: “Anh đã mua chiếc máy được rồi thì anh sẽ làm gì?”, “Bây giờ tôi sẽ về nhà và chơi với nó !?”, anh trả lời. Và không biết anh có cảm thấy cô đơn khi ngồi chơi một mình hàng giờ, thậm chí cả ngày với một chiếc máy không có tình cảm như vậy?
Ước mong về vật chất của con người không bao giờ dừng lại. Một người đàn ông làm việc cật lực để mua một ngôi nhà nhỏ thì lại muốn một ngôi nhà lớn hơn. Khi được ngôi nhà lớn thì muốn ngôi nhà lớn hơn nữa. Mới đầu muốn có chiếc xe đạp, khi có rồi thì lại muốn có xe gắn máy, rồi xe hơi, rồi đến cả máy bay riêng. Sau đó thì đi du lịch khắp nơi trong nước, rồi du lịch đến các nước lân cận, đến lục địa này lục địa nọ nhưng vẫn chưa thỏa mãn, đến khi được du lịch vào không gian rồi mà vẫn còn cảm thấy chán. Con người sống trong thế giới vật chất ảo như vậy là do mình không biết an phận, không biết bằng lòng và hạnh phúc với những cái mình có, chỉ mong sao có cái món đồ hoặc hưởng thụ tốt đẹp hơn người khác thì mới thôi.
Người chiến binh lúc này quay trở về nơi an cư của mình. Chỗ của anh không có máy lạnh hay quạt máy, không có xe hơi hay máy bay, không có những món ăn ngon và giường nệm đắt tiền. Nơi anh ở chỉ là một cái chòi nhỏ bên một cánh rừng già rất đẹp nhưng thời tiết lúc nào cũng mát mẻ. Ban đêm anh có thể ngắm trăng sao và tiếng côn trùng râm ran thay cho những ngọn đèn neon sáng chói hay tiếng nhạc xập xình chói tai. Anh có thể tản bộ hàng giờ đồng hồ để hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn những hàng cây xanh tươi mát chạy dọc theo ven rừng. Cuộc sống của anh thật thảnh thơi, không lo toan, không mong cầu.
Hàng ngày anh làm bạn với cỏ cây và chim chóc, đêm về thì vui vầy với trăng sao, thỉnh thoảng thì hát ca với núi rừng. Có lẽ từ lâu anh đã buông bỏ nếp sống vật chất không thực của thế gian để có nhiều thời gian tiếp xúc với những mầu nhiệm của thiên nhiên mà anh đã từng đánh mất. Anh giành lại cho anh những gì mà đáng lẽ kiếp người của anh phải được hưởng. Anh đập tan tất cả những ham muốn thường tình của vật chất, không chạy đua theo những tiến bộ không đáng có của lối sống vật chất để trở về với những gì có sẵn của núi rừng dành cho anh. Với lối sống thiểu dục, người chiến binh cảm thấy thật thanh nhàn và vui vẻ làm sao.
2. Sự Thiếu Thốn Của Chủ Nghĩa Tiêu Thụ
Người chiến binh im lặng đứng trước cảnh thiên nhiên và tài nguyên bị tàn phá nặng nề. Những cánh rừng bây giờ chỉ còn lại những gốc cây trơ trụi, vô hồn. Chúng đã bị đốn phá để lấy gỗ, hay lấy đất để làm nương rẫy và xây dựng các khu công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm tiêu thụ ngày càng được tạo mới. Nguồn than đá gần như cạn kiệt, nguồn dầu mỏ thì thiếu trước hụt sau tạo nên các cuộc tranh giành đất đai, hải đảo và khu vực bờ biển giàu trữ lượng dầu. Các cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị để tận dụng nguồn tài nguyên dầu vì thế cũng gia tăng theo. Mục tiêu cũng chỉ là tranh giành dầu và tài nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở trong nước.
Đức Giáo hoàng Benedict XVI (1) gần đây cho rằng: “Thế giới của chúng ta ngày càng chia rẻ, bóc lột và hám lợi, với những thần tượng sai lệch, những sự phản kháng rời rạc cùng nỗi đau từ những lời hứa giả tạo”. Sự thiếu thốn về tài nguyên khoáng sản phục vụ cho một chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng tăng khiến cho tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ. Các quốc gia không thương tiếc gây nên những tình trạng căng thẳng với nhau chẳng qua cũng vì những khối tài nguyên yếu ớt đó mà thôi. Nơi giới trẻ, thần tượng lối sống tiêu thụ, sự hưởng thụ gia tăng và sự cống hiến cho tinh thần giảm sút, và đi kèm theo đó là những phương án kinh doanh hay những phương tiện tiêu thụ được làm ra để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ và hưởng từ những gì còn lại của trái đất. Sự tham đắm vào rượu chè, lạm dụng ma túy, và lối sống hưởng thụ bê tha tạo ra một thế giới tiêu thụ không ngừng lại. Mà cái gì không ngừng lại thì sẽ không bao giờ thỏa mãn. Mà khi không thỏa mãn thì là ảo. Cái ảo này không biết làm lu mờ tâm trí của bao nhiêu người và có khả năng tàn phá trái đất hơn bao giờ hết.
Ảo tưởng tìm kiếm hạnh phúc trong sự tiêu thụ không phải chỉ có trong thời đại này mà các thời đại khác cũng vậy, nhưng đối với thời đại này, lối sống tiêu thụ quá sức tưởng tượng. Hãy nhìn xem hàng quán và vũ trường mọc lên như nấm trong khi trường học và bệnh viện thì thiếu thốn. Hãy nhìn xem các rạp chiếu bóng và trung tâm thương mại thi nhau được xây dựng trong khi công viên và diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Những khu rừng và đầm lầy bị tàn phá và san lấp để nhường chỗ cho việc xây dựng đường xá và các khu đô thị trong khi môi sinh bị ô nhiễm và sinh vật bị giết hại. Các loài sinh vật biển bị đánh bắt và làm thịt một cách không thương tiếc để phục vụ cho sự ngon miệng của những người đi theo lối sống tiêu thụ mà không biết rằng các sinh vật ấy phải hy sinh biết bao nhiêu thân mạng. Tiếng kêu cứu của các loại chúng, thực vật cũng như động vật, vang dội khắp hành tinh, nước mắt của họ lấp đầy cả năm châu bốn biển cũng không đủ.
Người chiến binh chứng kiến sự tàn nhẫn của lối sống tiêu thụ và sự chảy máu của thiên nhiên và sinh vật, anh bỗng dưng chảy hai hàng nước mắt trên đôi gò má. Ý thức được những thương tích của trái đất, anh quỳ xuống mảnh đất mà anh đã từng làm tình làm tội nó, chiến thắng được những dục vọng tiêu thụ, anh quyết chí bảo vệ mảnh đất của mình. Mỗi ngày anh trồng thêm những cây xanh mới, tưới chúng bằng những dòng nước mát, đem lại màu xanh tươi đẹp cho anh và những thế hệ sau này. Anh nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, không giết hại sinh vật. Anh muốn có cơ hội sống chung với các loài sinh vật. Anh nâng niu từng lời ca tiếng hát của chim chóc và muôn thú. Anh quyết tâm thực tập một lối sống thiểu dục và tri túc, làm bạn với thiên nhiên. Đã là bạn với thiên nhiên thì không bao giờ anh tàn phá nó. Anh chăm sóc từng hàng cây ngọn cỏ như chăm sóc chính bản thân anh. Anh nâng niu từng dòng suối con sông như chính bản thân anh. Anh chào đón từng con sóc con nai như người thân trong gia đình anh.
Sự tiêu thụ của anh giảm đến mức tối thiểu đến nỗi một ngày sống của anh ngày nào cũng như ngày hội. Sáng sớm tinh sương, khi vạn vật vẫn còn trong giấc ngủ say, anh được thưởng thức tiếng gà gáy, tiếng gọi bình mình đã đến. Anh thưởng thức ánh mặt trời nhè nhẹ mơn trớn làn da anh, mang lại cho anh sức sống. Anh thưởng thức khung cảnh thiên nhiên trong lành và không khí tươi mát, anh bước ra ngoài hàng hiên hưởng thụ sự trong lành đó đầy cả hai lồng ngực nuôi dưỡng anh bấy lâu. Anh biết ơn chú gà gáy sáng, ánh mặt trời buổi bình minh và làn không khí tuyệt diệu. Anh lại thưởng thức sự có mặt của những cánh rừng bạt ngàn, những bông hoa thơ mộng đua nhau khoe sắc và ánh mắt những chú nai tơ chào đón anh. Anh bước ra dòng suối, với đôi bàn tay dịu êm anh vóc dòng nước tinh khiết phả vào mặt. Trời ơi, sự dịu mát tinh khiết lấp đầy gương mặt anh, tâm anh sung sướng lạ lùng. Anh quỳ xuống bên dòng nước, cảm tạ dòng suối mát trong. Tâm tư anh lắng dịu, anh đã là thiên nhiên từ lâu rồi.
3. Đánh Mất Trong Thế Giới Cạnh Tranh
Từ cạnh tranh được sử dụng trong mọi lãnh vực. Đối với kinh tế, cạnh tranh tạo ra các sức mạnh về hành vi của các chủ thể kinh doanh nhằm nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và thu về lợi nhuận cao nhất. Trong khoa học, cạnh tranh để tạo ra những công nghệ tiên tiến nhất, mới nhất, và phục vụ cho lợi ích kinh tế nhiều nhất. Trong giáo dục, cạnh tranh để có năng lực kiến thức hay nhất, số điểm cao nhất và bằng học vị ưu tiên nhất. Cạnh tranh xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách và mọi lứa tuổi. Ngay cả trong tôn giáo, một tu viện hay thiền viện, sự cạnh tranh cũng diễn ra không có giới hạn. Trẻ em từ nhỏ đã được dạy là phải biết cạnh tranh rồi, phải phấn đấu nổ lực hết mình nếu không đứng đầu trong mọi cuộc thi thì cũng trong nhóm “topten”. Cái chữ cạnh tranh nằm trong đầu óc của trẻ thơ và cứ thế đi vào người trẻ. Và họ làm việc không mệt mỏi, hy sinh mọi thứ và biến cuộc sống của mình thành không biết bao nhiêu là cạnh tranh và sát phạt lẫn nhau.
Lạm dụng cạnh tranh tạo nên sự dính mắc vào cạnh tranh. Con người cạnh tranh trở nên mệt mỏi với cái sản phẩm mà họ tạo ra để cạnh tranh. Hãy xem thử một hãng bảo hiểm nhân thọ đưa ra một con đường thăng tiến để các nhân viên cạnh tranh với nhau. Ban đầu một nhân viên tư vấn tài chính được đào tạo để cạnh tranh với nhân viên tư vấn tài chính khác. Họ làm việc cật lực, nghĩ ra nhiều sáng kiến để có nhiều khách hàng, ký nhiều hợp đồng và được sếp để ý đến. Rồi đến ngày được thăng tiến làm giám sát kinh doanh, họ tự hào và hồ hởi. Lúc này họ phải làm việc gấp mười lần trước để vừa tìm kiếm khách hàng mới vừa quản lý hàng chục tư vấn viên khác. Họ lại tiếp tục cạnh tranh với nhiều giám sát kinh doanh để trở thành giám đốc khu vực, rồi cứ thế cạnh tranh tiếp để được làm giám đốc chi nhánh, giám đốc miền hay giám đốc quốc gia. Rồi cứ vậy họ phải làm việc liên tục để có vị trí cao nhất. Cái thế giới cạnh tranh đã mang họ đi vào con đường đối đầu. Nhưng trong một ngàn người, thì chỉ có khoảng một người thành công, còn những người còn lại khi bị cuốn vào cơn lốc cạnh tranh mà không đạt được thì đành phải cam chịu vị trí thấp và làm “lính” người khác. Tư tưởng làm chủ và tư tưởng đứng ở vị trí số một trong thế giới cạnh tranh đưa đẩy họ lăn xả trong sự triền miên.
Nhưng thế giới cạnh tranh có thực sự thực hay không? Alexander Đại Đế chinh phạt biết bao nhiêu quốc gia từ Âu sang Á, nhưng thực sự ông có thụ hưởng được những thành tích của ông hay không? Thành Cát Tư Hãn đánh chiếm khắp vùng Á Châu nhưng có thực sự hạnh phúc? Tần Thủy Hoàng người được cho là thống nhất Trung Hoa nhưng cũng không thể trường sinh bất tử. Những vị Tổng thống sau biết bao chiến dịch tranh cử dành vị trí Tổng thống, đứng đầu một quốc gia nhưng lúc nào cũng ăn ngủ không yên vì phải lo giải quyết chỗ này hay chỗ nọ. Những ông bà tổng giám đốc các tập đoàn dù lớn hay nhỏ cũng phải đau đầu với hàng trăm dự án, hàng trăm công chuyện phải duyệt và hàng trăm khách hàng phải gặp gỡ. Chỉ vì cái sứ mệnh mà họ đặt ra là phải đứng đầu thế giới, đứng đầu khu vực hay đứng đầu một quốc gia mà thôi. Cái thị phần trái đất nhỏ bé nhưng vì không đành lòng chia năm xẻ bảy mà trở nên đối đầu với nhau thì thật là đáng tiếc.
Người chiến binh cảm thấy đau đầu và căng thẳng quá. Anh lên tàu rời khỏi thành phố, bỏ lại sau lưng những cạnh tranh của thế gian. Anh chiến thắng những tham vọng đứng đầu của mình và xin nhường lại những chiến thắng cho người khác, người muốn thắng xin nhường cho người thắng. Tàu đưa anh đến một miền biển đầy nắng ấm. Anh chọn một gốc dừa bên cạnh bờ biển mênh mông. Biển thật đẹp và hiền hòa. Biển không biết cạnh tranh và cũng không tranh giành với ai. Anh ngồi xuống tận hưởng bóng mát của cây dừa và gió biển thổi vào, tâm tư anh thật thanh thoát. Anh ngồi an tọa ở đó thật lâu, anh nhắm mắt lại cũng thật lâu. Anh đã có dự định cho riêng mình. Anh không muốn bon chen nữa, anh từ bỏ kiếp sống cạnh tranh mờ ảo không có bến đậu để tiếp xúc với những hạnh phúc mầu nhiệm ở hiện tại. Đôi mắt anh vẫn nhắm nghiền, hơi thở đưa anh trở về với bản thân anh. Anh chỉ sẽ là một người công dân bình thường, không tranh giành địa vị.
Anh chỉ sẽ là một người nhân viên bình thường, làm tốt công việc của mình, yêu thương đồng nghiệp và bạn bè, không cần đứng ở vị trí cao làm gì. Anh chỉ sẽ là một người biết thưởng thức cuộc sống, nhưng mà là một lối sống bình dị, giản đơn và không mong cầu. Anh dành thời gian để sống bình yên giữa thiên nhiên bởi vì thiên nhiên không biết cạnh tranh. Anh rất yêu biển, cho nên anh sẽ về với biển. Biển cho anh không khí trong lành để anh có thể thở những hơi thở nhẹ nhàng không vướng bận, không lo toan. Ý thức về thực tại mầu nhiệm, anh không đưa tâm mình về tương lai để tìm kiếm những hạnh phúc mơ hồ nữa. Anh ngồi nhẹ nhàng và buông thư dưới hàng dừa râm mát. Biển vẫn rì rào muôn thuở, và ánh trăng vằng vặc đã lên tự bao giờ. Anh nhìn trăng và mỉm cười trong chánh niệm.
4. Tiền Không Tạo Nên Sự Thành Công
Rất nhiều người hiện nay đo lường sự giàu có của mình bằng tiền. Hàng năm tạp chí Fortune vẫn thường hay đưa ra danh sách số lượng người giàu nhất thế giới và tương ứng với điều này là số tài sản kếch sù mà họ giữ được là con số bao nhiêu. Biết bao nhiêu người khác nhìn con số này bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Sự đo lường chất lượng cuộc sống bằng những con số, những chỉ số và bằng “con mắt” bề ngoài gần như ăn sâu vào tiềm thức của người trẻ. Thậm chí bây giờ đám cưới, những người yêu nhau nhìn vào gia tài của phía bên kia để lựa chọn đối tượng lập gia đình ngày càng nhiều, và số yêu thương nhau thực sự cũng giảm. Bằng chứng là những người nghèo ly dị cũng nhiều mà những người giàu có ly dị cũng không phải là ít. Như vậy số tài sản đó có thực sự đem lại hạnh phúc cho một con người?
Ngày càng có nhiều người giàu làm từ thiện. Họ sử dụng số tài sản kếch sù của mình để giúp đỡ các viện dưỡng lão, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi, tàn tật… Ngay cả Bill Gates cũng về hưu sớm để thành lập một quỹ từ thiện mang tên vợ của mình để giúp đỡ người nghèo và nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Nhưng người nghèo giúp đỡ hoài họ có hết nghèo hay không? Một căn bệnh khi vừa được tìm ra thuốc giải thì căn bệnh đó đã tiến triển sang một giai đoạn khó trị hơn, và viên thuốc vừa mới tìm ra đã trở nên lỗi thời. Như vậy tiền bạc có thực sự đem lại sức khỏe hay đem lại thành công thực sự cho một con người?
Nếu bạn có rất nhiều tiền nhưng mẹ của bạn đã qua đời, bạn có làm cho mẹ bạn sống lại được hay không? Bạn có nhiều tiền nhưng bạn không có thời gian để có mặt cho bạn bè, gia đình, con cái, và người thương của bạn, vậy có tiền nhiều để làm gì? Bạn có nhiều tiền và bạn sử dụng tiền đó để mua bảo hiểm cho mạng sống của bạn, cho gia sản của bạn. Nhưng bạn có mua được thời gian quý báu cho người bạn yêu thương? Có chữa trị được căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn ba? Có mua được một người bạn thân thiết vui buồn có nhau? Có mua được tình yêu chân thành của một con người hay không?
Có một anh chàng cho rằng chỉ cần có tiền thì sẽ có vô số cô gái theo đuổi anh ta. Anh ta quyết chí làm giàu, và cái mong ước của anh ta trở thành hiện thực. Rất nhiều cô gái xinh đẹp bao vây anh ta, mong làm bạn với anh ta và anh ta đáp ứng tất cả. Nhưng sự nghiệp là vô thường, có đó rồi mất đó, tiền bạc cũng vậy, nó không bền chắc. Trong một lần làm ăn thất bại, anh ta trắng tay, những cô gái xinh đẹp chung quanh anh ta cũng biến mất. Như vậy nguyên nhân là do đâu? Có phải anh ta đã xây dựng sự thành công của mình trên tiền hay không?
Xây dựng sự thành công trên tiền bạc là xây dựng một thế giới ảo cho bản thân. Mà đã nói là ảo thì dĩ nhiên không thật rồi. Có bao giờ mình nghĩ là một người thành công khi mình giúp người khác cũng thành công như mình hay thậm chí thành công hơn mình nữa. Khi một người giận dữ với mình nhưng mình không giận dữ lại, vẫn điềm đạm, ôn tồn và không trách cứ người, như vậy là mình thành công. Khi nghèo cứ nghĩ tiền không là trên hết, chỉ có tình thương mới trên hết, đây mới là thành công. Khi có những cám dỗ của dục vọng đến mà mình biết chế ngự, vượt thắng những dục vọng đó thì mới là thành công.
Khi còn sống, biết sống hạnh phúc an nhiên tự tại, tận hưởng những giây phút hạnh phúc ở hiện tại thì mới là thành công, còn thương tiếc quá khứ và ảo vọng về tương lai thì dù trong tay có hàng tỷ đô la cũng là thất bại. Thành công còn nằm ở người biết sống với tấm lòng vị tha dù người đó lầm lỗi với mình, sống với tình yêu thương dù người giận hờn mình, sống với niềm an lạc và thảnh thơi dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, sống mà lúc nào cũng giúp đỡ người khác cho dù bản thân rất nghèo, sống mà không tự cao tự đại, lúc nào cũng khiêm cung và cởi mở, sống mà biết là mình đang sống. Người chiến binh thực hành đến đây, anh cảm thấy thỏa mãn, anh tự hào vì nghĩ rằng mình đã thành công khi làm được như vậy mặc dù trong ngân hàng không có tài khoản nào mang tên của anh.
5. Thương hiệu Người Bận Rộn
Mình thường thích được khen là người bận rộn. Mình làm việc tám tiếng mỗi ngày, nhưng vì muốn được sếp để ý và cho là mình nhiệt tình với công việc, cho nên mình thường làm việc thêm một hay hai tiếng đồng hồ nữa. Ngoại ngữ của mình thì không được tốt cho lắm và mình lại muốn giao tiếp với sếp ngoại quốc mau lẹ nên tối nào mình cũng học ngoại ngữ. Thế rồi nhu cầu thăng tiến của mình cũng đến. Thấy ai trong công ty cũng đua nhau đi học bằng Thạc Sĩ này nọ, nên mình không đi học cũng cảm thấy áy náy khó chịu, thế là mình đăng ký học Thạc Sĩ chương trình dành cho người đi làm vào cuối tuần. Vậy là mình không còn thời gian gì cho bản thân và gia đình mình nữa.
Ai cũng khen mình là người bận rộn và năng động. Và mình cảm thấy thích thú với điều này. Thế rồi một ngày kia, mình căng thẳng quá, ban đêm thì mình bị mất ngủ vì đủ thứ chuyện xảy ra trong đầu của mình. Nào là dự án trong công ty, nào là bài tập ngoại ngữ chưa làm, nào là đề tài thuyết trình phải họp nhóm. Mọi thứ cứ ám ảnh trong đầu của mình. Mình nhức đầu liên tục, nhiều khi mình cảm thấy khó ngủ vào ban đêm dù mình rất mệt mỏi. Mình bị “stress” rồi. Mình bắt đầu uống thuốc an thần và cách nói chuyện của mình nhiều khi cũng không được bình thường. Vậy mà mình cũng không chịu chia sẻ hay buông bỏ công việc. Bao tử của mình ngày càng khó tiêu hóa, thời gian dành cho việc ăn uống hàng ngày của mình cũng không còn. Thời gian dành cho gia đình ngày càng eo hẹp.
Vừa rồi, ba gọi điện lên nói má mình bệnh nặng, mình cũng không nhớ gọi điện lại để thăm hỏi. Buổi thi giữa kỳ không giúp mình đi về thăm má được. Những buổi hẹn hò với người yêu cũng thưa dần, thay vào chỗ đó là những buổi họp triền miên. Mình mệt mỏi vô cùng, mình phải làm gì bây giờ? Nhưng nếu mình không làm việc thì mình không thể sống được. Nếu mình không học ngoại ngữ thì làm sao truyền thông với người khác và nếu mình không học Thạc Sĩ thì cơ hội thăng tiến của mình sẽ tuột mất.
Nhiều người tự hào khi tự biến mình thành con người của công việc và bị công việc chi phối hết tất cả mọi thứ. Cái mác là nhân viên của một công ty ngoại quốc hay ông chủ là một người ngoại quốc biến người nhân viên làm việc như một cái máy. Sự có mặt cho gia đình, bạn bè và người thân cũng thưa thớt dần, để rồi một ngày nào đó, mình cảm thấy thật cô đơn. Công việc như một kẻ độc tài, nó chiếm hết tất cả thời gian của mình, không cho mình thở, không cho mình cựa quậy chi cả. Đọc các bài quảng cáo tuyển dụng, lúc nào cũng đòi hỏi mình phải có khả năng làm việc dưới áp lực cao, làm cho hết việc chứ không phải làm cho hết giờ.
Công việc cứ níu kéo mình một cách rất nổ lực đến nỗi mình cứ nghĩ rằng mình được sinh ra là để làm việc. Có phải mình đã mắc chứng bệnh bận rộn hay không? Mình chưa tìm thấy vaccine nào để trị căn bệnh bận rộn của mình. Mình không ngồi yên được, mỗi khi mình có một tí thời gian rảnh rỗi là mình tìm kiếm chuyện gì đó để mà làm. Mình cảm thấy thật kinh khủng khi phải ngồi yên một chỗ. Thương hiệu của mình là “người bận rộn”, cho nên mình quyết chí phải bảo vệ thương hiệu của mình cho dù cái vỏ bọc này dẫn mình đến đâu, mình cũng tự hào là người bận rộn. Nhiều người khuyên mình nên dừng việc lại một chút bằng cách giải trí trong các việc buông chuyện, buông điện thoại, hay buông Internet. Mình cũng làm như vậy, nhưng khi xong rồi thì mình cũng kiếm chuyện để làm nữa. Hình như kiếp trước mình có thù với công việc hay sao đó mà kiếp này mình phải trả nợ bằng cách làm việc đến mệt mỏi. Mình mà ngồi không thì mình cảm thấy rất tội lỗi. Mỗi lần mình bận rộn mình cảm thấy mình rất là quan trọng, mình thường hay thỏa mãn vì mình bận rộn như vậy. (2)
Người chiến binh thì ngược lại, anh từ chối tự hào là người bận rộn. Anh quyết chí quay về với gia đình của mình. Anh nhận thấy rằng, chỉ có gia đình mới thực sự cần đến anh và anh cũng cần đến gia đình. Chỉ có gia đình mới là cội nguồn của hạnh phúc. Theo dõi cuộc thi American Idol, thí sinh nào cũng nêu nguyện vọng hát tặng cho người thân của mình. Cho nên anh quyết định thực hiện cuộc hành trình quay về nguồn cội để hiến tặng niềm vui cho người mình thương. Ngoài giờ làm việc tám tiếng thường lệ, anh quay về nhà để chăm sóc cha mẹ, chăm sóc vợ con. Anh biết rằng sự có mặt của anh cho những người anh yêu thương và trân quý sự có mặt của họ là điều anh đáng làm và anh phải làm ngay bây giờ. Thỉnh thoảng anh gặp gỡ bạn bè, nhưng không phải là để ăn nhậu hay là để hưởng thụ. Anh không muốn sa vào lối hưởng thụ ảo đó. Anh gặp gỡ họ để cùng vấn đạo, đọc sách, uống trà hoặc tham thiền. Cuộc sống của anh không phải sử dụng một viên thuốc an thần nào, bởi vì đêm nào anh cũng ngủ rất ngon, anh không mong cầu điều gì to tát cho nên anh không phải lo về điều đó. Ngoài giờ làm việc, thời gian rảnh rỗi của anh rất nhiều, và anh quyết tâm sống thật sâu sắc trong từng phút giây đó, anh đi, anh thở, anh cười, mọi thứ đều đáp lại với anh như vậy. Anh đã biết quẳng gánh lo đi để mà vui sống rồi.
6. Con ma quá khứ và bóng mờ tương lai
Nhiều người thường xuyên sống trong quá khứ mà quên đi sự sống ở hiện tại. Những người có một quá khứ huy hoàng thường nuối tiếc hoặc tự hào về nó mà ít khi dám chịu đương đầu hay đối diện với hiện tại. Họ thường kể lể những chuyện của ngày tháng cũ, những tháng ngày mà danh vọng, địa vị hay thành công của họ ở mức cao và chính vì thế họ quên rằng họ cần phải giải quyết những công việc ở hiện tại hay tiếp xúc với những sự sống mầu nhiệm ở hiện tại. Trong hiện tại, những danh vọng, địa vị và thành công của họ đã không còn nữa, cho nên họ bỏ ra hàng giờ, thậm chí thành lập diễn đàn để nói về quá khứ vinh hiển.
Và lúc này họ rơi vào tình trạng nuối tiếc, lo âu và đau buồn. Cái quá khứ dù vinh hiển hay đau đớn cũng chỉ là bóng ma mà thôi. Quá khứ chỉ là những kinh nghiệm để mình trải qua, học hỏi và xây dựng hiện tại, quá khứ không phải là cái thế giới mình phải dựa dẫm vào, để rồi sống và chết vì nó. Quá khứ có thể được sử dụng và đem về hiện tại để nghiên cứu nhưng mình phải ý thức được rằng mình đang nghiên cứu quá khứ ở hiện tại. Mình không nên sử dụng quá khứ để làm chất liệu duy nhất cho một cuộc sống ở hiện tại. Người sống trong quá khứ là sống trong thế giới ảo của giây phút hiện tại, chỉ làm khổ bản thân mình và đánh mất mình, thậm chí có thể gây đau khổ cho người mình thương và cho những người xung quanh.
Nhưng bên cạnh đó, không biết là có bao nhiêu người đang sống trong tương lai. Họ mơ tưởng hay ảo tưởng về tương lai. Họ lo lắng về một thứ tương lai mà họ suy diễn ra trong đầu hoặc ấm ức của những đau khổ trong hiện tại. Mình có quyền hoạch định cho tương lai nhưng với điều kiện mình đem cái tương lai đó về hiện tại để nghiên cứu, đồng thời đưa ra những kế hoạch hành động để thực hiện ở hiện tại, tuy nhiên mình không nên dính mắc quá nhiều hay quá kỳ vọng vào tương lai. Điều này sẽ làm cho bản thân mình rơi vào một thế giới ảo của tương lai. Tương lai không bao giờ đến và tương lai lúc nào cũng xa vời. Mình phải ý thức rằng tương lai được làm bằng những chất liệu của hiện tại, và hiện tại là rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Chính vì thế mình sống sâu sắc trong từng giây phút ở hiện tại là cách thức làm đẹp cho quá khứ và tương lai, cho bản thân và cho những người chung quanh. Sống sâu sắc ở giây phút hiện tại có nghĩa là hạnh phúc ngay bây giờ, hạnh phúc ở chính ngay bản thân mình và những mầu nhiệm của cuộc sống ở chung quanh mình. Hạnh phúc không phải là ở cuối con đường, mà hạnh phúc chính là con đường.
Mình cần là người sống trong hiện tại chứ không phải là người sống cho hiện tại. Như câu nói ăn để sống vậy chứ không phải sống để ăn. Người sống trong hiện tại là người thực sự biết sống, là người thực sự đáng được gọi là tri thức, và là người thực sự trân quý cuộc sống. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn gương mặt của mình ở trong gương và nói rằng, hôm nay mình có ước hẹn với sự sống, không ước hẹn với sự tiếc nuối quá khứ hay lo lắng tương lai. Sống trong giây phút hiện tại là sống trong thế giới thực của chính mình. Mình đi chỉ để mà đi, đi mà không cần phải tới, bởi vì cái đích đã tới từ lâu, cho nên mình không cần phải vạch ra cái đích, mà chỉ cần đi trên con đường mà thôi. Chính mình ban cho mình giây phút hiện tại, cho nên chỉ có hiện tại mới giúp mình biết mình là ai, mình đang làm gì và mình đang đi đâu. Khi đó, sự tiếc nuối về quá khứ tan biến và nỗi sợ hãi về tương lai cũng không còn. Vui buồn hay đau khổ chỉ có ở hiện tại. Nói cách khác, thiên đường hay địa ngục cũng chỉ có ở giây phút hiện tại. Nếu muốn tiếp xúc với thiên đường mình sẽ được tiếp xúc với thiên đường. Nếu muốn tiếp xúc với địa ngục mình sẽ được địa ngục. Cho nên không cần mong cầu thiên đường hay địa ngục ở tương lai, sống ở hiện tại, mình sẽ biết mùi vị của thiên đường hay địa ngục rồi.
Người chiến binh ý thức được sự nhất thiết của việc sống trong hiện tại, anh quyết chí từ bỏ thế giới ảo của tiếc nuối quá khứ và thế giới ảo của mộng tưởng về tương lai. Anh vững chãi sống trong hiện tại. Một vị tu sĩ hỏi đức Đạt Ma “Khi chết rồi ông sẽ đi về đâu?”, ngài trả lời “Tôi không biết”. Vị tu sĩ đó nói “Một cao tăng như ông mà không biết chết sẽ đi về đâu”, ngài trả lời “Bởi vì ta chưa chết”. Thật là tức cười khi đức Đạt Ma vẫn còn sống đó mà vị tu sĩ kia vẫn không tiếp xúc được thì làm sao tiếp xúc được với sự sống sau khi chết. Người chiến binh biết rằng hôm nay sức khỏe của anh rất tốt, đôi mắt anh sáng, tinh thần anh minh mẫn, đôi tay anh vẫn rắn chắc, đôi chân anh vẫn vững vàng, lục phủ ngũ tạng của anh vẫn khỏe, phổi của anh vẫn trong lành, trái tim anh không hề bị ô nhiễm bởi bất cứ ngũ dục nào, anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Rồi anh lại biết rằng cha mẹ anh vẫn còn sống, ông bà của anh vẫn khỏe mạnh, con cái của anh vẫn ngoan ngoãn và yêu thương nhau, anh tiếp tục hạnh phúc. Và anh cũng biết rằng khu vực anh sống thiên nhiên rất ưu đãi, màu xanh cây cối khắp nơi, nước biển chan hòa ca hát ngày đêm, muôn thú sống bình an, không có tệ nạn xã hội, đất nước của anh an vui thái bình, niềm hạnh phúc ở hiện tại của anh như vậy thật khó tả. Niềm sung sướng ấy trào dâng trong anh. Anh bước ra khu vườn hạnh phúc của mình và ngồi xuống dưới một gốc mai. Anh an tọa bên gốc mai vẫn còn trẻ vừa mới chớm vài nụ bông, với tư thế bán già, anh bắt đầu điều phục hơi thở. Khi hơi thở vừa được ý thức, tâm của anh đã trở về với phút giây hiện tại. Anh bắt đầu quán chiếu những mầu nhiệm của bản thân anh và những mầu nhiệm xung quanh anh. Và với ý thức cao độ, anh nở một nụ cười hàm tiếu: hạnh phúc là đây!
7. Cạm Bẫy Sống Thử
Trong lớp học của con gái người chiến binh có một cái mốt, có thể gọi là phong trào, xu hướng, khuynh hướng hay trào lưu gì đó cũng được: đó là sống thử. Một thế giới sống thử hình thành trong giới trẻ và nó khiến cho những người sống trong thế giới này lành ít, dữ nhiều. Nhưng không hiểu vì sao họ lại lao vào cái thế giới ảo này như những con thiêu thân. Giới trẻ cho rằng nếu không sống thử sẽ bị cho là quê mùa, không sành điệu, hay là không biết yêu. Chuyện ăn ở với nhau hay sống chung với nhau đã trở thành chuyện cơm bữa trong giới trẻ, nhất là ở Tây Phương. Và cái kiểu sống như vậy thâm nhập vào Á Đông, và giới trẻ Á Đông cho rằng sống thử là hợp thời. Nhưng mọi chuyện sẽ thật sự êm đẹp nếu như không có chuyện người nữ giới trong cuộc sống thử ấy có thai. Việc có thai ngoài ý muốn của đôi nam nữ sống thử chưa có đủ kinh nghiệm về cuộc sống, chưa có khả năng về tài chính, chưa có ý thức trách nhiệm về cách làm cha mẹ và chưa có sự hậu thuẫn của hai gia đình đương sự đem đến đau khổ cho cả hai bên. Và thế là biết bao hậu quả dẫn đến như bỏ học giữa chừng, nạn phá thai hay các đương sự bỏ nhau vì chối bỏ trách nhiệm.
Khoảng thời gian đẹp đẽ của tuổi trẻ cũng chính vì thế mà mất đi. Nguyên nhân là do đâu? Không thể đổ lỗi cho một cá nhân nào cả. Môi trường không lành mạnh đã khiến cho mình đi vào cái hoàn cảnh như vậy. Văn hóa tình dục đã được phổ biến quá nhiều trong học đường khiến cho giới trẻ có quá nhiều cơ hội tiếp xúc với nó. Ý nghĩ cho rằng tình dục là thể hiện sâu sắc nhất của tình yêu dẫn đến những hành động sai lầm đến nỗi mà nhiều người lầm tưởng rằng tình dục chính là tình yêu và ngược lại. Những sản phẩm độc hại ca ngợi việc sống thử, ca ngợi tình dục xuất hiện khắp nơi ở mọi phương tiện khiến cho giới trẻ như những con nai tơ ngơ ngác không tìm được lối thoát, đành phải bỏ mạng để làm mồi cho móng vuốt của những con hổ dục vọng. Văn hóa truyền thống và các giá trị đạo đức suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn bị chê bai là cổ hữu và độc đoán nữa. Giới trẻ thực chất đã thiếu những sân chơi lành mạnh, và rèn luyện tinh thần lành mạnh. Các nhà chức trách cần xây dựng những buổi sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ để lèo lái họ đến lối sống lành mạnh, xây dựng và hiểu biết, đồng thời cần lên án việc sống thử một cách buông thả, không cho phép nạo phá thai và tôn trọng tiết hạnh của người khác. Những buổi học về giáo dục giới tính phải khuyến khích giới trẻ cam kết việc không sống thử, bảo vệ tiết hạnh của nhau và đưa ra những phương pháp để đối trị với năng lượng tình dục.
Người chiến binh ý thức được chỉ có tình yêu đích thực mới có thể đem hai người nam nữ tiến đến hôn nhân và sinh con đẻ cái. Anh khuyên dạy và xây dựng một môi trường có nếp sống lành mạnh và cực kỳ truyền thống cho con cái của mình. Hai người trẻ chỉ nên quan hệ xác thịt khi họ thực sự yêu nhau và đã qua hôn nhân, có sự chứng kiến của cha mẹ và họ hàng hai bên. Đó là truyền thống. Những gì đẹp và thiêng liêng đều cần phải được gìn giữ. Giới trẻ chỉ nên đi chơi những chỗ lành mạnh, phát triển tinh thần và xây dựng giá trị đạo đức. Các nhà chức trách cương quyết không cấp giấy phép và đóng cửa tất cả các khu vui chơi trụy lạc và lên án những sự giải trí như vậy. Truyền hình và báo chí cần tuyên truyền và giáo dục giới trẻ luyện tập thân thể và tinh thần cho kiện khương, ăn chay và tiếp xúc với các sản phẩm có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm và đem lại lòng từ bi, hiểu biết và thương yêu mà thôi. Các đoàn thể và câu lạc bộ chỉ nên được thiết lập nhằm mục đích tu tập, giải trí lành mạnh và xây dựng các giá trị truyền thống gia đình. Các khu phố văn hóa cần đổi tên thành khu phố đạo đức, khu phố biết tu, hay khu phố truyền thống, trong đó các tổ dân phố phối hợp với các cơ sở tôn giáo và chính quyền địa phương tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm trong việc giáo dục giới trẻ tìm kiếm hạnh phúc lành mạnh. Người chiến binh rất đỗi tự hào vì những đứa con của anh, đứa nào cũng khỏe mạnh về tinh thần lẫn thể chất, hiếu thuận với nhau, hiếu đạo với cha mẹ, đặc biệt là chúng luôn được anh quan tâm bằng tình phụ tử của anh, cho nên hạnh phúc của các con anh thật tràn trề, các con anh không cần phải tìm hạnh phúc ở đâu nữa.
8. Đàm Phán Với Thiên Nhiên
Môi trường ngày càng ô nhiễm và suy thoái do bị khai thác quá mức bởi bàn tay con người. Việc sử dụng và lạm dụng điện thoại di động quá nhiều khiến cho khí hậu toàn cầu nóng dần và nghiêm trọng hơn. Theo nhà khoa học Caracol Jorge Reynolds, điện thoại di động hoạt động nhờ tần số vô tuyến tạo ra năng lượng. Một cuộc gọi tác động không đáng kể đến khí hậu, nhưng mỗi ngày trên thế giới có đến hàng tỉ cuộc gọi, chính vì thế năng lượng được tạo ra là rất lớn, và điều này dẫn đến việc khí hậu toàn cầu nóng dần lên là điều không thể nào tránh khỏi. Tiếp theo, tình trạng ô nhiễm không khí do tác động khói bụi từ xe cộ, nhà máy và các hoạt động gây ô nhiễm khác khiến cho mưa ngày càng giảm, nguồn nước cung cấp cho sông suối chính vì thế cũng giảm theo. Rồi đây con người sẽ sống bằng gì khi mà tất cả sông suối đều cạn kiệt và mưa thì không đủ cho số lượng dân ngày càng tăng. Bộ trưởng môi trường Đức Sigmar Gabriel cho biết một tin tức cực kỳ gây chấn động: khoảng 150 loài đang bị tuyệt chủng mỗi ngày, cao gấp hàng ngàn lần so với tiến trình tự nhiên của thiên nhiên. Sự thật phũ phàng này cho thấy tính đa dạng của thiên nhiên ngày càng mất dần, thay vào đó là sự ô nhiễm và nhiệt độ tăng lên.
Hiệu ứng nhà kính là một trong những tác động to lớn ảnh hưởng đến đời sống của nhân loại mà nguyên nhân đều do con người gây ra. Con người đang đi đến chỗ tự sát tập thể mà không biết. Một kiểu tự sát như kiểu của trận đại hồng thủy giết chết không biết bao nhiêu sanh linh xảy ra hàng triệu năm về trước. Ấy vậy mà mình vẫn cứ tiếp tục làm tình làm tội thiên nhiên, mà không biết là mình phải mang ơn thiên nhiên to lớn như thế nào. Tổng hợp tất cả các số tiền có mặt trên trái đất này cũng không thể nào trả cái ơn mà thiên nhiên mang lại cho mình. Vậy mà mình vẫn ngoảnh mặt với thiên nhiên cho đành lòng. Những căn bệnh mà mình phải gánh chịu liên quan tới đường hô hấp mà cứ mãi đổ lỗi cho khói bụi của xe cộ, thực ra là do chính mình gây ra, nếu mình không chạy những chiếc xe đó thì làm gì có chuyện bệnh tật. Các loài động vật sợ hãi con người vì chúng bị giết hại không thương tiếc để phục vụ cho việc làm thức ăn và lấy lông hay da để làm thời trang. Thật kinh khủng khi chúng di chuyển xa rời mình để lên những đồi núi cao hơn sinh sống. Mình rồi sẽ không có cơ hội ngắm nhìn những đa dạng của sinh thái nữa. Tình trạng băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực tan chảy khiến cho mực nước biển dâng lên, không biết rồi vùng đất nào sẽ nằm xuống đại dương và sự co rút của mặt đất sẽ trở nên phổ biến. Hiệu ứng nhà kính khiến cho các vệ tinh quay nhanh hơn, các khái niệm về ngày đêm hay bốn mùa thay đổi theo chiều quay của vệ tinh. Và khi nước biển dâng lên như vậy, các kỳ quan thiên nhiên mà mình hằng tự hào có khả năng biến mất và nhiệt độ tăng làm cho các cánh rừng bị cháy khiến cho các loài sinh thực vật bị tiêu diệt nhanh hơn nữa.
Cái thế giới thực mà mình đang sống là như vậy. Bấy lâu nay mình đã quá ảo tưởng về sự sống trường tồn trên hành tinh, hay mình mải mê bên những thứ không đáng để quan tâm. Trong khi môi trường đang chảy máu, mình vẫn chưa chịu ngừng sự khai thác. Những khu công nghiệp mọc lên như vũ bão, vậy mà vẫn tự hào là công nghiệp hóa thành công. Những khu đô thị mọc lên như mưa mặc cho rừng nguyên sinh bị tàn phá để làm đường hay làm nhà ở, vậy mà vẫn tự hào là đô thị hóa nông thôn. Cái mà mình đang tự hào đó chỉ là một thứ tự hào ảo. Tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa không nghĩ gì đến bảo vệ môi sinh sẽ tạo nên tình trạng gãy đổ môi sinh và khi đó, sự sụp đổ của cái gọi là văn minh nhân loại sẽ không phải là xa vời. Tự hào về một quốc gia xanh mơn mởn thì mới đáng tự hào, còn bất cứ chuyện gì khác chẳng có gì đáng tự hào cả.
Người chiến binh đau xót nhìn mặt đất chảy máu, anh xót xa như một phần thân thể của mình đang chết dần chết mòn. Nhìn trái đất ô nhiễm như chính bản thân anh ô nhiễm. Anh ngồi và quán chiếu về sự thật của bản thân anh, từ lâu rồi trái đất trống vắng loài người, chỉ có trái đất trống không. Khi đại dương hình thành, thực vật và động vật bắt đầu sinh sôi nảy nở. Con người cũng từ đó mà tiến hóa. Cho nên anh ý thức bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ chính anh. Chống chọi lại và chiến thắng được những nhu cầu tiêu thụ của bản thân, anh có thể góp phần bảo vệ thiên nhiên hữu hiệu và cũng là bảo vệ chính anh. Anh nhất quyết không sử dụng điện thoại di động và khuyên bảo con cái không dính mắc vào những sản phẩm gây tác hại như vậy. Thông tin cấm sử dụng bao ni lông ở Hong Kong và Hoa Kỳ là một tin tốt lành giúp bảo vệ môi trường đúng đắn. Anh chuyển sang sử dụng xe đạp thay cho các loại xe mà sử dụng xăng dầu gây bệnh và ô nhiễm môi trường. Thử tưởng tượng thành phố Bắc Kinh ô nhiễm như thế nào do khói bụi của xe hơi và họ phải yêu cầu khoảng 90% lượng xe ngưng hoạt động để môi trường thông thoáng hơn cho việc tổ chức thế vận hội. Vậy mà hình ảnh bầu trời xanh vẫn còn xám xịt và u ám. Anh ý thức là nước quý hơn vàng cho nên anh vận động mọi người bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước một cách tiết kiệm và vận động mọi người không xả rác hay hoang phí nước. Trong cơ thể anh khoảng 70% nội dung là nước, thì anh không có quyền làm nhiễm ô cái nguồn nước bên trong và bên ngoài cơ thể đó. Các nhà máy cần phải thay đổi cách làm việc và phương thức sản xuất. Có nên chăng một nhà máy mọc lên phải đi kèm theo nó là qui trình xử lý chất thải, nhưng điều này vẫn chưa đủ, một nhà máy được xây dựng phải đi kèm với ít nhất một triệu cây rừng được trồng, khi đó mới được phép cấp giấy phép xây dựng. Còn nếu không thì không cần phải xây dựng nhà máy làm gì, những nhà máy mà gây ô nhiễm thì đóng cửa và dẹp đi cho rồi. Người chiến binh lấy làm tiếc là ngày càng nhiều nhà máy điện nguyên tử mọc lên, không lẽ nhân loại đã quên thảm họa của nhà máy Checnobyl hay sao. Anh quyết chí không ủng hộ việc xây dựng những nhà máy kiểu như vậy. Những bài học, dự án, đề tài nghiên cứu nhằm bảo vệ thiên nhiên cần đưa vào trường học. Trẻ em ngay từ cấp tiểu học cần phải được giáo dục để bảo vệ môi sinh, chứ không phải gò ép con cháu học những môn khoa học có tác dụng khai thác thiên nhiên. Những môn khoa học mang tên ngành khoa học bảo vệ môi sinh cần ra đời hơn là những môn khoa học mang tính chất khai thác triệt tiêu nó. Ngân sách quốc gia cần phải được trích ra để giáo dục và thực hiện việc bảo vệ và tạo ra môi trường, chứ không phải được sử dụng để tranh cử tổng thống hay tuyên truyền chính trị. Điều đặc biệt là một nền kinh tế đa dạng sinh học cần phải được phổ biến hơn là một nền kinh tế mang đậm nét của công nghệ thông tin. Một nền kinh tế mà sử dụng thiên nhiên như một đối tác sống còn của chính nền kinh tế, nền kinh tế lấy môi sinh làm căn bản cho mọi sự phát triển bền vững. Trong nền kinh tế này, con người là một thực thể của thiên nhiên, giá trị này cần phải được công nhận đúng với bản chất của nó, con người cần có những cuộc đàm phán với thiên nhiên trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nữa, con người sống chan hòa và bất bạo động đối với tất cả các loài thực vật và động vật. Một nền kinh tế và xã hội thấm đượm tình thiên nhiên cần phải được xây dựng. Việc đối xử với các loài sinh thực vật cũng phải trân quý như đối xử với loài người. Sự đa dạng sinh học sẽ giúp cho trái đất mát mẻ trở lại, thực phẩm dinh dưỡng sẽ dồi dào và dược liệu sẽ phong phú hơn. Thay vì sử dụng tiền để xử lý hay chống chọi ô nhiễm thì hãy sử dụng tiền và trí thông minh để xây dựng môi trường trong lành. Ăn chay là một phương thức bảo vệ môi trường bởi vì các loài động vật sẽ không bị sát hại, và vì thế chúng sẽ thân thiện với con người hơn. Người chiến binh đến đây cảm thấy an tâm vì thế hệ con cái của anh đã được bảo vệ. Anh dang rộng đôi tay như muốn ôm lấy trái đất, anh biết rằng anh phải nâng niu và trân quý trái đất như chính con tim của anh vậy.
9. Chẳng Có Gì Là Cá Nhân
Những người theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không giới hạn mục đích và ham muốn đồng thời không đồng ý bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cho dù đó là quan điểm của truyền thống, tôn giáo, quan điểm về đạo đức hay luân lý, đều khó có khả năng tác động đến người theo chủ nghĩa cá nhân. Cách sống theo lối cá nhân như vậy đi ngược lại rất nhiều điều trong cuộc sống, khiến cho suy nghĩ của giới trẻ trở nên bất cần hơn. Việc hôn nhân không cần sự đồng ý của cha mẹ trở nên phổ biến với ý thức rằng “hôn nhân là chuyện của tôi, tôi cưới chứ không phải cha mẹ cưới” khiến cho cha mẹ lâm vào cảnh là “con đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó”. Cách suy nghĩ như vậy thật là nông cạn. Mình phải biết rằng trên cái thế giới này mình muốn sống được đều phải nương nhờ nhau mà có, mình nương vào bạn và bạn nương vào mình thì mới có thể sống được.
Người cá nhân chủ nghĩa thông thường tạo một thế giới rất riêng mà trong đó lợi ích của cộng đồng bị xóa bỏ. Họ dính mắc vào danh lợi, sự hưởng thụ, bất kể lời khuyên răn của người khác và thường xuyên cho mình là đúng. Chấp vào cái ta cao và cho mình là hay ở những khía cạnh này nọ. Nếu bây giờ phân tích một ý kiến của bạn thì sẽ thấy rằng cái ý kiến đó thực chất là ý kiến của hàng trăm người khác. Bạn có một ý kiến, đưa ý kiến ra và thành công, rồi bạn nói “đó là ý kiến của tôi, tôi có quyền thụ hưởng từ ý kiến này”. Bạn đã lầm rồi. Để mình phân tích cho bạn thấy. Bạn được cha mẹ bạn sinh ra, bạn có hình hài đó, bạn mới có điều kiện để suy nghĩ về ý kiến kia trong cái hình hài của bạn. Thử hỏi nếu cha mẹ không sinh ra bạn, bạn làm gì có thời điểm thỏa mãn về ý kiến được cho là của mình, chính vì thế ý kiến này cũng là của cha mẹ bạn. Bạn đi học hết 12 năm phổ thông và khoảng bốn năm đại học, biết bao nhiêu thầy cô và giảng viên cung cấp cho bạn vô vàn kiến thức để bạn có đủ năng lực đưa ra ý kiến. Thử hỏi bạn có được ý kiến là nhờ hàng trăm người khác hay không? Rồi thêm nữa, từ khi sinh ra cho đến lớn lên, bạn đã ăn hàng tấn thực phẩm, và mồ hôi nước mắt của những người tạo ra hàng tấn thực phẩm đó bạn đã để ở đâu? Mồ hôi nước mắt của họ đã đi vào cơ thể của bạn rồi và cũng chính họ là người đưa ra ý kiến. Bạn còn chấp vào ý kiến là của cá nhân bạn nữa không? Cái chủ nghĩa cá nhân trong bạn chẳng là gì cả trong khi hằng hà sa số yếu tố của hằng hà sa số cá nhân khác đang ở trong bạn mà bạn không biết, cứ cho rằng bạn chỉ là bạn thôi. Làm gì có chuyện đó.
Không có cái gì là cá nhân cả. Vạn vật nương nhau mà sống. Sở dĩ mình có bởi vì bạn có. Trân trọng mạng sống hay sự có mặt của bạn chính là trân trọng mạng sống và sự có mặt của chính mình. Chấp vào cá nhân chỉ có thể gây nên đau khổ cho chính bạn hay cho chính mình. Thử xem một sư cô trong một ngôi tự viện cho rằng chỉ có cô ta là làm việc giỏi nhất, bốn sư cô còn lại thì ai cũng làm việc dở ẹt và vị sư cô này muốn ngài trụ trì công nhận điều đó. Bốn sư cô kia không muốn buồn vì chuyện bị chê bai hoài, cho nên đi qua một tự viện khác để tu hành. Khi bốn sư cô đi rồi thì sư cô kiêu ngạo kia phải quán xuyến công việc của bản thân và của cả bốn vị kia nữa. Đến chừng này cô không có đủ thời gian mà tự cao tự đại vì cô phải làm việc bở cả hơi tai. Cô không ý thức được rằng chính sự có mặt của bốn sư cô kia, chia sẻ công việc thì cô mới có thể hoàn thành công việc tốt được. Cho nên chẳng có gì là riêng tư, chẳng có gì là cá nhân, cái mà bạn đang lầm tưởng là cá nhân đó, kỳ thực là tất cả.
Người chiến binh lặng lẽ bỏ đi tư tưởng cá nhân của mình. Anh đã thấm nhuần được bản chất của sự vật là một trong tất cả và tất cả trong một, cho nên không có cái gì riêng biệt nữa. Sở dĩ anh có mặt vì tất cả những người khác có mặt. Sự vị kỷ của anh có thể làm tổn hại đến đời sống của kẻ khác, cho nên tôn trọng kẻ khác là tôn trọng chính anh. Anh buông bỏ tất cả mọi ý kiến, anh biết rằng những ý kiến chỉ đơn thuần là bồng bột nhất thời, ý kiến của mọi người xung quanh cũng là ý kiến của anh và ý kiến của anh cũng chính là của họ, có khác gì nhau đâu. Cho nên thành công của anh chính là thành công của họ và ngược lại. Anh vui với cái vui của mọi người và mọi người vui với cái vui của anh. Đó là sự thật không thể chối cãi. Anh không để chủ nghĩa cá nhân trong anh khiến anh trở nên ích kỷ và tham lam. Anh sẵn sàng buông bỏ mọi thứ trong cái thế giới gọi là cá nhân ảo ấy để cùng với mọi người, được là của nhau.
10. Đơn Độc Trong Thế Giới Quảng Cáo
Mình thực sự đang sống trong một thế giới quảng cáo, nhà nhà quảng cáo, người người quảng cáo. Các hình ảnh và thông tin quảng cáo đầy dẫy khắp nơi, thậm chí bây giờ chùa chiền và khóa tu cũng thấy quảng cáo chưa từng có. Thế giới của những slogan ấn tượng, những hình ảnh logo bắt mắt hay những thông điệp của video clip quảng cáo ăn sâu vào tâm trí người xem kể cả trẻ con tạo nên một khuynh hướng quảng cáo mọi lúc mọi nơi. Có những đứa trẻ hai hay ba tuổi đã say mê quảng cáo dù chưa hiểu gì, hình ảnh quảng cáo nhanh như gió và âm thanh nhạc kích động dụ dỗ được trẻ con. Có những đứa trẻ chỉ chịu ăn cơm hay uống sữa khi cha mẹ chúng cho xem quảng cáo. Bọn trẻ vừa ăn cơm vừa dán mắt vào màn hình nhỏ bé với cặp mắt ngây thơ vô hồn thật tội nghiệp. Những nhà copywriter được trả mức lương cao chót vót và được ngợi khen để sáng tạo ra sản phẩm quảng cáo cho các sản phẩm tiêu thụ và họ được khen ngợi là bài quảng cáo hấp dẫn, tăng được sức mua. Nhưng thật kỳ lạ là chưa có bài quảng cáo nào thực sự quảng cáo cho sản phẩm đạo đức, đơn giản bởi vì chẳng có sản phẩm đạo đức nào được sản xuất cả.
Thế giới quảng cáo vô hình chung biến con người thành hóa phẩm hơn là nhân phẩm. Con người trở thành một công cụ tiêu thụ trong cái máy sản xuất. Môi trường cũng như vậy. Khi dây chuyền sản xuất sản xuất ra sản phẩm, thì dây chuyền tiêu thụ cũng chính vì thế mà ra đời. Cái này có vì cái kia có. Quảng cáo đánh vào tiềm thức đam mê tiêu thụ của mình, bắt mình phải có sản phẩm đó, và đưa mình vào một thế giới quảng cáo ảo tưởng và thế giới vật chất ảo tưởng. Khi một sản phẩm đi vào giai đoạn bão hòa và triệt tiêu, một sản phẩm mới ra đời và quảng cáo làm nhiệm vụ làm mới sản phẩm cũng như đánh thức nhu cầu cần phải có sản phẩm đó của mình. Trong tác phẩm “99 phờ -răng” của tác giả Frederic Beigbeder nói về một chuyên gia quảng cáo thành đạt nhưng bất ổn trong tâm hồn. Anh là một người trẻ tuổi sành điệu nhưng bế tắc cô đơn trong cuộc sống, tình yêu không thành công và đặc biệt là ác cảm chính ngay nghề nghiệp của mình, một nghề đầy uy lực, đầy ma thuật, đầy sáng tạo nhưng lại trớ trêu và bẩn thỉu. Cái bản chất cô độc trong thế giới ảo này quyến rũ không biết bao nhiêu người, nó như một cái tát đối với xã hội được cho là hiện đại, là sự giễu cợt đối với xã hội tiêu thụ và là tính chất lò xo trong một bài quảng cáo. (5)
Người ta đã cho quảng cáo thành một ngành công nghiệp mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu người và thu nhập cho quốc gia từ thuế quảng cáo lên đến hàng tỷ đô la. Tuy nhiên quảng cáo làm cho thế giới trở nên nói dối nhiều hơn, cạnh tranh nhiều hơn, và mình trở nên là con người “dục” hơn. Nhiều nội dung quảng cáo tạo nên sự phản cảm, phản tác dụng và làm đánh mất tính đẹp đẽ của con người. Việc phô diễn thân thể hay từ ngữ không có nhân văn gây tác hại nghiêm trọng đến trẻ em và giới trẻ. Đó là một thứ gây ô nhiễm môi trường, môi trường tâm. Những bài quảng cáo nhằm thắng thế cạnh tranh và triệt tiêu đối thủ cạnh tranh diễn tả một trạng thái tâm rất bạo động. Khi tâm bạo động thì thế giới sẽ đầy bạo động. Liệu mình có vui thực sự khi triệt tiêu một đối thủ khác? Vì sao các doanh nghiệp không cùng sống chung với nhau cả hai bên đều thắng, cả hai bên đều có hạnh phúc, đều thành tựu trong kinh doanh với nhau, đằng này họ lại sát phạt nhau, rồi cho rằng thương trường như chiến trường. Một quốc gia cố gắng kết thúc chiến tranh, có nghĩa là không còn chiến trường nữa, lại tuyên bố như vậy, biến thương trường thành chiến trường, có phải là đi vào một cuộc chiến tranh nữa hay không.
Người chiến binh tắt chiếc máy truyền hình và trở về căn phòng của mình. Anh ngồi xuống và theo dõi hơi thở cũng như sự phồng xệp của bụng. Hơi thở có ý thức đưa anh về sự sống của chính anh. Anh chiến thắng cái mong cầu của mình, cho nên anh không muốn quảng cáo bản thân anh. Cái gì gọi là PR cho bản thân chứ? Anh chẳng cần PR cho bản thân, cái tính chất vững chãi trước mọi cám dỗ đã PR cho chính anh rồi, không cần phải “lăng xê” làm cái gì. Ngày xưa Đức Phật hay Đức Chúa Jesus chẳng cần sử dụng đến công nghệ lăng xê, các ngài vẫn nổi tiếng như thường. Các ngài nổi tiếng nhờ vào sự tu tập đức độ, thực hành lối sống thiểu dục và tri túc. Cuộc đời đối với các ngài vẫn hạnh phúc không có gì có thể đo lường được. Đức Phật không cần bất cứ một phương tiện gì để truyền bá hình ảnh của ông. Hình ảnh của ông là bước đi thảnh thơi, lời nói hòa dịu, tình thương trải dài chúng sanh và độ thoát mọi giai cấp. Cái tâm của ngài chính là hình ảnh đẹp nhất, tiếng nói của ngài là thông điệp vi diệu nhất, âm thanh của ngài là một thứ hòa âm phối khí của tất cả vạn vật, từ bi của ngài là tính nhân bản nhất, và cuộc đời của ngài chính là một bài quảng cáo vĩ đại nhất. Vậy thì cần gì đến quảng cáo, hay chăng là một bài quảng cáo nên là một bài quảng cáo mang tính nhân bản, trong đó giá trị đạo đức con người được đề cao, nhân phẩm con người cần được chú trọng, các hạt giống tu tập cần được tưới tẩm. Mục đích quảng cáo cần phải được thay đổi, không phải là để gia tăng doanh số bán hay gia tăng hình ảnh thương hiệu, mà quảng cáo là để phát huy công nghệ mang tính nhân bản, đa dạng hóa sinh học, bảo vệ môi trường, và tôn vinh vẻ đẹp của muôn loài. Người chiến binh vẫn thầm lặng trong hơi thở của mình, anh thực sự đang làm người quảng cáo chính anh, quảng cáo cho hơi thở.
Trích trong Người chiến binh trong thế giới ảo của Thiền giả Minh Thạnh