Người Việt trọng danh. Đó là nét văn hóa độc đáo của ông cha. Cái danh dù to hay nhỏ là để con người ta khẳng định mình trước bàn dân thiên hạ. Cho nên đến cả anh hề trong chèo, tuồng khi bước ra sân khấu cũng phải xưng danh cho rõ. Người Việt quan niệm cái danh không chỉ là tên mà còn đi kèm “giá” nữa, cho nên tiếng Việt mới có từ “danh giá”. Đã là danh thì phải có giá. Quan niệm ấy thấm sâu vào máu thịt dân mình từ bao đời nay.
Bởi thế, một miếng giữa làng mới hơn một sàng xó bếp. Cho nên vì danh, người ta sẵn sàng trả giá, làm cho cái danh dần dần bị biến tướng. Danh không còn “chính”, không “hữu xạ tự nhiên hương” nữa mà biến thành danh hư, danh hão.
Xã hội bây giờ càng chạy theo cái danh. Bởi vậy cho nên vị thế trong xã hội từ to đến nhỏ đều trở thành hàng hóa trao đổi, mua bán. Đó là thứ hàng hóa đặc biệt, siêu lợi nhuận vì nó đi liền với quyền lực mà quyền lực thì cho anh hái ra tiền và hơn thế nữa. Cho nên mới có chuyện, con người thực của anh ngoài đời không đáng một xu vì sự kém cỏi ngu dốt nhưng khi được ngồi vào ghế, thế là có danh. Người ta sợ anh, cung cúc anh bởi cái danh mà anh đang giữ, cái danh được định bằng giá mà anh đã chấp nhận đầu tư. Mà giá của nó cũng biến động theo thị trường. Đầu năm một tỉ thì cuối năm phải hai ba tỉ mới có cơ mua được. Giá tăng vùn vụt một phần cũng do các “thượng đế” háo danh đẩy nó lên vì tranh mua, tranh bán.
Không chỉ dùng tiền bạc, giới buôn danh ngày nay còn triệt để khai thác lợi thế của công nghệ truyền thông. Kinh nghiệm xưa kết hợp với kĩ thuật hiện đại càng làm cho cái sự mua danh nhanh chóng đạt hiệu quả, đôi khi lại chẳng tốn kém gì. Người ta mua danh bằng cách tạo xì-căng-đan bất chấp đạo lí, thuần phong mĩ tục của dân tộc. Cởi áo, tụt quần, chụp ảnh trần truồng, quay clip làm tình…tung lên mạng, chỉ nháy mắt đã được vạn vạn người biết đến. Cái sự nổi tiếng lan nhanh ngang bằng tốc độ ánh sáng.
Đến như ông, bà nghị cái danh đã to hơn người, bởi 90 triệu dân mới lựa được 500 vị tinh túy như thế, vậy mà vẫn có vị chưa lấy làm thỏa mãn, còn muốn nổi tiếng hơn nữa. Giá như được phép cởi áo, tụt quần hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay như nước người… Nhưng mà không, người Việt trọng tình, vả lại văn hóa nghị trường nước mình chưa cho phép nên các vị đành chọn cách khác, đỡ tốn kém hơn nhờ ưu thế của truyền thông hiện đại. Bởi thế cho nên mới có những nghị Hồng, nghị Phước… Chỉ cần một câu nói khác người là lập tức cái danh của các vị đã vượt ra khỏi biên giới, đến với năm châu bốn biển. Sung sướng thay! Làm nghị một đời mà cứ ngậm hột thị thì thiên hạ biết mình là ai?
Cái sự háo danh bây giờ đã được nâng cấp lên tầm quốc gia. Vụ bầu chọn Hạ Long vừa rồi là một điển hình cho sự mua danh. Mà mua với ai mới được chứ? Cái danh mình đã có, tạo hóa đã ban cho đất nước từ bao đời nay một Hạ Long kì quan sừng sững giữa trời nước bao la sao còn đi mua nữa? Đau ở chỗ cái danh ấy được mua từ một kẻ bên trời Tây xa lắc xa lư, nó cắp tên mình, nó lấy hình ảnh mình rồi gắn cho cái mác kì quan thế giới mới. Nó rao, nó bán trên mạng. Hư hư ảo ảo. Thế là cha con rủ nhau đi mua danh như trẩy hội. Cuội mà sống lại chắc cũng lắc đầu chào thua!
Mới đây, trên blog của nhà thơ Văn Công Hùng đăng hình ảnh về một sự mua danh có thể gọi là độc nhất vô nhị, vô tiền khoàng hậu. Nhìn những cái lọ hoa giả (có lẽ thế), có giá chắc chưa bằng một tô bún bò ngoại trong bữa ăn sáng của đại gia Hà thành, được gắn bảng sơn son thếp vàng ghi danh chủ nhân của nó, xếp chen nhau trên bàn thờ tại khu du lịch “Đại Nam văn hiến” của đại gia “Dũng lò vôi” ở Bình Dương thì quả thực, cái thói háo danh của dân mình đã đến giới hạn của sự cùng kiệt rồi, hết thuốc chữa rồi! Đã đứng trên đỉnh cao danh vọng sao người ta còn muốn tụt xuống làm gì? Vậy mà vẫn có những kẻ háo đến mức bán cái danh ba vạn kia để mua lấy cái danh ba đồng mà trưng nơi cửa Phật? Hay đây là một sự sám hối, sám hối muộn màng?
Ôi! Danh vọng!
Nhớ chuyện xưa, Cụ Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh. Con người tài ba ấy cũng bị cuốn theo danh vọng nhưng là cái danh của kẻ sĩ muốn tự khẳng định mình với núi sông. Thế mà có lúc chua chát nhìn lại cuộc đời, Cụ đã phải thốt lên:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Còn bọn hậu thế chúng ta, những kẻ chỉ biết chuộng danh hão, phỏng có mấy ai thấm lời Cụ Nguyễn hay chăng?
Nguyễn Duy Xuân