Quan tham hay là dân tham?

Nhìn trên thực tế thì thấy: chúng ta thường phê bình quan là chủ yếu chứ phê bình dân còn ít lắm. Tất nhiên, quan thì phải bị phê bình là đúng rồi nếu quan sai, quan hư, quan vớ vẩn…

Đã là quan thì phải chịu sự giám sát của dân. Vì dân đã tin tưởng mà tôn anh này, chị nọ làm quan. Làm quan đúng với bản chất của từ này là đứng ra thay dân gánh vác công việc quốc gia từ địa phương đến trung ương. Vì phải gánh vác những công việc nặng nề nên quan được hưởng những tiêu chuẩn, chế độ, điều kiện... khác dân. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Nếu một ông quan làm cho dân 10 phần thì ông quan đó có quyền được hưởng 2 hoặc 3 phần.

Nhưng nhiều ông quan, bà quan bây giờ làm cho dân 1 nhưng lại hưởng 10 chưa kể có những ông quan, bà quan chẳng làm gì có lợi cho dân mà còn làm hại dân. Thôi chuyện ấy gác lại lúc khác bàn. Mà bàn có chứng cứ cụ thể hẳn hoi chứ không phải nói dựa.

Về dân mình, chúng ta đều phải thừa nhận rằng: dân mình thời nay đã và đánh mất đi rất nhiều đức tính tốt đẹp. Một trong những đức tính của dân mình là sự nhường nhịn nhau hay nói cách khác là vì nhau. Nhưng đức tính ấy bây giờ đang mất đi nhiều quá. Sự ích kỷ ngày một loang rộng trong một con người và trong xã hội. Cái gốc sinh ra thói ích kỷ là lòng tham và lòng tham sinh ra sự độc ác. Dùng hai từ "độc ác" nghe có ghê quá không? Cũng ghê nhưng cũng phải nói thật về sự ghê ấy.

Nói về lòng tham ngay từ một chuyện rất đơn giản là việc trồng rau. Vì lợi mà người trồng rau có thể dùng đủ loại thuốc khích thích rất có hại đến sức khỏe để tăng sản lượng. Rồi người ta dùng chất hóa học để bảo quản hoa quả, bảo quản thực phẩm. Người ta chế biến thực phẩm ôi thiu để bán cho người tiêu dùng. Chúng ta từng thấy cơ quan điều tra phát hiện những vụ mà người ta chế biến gia súc chết để bán cho đồng loại của mình. Dân mình nhiều lúc tham quá! Khi dân mình xây nhà thì tìm mọi cách lấn chiếm từng cm đất công. Nhưng đâu chỉ đất công mà lấn của hàng xóm, họ hàng và cả của anh em nữa. Thế nên nhiều vụ án mạng xảy ra từ lòng tham đó. Ai từng phải đi chợ mua bán mới thấy dân mình tham. Một cân thì cân thành tám lạng. Đồ xấu thì cứ lừa người mua là đồ tốt. Dân mình tham nên cứ có cơ hội là tăng giá ép người mua.

Lâu nay, người ta cứ nói quan tham nhưng bây giờ cũng phải nói dân cũng tham. Đấy là chưa nói đến dân mình càng ngày càng sống không luật pháp. Khi bàn đến chuyện dân tham, nhiều người nói vì quan tham mà dân cũng tham theo. Lại có người nói vì dân tham nên quan chẳng phải để ý ai giám sát mình nữa nên tham lại càng tham. Người ta đang tranh luận là dân tham sinh ra quan tham hay quan tham sinh ra dân tham? Nghe cứ như câu chuyện gà đẻ ra trứng hay trứng nở ra gà vậy.

Nhưng nếu người làm quan không gương mẫu thì không làm gương được, không làm cho dân noi theo. Tôi đồng ý với cách nhìn này. Mà đấy không phải là một cách nhìn mà một nguyên lý. Quan nghiêm chính là luật pháp nghiêm. Mà bất cứ xã hội nào luật pháp không được chấp hành nghiêm thì sẽ loạn.

Quả thực lâu nay, luật pháp vẫn nghiêm minh trong các văn bản của luật pháp, nhưng đời sống thì đôi khi trở nên lộn xộn. Lộn xộn từ trong mỗi gia đình, giữa cha con, chồng vợ đến lộn xộn ngoài đường và lộn xộn trong trường, trong công sở. Vụ việc ở Hà Giang là một ví dụ điển hình cho sự lộn xộn hết mức. Chủ tịch thì sống như thế, Bí thư thì có ý bao che Chủ tịch, rồi Chủ tịch lại tố Giám đốc công an... Cứ là rối mù như canh hẹ.

Nhìn dân đang sống như thế nào thì biết ngay quan đang thế nào. Và nhìn quan đang sống như thế nào sẽ thấy ngay một tương lai buồn về xã hội. Vì thế xin các quan hãy xem lại mình để dân có nơi mà trông cậy mà noi theo.

Theo tuanvietnam.net
Previous Post
Next Post