Khi cho rằng "các nền văn minh không có giá trị như nhau" Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp Claude Guéant đã tạo nên một chấn động trong dư luận. Phát biểu của ông phù hợp với một định kiến thông thường (lời biện hộ của Tổng Thống Sarkozy), nhưng sai lầm.
Thật vậy, so sánh các nền văn minh vấp phải ít nhất là ba khó khăn chính:
1. Thứ nhất: phải quan niệm rằng các nền văn minh đồng loạt tiến triển theo cùng một hướng, trên cùng một đường thẳng, với nền văn minh này tiến xa hơn nền văn minh khác. Điều này không chính xác, vì hai lý do:
- Sự tiến hóa của các nền văn minh không theo cùng một hướng, trên cùng một đường thẳng, không phản hồi. Thí dụ: nhiều lần trong thế kỷ 20, Tây Phương đã rơi vào một tình trạng vô cùng dã man, tàn bạo, mặc dù định kiến thông thường vẫn cho rằng "văn minh" Tây Phương là tiến bộ nhất trên thế giới. Đường đi của một nền văn minh có thể rất quanh co, với những đường vòng đem nó lùi lại rất xa, đến những vùng tăm tối nhất.
- Trên một giai đoạn dài của lịch sử, có những lúc một nên văn minh vượt trội hơn những nền văn minh khác, để rồi sẽ bị qua mặt ở một giai đoạn lịch sử sau đó. Văn minh Tây Phương hiện nắm giữ vị trí ưu thắng, nhưng chỉ từ một thời gian tương đối ngắn so với những các giai đoạn hưng thịnh của nhiều nền văn minh khác. Để so sánh chúng ta có thể lấy thì dụ văn minh Trung Hoa, đã ngự trị trên một vùng rộng lớn, suốt hơn 2500 năm, cho đến cuối thế kỷ 19 ...
2. Người ta chỉ có thể đánh giá những nền văn minh dị biệt theo những tiêu chuẩn của nền văn minh của chính mình. Những gì được coi là “tiến bộ” đối với một nền văn minh, có thể không có ý nghĩa gì cả, hay có ý nghĩa tiêu cực, đối với một nên văn minh khác. Claude Lévy Strauss kể lại trường hợp của một nhà nhân chủng học làm việc với một bộ lạc Nam Mỹ. Mỗi lần ông này quay về nguyên quán, thì người dân của bộ lạc ấy khóc lóc buồn bã trước viễn tượng ông ta phải rời nơi chốn tốt đẹp nhất trên thế giới để trở lại địa ngục của thế giới Tây Phương!
Thêm vào đó, những người đến từ một nên văn minh có thể không nhận ra những yếu tố được một nền văn minh khác coi như đặc biệt quan trọng. C.L. Strauss sử dụng hình ảnh của hai chiếc xe lửa di chuyển trên hai đường rày sát nhau. Người trên xe chỉ thấy rõ khuôn mặt, quần áo, vật dụng, cử động, của những người trên chiếc xe lửa kia, nếu nó chạy trên cùng một hướng, với gần như cùng một tốc độ. Trong trường hợp ngược lại, nếu chiếc xe lửa kia chạy ngược chiều, với một tốc độ cao, thì những gì người ta nhìn thấy từ chiếc xe này sẽ chỉ là những bóng mờ, đem lại một ấn tượng mơ hồ, tổng quát, sẽ được tâm trí diễn dịch, tưởng tượng thành ra đủ thứ.
3. Các nền văn minh đều được nuôi dưỡng bằng những thu lượm đến từ những nền văn minh khác. Đa số các thực phẩm, thuốc men, nguyên liệu nằm trong những vật dụng thường ngày của người Tây Phương đều đến từ những nền văn minh khác. Chỉ một thí dụ: môi trường sống thông thường của người Tây Phương sẽ ra sao nếu thiếu ... cao su? Cao xu nằm trong đa số vật dụng, làm chạy xe cộ của họ, và làm chính họ vui vẻ chạy theo (hay mê mẩn nhìn người khác chạy theo) những quả bóng tròn cũng như bầu dục ...
Trên một khía cạnh khác, tôn giáo độc thần là một phát minh của người Trung Đông, cũng như Ky Tô Giáo là một câu trả lời của văn hóa Do Thái trước một vấn nạn đặc thù được đặt ra cho dân tộc Do Thái. Tư Bản Tài Chính cũng là một phát minh của người Do Thái lưu vong, một phần do sự kỳ thị của thế giới Tây Phương đối với họ. Và khi nghĩ đến một nền văn minh “Do Thái – Ky Tô” (judéo chrétienne), thì người ta cũng lập tức nhớ lại rằng các ngôn ngữ cũng như huyền thoại của Tây Phương đều mang nguồn gốc ... Ấn Âu!
Tóm lại rất khó mà so sánh được những nền văn minh, vì chúng như được trải ra trên một mặt phẳng rồi tiến đi theo mọi hướng, đồng thời lại hiện hữu nhờ những vay mượn của nhau, và, khi chúng đủ xa cách với nhau, thì lại chỉ cho phép người bên ngoài nhìn thấy một cảnh tượng mơ hồ, tổng quát, về mình, với rủi ro suy diễn tùy theo cấu trúc suy tư của người quan sát.