Phật giáo bàn về ý nghĩa của giá trị con người

Con người coi việc sinh ra đã là con người như điều đương nhiên vốn có vậy. Họ không hề cảm nhận được rằng làm người đó là điều hạnh phúc vô cùng lớn lao. Khi chúng ta kiếm được một chút tiền mọn cũng cảm thấy vui vẻ nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến việc có được báu vật thân thể con người. Bởi vì nó là miễn phí không cần chúng ta phải bỏ tiền ra mua.

Trong xã hội hiện đại, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học và các tiến bộ kỹ thuật, con người ngày càng có điều kiện chinh phục và làm chủ giới tự nhiên. Điều đó càng làm cho con người thấy rằng họ là chủ thể duy nhất trên trái đất này, được toàn quyền phán quyết và định đoạt giới tự nhiên. Và vì thế con người đang sai lầm hoặc nhận thức không đầy đủ về giá trị bản thân. Con người coi việc sinh ra đã là con người như điều đương nhiên vốn có vậy. Họ không hề cảm nhận được rằng làm người đó là điều hạnh phúc vô cùng lớn lao. Khi chúng ta kiếm được một chút tiền mọn cũng cảm thấy vui vẻ nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến việc có được báu vật thân thể con người. Bởi vì nó là miễn phí không cần chúng ta phải bỏ tiền ra mua.

Đời người thứ gì là quan trọng nhất? Có thể sẽ có rất nhiều đáp án được đưa ra. Nhưng sẽ rất ít người hiểu rằng việc chúng ta tồn tại trên thế gian này đã có thể so với tất cả. Con người mới là thứ quý giá nhất mà không có trân châu bảo ngọc nào sánh được. Kì thực, bất kể bộ phận nào trên cơ thể con người cũng quan trọng hơn tài sản giàu có. Khi thân thể khoẻ mạnh, có lẽ chúng ta không hiểu được rằng, đôi mắt sáng quan trọng đến thế nào, tứ chi đầy đủ quan trọng ra làm sao. Chúng ta đã quen với việc có nó, quen tới nỗi không cảm nhận được sự tồn tại của nó, tự nhiên ắt coi nhẹ giá trị bản thân. Đến khi hối tiếc thì đã muộn, thậm chí nguyện đem toàn bộ gia sản để có được cơ thể đầy đủ cũng không thể có được nữa. Nếu như không có đôi mắt, chúng ta không nhìn được cả thế giới, nếu như không có đôi tay thì ngay cả việc lo cho bản thân cũng còn khó huống chi đến việc làm được gì cho người khác.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường thấy đăng, hiện nay nhiều người sẵn sàng “khuynh gia bại sản” chịu đau đớn khổ cực để cấy ghép nội tạng, cơ thể, mong rằng có được tấm thân con người đầy đủ đã thật khó huống hồ một cơ thể hoàn chỉnh? Con người thường quên mất việc giữ gìn, bảo vệ thân thể, chỉ đến khi một bộ phận nào đó của cơ thể không còn hoạt động được như bình thường mới lo lắng tìm mọi cách để lấy lại thì nhiều khi đã trở nên quá muộn. Khi mất đi một phần cơ thể có nghĩa là mất đi mọi thứ quý giá trên thế gian này.

Khi con người có đầy đủ cơ thể hoàn thiện, họ sẽ không thể hiểu và càng không bao cảm nhận được đầy đủ và chính xác sự mất mát, thiệt thòi của những người bất hạnh sinh ra đã phải chịu cảnh tật nguyền. Với những người bất hạnh đó, hai chữ con người thật giá trị, đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Vì thế có những người sinh ra lành lặn, hoàn thiện, khi không may gặp phải tai nạn mất đi một phần cơ thể khiến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, đã có biết bao người không thể chịu đựng, thậm chí sẵn sàng tìm đến cái chết để được giải thoát.

Cả cuộc đời chúng ta không ngừng theo đuổi nhiều thứ, theo đuổi tiền bạc, sự nghiệp, theo đuổi gia đình, tình cảm… Cho rằng đó là toàn bộ cuộc sống của mình. Vì sao lại nảy sinh những dục vọng đó? Là bởi vì trái tim phàm phu không thể tự chủ trước những ham muốn trần tục đó. Chỉ khi đánh giá cụ thể tỉ mỉ giá trị đích thực cuối cùng nằm ở đâu? Tất cả cái mà chúng ta mong chờ đeo đuổi chỉ đại diện cho những nhu cầu tạm thời. Bởi vì chúng không có cách nào vĩnh viễn giữ mãi được, chúng ta chẳng qua cũng chỉ là kẻ “buôn bán” hay tạm giữ nó trong khoảng thời gian nhất định. Khi nhắm mắt xuôi tay một chút cũng không thể mang theo. Thậm chí ngay cả thể xác cuối cùng cũng hoá thành tro bụi trở về với đất. Cùng với đó sinh mệnh sẽ tiếp tục luân chuyển, duy có nghiệp lực không thể bắt đầu tích luỹ được. Đó mới là thứ vĩnh viễn ở bên chúng ta. Nhưng trong những năm tháng dài dằng dặc, có được cơ hội làm người cực kì hãn hữu.

Hiện nay chúng ta không hiểu rằng để có cơ may làm người là điều cực kỳ khó khăn có lẽ vì chúng ta nhận thấy con người bây giờ quá đông đúc, không chỉ ở thành thị mà còn khắp mọi nơi. Bên cạnh đó việc sinh ra một đứa trẻ cũng là điều dễ dàng. Nhưng dưới góc độ vĩ mô, xác suất được làm người trong tất cả các sinh mệnh là điều rất nhỏ bé. Tuy nói thế giới đã có mấy tỷ người, nhưng so với chúng sinh khác, số lượng đó vẫn không có cách nào so sánh được. Chỉ cần nhìn vào một loài sinh vật như loài kiến chẳng hạn, chúng có hàng nghìn, hàng vạn sinh mệnh. Từ rừng sâu hoang vu đến đại dương bao la sự tồn tại của chúng sinh muôn loài là không thể đo đếm được.

Trong kinh Phật ghi lại, một ngày Đức Phật nhặt một chiếc lá cây lên và hỏi đệ tử: “Lá cây trong tay ta nhiều hay lá cây dưới mặt đất nhiều?” Đệ tử đáp: “Đương nhiên lá cây dưới mặt đất nhiều, trong tay Người làm sao bì được.” Phật lấy đó để răn dạy đại chúng: “Có được duyên làm người cũng giống như lá cây trong tay ta. Không có duyên làm người cũng như lá cây trên khắp mặt đất này vậy”. Trong kiếp luân hồi vô tận, chúng ta đã từng rơi xuống địa ngục cho đến nay tuy đã được làm người nhưng trăm năm sau liệu có dám chắc được đầu thai tiếp tục làm người nữa hay không?

Ý nghĩa hai chữ con người không chỉ nằm ở sự khó khăn mới đạt được mà còn nằm ở giá trị cực kỳ quan trọng của nó. Vậy chúng ta sẽ dành sinh mệnh cao quý của mình để làm gì? Có lẽ không ít người nghĩ rằng làm người là để kiếm tiền nuôi dưỡng gia đình, bản thân. Trên thế giới này đại đa số đều không muốn cống hiến thân mình cho điều thiện. Ngược lại sẵn sàng chìm đắm trong nô lệ của thân xác, không chỉ vì tồn tại mà lao tâm khổ tứ, hơn thế còn để đáp ứng dục vọng tầm thường ngày càng gia tăng, khiến họ khổ cực cả một đời. Đặc biệt là con người thời nay, họ thiếu hụt hẳn quan niệm nhân quả. Trong mấy chục năm cuộc đời tranh quyền đoạt lợi. Khi đã dời khỏi thế giới này chẳng thể mang theo chút tài sản gì mà còn để lại đằng sau nghiệp ác chất chồng, trong thực tại không thể hoá giải được.

Đương nhiên cũng có người cả đời tạo phúc cho xã hội hoặc thông qua tu hành cải thiện chính sinh mệnh mình. Nhưng nhìn một cách tổng thể đa số đều không phát huy được giá trị cao quý nhất của giá trị con người. Vậy giá trị cao quý nhất của đời người là gì? Đó chính là thành Phật. Trong mỗi tầng diện của sinh mệnh, người người đều vốn có phẩm chất giống như của đức Phật. Một khi đã nắm được cái đức trí tuệ Như Lai sẽ mở được Mâu Ni cao quý. Chúng ta có thể giải thoát chính mình và khai phá lợi ích cho chúng sinh.

Có lẽ sẽ rất nhiều người nghi hoặc vì sao cảnh giới hiện tại của chúng ta lại hoàn toàn giống với đức Phật. Đó là bởi vì trong mỗi người vốn đã tiềm ẩn sẵn tính Phật. Trước mắt nó bị ngăn lại bởi tầng diện phàm tục, sớm muộn kho báu đó sẽ được khai thông. Trên thực tế, rất nhiều người không biết được kho báu của chính mình đang đợi được mở ra thậm chí còn cười cợt cho rằng đó là chuyện hoang đường. Khi đã không có lòng gánh vác thì cũng sẽ không mở rộng tấm lòng. Bởi vì lòng dạ chúng ta hẹp hòi không thể chứa đựng tính Phật lớn lao.

Là một đệ tử nhà Phật, cần nhận thức rõ sinh mệnh là vô tận chứ không hạn hẹp trong vài chục năm cuộc đời. Chúng sinh tuy bình đẳng nhưng nghiệp lực bản thân, khởi điểm lại hoàn toàn khác nhau. Có người thiên sinh đã thông tuệ, phúc báo đầy đặn, cũng có người tư chất tầm thường, phúc mỏng phận khổ. Cho nên chúng ta không chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn phải mở rộng tầm mắt trông xa, trông rộng. Tu tập tính thiện thiên bẩm chính là có được đầy đủ giá trị con người. Có được thân thể con người cách xa khỏi tam ác đạo khổ thì càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển sinh mệnh. Trong lục đạo chỉ duy có con người mới có thể tu hành. Địa ngục, quỷ đói thống khổ, súc sinh ngu dại, cõi tiên hưởng lạc đều không thể tu thành đạo nghiệp. Duy có loài người trải qua vui buồn với năng lực tư duy trừu tượng mới có thể dời bỏ khổ đau có được sự vui vẻ mà đi tìm chân lý, phát huy trí tuệ.

Đức Phật cũng từ con người mà tu thành chính quả, chư Phật cũng đều như vậy cả. Có thể nhận ra con đường thành Phật đều bắt nguồn từ con người. Có được tấm thân con người là có được cơ hội lớn để một lần vượt qua cõi phàm tiến vào cõi Phật. Nếu không biết trân trọng nó thì cả đời trôi qua vô ích chẳng biết khi nào lại có được vận may làm người. Cho nên có thể nói, nhận thức đầy đủ về giá trị to lớn của con người trực tiếp quan hệ đến việc chúng ta có hay không học tốt Phật pháp trong cuộc sống hiện tại./.

Pháp sư Tế Quần (Trung Quốc)
Hải Bằng - Phúc Nguyên lược dịch
Previous Post
Next Post