Người Việt xấu xí ở điểm nào?

1. Khả năng làm việc theo nhóm kém, tinh thần đồng đội chưa cao, tính cách sống vì cộng đồng chưa trưởng thành:

Người Việt thường hoàn thành tốt các công việc của cá nhân, nhưng khả năng gánh vác công việc cộng đồng, công việc chung kém, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng kém.

Các học sinh Việt Nam thường chịu khó làm bài tập của mình rất siêng năng và làm tốt các bài tập được giao cho cá nhân. Thế nhưng bài tập chung của nhóm thường bị đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm, khả năng ngồi lại với nhau để thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến cho một thành quả chung tích cực hơn thường bị xem nhẹ.

Tại các doanh nghiệp, các công nhân và nhân viên người Việt cũng “nổi tiếng” khó phối hợp đồng đội (teamwork) tốt, khó có hiệu quả hợp tác cao trong các công việc được cấp trên giao.

Tại mỗi khu phố, khu dân cư, nếp sống vệ sinh chung thường rất kém. Người ta chú ý quét dọn sạch sẽ nơi khuôn viên của gia đình mình, trong khi các diện tích chung, công cộng thường chịu việc xả rác, vứt bỏ các thứ linh tinh làm ô nhiễm môi trường chung.

Trên đường phố Việt Nam, chúng ta không khó bắt gặp các hình ảnh xả rác, chen lấn tranh giành nhau khi tham gia giao thông hoặc tại các cơ quan công quyền mà người dân phải xếp hàng lộn xộn, chờ chực trong một mớ hỗn độn, rất thiếu khoa học. Thậm chí ngay tại công sở tại TP.HCM, nếu bạn có việc phải xin giấy phép, đổi giấy phép hay giấy tờ liên quan, việc chen lấn chờ đợi vô trật tự (phần do cách làm việc không khoa học và diện tích khuôn viên chật chội trong khi khối lượng công việc nhiều với hàng trăm, hàng ngàn con người có nhu cầu đến liên hệ công tác tại đây hàng ngày). Điều này thể hiện một tư duy bon chen, chụp giật, không có kế hoạch, tổ chức và tầm nhìn dài hạn.

Tại các nhà ga, bến xe, hàng không, hàng quán, nhà hát, công viên công cộng, .v.v. chúng ta càng thấy rõ ý thức vì cộng đồng của người Việt thực sự chưa trưởng thành. Trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về các cá nhân lãnh đạo tại các đơn vị này, sau đó là ý thức chấp hành của mỗi người dân trong cộng đồng và khả năng tổ chức phối hợp làm việc theo nhóm vì tinh thần cộng đồng, vì công việc chung còn nhiều điều chưa tốt.

2.Tư duy tiểu nông gắn chặt với quá khứ một dân tộc làm nông nghiệp lâu đời:

Các thửa ruộng nhỏ lẻ, được các đời cha ông tiếp nối và chia tách ra làm nhiều miếng nhỏ dần cho các đời sau. Làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu và bảo thủ theo kiểu tư duy xưa vẫn còn “con trâu đi trước cái cày theo sau”, thiếu liên doanh liên kết, thiếu sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, lòng đố kỵ, ích kỷ, ganh ghét, không muốn người khác hơn mình, dấu nghề, không mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, thậm chí anh em, người thân trong nhà cũng không san sẻ, giúp đỡ, “cho tiền cho bạc, không ai chỉ đàng làm ăn”!

Xong việc của mình là xem như xong, không quan tâm người khác hay bà con láng giềng làm ăn ra sao. Tư duy “hợp tác xã” một thời, nửa đêm không ai muốn thức dậy xả nước cho thửa ruộng chung, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động “cha chung không ai khóc”, tị nạnh nhau các công việc của chung cộng đồng. Thậm chí, xuất hiện lối suy nghĩ “sống hôm nay, biết hôm nay”, bất chấp ngày mai ra sao!

Điều này dễ dẫn tới việc biển thủ, ăn cắp của công cả “tài sản vật chất và thời gian” trong các doanh nghiệp nhà nước bất chấp hậu quả là doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành “con bò sữa của chung” mà mạnh ai nấy vắt sữa, khai thác đến mức kiệt quệ.

Tư duy “ăn xổi ở thì” dễ nổi lên lấn át, tư duy ngắn hạn, nghĩ đến quyền lợi cục bộ, mưu cầu tư lợi ngắn hạn hơn là phát triển dài hạn, phát triển bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng.

3. Dễ dàng thỏa mãn với những thành công nhỏ:

Tư duy truyền đời kiểu “học thành tài” ăn sâu vào suy nghĩ thay thế cho tư duy tiến bộ hơn “học tập và làm việc phấn đấu, cống hiến suốt đời”. Các cá nhân học giỏi, xuất sắc không thiếu nhưng các thành quả khoa học, các phát minh thành tựu lớn trong hầu hết các lĩnh vực hầu như chưa sánh bằng các quốc gia khác, phần vì thiếu môi trường cho người tài, phần vì các cá nhân xuất sắc trong cộng đồng đã thỏa mãn với thành công nhỏ ban đầu so với mọi người trong “làng xóm nhỏ” xung quanh nên không chịu phấn đấu học tập liên tục và không có cơ hội phát triển lên tầm cao mới hay đạt tới trình độ và đẳng cấp thế giới.

Điều này xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng và sáng tạo, phát minh và sáng chế, văn hóa và thể thao... khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ các thành tựu lớn của thế giới vì số lượng các thành tích ở tầm cỡ thế giới còn quá ít so với các quốc gia khác.

Một số người du học nước ngoài cho hay, khi học phổ thông hay đại học, các sinh viên bạn thường không giỏi các môn học cơ bản; nhưng khi vào nghiên cứu ứng dụng, họ rất xuất sắc và sinh viên ta thường không theo kịp. Có lẽ tư duy học “thành tài” đã sớm làm chậm hay thiêu chột sức sống và khả năng học hỏi, phát triển liên tục của sinh viên ta (?).

Trong thương trường, các doanh nhân Việt Nam cũng có nhiều hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp; thường chạy theo các hợp đồng mua bán có tính thời vụ, dựa vào ưu thế “quen biết”, mối quan hệ thân hữu để giành lấy công việc trước mắt, ít có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn xa, chú ý phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu vươn lên tầm cỡ thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường qui mô nhỏ và rất nhỏ, làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu hợp tác phối hợp. Khi lớn lên một chút thì đã phân chia ra thành các doanh nghiệp nhỏ hơn do bất đồng quan điểm hợp tác hoặc muốn làm riêng thu lợi một mình, hoặc đã sớm thỏa mãn với thành công nhỏ đạt được. Các doanh nghiệp lớn chủ yếu chỉ là doanh nghiệp nhà nước khai thác dầu khí, khai khoáng mỏ, độc quyền về kinh doanh ngành nghề như điện lực, viễn thông, ngân hàng...

4. Dễ rơi vào trạng thái tôn sùng các giá trị vật chất

Hiện tượng tôn sùng tài sản vật chất hơn là các giá trị nhân văn hay các truyền thống tốt đẹp của nhân loại xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp trí thức, có học.

Các tội phạm tham nhũng, tội ác phi nhân trong các câu chuyện có thực ngày càng nhiều, mà người gây án là các quan tham hay những người có ăn học và được đào tạo bài bản. Những người sinh ra không hẳn đã sống thiếu thốn vật chất lại được hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi, nhưng nay không phải vì thiếu miếng cơm, manh áo vẫn cố tình phạm tội (Xem vụ án Nguyễn Đức Nghĩa ai cũng phải rùng mình, kinh sợ).

Do bản năng tham lam, tham vọng và dục vọng cá nhân lớn hay do môi trường sống thay đổi đã cổ vũ cho việc sùng bái vật chất này?

Sống gấp, sống ích kỷ vội vã, chỉ biết lo cho bản thân, chạy đua theo các giá trị vật chất, sống hưởng thụ bất chấp hậu quả tai tiếng về sau. Chưa kể các khiếm khuyết trong hệ thống bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người và phát triển hệ thống an sinh xã hội cho mọi thành phần người dân, kể cả các tầng lớp nghèo khổ và chịu thiếu thốn thiệt thòi nhất.

5. Tính kỷ luật trong lao động và đời sống pháp luật chưa cao

Hiện tượng vượt đèn đỏ trong giao thông, không bỏ rác vào nơi qui định, luôn muốn “luồn lách” và qua mặt pháp luật nếu có điều kiện hay ở những nơi chốn thiếu sự giám sát của các cơ quan pháp luật hoặc cấu kết với các cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi và tạo ra quyền lợi nhóm hay nhóm lợi ích.

Một số “rường cột” của xã hội là “gia đình” và “nhà trường” hay “quan trường” cũng chịu tác động ghê gớm. Các vụ bạo hành trong gia đình và nhà trường hay tham ô tham nhũng trong quan trường xảy ra càng lúc càng nhiều; các tội ác ngày càng rùng rợn, các kẻ thủ ác thì không còn là đói ăn hay thất học hay bần cùng sinh đạo tặc nữa mà đã lan tràn đủ mọi thành phần.

Có người nói về sự khác biệt giữa người Việt “thông minh” và người Việt “khôn ranh” và kết luận là có thể chúng ta “khôn ranh” thôi chứ đừng vội nghĩ rằng “ta đây là dân tộc thông minh”.

6. Văn hóa chịu trách nhiệm, xin từ chức chưa hiện diện trong đất nước ta

Khi được trao quyền, ủy quyền, với niềm tin lớn, kỳ vọng lớn, trách nhiệm lớn, người ta phải hiểu nghĩa vụ khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi một người không hoàn thành trách nhiệm, việc từ nhiệm là bình thường, đó là sự bảo đảm cho uy tín, danh dự với lời hứa ban đầu, trọng trách ban đầu đặt ra.

Để ngụy trang, ngụy biện, biện minh cho thất bại, người ta thường hay nói về sự “đồng thuận” hay “trách nhiệm tập thể” và sau cùng là “huề cả làng”! Vì không thể truy cứu trách nhiệm “tập thể” hay sự khôn ngoan hoặc ngu dại đã giúp con người che dấu khuyết điểm trong một ốc đảo có tính “tự lừa dối” lẫn nhau.

7. Dễ thỏa hiệp và tìm kiếm thỏa hiệp để đạt mục đích mưu cầu tư lợi cá nhân

Do xã hội đã hình thành một số tầng lớp giàu có, mua quan bán chức, đi lên không phải bằng nỗ lực phấn đấu lao động và học tập siêng năng cần cù mà bằng sự nâng đỡ của “cha anh”, bạn bè phe nhóm thân hữu nâng đỡ nhau, tạo ra một sự bất bình đẳng, tạo suy nghĩ sùng bái các giá trị vật chất, “mười năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một lần”. Suy nghĩ không cần học tập phấn đấu chi cho vất vả, chỉ cần có quan hệ thân hữu là được, chỉ cần có tiền là mua cái gì cũng xong.

Xây dựng mối quan hệ thân hữu, quyền lực nhóm: bắt tay nhau triệt tiêu các tiếng nói thiểu số khác trong cộng đồng, xây dựng các nhóm quyền lực lớn dần, vượt trội dần và tới lúc nào đó sẽ có tiếng nói lất át cả các lý lẽ và pháp luật. Khi “anh cũng vi phạm, tôi cũng vi phạm” thì không có lý do gì chúng ta buộc tội nhau, tố cáo lẫn nhau, làm hại lẫn nhau! Mà nên bắt tay nhau.

Khi sai phạm xảy ra ở các cấp, mọi nơi, con người trở nên chán nản, cảm thấy việc sai phạm là “bình thường”, đương nhiên, không màng quan tâm tới, không bình luận, không dám phản bác, nghĩ rằng các phản bác là vô tác dụng, dễ bị chụp mũ, dễ bị trù dập, quá lo sợ, và chấp nhận “thỏa hiệp”, .v.v. Điều này tạo nên một xã hội “vô cảm” lúc nào không hay.

Trong công việc, mỗi khi gặp khó khăn hay vi phạm pháp luật, người ta thường nghĩ nên “gõ cửa” ở đâu, gặp “anh Hai, anh Ba” nào để được giúp đỡ ?! Muốn làm việc gì, khởi sự một việc kinh doanh, người ta thường nghĩ là “để làm được việc này, tôi quen biết với những ai, tôi có mối quan hệ quan trọng nào trong lĩnh vực này?” hơn là chuẩn bị tốt về sản phẩm hay dịch vụ khách hàng .v.v.

Nạn “mua quan, bán chức” trở nên vấn nạn vì ai đó trong chúng ta đều đã có dịp nghe qua về việc này, đâu đó tại chính địa phương mà ta đang sống. Điều đó phản ánh một vấn nạn thực sự, một phát triển nguy hiểm của xu hướng thỏa hiệp, tìm kiếm thỏa hiệp và mưu cầu danh lợi.

Khi đó tội ác có thể ngày càng công khai và mỉm cười ranh mãnh trước sự bất lực của toàn xã hội như một sự trả giá cho những sai lầm của chính mỗi con người hèn yếu trong chúng ta. Và cho những ai nhất thời đắc ý rồi cũng sẽ lại rơi vào chu kỳ khác, khi thời thế của kẻ đắc ý đã qua, con cháu của anh ta rồi vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường “thỏa hiệp” mà anh ta đã vô tình hay hữu ý dựng nên, thế hệ sau này vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường “thỏa hiệp” cấu kết với nhiều phe nhóm nếu không sẽ bị thải loại.

Môi trường có tính thỏa hiệp này, tới phiên nó, sẽ như một bánh xe lịch sử lớn và lớn hơn, nghiền nát mọi nỗ lực hướng tới các giá trị “chân thiện mỹ” mà con người luôn mơ ước.

8. Dễ suy nghĩ chủ quan, chú trọng yếu tố chủ quan hơn khách quan

Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục trước tài năng xuất chúng và thành quả của Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng toán học Fields nhưng chưa xây dựng được môi trường làm việc tốt để tương lai có thêm nhiều người Việt đạt thành quả tương tự.

Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, .v.v. có rất nhiều nhà khoa học đạt tới các đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và điều đó được xem là hệ quả bình thường và tất yếu do “phương pháp” và cách tổ chức thực hiện mang lại.

Tương tự, có người sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam có một Bill Gates, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu nước Mỹ ngày càng có thêm nhiều tỉ phú về các sản phẩm khoa học công nghệ. Lý do có thể là tại Mỹ có đầy đủ các “điều kiện cần và đủ” để tiếp tục sản sinh các Bill Gates mới.

Khi các giá trị vật chất mà người ta dễ dàng đạt được không thông qua sức lao động sáng tạo vất vả cần cù, mà chỉ là sự trao đổi, mua bán, ngã giá, con người dễ rơi vào trạng thái suy nghĩ mơ hồ, lý giải và dựa dẫm vào yếu tố “tâm linh” là chủ yếu.

Lúc này, không phải là yếu tố đức tin tôn giáo, triết lý biện chứng duy vật hay duy tâm, hay “khoa học huyền bí” ngoài tầm với của khoa học kỹ thuật đương đại mà là sự cứu chuộc cho bản thân, sự tính toán an bài cho các “tội lỗi quá khứ”, sự sợ hãi trước “luật nhân quả”, thông qua việc cúng bái lễ vật đắt tiền kiểu nhà giàu, xây dựng lăng mộ hoành tráng, mượn các hành động từ thiện như để khỏa lấp phần nào các yếu tố nhân quả trong đời sống xã hội.

Điều này có thể được thấy với hàng đoàn xe ô tô đắt tiền trong đó có nhiều xe mang bảng số nhà nước, nối đuôi xếp hàng mang lễ vật “hoành tráng” tới cúng chùa, xem bói vào các dịp lễ Tết.

Previous Post
Next Post