Từ nhỏ chúng ta trông cho mau lớn. Ði học, chúng ta trông cho mau ra trường. Quen với người yêu, ta mong mau mau được sống chung. Sống chung, ta mong mau mau giàu có, con cái đàng hoàng. Có nhà cửa, xe cộ rồi, chúng ta mong có thêm để dành cho con, mong cho con mau lớn đi học, ra trường, cưới vợ, có cháu ẵm bồng ... và chết.
Chúng ta mong và đợi, và hy vọng, và thất vọng, nếu quan niệm sống là như vậy. Rõ ràng đời sống không có thật, mà chỉ có những chuổi ngày nối tiếp nhau cắm cúi làm và đợi cái đến; khi cái đến đã đến rồi, ta chưa kịp nhận ra, đã dốc tâm sức đợi một cái khác nữa, rồi có khi mãi mãi không bao giờ đến.
Chúng ta có khi nào nghĩ rằng chúng ta đã cư xử không công bằng với cái thân, mà nhờ có nó chúng ta mới hiện diện trong cuộc đời này, với suy nghĩ và hành động, với chờ mong, với hy vọng với tuyệt vọng, với đẹp xấu, nhục vinh, thành bại ...
Chúng ta có thật sự "hiểu" và "biết" cái thân ta đã góp phần quan trọng như thế nào đối với cả dòng sống của mỗi chúng ta từ lúc hiện diện cho đến lúc hoại diệt. Chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc để nhận ra từ cái thân có điểm cho cái tâm ngự trị mà chăm sóc quý yêu hai thứ của báu "chất và thần" như nhau.
Thân tâm điều hòa tức con người an lạc. Sự điều hòa tâm được bắt đầu bằng thân. Thân phải không bệnh, ngủ ngon, sức khỏe tốt, làm việc say sưa, chính xác, đúng lúc, hiệu quả. Kết quả đưa lại ai cũng hài lòng, thu nhập đầy đủ, hợp lý. Lúc bấy giờ, sự an nhiên tự tại sẽ đương nhiên ngự trị ở tâm. Bằng ngược lại, làm ăn thất bát, sức khỏe kém, mất ngủ, mất ăn, tiêu hóa làm sao thông, đương nhiên tâm bất ổn ... Ðạo Phật dạy chúng ta biết đủ để tự điều hòa thân tâm. Và chúng ta sẽ phải học, tìm hiểu để xem mọi việc bắt đầu từ đâu cho hợp lý lẽ.
Chúng ta đi vào cái thân, quan sát, nghiên cứu trong quá trình làm việc, lục phủ ngũ tạng với mỗi chức năng riêng biệt đã hoạt động như thế nào trong cơ thể (thân) ta. Chúng ta cảm nhận hai phần không rời nhau, không chia cách, nhưng vẫn hai, đó là phần con và phần người -- gọi là phần đầu và phần đuôi. Ðầu ở phía trước hoặc phía trên; đuôi ở phía sau, phía dưới. Dưới hoặc sau là những từ cho chúng ta có cảm giác nặng nề, vì phải kéo lên hoặc đẩy tới, kéo đi ... Nói nôm na, bình dân là trong thân thể mỗi người chúng ta luôn luôn (muốn tồn tại một cách bình thường như quy luật tự nhiên của trời đất) vừa có cái bàn thờ trên đầu và một bàn cầu phía dưới. Thiếu một trong hai yếu tố "thực" này thì sẽ không tồn tại, cũng không thành con, cũng không thành người. Lâu nay, chúng ta coi trọng yếu tố người hơn yếu tố con, mà quên rằng không có yếu tố con làm nền phía dưới, yếu tố người sẽ không có chỗ để tồn tại, phát triển, thăng hoa; bởi cái vô ra, đến đi không hợp lý.
Nói gần hơn nữa, chúng ta thành thật kính trọng bao nhiêu khi đứng trước chỗ thờ, nơi tôn nghiêm để nhận vào mình bao thiên hướng tốt đẹp thì chúng ta cũng nên tỏ thái độ khiêm cung, cẩn trọng, e dè biết ơn khi thải chất thừa, chất bẩn trong cái thân này gởi nhờ trái đất với cái vòng xê dịch 2.200km/giờ, thanh lọc giùm để sau đó cũng chính chúng ta mượn lại.
"Mỗi bộ phận trong cơ thể như hiểu được những nhu cầu hiện tại và tương lai của toàn thể và tự biến đổi để thích ứng với những nhu cầu đó. Cơ thể ta nhận định được cái gần, cái xa, tương lai và hiện tại" (Alexis Carel trong cuốn L'home, cet inconnu).
Có lần tôi quan sát một con sâu rớt từ cành cây xuống đất, bụng nó bị bể ra, nằm yên một chỗ. Tôi nghĩ không có cách cứu chữa, vì nó sẽ phải chết. Tôi ngồi nhìn con sâu, đọc kinh "Bạt nhứt thế nghiệp chướng... " để tiễn nó đi. Không ngờ, nửa tiếng đồng hồ sau đó, chỗ bể ở bụng nó được làm lành lại bởi chất nước nhờn từ trong miệng con sâu tiết ra loang khắp người nó và ngấm vào chỗ bị nứt bể ở bụng. Như là một phép lạ trước mắt tôi. Con sâu bắt đầu bò đi một cách chậm chạp, yếu ớt, nhưng sống. Tôi đem việc này hỏi các bác sĩ. Tôi được biết khi có một khúc ruột bị thương không vận động, nó tự tê liệt trong một thời gian như để ngăn chất dơ trong ruột, không cho chảy vô bụng. Rồi có một hợp chất khác trong cơ thể tiết ra để đắp lên vết thương, dính chặt lại. Bốn, năm giờ sau, lỗ hỗng đã được bít kín lại. Khi bác sĩ ngoại khoa dùng kim khâu vết thương thì cũng chính nhờ ruột có hợp chất tự kết dính mà vết thương mau lành.
Bên trong thân là một bộ máy thông minh tự điều khiển, tự tiến hóa, tự sửa chữa, sinh sản lấy. Ðược lắp từ khi ta còn trong bụng mẹ cho đến khi hiện diện trong đời hơn ba phần tư thế kỷ (!). Như vậy, khi ta muốn sống một đời sống yên lành, ích lợi, chúng ta trước hết coi trọng thân, học cách hiểu biết những ích lợi của thân, sắp đặt giờ làm, giờ hưởng, giờ nghỉ đúng lúc, giúp duy trì bộ máy tinh vi không thể thay thế của mỗi đời người, tạo điều kiện hợp lý cho cái thân chúng ta được sống vui buồn sướng khổ ngay trong một hơi thở, thay vì đợi chờ hết cảnh này sang cảnh khác, rồi cảnh khác nữa của vở tuồng đời mà màn kết cuộc không do chúng ta định đoạt.
Khi thấy được cái thật ở trong, chúng ta sẽ cảm nhận và thương mến, biết ơn cái thật ở ngoài ta.
Sự nhận thức công bằng ở đây không phải nhìn lên cán cân, mà do tâm cảm sự hòa hợp, hài hòa giữa những yếu tố tưởng chừng hoàn toàn khác biệt trong bộ máy tinh vi của mỗi con người và bộ máy với hệ thống hoạt động siêu việt của vũ trụ.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết