Đây là sự khác biệt giữa suy nghĩ và suy tư. Suy nghĩ được tiến hành về điều gì đó mà chúng ta còn chưa thực quen thuộc cho lắm. Suy nghĩ là một hoạt động trí tuệ với cái mới – một hình thức thể dục tinh thần. Suy tư là việc suy ngẫm về cái gì đó đã được hấp thu, đã được đưa vào sâu bên trong người ta. Có khác biệt rất lớn giữa hai điều này. Suy nghĩ chứa cái xung đột với chính nó, suy tư chứa thông cảm. Trong suy nghĩ có đương đầu, trong suy tư có ngẫm nghĩ. Và đấy là những khác biệt lớn lao. Suy nghĩ có nghĩa là bạn đang đánh nhau với cái gì đó. Nếu bạn không thể chiến thắng được, bạn sẽ đồng ý với nó, nhưng rồi sẽ có cay đắng trong đồng ý ấy.
Khi bạn tranh luận một điều gì với ai đó, bạn không thể nào biện minh về mặt logic quan điểm của mình và bạn bị lép vế, bạn có để ý thấy cảm giác cay đắng bên trong mình không? Bạn đành chịu lép vế bởi vì bạn không thể biện minh thêm nữa... nhưng bên trong thì sao? Bên trong bạn vẫn cảm thấy rằng nếu không phải hôm nay thì ngày mai, cuối cùng bạn cũng sẽ đảo lộn tình thế phản bác người đó và có thể bác bỏ quan điểm của họ.
Vậy không thể nào biến đổi được bất kì ai trong thế giới này chỉ bằng biện minh, bởi vì biện minh dẫn đến thua bại. Cho dù bạn có thể chứng minh được điều gì đó với người kia thông qua biện minh, người đó sẽ cảm thấy bị thua – không phải là được biến đổi mà là bị thua. Người đó sẽ kinh nghiệm sự thua kém: “Thôi được, ta không thể trả lời đúng hay tìm đúng luận cứ hôm nay, nhưng rồi sẽ có lúc ta tìm ra được luận cứ đúng và ta sẽ lại gặp anh.” Người đó cảm thấy bị thua.
Và nhớ lấy, người bị thua không phải là người đã biến đổi. Bạn có thể làm cho ai đó yên lặng qua luận cứ nhưng bạn không thể biến đổi được người đó theo cách đó. Và cũng đúng là không ai có thể được biến đổi chỉ thông qua luận cứ, bởi vì khi hai người tranh luận điều gì đó thì điều đó không nhất thiết có nghĩa là người thua trong tranh luận là trái còn người thắng là phải. Tất cả những điều này có nghĩa là người thắng có thể biện minh tốt hơn còn người thua trong tranh luận thì không thể biện minh tốt được như vậy – không gì nhiều hơn là việc điều này được chứng minh.
Cho nên cũng tự nhiên là không ai được biến đổi và không cuộc cách mạng nào xảy ra trong đời người ta chỉ là qua biện minh. Việc bị thua về biện minh chỉ làm đau cho bản ngã người ta, và bản ngã bị tổn thương này muốn báo thù. Luận cứ chỉ là cuộc tranh đấu.
Trong suy nghĩ có trận chiến bên trong: dù bạn đang nghĩ về bất kì cái gì, chính là bạn đang đánh nhau với nó; trận chiến bên trong đang tiếp diễn. Bạn động viên tất cả kí ức quá khứ của mình và mọi ý nghĩ quá khứ để chống lại nó. Nếu bạn vẫn bị thua, bạn phải chấp nhận, nhưng trong chấp nhận đó có cay đắng, bạn kinh nghiệm chiếc gai nhọn đâm vào mình. Chấp nhận này là do bất lực của bạn. Không có vui vẻ xảy ra trong chấp nhận này; đoá hoa bên trong của bạn không nở do chấp nhận này, mà khô héo đi. Cho nên, bởi tất cả những suy nghĩ mà mọi người suy nghĩ đang tiến hành trên khắp thế giới, bạn không thể thấy được vui vẻ của vị phật trên khuôn mặt họ.
Sao vậy, khác biệt ở đâu?
Bạn sẽ không tìm thấy nhân cách thoải mái của Mahavira trong người suy nghĩ. Trên khuôn mặt của người suy nghĩ bạn sẽ thấy những nếp nhăn lo âu, không phải là đoá hoa của suy tư. Trên trán của người suy nghĩ những nếp nhăn sẽ hằn sâu thêm theo thời gian. Mọi nếp nhăn trên trán đều là một tuyên bố sâu sắc – sau tất cả những gì người đó đã làm lụng vất vả trong cả đời. Nhưng những cái xảy ra cho một Phật hay một Mahavira, cái nở hoa sẽ không thấy có trên khuôn mặt họ. Suy nghĩ là gánh nặng, bạn bị oằn lưng để mang nó. Người suy nghĩ trông bao giờ cũng lo âu. Không có khác biệt về chất giữa suy nghĩ và lo lắng. Mọi suy nghĩ đều là một dạng của lo lắng. Bất ổn ẩn nấp đằng sau nó, căng thẳng, bởi vì có trận chiến bên trong, xung đột, trận đánh. Cho nên người suy nghĩ theo thời gian trở nên già đi, oằn lưng bởi sức nặng, bởi gánh nặng suy nghĩ của mình.
Hiện tượng ngược lại xảy ra với Phật và Mahavira. Khi họ càng già đi, cái gì đó bên trong họ lại càng trở nên trẻ trung hơn; dáng vẻ của họ ngày càng tăng tính tươi tắn.
Đây chính là khác biệt giữa suy nghĩ và suy tư.
Suy nghĩ bắt đầu với logic, suy tư bắt đầu với lắng nghe. Suy nghĩ bắt đầu với vật lộn, suy tư bắt đầu với lắng nghe. Lắng nghe là cảm nhận, không có vật lộn. Đây là khác biệt giữa suy nghĩ và suy tư. Suy nghĩ bắt đầu với xung đột bởi vì cơ sở của nó là trong logic. Không có thông cảm trong đó; đối lập, thù địch, tranh biện là cơ sở của nó. Chính sự kiện suy tư bắt đầu bằng lắng nghe chỉ ra thông cảm là cơ sở ở đó.
Thông cảm nghĩa là gì? - đó là việc cân nhắc thân ái. Dù chúng ta đang nghĩ về bất kì cái gì, hay chúng ta đang nghĩ trong bất kì mối liên hệ nào, chúng ta cũng tiến hành với tình yêu và thông cảm lớn lao.
Khác biệt về chất giữa suy nghĩ và suy tư là gì? Khi bạn đang xem xét điều gì đó với thông cảm thì toàn bộ ước muốn bên trong của bạn là để cảm thấy rằng, “Bất kì điều gì mình nghe thấy cũng đều có thể đúng. Và nếu nó đúng thì nó cũng có thể có ích cho mình nữa chứ?” Cho nên trước hết bạn cố gắng tìm những điểm đúng trong đó. Còn khi bạn suy nghĩ, bạn bắt đầu từ niềm tin rằng bất kì điều gì bạn đã nghe qua cũng đều sai, cho nên trước hết bạn cố tìm ra những điểm sai.
Hiểu điều đó theo cách này. Một người đang đứng gần một luống hoa hồng: nếu người ấy đang nghĩ, người ấy trước hết sẽ đếm gai; nếu người ấy đang suy tư, trước hết người ấy sẽ đếm hoa hồng. Điều này tạo nên khác biệt cơ bản - bạn bắt đầu từ đâu. Một người trước tiên đếm gai, và người đó sẽ thấy có hàng nghìn cái gai. Và trong khi đếm gai, một số gai sẽ đâm vào tay người ấy, máu sẽ chảy. Việc gai đâm ấy, số gai ấy và việc tay bị chảy máu, tất cả sẽ trở thành cơ sở cho sự đối lập với hoa hồng. Và khi người ấy đã đếm hàng nghìn chiếc gai và may ra mới thấy được một hai đoá hoa, tâm trí người ấy sẽ nói, “Những đoá hoa này chỉ lừa dối, chúng không thật, bởi vì nơi có quá nhiều gai thế này thì làm sao hoa có thể thanh tao được? Đấy chỉ là ảo tưởng.”
Thế cũng là tự nhiên, người ta sẽ cảm thấy như thế. Nơi có quá nhiều gai mà gai có khả năng gây ra chảy máu, thì làm sao hoa thanh tao có thể nở được ở đấy? Điều ấy là không thể được. Và cho dù người ấy có đồng ý rằng quả là có hoa ở đó, người ấy sẽ nói, “Chúng không có giá trị gì; giữa hàng nghìn cái gai một hai đoá hoa có giá trị gì? Dường như đấy là âm mưu của những chiếc gai, để cho hàng nghìn cái gai vẫn còn trong thế giới với lí do chỉ để có một đoá hoa. Đây là lừa dối. Đoá hoa này là mặt nạ che cho gai. Đoá hoa này đang tham dự vào âm mưu của chúng.”
Người bắt đầu suy tư về hoa thì trước hết sẽ chạm vào hoa. Bàn tay người ấy ngập trong hương thơm của hoa, mắt người ấy tràn đầy mầu sắc của hoa. Vẻ thanh tao của hoa thấm vào cái động chạm, cái đẹp của hoa tràn vào người ấy từ mọi phía. Rồi người ấy sẽ tiến tới gai - sau khi đã thấy các đoá hoa, sau khi đã biết và sống với hoa, người ấy đã đi vào tình yêu với hoa. Bây giờ khi người ấy tiến tới gai, chúng sẽ có phẩm chất hoàn toàn khác.
Người tiếp cận tới gai qua hiểu biết về hoa thì sẽ hiểu rằng gai có mục đích để bảo vệ hoa - chúng không phải là kẻ thù của hoa, chúng không chống lại hoa. Cùng dòng nhựa cây chảy tới hoa thì cũng chảy tới gai. Và gai là để bảo vệ hoa. Người thấy được hoa, người đã có thể thấy được một cách đúng đắn cho dù chỉ một hoa... hàng nghìn gai cũng sẽ mất tác động với người đó, bởi vì sự hiện diện của một hoa cũng đủ làm triệt tiêu tác động của hàng nghìn gai. Và nếu một đoá hoa có thể nở giữa bao nhiêu là gai thế thì điều ấy là điều diệu kì không thể có được; thế thì điều không thể cũng có thể xảy ra. Và nếu một đoá hoa có thể nở giữa biết bao nhiêu gai nhọn, người đó sẽ thấy một điểm là nếu người ấy nhìn kĩ hơn, có lẽ những gai nhọn đó cũng có thể chứng tỏ chúng không gì khác hơn là hoa.
Suy tư bắt đầu với thông cảm, suy nghĩ bắt đầu với đối lập. Nếu điều kiện lắng nghe được đáp ứng, thông cảm nảy sinh. Nếu thông cảm nảy sinh, chính dòng suối suy nghĩ sẽ quay một trăm tám mươi độ và trở thành suy tư.
Suy tư không có nghĩa là chấp nhận một cách mù quáng.
Cho nên người thấy đã nói: ... theo đuổi hợp lí ý nghĩa của bất kì cái gì đã được nghe chính là manan, suy tư.
Không ai cần phải nghĩ rằng suy tư nghĩa là chấp nhận một cách mù quáng. Lắng nghe không có nghĩa là chấp nhận mà suy tư cũng không có nghĩa là chấp nhận; phải dùng lập luận.
Nhưng việc dùng lập luận cũng thay đổi. Lập luận bản thân nó là trung lập. Chẳng hạn, có một lưỡi kiếm trong tay tôi... Bây giờ lưỡi kiếm là trung lập: nếu tôi muốn tôi có thể lấy mạng của ai đó hoặc tôi có thể cứu mạng ai đó - lưỡi kiếm vẫn trung lập. Lập luận là trung lập, nhưng có các mẫu hình khác, và tác động của lập luận có thể thay đổi. Nếu tâm trí đầy những thù nghịch, đối lập và đương đầu, lập luận trở thành bạo hành. Nếu tâm trí tràn đầy thông cảm, lắng nghe, tình yêu, tìm kiếm và khát khao chân lí, lập luận trở thành một lưỡi kiếm bảo vệ. Lập luận bên trong nó vốn không xấu.
Cho nên ở nước ta chúng ta đã chấp nhận hai kiểu lập luận: một kiểu là lập luận tích cực; kiểu kia là lập luận tiêu cực. Lập luận tiêu cực cũng là lập luận. Đôi khi lập luận tiêu cực dường như còn logic hơn lập luận tích cực, bởi vì lập luận tiêu cực có góc cạnh, góc cạnh sắc, cái có khả năng cắt đứt và giết chết.
Cho nên lập luận tiêu cực đôi khi dường như là logic sâu sắc hơn. Làm sao bạn phân biệt được đâu là lập luận tích cực và đâu là lập luận tiêu cực? Đây là khác biệt: rằng nếu lập luận là trong việc đi tìm cái tốt và chân lí - nó đầy thông cảm, bắt đầu từ hoa và rồi chuyển tới gai...
Khi tôi nói điều gì đó với bạn, quan sát từ chỗ bạn bắt đầu. Tôi ngạc nhiên bao nhiêu lần: tôi nói liền một tiếng, rồi sau đó ai đó đến với tôi và mọi điều tôi đã nói trong giờ này đều không tới được người ấy, người đó bị lôi vào trận chiến chống lại chỉ một điều. Người đó vớ lấy một điểm và đi tới đối lập với nó. Mọi điều khác đã được nói trong giờ này người ấy đều không nhớ, chỉ quẩn quanh với một điều nhỏ nhoi đó. Và cả điều ấy nữa cũng lôi người ấy ra ngoài hoàn cảnh của nó. Nó có nghĩa trong hoàn cảnh này; bị dứt ra khỏi hoàn cảnh nó sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nhưng người ấy chỉ nghe điều đó. Người ấy phải đã sẵn sàng chỉ cho điều đó thôi. Người ấy phải đã chuẩn bị để tìm ra cái gì đó sai ở đâu đó.
Nếu bạn đang nghe tôi chỉ để tìm ra cái gì đó sai thì bạn sẽ không bao giờ có thể chuyển vào trong suy tư được.
Nhớ lấy, dù bạn có thể phát hiện ra bao nhiêu cái sai, điều ấy cũng không bao giờ trở thành sự giúp đỡ cho việc trưởng thành bên trong của bạn cả. Bạn có thể chỉ ra bao nhiêu vị trí của mọi cái sai cũng không thành vấn đề - bạn có thể biết được mọi cái sai trên toàn thế giới - vẫn không có trưởng thành bên trong xảy ra cho bạn qua việc đó.
Người đang tìm kiếm và quan tâm tới trưởng thành của mình thì không bận tâm tới việc tìm ra cái gì sai, người ấy chỉ quan tâm tới việc tìm ra cái gì đúng. Người ấy bắt đầu với cái đúng. Và người bắt đầu với điều đúng thì một ngày nào đó người ấy có thể tới điểm hiểu ra rằng điều dường như sai lại cũng có ý nghĩa nào đó, cũng có giá trị nào đó. Và điều dường như sai trước đây có thể dường như đúng sau này. Khác biệt chỉ là ở chỗ nhấn mạnh.
Lập luận tiêu cực tìm kiếm cái sai, nó bắt đầu cuộc hành trình từ đó. Lập luận tích cực bắt đầu với điều đúng.
Bạn đưa Koran cho ai đó đọc; nếu người ấy là người Hindu, người ấy sẽ không thấy gì có ý nghĩa trong Koran cả, mọi thứ trôi qua không hề gợi chú ý nào. Người ấy sẽ gạch dưới ngay mọi cái không đúng theo người đó, rồi đem đoạn kinh đến cho bạn và nói, “Trông đây này! Tôi luôn luôn nói rằng Koran không phải là kinh sách tôn giáo!” Hay bạn đưa Gita cho người Mô ha mét giáo, người ấy cũng sẽ chỉ ngay đích xác cái sai trong đó. Còn nếu bạn muốn học nghệ thuật này, học nó từ nhóm chính thống Hindu, nhóm Arya Samajis. Họ là các chuyên gia trong việc tìm ra cái gì sai và sai ở đâu. Không ai chuyên gia được như họ. Giữ cho tâm trí đừng trở thành như người Arya Samaji, chỉ thế thì bạn mới có thể trở nên suy tư được. Ngoài ra không thể có suy tư được bởi vì bạn vẫn đang truy tìm cái sai, mà cái sai tìm ra thì hằng hà sa số. Sau rốt, đâu là cái hiếm hoi của gai? Nhưng gai phục vụ cho mục đích gì? Bạn có định chuẩn bị một vòng gai không, rồi đeo nó quanh cổ mình?
Mục đích, mối quan tâm chính là với hoa, không phải là với gai.
Cho nên nếu có lập luận tích cực, người ta cũng có thể lượm lặt được hoa cả trong Koran nữa - và những hoa này cũng không thua kém gì những đoá hoa của Gita cả. Nếu có cách lập luận tích cực, bạn cũng có thể nhặt được hoa cả trong Gita nữa - và những hoa này cũng không thua kém gì hoa trong Koran hay Kinh thánh cả.
Người suy tư chính là đang tìm kiếm hoa, người suy nghĩ đang tìm kiếm gai. Bạn phải tự mình quyết định. Nhưng nhớ một điều, rằng bạn sẽ trở nên bị bao bọc bởi những cái bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn tìm gai, bạn sẽ được bao quanh bởi gai, nếu bạn tìm hoa, bạn sẽ được bao quanh bởi hoa.
Cho nên nhớ rằng bằng cách tìm kiếm gai bạn không làm hại bất kì ai ngoài chính mình, bởi vì bạn sẽ nhận được điều bạn tìm kiếm. Cuộc sống trở thành địa ngục bởi vì bạn bị những người sai vây xung quanh; dường như không có ai là người đúng cả. Và không phải bởi vì không có người đúng quanh bạn mà bởi vì việc tìm kiếm của bạn chỉ hướng về những người sai.
Bạn nói với ai đó rằng người nào đó là người thổi sáo kì tài. Người đó liền nói, “Nó biết thổi sáo gì? Nó là thằng ăn cắp, kẻ bịp bợm. Làm sao nó có thể thổi sáo được?”
Bây giờ mâu thuẫn nào tồn tại giữa một kẻ ăn cắp hay một kẻ bất lương và một người thổi sáo? Người đó có thể là bất lương, nhưng ai nói rằng kẻ bất lương không thể thổi sáo được? Ai tạo ra liên hệ này? Trong kẻ ăn cắp, đoá hoa thổi sáo cũng có thể nở chứ. Trộm cắp là gai, thổi sáo sẽ là hoa. Khi hoa có thể nở giữa gai thì tại sao kẻ cắp không thể thổi sáo được?
Nhưng không, điều ấy làm hại tới việc chấp nhận rằng ai đó có thể làm điều gì đó tốt lành. Chúng ta lập tức sẽ kết án người đó: “Nó là kẻ cắp, kẻ bất lương - làm sao nó có thể thổi sáo được?”
Thái độ của người đang suy tư sẽ khác. Nếu bạn nói với người ấy rằng một người thế nọ thế kia là kẻ bất lương và kẻ cắp, người đó sẽ nói, “Có thể, nhưng người đó là người thổi sáo cực hay.”
Đây là khác biệt của chọn lựa. Và khi một người thổi sáo tuyệt vời đến vậy thì ngay cả con người của người đó, kẻ cắp hay kẻ bất lương cũng bắt đầu trở nên đáng ngờ. Khi một người là kẻ cắp hay kẻ bất lương như thế, thì khả năng thổi sáo của người đó cũng trở nên đáng ngờ. Bất kì cái gì chúng ta bám chặt vào rồi cũng sẽ ảnh hưởng đến thứ khác nữa.
Đâu là nhu cầu xác định xem một người là bất lương hay kẻ cắp? Nếu chúng ta muốn hàng xóm mình là kẻ cắp và bất lương, chúng ta sẽ tìm thấy họ hệt như thế. Hay nếu chúng ta muốn hàng xóm mình là người thổi sáo giỏi thì chúng ta nên nhìn họ như thế. Trong cuộc sống cả hai điều đều có đó. Đêm có đó mà ngày cũng có đó; và cái tốt có đó, cái xấu cũng có đó.
Bạn đừng nghĩ rằng cõi trời ở đâu đó bên ngoài trái đất này hay địa ngục là ở đâu đó xa xôi với trái đất này; nó là ở ngay trong mắt bạn thôi. Trên ngay chính trái đất này người ta đang sống trong cõi trời, và cũng ngay chính trên trái đất này mà người ta đang sống trong địa ngục. Điều bạn tìm kiếm trở thành thế giới của bạn.
Suy tư bắt đầu cuộc hành trình với hoa - với thông cảm. Nó không vội vã tấn công vào vào cái sai, trước hết nó đồng hoá cái đúng. Và khi cái đúng đã được đồng hoá hoàn toàn, chỉ có thế thì nó mới phản ánh điều đã dường như là sai trong quan sát ban đầu.
Và nhớ lấy, khác biệt thực sự của biến chuyển này trong thái độ chỉ bắt đầu thấy được về sau hơn. Người suy tư trưởng thành dần, đâm chồi dần; đồng hoá cái đúng, tự bản thân người đó trở thành đúng. Và việc tìm kiếm thường xuyên cái sai, thường xuyên đồng hoá cái sai thì bản thân người đó cũng trở thành sai. Người chỉ thấy có bất lương, trộm cắp và sai sót ở người khác thì không thể vẫn còn là người lương thiện lâu dài được. Sự thực là ở chỗ người như vậy không thể là người lương thiện theo đúng nghĩa.
Thực tại kẻ cắp luôn tin người khác cũng là kẻ cắp - đúng không? Không, người đó không bao giờ tin người khác không phải là kẻ cắp. Chính mẫu hình suy nghĩ của kẻ cắp trở thành mẫu hình mọi người khác đều là kẻ cắp. Người đó lập tức tìm kiếm và thấy ra mọi người khác đều có phẩm cách kẻ cắp cả. Kẻ đồi bại không thể tin được rằng mọi người đều có nhân cách. Người đó không thể chấp nhận được việc mọi người đều có nhân cách. Chính kinh nghiệm của người đó trở thành hướng dẫn cho niềm tin vào điều đó.
Đây là một điều rất thú vị: không kẻ đồi bại nào có thể tin rằng ai đó là vô dục. Người ấy đơn thuần không thể tin được vào điều đó! Điều đó là đúng, bởi vì nếu ai đó thực sự vô dục, người đó nữa cũng không thể tin rằng ai đó khác lại có thể đồi bại. Nhưng điều thú vị là ở chỗ không chỉ người đồi bại không bao giờ tin rằng có ai là vô dục, mà cả người vô dục cũng không tin rằng có ai đó là người vô dục.
Thế thì đây là sự việc rất có vấn đề. Kẻ đồi bại không tin rằng ai đó có thể là vô dục là điều logic, bởi vì “Khi mình còn không thể là một người như thế thì làm sao có ai khác lại có thể là người như thế đưọc?” Nhưng khi người vô dục cũng không sẵn sàng tin rằng người khác có thể là vô dục thì tình huống của người đó lại trở nên đáng ngờ; thế thì người ấy nữa cũng không phải là vô dục. Kinh nghiệm riêng bên trong của người đó chỉ là ở chỗ mọi người đều nói chuyện về vô dục, mọi thứ đều hời hợt, có đồi bại bên trong. Người đó, do đó, không còn tin nữa.
Nếu bạn đi qua bất kì thánh nhân nào, người coi những người khác không phải là thánh, thì bạn có thể chắc chắn rằng bản thân người đó chưa thể nào trở thành thánh được. Chính ý nghĩa của việc trở thành thánh là ở chỗ, đối với người ấy, toàn bộ thế giới đều trở thành thánh ngay lập tức. Đối với người ấy toàn bộ mọi thứ đã thay đổi, bởi vì tầm nhìn đã thay đổi. Khi người ta trở thành một thánh nhân bên trong thì tại mọi nơi trên thế giới người ấy đều thấy là thánh, là thần cả, bởi vì cái ở bên trong chính là cái thấy được ở bên ngoài.
Nếu bạn đang chỉ thấy cái xấu ở mọi người, nếu với mọi người bạn thấy đều là kẻ cắp cả, đều bất lương và xấu xa cả, thì hãy gạt những điều đó sang bên và lo về chính bạn ngay đi. Điều thấy được bên ngoài chính là bên trong bạn đó. Đó là cái bạn có thể thấy được. Đó là cái thấy được ngay, bởi vì cái đó hoà nhịp với cái bên trong ngay lập tức.
Suy tư bắt đầu với phía sáng của cuộc đời. Suy nghĩ bắt đầu với phía tối của cuộc đời. Nếu bạn có thể nhớ được điều này, việc lập luận vậy sẽ là một điều kì diệu; thế thì suy nghĩ và logic sẽ rất có ích. Thế thì việc lập luận có thể được toàn tâm toàn ý. Và thế thì lập luận sẽ không có hại, nó trở thành có ích, thân thiện.
Trích từ "Ngón tay chỉ trăng"