Ở Hà Nội lâu lâu lại xuất hiện
những “phát kiến” mới về văn hoá mang “tầm vóc thời đại”. Mới đây nhất là công
trình làm phim về Lý Thái Tổ. Còn hiện nay là “Văn Miếu hiện đại”… Thật không
hổ thẹn là trung tâm văn hoá của nước Việt.
Vâng, những công trình này nếu
được thực hiện, ngoài chuyện tốn cả núi tiền, thì đều tạo ra rất nhiều “ảnh
hưởng” trong đời sống văn hoá, chí ít cũng ở Hà Nội. Báo chí nhà nước và dư
luận vỉa hè bàn tán xôn xao. Chưa làm nhưng ai cũng đã cảm nhận được hàng tá
thứ rối rắm xung quanh nó. Người ta bàn tán chủ yếu về sự “cần thiết” của nó.
Mà cần thiết quá đi chứ, tiến sĩ thì thời nào cũng như nhau (cũng đều là tiến
sĩ cả!) mà sao ngày trước lại được dựng bia, còn thời nay thì không? Thời trước
cái bọn hủ nho nội địa (vì văn bằng chủ yếu, nếu có, là do trong nước cấp) kia
sao lại được vinh dự đến thế, còn thời nay hiện đại hơn, tri thức tràn trề (và
văn bằng đa số lại do từ các trời Đông hoặc Tây cấp) lại chẳng được tôn vinh
chút nào.
Nhưng có vài điều, thiết nghĩ,
các vị tiến sĩ hiện đại đều rất rõ: là các vị tiến sĩ ngày trước học đến “lòi
tròng con mắt”, nghe nói đi học chữ Nho không thôi đã mất đến ít nhất 20 năm.
Phải nhớ không biết bao nhiêu là kinh thư, điển tích thuộc làu làu, văn chương
thơ phú thì khỏi phải chê. Và đa số họ đều đạt đến cái cao nhất trong cái tri
thức của thời đó. Hơn nữa, cái học thời trước là cái học đạo. Bởi vậy những nhà
Nho nói chung đều là những kẻ có đạo đức và lòng tự trọng vững vàng của một kẻ
trí thức đúng nghĩa. Thực tế cũng đã chứng minh hầu hết bọn họ khi “nhập thế”
đều hữu ích cho xã hội. Và có một điều đặc biệt hơn, vì chọn lọc quá kỹ lưỡng
nên tầng lớp này rất ít, ít đến mức có thể… có đủ bia đá để dựng.
Bây giờ thử nhìn lại cái đám tiến
sĩ ngày nay xem sao (xin lỗi mấy vị tiến sĩ còn giữ được lòng tự trọng).
Có một thời người ta đồn rằng chỉ
cần dắt con bò qua biên giới rồi dắt về là thành tiến sĩ ngay (dĩ nhiên là tiến
sĩ cho con bò, chứ không phải cho người dắt). Hay có những câu chuyện thế này:
có một ông nọ từ nhà quê lên Hà Nội khám bệnh. Khi ông đến một bệnh viện và xin
gặp bác sĩ X. để khám, anh gác cổng nói rằng ở đây không có ai là bác sĩ cả,
chỉ toàn là tiến sĩ thôi.
Có lẽ trong lịch sử phát triển
của Việt Nam ,
chưa có thời nào mà tiến sĩ nhiều đến thế. Nó nhiều đến mức rẻ rúng. Trong các
cơ quan nhà nước, người người đua nhau làm tiến sĩ, nhà nhà tự hào là tiến sĩ.
Và mỗi khi có cơ hội, dù liên quan hay không liên quan đến nghành nghề, họ đều
tranh thủ ghi rõ ràng cái học vị “TS” ngay bên dưới. Nó bát nháo và tầm thường
đến mức không khỏi khiến người ta nghĩ rằng đó là một thứ hội chứng “hậu ngu
dốt”. Đó là thứ phản xạ tâm lý của lòng tự ti. Bởi những kẻ chiếm ưu thế tuyệt
đối trong xã hội mới đa số đều xuất thân từ tầng lớp thấp và đều ít học, thậm
chí rất nhiều trong số ấy xuất thân từ các hạng lưu manh trong xã hội cũ, vì
những điều này họ không khỏi cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Niềm tự hào của
các chiến thắng quân sự, dù được nhai đi nhai lại, cũng không thể giúp họ khuây
khoả được. Và cuối cùng, bằng cấp, học vị, học hàm hay các danh xưng mỹ miều ra
đời như một liệu pháp tâm lý: giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân
dân, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước,… và được ban phát một cách
rộng rãi như một ân huệ của Đảng.
Nhưng nhiều ít đâu phải là vấn
đề. Chuyện nằm ở chỗ: cái đám tiến sĩ này đang làm gì và họ có đóng góp được gì
cho sự phát triển của xã hội hay không?
Khỏi cần thu thập thống kê gì cho
mệt, vì các thống kê về “đóng góp” của tầng lớp này đã có sẵn. Ví dụ như số
lượng các công trình khoa học đăng báo uy tín nước ngoài không đáng là bao nếu
so với số lượng khổng lồ của học vị. Nhưng các tiến sĩ Việt Nam đâu có
nghiên cứu khoa học, họ kiếm bằng tiến sĩ là để phục vụ cho con đường làm quan
mà thôi. Có vẻ điều này giống với các tiến sĩ thời trước nhỉ. Cũng là học để
làm quan, mà muốn làm quan lớn phải có tiến sĩ. Nhưng điều trớ trêu là thời
phong kiến, người ta chỉ học một món, với một mục đích rõ ràng là để đi thi làm
quan, và các kiến thức mà họ thu nhận được cũng đều dùng để “bình thiên hạ”.
Còn thời nay, một ông tiến sĩ một nghành khoa học hẹp nào đó lại đi làm bộ
trưởng mà chức năng chủ yếu là quản lý. Bởi vậy, khi kết thúc sự nghiệp của
những vị này, những “thành tựu” trong cuộc đời họ chẳng liên quan gì đến cái
học vị của họ cả. [1]
Nhưng nếu họ chẳng có đóng góp
được gì thì cũng chưa phải là điều đáng lên án. Đằng này, họ đã tạo ra cả một
“văn hoá tiến sĩ” gớm ghiếc lan tràn trong môi trường học thuật ở Việt Nam . Bởi đi đôi
với học vị chỉ là sự bất tài háo danh nên cái đám này chạy chọt, mua bài, mua
công trình, giả mạo tài liệu, ăn cắp công trình, chôm chỉa kiến thức…, ôi thôi
biết làm sao nói cho hết. Đóng góp “to lớn” duy nhất của họ có lẽ là công ăn
việc làm cho cái phố “mua bán luận văn” ở Hà Nội mà thôi.
Nhưng họ đâu đã chịu dừng lại ở
đó. Những con người khi mất lòng tự trọng thì có chuyện gì mà chẳng làm, cho dù
là xấu xa nhất.
Khi danh xưng “TS” đã trở nên rẻ
tiền, thì cuộc đua của những kẻ háo danh lại tiến thêm một bước mới. Đó là danh
xưng “viện sĩ hàn lâm” mà một thời rộ lên mạnh mẽ trong giới “trí thức” ở Hà
Nội. Cái vụ này chỉ xẹp đi khi có người phát hiện ra rằng để làm một “viện sĩ
hàn lâm” chỉ tốn vài trăm đô một năm mà thôi.
Có lẽ, đã đến lúc một cuộc đua
mới xuất hiện. Trò háo danh chưa dễ gì kết thúc. Rồi mai mốt đây cả Hà Nội sẽ
nhốn nháo cả lên để lo chạy chọt được khắc lên bia đá. Tôi đã tưởng tượng ra
cảnh người ta huy động hàng đoàn xe cộ lên Trường Sơn để khai thác đá về làm
bia…
Cũng như lòng tham vốn không đáy,
cái háo danh kia cũng chẳng có đỉnh. Xã hội này vốn đã quặt quẹo, bệnh hoạn
nhiều rồi nên nếu thêm cái trò kia vô nữa thì chắc cũng chẳng sao đâu…
Trà Đoá - Nguồn talawas.org
[1]Có một ông như thế mới chết,
là giáo sư tiến sĩ từng làm bộ trưởng bộ Y tế, mới đăng báo sáng nay.