Về mặt lý thuyết, chúng ta không bao giờ nên nói dối bản thân. Nói dối bản thân chắc chắn là phản tác dụng?
Nhưng hãy nhìn xung quanh và không khó để phát hiện ra những câu chuyện tự đánh lừa bản thân ở người khác. Vì vậy, có lẽ chúng ta cũng đang tự lừa dối bản thân theo những cách chúng ta không nhận thức rõ ràng? Nhưng liệu chúng ta thực sự có khả năng và thực sự tin vào những lời nói dối mà chúng ta 'nói' với bản thân không? Đó là những gì Quattrone & Tversky (1984) đã khám phá trong 1 thực nghiệm tâm lý học xã hội cổ điển được xuất bản trên tờ 'Journal of Personality and Social Psychology'.
Bất kỳ nghiên cứu về sự tự lừa dối nào cũng bao hàm một số sự lừa dối, và nghiên cứu của Quattrone & Tversky's (1984) cũng không khác biệt. Họ tuyển 38 sinh viên và nói họ sẽ tham gia vào 1 nghiên cứu về 'những khía cạnh tâm lý và y khoa của thể thao'. Thực tế thì các nhà nghiên cứu đang lừa những người tham gia vào suy nghĩ rằng họ có thể nhúng tay vào nước lạnh trong bao lâu sẽ chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của họ, khi sự thật là nó cho thấy mọi người sẵn sàng lừa dối bản thân như thế nào. Đây là cách nhà nghiên cứu thực hiện.
Đầu tiên những người tham gia được yêu cầu nhúng tay vào nước lạnh càng lâu càng tốt. Nước khá lạnh và mọi người chỉ có thể giữ được khoảng 30 đến 40 giây. Sau đó những người tham gia được giao cho những nhiệm vụ khác làm họ nghĩ rằng họ thực sự tham gia vào 1 nghiên cứu về thể thao. Họ phải đi thử xe đạp tập thể dục và được nghe 1 bài giảng ngắn về tuổi thọ và nó liên quan như thế nào đến kiểu trái tim bạn có. Họ được cho biết có 2 kiểu trái tim:
Kiểu trái tim I: gắn liền với sức khỏe yếu hơn, tuổi thọ ngắn hơn và những bệnh về tim.
Kiểu trái tim II: gắn liền với sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ dài hơn và ít có nguy cơ bị bệnh về tim.
Một nửa được nói rằng những người có kiểu trái tim II (rõ ràng là kiểu 'tốt hơn') chịu được nước lạnh cao hơn sau khi tập thể dục, trong khi một nửa còn lại được nói khả năng chịu nước lạnh giảm sau khi tập thể dục. Những lời nói dối này được bịa ra để làm cho những người tham gia nghĩ rằng thời gian họ nhúng tay trong nước lạnh là 1 cách đo lường sức khỏe của họ, với 1 nửa số người nghĩ rằng chịu được nước lạnh là 1 dấu hiệu tốt và nửa kia nghĩ rằng đó là 1 dấu hiệu xấu.
Những người nghĩ rằng đó là 1 dấu hiệu của trái tim khỏe mạnh đã giữ tay của họ dưới nước lâu hơn, trong khi những người tin điều ngược lại thì đột nhiên không thể chịu được lạnh. Nhưng liệu những người này có thực sự nói dối bản thân?
Sau khi nhúng tay vào nước lạnh, mỗi người tham gia được hỏi liệu họ đã chủ ý thay đổi thời gian họ giữ tay dưới nước. Trong số 38 người, 29 người phủ nhận điều đó và 9 người thú nhận, nhưng không trực tiếp. Nhiều người trong số 9 người đó nói rằng nước đã thay đổi nhiệt độ. Tất nhiên là không. Đây chỉ là 1 cách mọi người biện minh cho hành động của họ mà không phải trực tiếp đối mặt với sự tự lừa dối của họ.
Sau đó, tất cả những người tham gia được hỏi, liệu họ tin là mình có trái tim khỏe mạnh hay không. Trong số 29 người phủ nhận, 60% tin là họ có kiểu trái tim khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, chỉ có 20% trong số những người thú nhận nghĩ là họ có trái tim khỏe mạnh hơn. Điều này cho thấy những người phủ nhận có nhiều khả năng thực sự tự lừa dối bản thân và họ không chỉ cố gắng che dấu sự lừa dối của họ. Họ thực sự nghĩ rằng bài test đã nói họ có 1 trái tim khỏe mạnh. Trong khi đó, những người thú nhận đã cố gắng nói dối lại thực nghiệm viên, nhưng về mặt cá nhân, đa số thừa nhận là họ đang tự lừa dối bản thân.
Thực nghiệm này cho thấy những cấp độ khác nhau của sự tự lừa dối bản thân. Mọi người suy nghĩ và hành động như thể niềm tin sai lầm của họ là hoàn toàn đúng, hoàn toàn bỏ qua bất kỳ gợi ý nào từ thực tế.
Nghiên cứu này cho thấy, đối với nhiều người, sự tự lừa dối bản thân là dễ dàng và không khó khăn gì. Nhiều người không chỉ sẵn sàng nói dối bản thân nếu được đưa cho 1 lý do, mà họ còn sẵn sàng tìm kiếm bằng chứng xác nhận sự tự lừa dối đó của họ, và sau đó hoàn toàn tin vào những lời nói dối họ nói với bản thân.
Nguồn: spring.org.uk