Nghĩ về hạnh phúc

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đi tìm câu trả lời cho quan niệm về hạnh phúc – điều mà con người thường suy nghĩ từ bao đời nay và đã làm tốn bao nhiêu giấy mực.
 
Cuộc đời là vô thường đầy những thăng trầm, bất trắc. Tôi chỉ là một con người bình thường. Lẽ dĩ nhiên quan niệm hạnh phúc của tôi cũng rất bình thường. Chẳng qua chỉ là lối sống hợp lý, làm sao để cho mình được an nhiên tự tại trong cuộc đời này thôi.

Năm nay tôi 79 tuổi. Tôi đã sống quá nửa đời ở thế kỷ 20 sôi động của đất nước. Cuộc sống của tôi có nhiều trắc trở. Tôi không than van sầu muộn vì những chuyện đã qua. Thậm chí tôi lại thấy vui vì đã sống những ngày đầy biến động.

Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, tôi có nhiều bối rối về tư tưởng. Lại gặp những trắc trở. Cho nên tôi buồn rầu và thất vọng. Lại còn ốm đau nữa. Phải nói sự thất vọng của tôi đã đến mức bi quan. Lúc ấy, tôi quen anh Nguyễn. Anh Nguyễn ngày trước đã học vài năm trường luật, nhưng vì hoàn cảnh nào đấy, anh chỉ là một nhân viên đánh máy quèn cho một cơ quan. Có lẽ anh biết hoàn cảnh của tôi và muốn giúp đỡ tôi. Bệnh của tôi là bệnh đau cột sống. Tôi còm nhom. Tôi được biết anh Nguyễn từ lâu đã nghiên cứu Phật học và rất giỏi về yoga. Nguyễn bảo tôi:

 - Khánh tập yoga đi. Tinh thần như thế, sức khỏe như thế. Khéo không nguy đấy!

Sau khi suy nghĩ, tôi bảo anh Nguyễn.

- Em cảm ơn anh. Em không học được đâu anh ạ. Bởi vì điều đầu tiên để học Thiền hay yoga là phải loại bỏ sự đam mê. Sống phải đam mê hết mình. Không đam mê coi là chết rồi còn gì nữa. Ngoài anh Nguyễn, tôi còn kết thân với một ông thợ cắt tóc tên là Trần. Ông Trần hơn tôi chục tuổi. Ông luôn đội trên đầu chiếc mũ dạ Fléchet. Mắt đeo kính cận. Môi đỏ chót. Ông cắt tóc ở cái ngõ nhà ông. Cửa hiệu sang trọng bên cạnh vốn là nhà ông, nay vào công ty hợp doanh. Ông Trần vốn là công tử Hà Nội đã học xong tú tài triết học, nay bất đắc dĩ làm nghề thợ cạo, ông rất vui tính.

Nửa tháng tôi lại đến ông hớt tóc. Trở thành khách quen, nên mỗi lần tôi đến ông rất vui. Ông thường kéo dài cuộc cắt tóc để nói chuyện với tôi. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới biển. Có hôm dở chuyện, sau khi cắt xong, ông lại kéo tôi vào nhà trong, tức là căn buồng gia đình ông còn giữ lại được sau khi công tư hợp doanh. Ông thợ cắt tóc có một vườn địa lan và một tủ sách nhỏ phong phú. Tôi ngồi xem ông nâng niu lần từng lá lan. Có hôm ông hỏi tôi:

 - Anh viết văn, thế đã đọc Phân tâm học chưa? Nhờ ông, tôi bắt đầu học Freud rồi Jung…

Trong các cuộc trao đổi, có lúc ông bảo tôi:

- Tôi biết nỗi băn khoăn của anh rồi. Anh lo rằng không thể kết hợp được giữa Phân tâm học và Phật giáo chứ gì? Tôi nghĩ rằng rất có thể. Người ta rất có thể vừa là người Phật giáo vừa Phân tâm học lắm chứ. Con người vừa có thể là người đam mê trần tục, vừa là người từ bi trang nghiêm. Hai lý thuyết rất cách xa nhau, thậm chí dường như đối nghịch nhau, nếu kết hợp được với nhau, có khi lại là sáng tạo.

Trong phân tâm học, Freud cho rằng trong con người có hai bản năng: Bản năng sống Eros, bản năng chết Thanatos. Eros là tình yêu, là hoan lạc, là thân xác vật chất, là sự vươn tới sự sống. Thanatos là bản năng thoái triển, rút lui về cái chết. Chúng ta ủng hộ sự sống, ủng hộ Eros. Con người hiện đại không coi thường thân xác, không coi thường vật chất. Nhưng nếu đi tới chỗ sùng bái thân xác và vật chất thì lại là vấn đề khác.

Trong Kinh Pháp cú có câu: “Được sinh ra là người là hi hữu. Chớ để lỡ mất cơ hội này”. Tức là được làm người ở thế gian này là một việc hiếm có, rất hạnh phúc. Tức là phải tôn vinh sự sống, sống sao cho ra sống. Ta không coi thường vật chất nhưng cũng không sùng bái vật chất. Bởi vì chạy theo vật chất ta sẽ tầm thường hóa cuộc sống, biến con người thành nô lệ vật chất. Bởi vì chúng ta biết ngoài đời sống vật chất con người còn có đời sống tinh thần cao đẹp nâng con người lên. Ta có nhiệm vụ phải thỏa mãn nhu cầu tinh thần ấy. Phật giáo cho chúng ta biết con người luôn tiềm tàng một khả năng phi thường, khả năng ấy còn ngủ yên trong con người chúng ta: Đó là tiềm năng hướng về sự cao thượng, trong sạch. Tiềm năng ấy có thể trỗi dậy bất ngờ, mạnh mẽ, hùng hậu.

Tôi thích Phật giáo vì Phật giáo luôn dạy chúng ta, đánh thức cái phần tốt đẹp ấy trong ta. Vì Phật giáo dạy con người tự tin vào chính bản thân mình, không tin vào tha lực. Có người yêu Phật giáo rồi trở thành Phật tử, hoặc người tu hành để trở thành những Bồ Tát, những đức Phật. Một người bình thường không nhất thiết trở thành một vị Phật. Điều đó công phu và khó khăn. Tuy nhiên để trở thành một con người cao thượng, trong sạch noi theo đức Phật thì chắc nhiều người làm được. Lý thuyết Phật giáo có nhiều phần, có phần rất uyên ảo cao thâm, có phần rất đời thường ai cũng làm được.

Con người hiện đại sống rất đam mê, yêu hết mình, làm việc hết mình,  sống hết mình, làm việc cho sự phát triển của xã hội. Tôi nghĩ sống thế cũng là hạnh phúc. Song hình như vẫn chưa đủ.

Phật giáo bổ sung thêm phần sống tinh thần cho chúng ta. Từ cái kho tàng đồ sộ của Phật học, chúng ta chỉ cần rút ra bốn chữ nho nhỏ, là cũng đủ cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn nhiều, hạnh phúc hơn nhiều. Đó là bốn chữ: Từ, Bi, Hỉ, Xả.

 Đời sống con người là đời sống của những mối quan hệ. Ta với những người khác, ta và những sự việc. Từ, Bi, Hỉ, Xả – bốn cái tâm cao thượng, giúp con người trở nên hoàn thiện. Nếu mỗi người đều thực hành bốn cái tâm cao thượng ấy, thì thế giới này, cuộc sống này sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp.

 Từ là trạng thái cao thượng, cái làm cho lòng ta êm dịu, làm ta trở thành bạn hiền, làm ta sống an vui hạnh phúc, yêu thương tất cả mọi sinh linh ở thế gian này. Tâm thì như ánh mặt trời bao muôn vạn vật. Tâm từ cao thượng rải khắp phước lành thâm diệu cho bạn bè thân sơ, không phân biệt bạn hữu, sang hèn. Người có tâm từ ở đâu là nơi đó ấm áp, đoàn kết, vui vẻ. Nghịch nghĩa với tâm từ là sầu hận, thù oán. Người có tâm từ gương mặt tươi sáng, an lành, có khả năng đổi dữ ra lành. Mọi người đều cảm thấy yên vui khi ở cạnh người lành.

 Bi là tâm cao thượng, luôn rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Người có tâm bi luôn vị tha, tìm cơ hội giúp đời, giúp mà không mong đền đáp. Đối tượng của tâm bi là những kẻ nghèo nàn túng thiếu cơ hàn, đau ốm.

 Hỉ là đức tính cao thượng thứ ba. Vui, hoan hỉ đối với những thành công của người khác. Ganh tị, đố kỵ với những niềm vui và thành công của người khác hay xảy ra trong đời.
 Xả là đức tính cao thượng thứ tư. Nó khó thực hành nhất mà cũng cần thiết nhất.

Được thua, thành bại, khinh rẻ, phỉ báng, hạnh phúc, phiền não là những chuyện thường ngày trong cuộc đời. Được khen thì vui, bị chê thì buồn là lẽ thường. Phật dạy ta phải biết hành tâm xả, luôn thản nhiên trước thành bại ở đời.

Hạnh phúc ư, thắng lợi ư, khen ngợi ư, ta hãy giữ cho tâm bình thản. Thất bại ư, khinh rẻ phỉ báng với đau khổ cùng cực ư, giữa cơn giông tố của cuộc đời, người có tâm xả cũng không hề xúc động. Ở anh ta, giống như một tảng đá, luôn luôn an nhiên tự tại.

Sống được như thế. Luôn sống hết mình, luôn hướng đến sự cao thượng chắc đó là hạnh phúc lý tưởng. Tuy nhiên điều đó là điều để vươn tới, chứ không phải là điều đã thành tựu.

Tôi nghĩ những ai muốn có hạnh phúc trong kiểu sống này, luôn luôn sống hết mình và trau dồi phát triển bốn cái tâm cao thượng trên. Bốn điều đó luôn sẵn có trong từng người, sẽ dẫn dắt họ đến con đường hạnh phúc.

Previous Post
Next Post