Nhân học triết học hiện đại với vấn đề tồn tại người

Triết học thế kỷ XX đã trôi qua dưới khẩu hiệu "sự phồn vinh của nhân học". Những biến đổi trong cách tiếp cận nghiên cứu con người đã gắn liền với sự hình thành nhân học triết học. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ, là chiếc chìa khoá để mở ra mọi vấn đề.

Nói cách khác, mọi vấn đề đều xoay quanh cái trục là con người. Nhưng, nhân học triết học có quan hệ với thực tại người không phải với tư cách khách thể của nhận thức khoa học [sinh học, tâm lý học, xã hội học, v.v.], mà với tư cách chủ thể của tự ý thức, chủ thể siêu tự nhiên [tức là với thế giới tinh thần của con người, với con người với tư cách một thực thể siêu hình học]. Thế giới tinh thần này, theo nhân học triết học, vượt lên toàn bộ tồn tại tự nhiên, và về nguyên tắc là không quy được về tồn tại đó. Do vậy nhân học triết học: với một nghĩa nào đó, tự giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào các quan niệm thuần tuý khoa học thực chứng.

Vậy nó quan niệm tồn tại siêu nhiên [người] với tư cách đối tượng cơ bản của mình là gì?

Sự cảm nhận thấy "cái Tôi" trong ý thức của mình có nghĩa là cảm nhận thấy rằng con người đã vượt lên trên những mối liên hệ nhân quả thống trị trong giới tự nhiên.

Con người không muốn chỉ là nhân hay quả phù hợp với các quy luật tự nhiên. Nó muốn tự do lựa chọn và làm chủ bản thân. Con người luôn đứng trước vô số trở ngại mà nó buộc phải khắc phục, chiến thắng hay né tránh. Nói về cá nhân tức là nói nó bị vô số mối nguy hiểm bao vây. Sự sống cấu thành, một mặt, từ sự cảm nhận thấy "cái Tôi" của mình và khát vọng bảo vệ nó; mặt khác, từ sự phản kháng lại ý muốn đánh mất ý thức về "cái Tôn của mình. Như vậy, tồn tại người với một nghĩa nào đó là mang tính nhị nguyên.

Mỗi bước đi của con người đều bị hạn chế bởi các điều kiện và các yêu cầu do môi trường tự nhiên và xã hội đề ra. Con người phục tùng chúng trong phần lớn trường hợp vì không thể không phục tùng và liên tục đấu tranh chống lại chúng. Nhưng chính những ngoại lệ từ quy tắc đó lại là cái đánh thức tính người đích thực nơi con người. Vì con người không ngừng tìm kiếm phương thức bộc lộ bản ngã [cái Tôi tự tại] của mình, nên bản ngã có tiền đề để không bị đánh mất vĩnh viễn. Trên thực tế, con người không bao giờ đánh mất bản ngã của mình trong đáy lòng mình, vì nó bao giờ cũng muốn quyết định, thực hiện sự lựa chọn của riêng mình. Như vậy, sự lựa chọn là một bộ phận cấu thành quan trọng của tồn tại người, là một trong những phạm trù phản ánh các đặc điểm quan trọng của sự hiện sinh người.

Nhân học triết học hiện đại bác bỏ cả kết luận cực đoan về khả năng coi thường môi trường tự nhiên và xã hội của con người, lẫn kết luận cực đoan xem con người là một sản

phẩm thụ động của hoàn cảnh bên ngoài, có nghĩa vụ phải thích nghi với hoàn cảnh ấy. Con người thực ra luôn dao động giữa hai cực - sự cô độc hoàn toàn và sự hoà tan vào xã hội - cái thủ tiêu cá tính của nó. Con người không phải là "cái Tôi" hoàn toàn tự trị, có khả năng bỏ qua những người khác. Nhưng nó cũng không hoà tan vào những người khác, vì như thế sẽ không còn "cái Tôi" nữa. Con người thừa nhận sự tác động của xã hội và văn hoá đến mình, nhưng "cái Tôi" của nó phải là độc đáo trên cái nền của sự tác động ấy. Vì là người, nên mỗi chúng ta đều có tiềm năng phản xã hội. Nếu không phải trên thực tế thì cũng và trong tư duy, con người có khả năng biểu thị thái độ bất mãn với trật tự xã hội hiện tồn, song hoàn toàn không phải với mục đích phá huỷ bởi, như Đôxtôiépxki nói, cái quý nhất đối với con người là "tuỳ ý và tự do mong muốn" của riêng mình. Sự nghiệp sáng tạo của Đôxtôiépxki đã đưa ông trở thành người đầu tiên chỉ rõ tự do - tự do lựa chọn và tự quyết - là cái vô cùng quý giá đối với con người. Sự nghiệp sáng tạo của ông dường như hoà nhịp một cách kỳ lạ với thế kỷ XX, và không phải ngẫu nhiên mà người ta coi Đôxtôiépxki là nhà triết học của thế kỷ này[1].

Việc thực hiện sự lựa chọn là cái biểu thị sự tự do của con người. Nhưng, khi lựa chọn hành vi, lối ứng xử này hay khắc, cá nhân lựa chọn chính bản thân mình. Nó tạo dựng mình, tạo ra bộ mặt tinh thần của mình. Tồn tại cấu thành từ vô số hành vi lựa chọn chính là sự sống của cá nhân, hay là bản thân cá nhân trong vận động. Như vậy cùng với tự do, trách nhiệm cũng xuất hiện. Đó trước hết là trách nhiệm về mình, về số phận của mình. Mỗi người tự đáy lòng mình đều biết rằng chỉ có bản thân nó chịu trách nhiệm về số phận, về những thành công và thất bại của mình, thậm chí cả trong trường hợp nó muốn đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Nhưng vấn đề không chỉ có thế, G.P.Xáctơrơ có viết: "Tôi chịu trách nhiệm... về bản thân tôi và về mọi người. Tôi tạo ra cho mình một hình ảnh người xác định mà tôi lựa chọn. Tôi lựa chọn mình, tôi lựa chọn con người nói chung"[2]. Nói cách khác, với Xáctơrơ thì con người, bằng hành động của mình, không những lựa chọn số phận của mình và bản thân mình, mà còn tác động theo một cách nào đó đến người khác. Hành động thế này hay thế khác, con người dường như muốn nói với người khác: "Hãy hành động như vậy”. Con người còn định trước cho nó một mô hình ứng xử cụ thể: "Lựa chọn mình, tôi lựa chọn con người nói chung". Điều đó có nghĩa là tồn tại người được đặc trưng bởi “lo âu” [G.P. Xáctơrơ], "quan tâm" [M.Haiđơgơ] hay "gánh nặng" [H.Berđiaép].

Các khái niệm này chứng tỏ sự sống của con người là không thể thiếu gánh nặng trách nhiệm: về bản thân, về người thân, về Tổ quốc của mình và tối đa là về toàn thể nhân loại. Nhiều người chạy trốn trách nhiệm này, làm ra vẻ không cảm nhận thấy nó, nhưng nó không buông tha họ. Con người không thể hoàn toàn chạy trốn khỏi lo âu, khỏi sự quan tâm và trách nhiệm. Điều đó chỉ có ở những người bị bệnh tâm thần, nghiện ma tuý, song cũng không phải tuyệt đối. Thực ra thì bệnh tâm thần, tự sát, say rượu và nghiện ma tuý là ý đồ chạy trốn khỏi gánh nặng cuộc đời và chứng tỏ gánh nặng ấy đã vượt quá mức mà con người có khả năng chịu đựng. Tuy nhiên, ngay cả trong xã hội hoàn hảo nhất thì con người vẫn phải gánh vác những nghĩa vụ, phải quan tâm và lo âu. Chính vì vậy mà lo âu, quan tâm hay trách nhiệm không phải là các phạm trù xã hội, mà là các phạm trù hiện sinh. Chúng biểu thị cái vốn có ở sự sống với tư cách là sự sống của con người, không phụ thuộc vào thời gian, vị trí và chế độ kinh tế - xã hội. Sự sống bao giờ cũng là một gánh nặng. Do vậy, nó đòi hỏi con người phải có lòng dũng cảm để sống, phải kiên định chịu đựng gánh nặng của cuộc đời. Điều đó có liên quan tới tồn tại con người mà từ đáy lòng mình, nó là một sinh vật cô độc.

Cô độc cũng là một trong các phạm trù hiện sinh của tồn tại người. Sự cô độc được nói tới ở đây là sự cô độc gắn liền với tính độc lập của con người, tính độc đạo của “cái Tôi" của nó, với hành vi lựa chọn của con người -, tức là sự cô độc hiện sinh. Cần phải phân biệt sự cô độc hiện sinh với sự cô độc xã hội. Sự cô độc xã hội được quy định bởi các nguyên nhân xã hội: con người bị cô lập với đời sống xã hội, đánh mất bạn bè..., đặc biệt là bị bỏ rơi lúc về già. Ở đây không có những trở ngại mang tính nguyên tắc, tất cả phụ thuộc vào con người, vào ý thức đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau của họ.

Một kiểu cô độc xã hội khác là "cô độc trong đám đông". Nghịch lý của nó là ở chỗ, con người luôn phải ở giữa mọi người, phải giao tiếp, phải phục tùng các chức năng xã hội mà nó có nghĩa vụ phải hoàn thành. Do vậy, con người có nguy cơ bị biến thành một chức năng xã hội. Một cách vô tình, con người đã tự khoác lên mình cái mặt nạ tự vệ. Con người che đậy "cái Tôi" nội tại của mình. Nhưng sự sống chỉ với tư cách là chức năng làm què quặt thế giới tinh thần: con người biến thành "con người một chiều” [M. Haiđơgơ]. Thế giới tinh thần của con người cũng theo đó mà đánh mất tính phong phú và toàn vẹn của tồn tại. Con người thu hẹp thế giới nội tâm của mình lại tới mức chỉ còn một vài sự quan tâm. Sự sống của con người trở thành cuộc rượt đuổi vô bổ theo của cải vật chất. Song sự ham muốn giao tiếp của con người lại có đầy đủ giá trị của cái mang tính người ở chính con người. Do vậy, "con người một chiều tự nó phải hứng chịu sự khổ đau bởi tình cảnh của chính nó. Chế ngự sự khổ đau ấy là ý thức về sự vô dụng, về sự bị bỏ rơi của mình, là ý thức về sự cô độc sâu sắc.

Khác với sự cô đọc xã hội, sự cô độc hiện sinh, về nguyên tắc, là cái không thể tách ra khỏi sự sống. Nó là một trong những đặc trưng cơ bản của tồn tại người. Con người thực hiện sự lựa chọn của mình, tự quyết định, bảo vệ "cái Tôi” của riêng mình. Ngoài ra, nó còn luôn thay đổi, tâm trạng và suy nghĩ của nó có thể thay đổi ngay sau một cuộc trò chuyện với người thân. Do vậy, con người không thể giao phó mình cho người khác. Nó không thể làm điều đó ngay cả khi có quan hệ rất thân mật với người khác.

Một trong các hình thức quan hệ thân mật nhất của con người là tình yêu. Và tình yêu ấy cũng thể hiện ra là một đặc trưng cơ bản [phạm trù] của tồn tại người.

Tình yêu của con người rất đa dạng. Đó là tình yêu - tình ái [khát vọng về sắc đẹp và sức mạnh], tình yêu – ban phát [làm từ thiện, đồng cảm], tình yêu - sự âu yếm, tình yêu - dục vọng [khát vọng chiếm đoạt]. Các biểu hiện tình yêu đó có thể tồn tại riêng biệt hay cùng tồn tại. Cũng có thể nói về các kiểu tình yêu căn cứ vào đối tượng của nó: tình yêu lứa đôi, tình yêu huynh đệ, tình yêu tự nhiên, tình yêu tri thức, tình yêu công việc, tình yêu Chúa...

Tình yêu trong mọi trường hợp đều thể hiện là phương thức khắc phục sự tự cô lập về tinh thần, sự cô độc hiện sinh.

Tình yêu là cái hợp nhất con người với người khác và với thế giới. Tình yêu đòi hỏi con người phải xem người khác là một phần của chính mình. Nó mở cửa cho con người hội ngộ với người khác. Song, ở đây, cần lưu ý rằng, sự cô độc có thể được khắc phục nhờ tình yêu, nhưng nó không thể được loại trừ hoàn toàn. Như vậy, tình yêu là phương thức tốt nhất nhưng không phải là tuyệt đối để khắc phục sự cô độc. Bản chất hiện sinh của sự cô độc là không thể thủ tiêu được. Điều đó cũng có cả trong tình yêu lứa đôi. Nếu tình yêu lứa đôi chỉ được quy về dục vọng, tức là về quan hệ tình dục, thì sự hợp nhất chỉ có thể có trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Những người yêu nhau thường vẫn cảm thấy rất xa lạ với nhau. Và khi đó, cảm giác cô độc thậm chí còn có thể tăng lên. Nếu tình yêu lứa đôi trở thành tình yêu với đúng nghĩa của nó thì quan hệ giữa những người yêu nhau sẽ trở nên phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Tình yêu ấy có khả năng khắc phục được cảm giác chủ quan về sự cô độc. Song, một người đang yêu không thể và cũng không nên hoà tan vào người mình yêu, không thể và cũng không nên đánh mất mình. Bởi như vậy, nó không những đánh mất "cái Tôi” của mình, mà còn đe doạ sự tồn tại của tình yêu. S.Phrancơ viết: "Tình yêu không phải là khát vọng lạnh nhạt, trống rỗng và ích kỷ về khoái lạc, nhưng tình yêu cũng không phải là sự tự thủ tiêu mình vì người khác. Tình yêu là một phương thức khắc phục cuộc sống cá nhân ích kỷ của chúng ta để đem lại một cuộc sống đích thực, tràn đầy hạnh phúc cho chúng ta và qua đó, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta".

Phạm trù "sáng tạo" cũng là một phạm trù đặc trưng cho tồn tại người. Cẩn lưu ý rằng năng lực trở thành con người là năng lực không hoàn toàn đồng nhất với hoạt động con người, hay con người có thể vượt lên trên những gì mà nó đã làm. Các năng lực của con người là vô hạn xét về mặt tiềm năng. Điều đó có nghĩa là con người là một sinh vật vạn năng. Nó luôn có năng lực đạt tới những chiến tích mới và không có những giới hạn mang tính nguyên tắc đối với việc tạo ra các hình thức hoạt động mới và quán triệt chúng.

Năng lực vô hạn về nguyên tắc của con người là cơ sở cho tính năng động của tồn tại người. Do vậy, sáng tạo thể hiện ra là hình thức tồn tại thích hợp nhất của tính người ở chính con người. Sáng tạo không thể thiếu nỗ lực của cá nhân, bao giờ nó cũng mang tính cá nhân – có cá tính. V. Rôdanốp viết: “Khác với động vật, con người có nghĩa lý đặc biệt, quan trọng của mình ngay trong cá tính của mình, cá tính này cũng chính là cội nguồn của mọi sự sáng tạo tinh thần” [4]. Do vậy, con người có thể “đem vào thế giới một cái mới, song cái mới ấy không phải là cái chung của nó với người khác, mà là cái đặc biệt, cái chỉ có ở nó” [5].

Không nên lẫn lộn hay đồng nhất sáng tạo với đấu tranh. Nếu suy nghĩ một cách cặn kẽ nội dung của khái niệm đấu tranh, sẽ dễ dàng thấy rõ nó là sự phân chia lại những cái hiện có, song bản thân đấu tranh tự nó không tạo ra một cái gì. Nó không làm cho thế giới trở nên phong phú hơn. Do vậy, nếu đồng nhất sáng tạo với đấu tranh là ca ngợi đấu tranh một cách phi lý. Sự đồng nhất đó cũng sẽ gây ra sự đối đầu không ngừng, dẫn đến thủ tiêu sự hoà hợp, đoàn kết và quá đó, đem lại những tổn thất trầm trọng cho xã hội. Sáng tạo thường diễn ra trên “cái nền” của cuộc đấu tranh bùng lên xung quanh phát minh, sáng chế hay dự án mới. Nhưng rõ ràng ở đây là cuộc đấu tranh “xung quanh” và “nhân có”, chứ không phải là bản thân sự sáng tạo. Một cách lý tưởng, cần phải cân nhắc quá trình áp dụng cái mới như thế nào đó để có thể tránh được sự đối đầu. Việc áp dụng cái mới không hợp lý thường tạo ra sự phản kháng dữ dội và qua đó, “phong toả” tư tưởng tích cực trong một thời gian dài.

Điều nói ở trên không loại trừ một sự thực là sáng tạo, xét theo bản chất của nó, bao giờ cũng là sự bất khuất. Theo N.Berdiaép, sáng tạo đối lập với sự khuất phục. Điều đó có nghĩa rằng, sáng tạo bao giờ cũng là một sự thách thức nào đó và đó là sự thách thức đối với các quan điểm, với nhãn quan, với các thiết chế đã trụ vững. Sáng tạo đòi hỏi con người phải có tinh thần kiên định và dũng cảm, và trước hết, con người cần phải được giải phóng khỏi những tác động mang tính cưỡng ép và ràng buộc của các quan niệm đã trở nên quen thuộc trong bản thân mình, được tự do về mặt tinh thần. Những tri thức và thói quen mới mà con người tiếp thu được không được trở thành gánh nặng cản trở việc con người đưa ra một tiếng nói mới. Con người phải biết nói "không" với bản thân mình, phủ định cái đã trở nên quen thuộc và gắn bó với mình, phủ định sự tồn tại cổ hủ của bản thân mình. Đó là những yếu tố cần thiết của quá trình sáng tạo.

Sự tự phát triển của con người, sự mở rộng và làm phong phú thế giới tinh thần của nó diễn ra trong quá trình sáng tạo. Đó được coi là bản chất đặc biệt sáng tạo. Trong quá trình sáng tạo, dường như con người hiến dâng mình cho người khác, cho xã hội và bộc lộ mình ra bên ngoài, song qua đó, quá trình làm phong phú tinh thần của người sáng tạo cũng đồng thời diễn ra. Hành vi sáng tạo đó không thể diễn ra bằng cách làm giảm sức lực của người sáng tạo, bởi như vậy, hành vi ấy sẽ biến thành sự làm kiệt quệ tinh thần.

Sáng tạo không những là sự cống hiến, mà còn là sự thu nhận. Do vậy, đương nhiên, hoạt động sáng tạo cũng đòi hỏi người sáng tạo phải bỏ ra một nghị lực trí tuệ và thể xác nhất định. Song, điều quan trọng là ở chỗ, đó không phải là sự chi phí lao động, là bản thân lao động tự nó, mà là ý nghĩa của lao động ấy. Người sáng tạo làm phong phú thế giới xung quanh và bản thân mình bằng những ý nghĩa mới.

Như vậy, nhân học triết học hiện đại không chỉ chủ yếu và duy nhất xoay quanh cái trục là tồn tại người, mà còn đào sâu nghiên cứu tồn tại ấy thông qua những đặc trưng bản chất của nó như sự lựa chọn, trách nhiệm, sư cô độc, tình yêu, sáng tạo, v.v..

Song, theo chúng tôi, bản tính con người là vô cùng phức tạp và bí hiểm. Chính Phrớt đã phát hiện ra rằng cái vô thức luôn đóng một vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống con người. Học thuyết Phrớt về cái vô thức khi chỉ rõ con người là vô cùng phức tạp đã khẳng định rằng, nếu chỉ xem con người tuyệt đối là một sinh vật có ý thức và có lý tính thì đó là một sai lầm lớn. Hơn nữa, con người có thiên hướng tự lừa dối mình, và tự lừa dối mình một cách vô thức. Về điểm này, học thuyết Phrớt đã giáng một đòn chí tử vào quan niệm duy lý phiến diện, hời hợt về con người. Tiếc rằng Phrớt đã quá đề cao, đã tuyệt đối hoá vai trò của cái vô thức. Song, quan điểm phân tâm học của ông không vì thế mà bị gạt bỏ.

Theo quan điểm đó thì chúng ta cần phải xem xét con người một cách sâu sắc và tỉ mỉ hơn, bởi con người thực ra là "giao điểm của hai thế giới" - thế giới tinh thần - cao cả và thế giới tự nhiên. Và đó chính là tính đặc thù của con người với tư cách một loại tồn tại đặc biệt.

Như đã nói, bản tính con người là đa dạng, và không phải tất cả mọi yếu tố cấu thành bản tính đó đều có thể quy về tính người theo đúng nghĩa của nó. Có thể coi con người là một động vật chính trị [Arixtốt], “Con người là động vật biết sám hối" [S.Phrớt] hay như Pa.Nitsê gọi con người là "động vật vẫn còn chưa hoàn hảo". Các định nghĩa này dẫu nắm bắt được một số đặc điểm của bản tính đa dạng của con người, song chúng chưa chỉ ra được bản thân sự đặc thù của tính người. Theo chúng tôi cần phải chỉ ra cái gì là "tính người trong con người" và phân định nó với cái không phải là tính người trong bản tính con người. Nếu như vậy thì rõ ràng là không thể bỏ qua phương diện đạo đức trong con người.

Khi đó, có thể xác định con người là sinh vật có khả năng phân biệt được đâu là cái ác và đầu là cái thiện. Đạo đức, như I.Can tơ quan niệm, là cái nâng con người lên trên thế giới tự nhiên. Nhà triết học Nga - V.Xôlôviép đã chỉ ra ba phẩm chất tạo thành thực chất của tính người là: cảm giác xấu hổ [về những biểu hiện thấp hèn của bản tính người của con người], lòng trắc ẩn [đối với người khác và mọi sinh vật] và lòng tôn kính [những gì được coi là thiêng liêng và cao cả - tổ tiên, chiến tích của cha ông, chân lý, cái thiện, cái đẹp, Chúa, v.v.].

Để vạch rõ bản,chất của tính người, nhân học triết học hiện đại đã sử dụng một số khái niệm như "cái Tôi", "ý thức”, “cá nhân", "tinh thần".

Khái niệm "cái Tôi" thôi thúc con người ý thức về sự hiện sinh khác với của người khác và độc đáo của mình - cảm nhận về sự sinh tồn của riêng mình. Khi người ta nói "Tôi", thì điều đó có nghĩa là người ta đã tự đem đối lập mình với mọi thực tại khác. Sự đối lập ấy có thể được thiết lập thông qua khái niệm thứ hai - ý thức. Ý thức là sự phân mình tập trung trong “cái Tôi". Mọi thứ khác dường như đều nằm rong bóng tối với tư cách là cái không thuộc về tôi, xa lạ với tôi. Khái niệm cá nhân ghi nhận quyền tự trị của tôi - quyền tối thượng, tự quyết. "Cái Tôi" thể hiện ở đây là "cái Tôi" có ý thức, là cái tự tiến hành lựa chọn một cách có trách nhiệm và tự do. Do vậy, khái niệm "cá nhân" hàm ý chỉ sự hiện diện của bản nguyên ý chí, ý chí của bản thân cá nhân.

Ba khái niệm nêu trên đều dựa trên cái hợp nhất chúng và bản thân chúng là các bộ phận cấu thành cái hợp nhất chúng - tinh thần. Rõ ràng là con người không thể thiếu các đặc tính thuần tuý tinh thần. Nhờ tinh thần mà con người luôn vượt lên trên chính mình. Tinh thần ấy cải biến bản năng thú vật - tự nhiên của con người. Tinh thần trong con người không thể tồn tại thiếu thể xác - nền sinh học, song không đồng nhất với nó. Tinh thần cải biến bản năng thú vật của con người, song không phải vì thế mà bản tính này đánh mất bản chất sinh học của mình, mà ngược lại nó được "tô điểm" theo kiểu riêng của con người. Sự tác động của tinh thần có tác dụng biến cuộc sống thú vật thành cuộc sống người, còn sự tái tạo và chuyển đổi các thế hệ thì thành sự phát triển lịch sử và văn hoá.

Khái niệm tinh thần chỉ được làm sáng tỏ thông qua sự phân tích, tự đào sâu, tự quan tâm, suy xét của nó đến thế giới nội tâm của chính nó. Chỉ khi con người hiểu được "cái Tôi" của nó là tinh thần thì nó mới biến thành chủ nhân của chính mình. Người nhận khác được cái tinh thần ấy chỉ là người cảm nhận thấy sự hiện diện của nó ở trong mình và phát triển nó cũng ở trong mình. Tinh thần là báu vật ẩn náu, nó chỉ được phát hiện ra nhờ việc khắc phục tâm trạng phân tán, nhờ tập trung tư tưởng. Việc giữ gìn tinh thần là điều kiện cần thiết cho sự độc lập và tự do của cá nhân. Cuộc sống của cái tinh thần luôn luôn năng động và đó chính là cuộc sống của "cái Tôi" con người cùng với những sung sướng và khổ đau của nó. Khái niệm tinh thần được hiểu theo quan niệm này cho thấy con người là tồn tại của nó, những biểu hiện của tồn tại này lại phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của nó, và do vậy, vấn đề giáo dục một tinh thần thực sự nhân ái, thực sự trắc ẩn, thực sự nhân đạo là vấn đề cất lõi của giáo đục con người hiện đại.

Phải chăng nhân học triết học hiện đại cũng đã cố gắng góp phần mình cho mục đích tối thượng đó của triết học?

Tạp chí Triết học

[1] Xem : Đôxtôiépxki. Tác phẩm. t.5. Mátxcơva, 1994, tr. 114; N.A. Berdiaép.

Về các tác giả cổ điển Nga, Mátxcơva, 1993, tr.55; L.Rainhard. Triết học Đôxtôiépxki, Mátxcơva, 1996, tr. 31

[2] G. P. Xáctơrơ. Chủ nghĩa hiện sinh – đó là chủ nghĩa nhân đạo. Mátxcơva , 1990, tr. 324

[3] S. L. Phrancơ. Lẽ sống. “Các vấn đề triết học”, số 6, 1990, tr. 40

[4] V. Rôdanốp. Buổi hoàng hôn của khai sáng. Matxcơva, 1990, tr. 9

[5] V. Rôdanốp. Sđd., tr. 14
Previous Post
Next Post