Con người với sức mạnh của mình
đã tạo nên nhiều điều kỳ diệu. Bên cạnh sự khám phá và cải tạo tự nhiên, con
người không ngừng khám phá và tìm hiểu chính bản thân mình, mình là ai? mình từ
đâu ra?
Sự hạn chế nguồn thức ăn trên cây
đã đẩy một số loài vượn phải chuyển từ cuộc sống trên cây xuống đất kiếm tìm
những nguồn thức ăn mới. Ban đầu cuộc sống dưới đất chỉ là sự bổ xung cho cuộc
sống trên cây, nhưng do sự hạn chế thường xuyên của nguồn thức ăn trên cây nên
đã cố định cuộc sống dưới đất của một số loài vượn. Trong đó có giống vượn
thông minh và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới tiếp tục tồn tại và phát
triển, những giống vượn khác không có khả năng thích ứng thì đi đến chỗ tuyệt
chủng. Khả năng thích ứng cao khiến cho nguồn thức ăn của giống vượn này không
ngừng tăng lên, trong thực đơn của chúng ngày càng có nhiều loại khác nhau “do
đó có nhiều chất khác nhau thâm nhập vào cơ thể, tạo ra những điều kiện hoá học
cho sự chuyển biến từ vượn thành người”[1].
Việc chuyển cuộc sống từ trên cây
xuống đất cũng đồng nghĩa với việc con vượn phải đối mặt với nhiều mối nguy
hiểm hơn, đến từ những loài thú dữ ăn thịt chẳng hạn. Điều đó đòi hỏi con vượn
phải quan sát nhiều hơn, quan sát tốt hơn. Dáng đi lom khom của con vượn đã hạn
chế rất nhiều việc quan sát. Mâu thuẫn đó là động lực thúc đẩy con vượn tập
đứng thẳng người , đi bằng hai chân sau. Quá trình đó đòi hỏi một thời gian dài,
từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua rất nhiều thế hệ, để con vượn chuyển hẳn từ
dáng đi lom khom sang dáng đi thẳng bằng hai chân sau.
Việc chuyển biến từ dáng đi lom
khom sang dáng đi thẳng kéo theo và đòi hỏi hàng loạt sự chuyển biến khác về
cấu trúc cơ thể thậm chí là cả não bộ. Việc chuyển biến từ dáng đi lom khom
sang dáng đi thẳng vì vậy mà cũng đồng nghĩa với việc chuyển biến từ con vượn
thành người vượn, một giống vật trung gian giữa con vượn với con người.
Cuộc sống dưới đất cũng đòi hỏi
cuộc sống tập thể phải phát triển hơn nữa,một mặt, phải liên kết với nhau trong
việc xua đuổi thú dữ, mặt khác, phải phối hợp với nhau trong nhiều hoạt động
khác như săn bắt thú rừng nhất là khi mà họ còn chưa thể có công cụ trong tay.
Như vậy sự liên kết cũng như sự phụ thuộc giữa các cá thể đã được tăng cường
làm nảy sinh nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động trong đời sống
tập thể. Nhu cầu đó đã làm nảy sinh ngôn ngữ, ngôn ngữ ban đầu chủ yếu là ngôn
ngữ hình ảnh có sự bổ xung của ngôn ngữ âm thanh tuy nhiên vẫn chỉ là những âm
thanh chưa có âm tiết. Ngôn ngữ hình ảnh, đó là việc dùng hình vẽ, dùng tay hay
bộ phận nào khác của cơ thể để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của mình.
Tư duy của người vượn đã phát
triển hơn nhiều so với các loài động vật cao đẳng, nhưng vẫn chỉ là tư duy trực
quan. Chúng ta vẫn có thể quan sát được loại tư duy này ở trong thế giới động
vật thậm chí là ở cả con người. Một con thỏ chắc chắn sẽ bỏ chạy trước con hổ
nhưng lại có thể không bỏ chạy trước con nai, là bởi vì nó đã có tư duy so
sánh, đó là sự so sánh hình ảnh cảm tính giữa hai con vật con nai và con hổ, từ
đó rút ra được những đặc điểm khác nhau giữa hai con vật, dĩ nhiên là vẫn ở
dạng cảm tính.
Với dáng đi thẳng, đôi tay được
giải phóng người vượn có thể làm được nhiều việc hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho
việc khám phá thế giới, ý thức nhờ vậy ngày càng được phát triển. Tay được giải phóng thì đôi hàm cũng được giải phóng khỏi
nhiệm vụ đớp, giữ, tha mồi và tha con. “Miệng không phải giữ và tha mồi nữa thì
mặt cũng ngắn lại và đỡ kéo gục đầu xuống. Cơ nâng mặt vốn chạy từ gờ trên của
hốc mắt đến các xương cổ ngăn cản sự phát triển của não trước đây, nay không
cần thiết nữa nên thoái hoá dần tạo điều kiện cho não phát triển dễ dàng hơn”[2]
Ý thức phát triển đến độ, một mặt
thì hiểu rõ tự nhiên, mặt khác thì hiểu rõ mình nhờ vậy người vượn mới tách
được ra khỏi tự nhiên, chính thức trở thành con người, kết thúc giai đoạn quá
độ vượn thành người. Con người xuất hiện thì xã hội cũng xuất hiện, hay xã hội
xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người.ở những động vật cao đẳng, chúng
cũng một mặt thì hiểu tự nhiên, mặt khác thì hiểu mình nhưng hãy còn rất sơ sài
chưa đủ để có thể tách mình ra khỏi tự nhiên mà vẫn đồng nhất với tự nhiên. Một
con thỏ chắc chắn sẽ bỏ chạy trước một con hổ, bởi vì một mặt nó hiểu nó chỉ là
một con thỏ với sức mạnh hạn chế như thế nào, mặt khác nó hiểu con hổ có sức
mạnh lớn lao như thế nào đối với nó. Nếu như con thỏ một mặt không hiểu mình
lại nghĩ mình có sức mạnh của một con voi còn con hổ thì chỉ là một con khỉ thì
nó sẽ không bỏ chạy mà sẵn sàng lao vào đánh nhau với con hổ và kết cục tất
nhiên là nó sẽ bị con hổ xé xác ra.
Con người vì một mặt hiểu mình,
một mặt hiểu tự nhiên nên mới có thể sáng tạo ra công cụ cái mà thích hợp đối
với mình trong công cuộc cải tạo tự nhiên, lao động xuất hiện. Như vậy lao động
chỉ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người. Ở các loài động vật cao đẳng
khác kể cả ngưòi vượn chưa hề có lao động bởi vì chúng chưa thực sự hiểu chúng,
hiểu tự nhiên nên chưa thể chế tạo ra được cái gì một mặt phù hợp với mình, mặt
khác thích hợp với việc cải tạo tự nhiên, công cụ lao động là điều kiện của lao
động.
Việc ăn với thức ăn bằng thịt đã
có ở giai đoạn người vượn, tuy nhiên đó vẫn chỉ là ngẫu nhiên chưa thường
xuyên, do chưa có công cụ săn bắt trong tay nên việc săn bắt thiếu hiệu quả và
không ổn định. Việc ăn thịt chỉ trở thành tất yếu, thường xuyên với con người
khi đã có công cụ săn bắn trong tay. Việc “chuyển từ chỗ chỉ ăn thuần thực vật
sang chỗ ăn cả thịt nữa là một bước tiến mới quan trọng trên con đường chuyển
biến thành người. Thức ăn bằng thịt chứa đựng gần như sẵn sàng những chất chủ
yếu mà cơ thể cần dùng để trao đổi chất trong cơ thể; nó rút ngắn quá trình
tiêu hoá,đồng thời cũng rút ngắn cả thời gian của những quá trình thực vật [nghĩa
là tương ứng với những hiện tượng sinh hoạt của thực vật] khác trong cơ thể, do
đó mà làm cho đỡ mất thì giờ hơn, có được nhiều chất bổ và năng lượng hơn để
biểu hiện tích cực một đời sống động vật theo đúng nghĩa của nó. Nhưng điều chủ
yếu nhất là thức ăn bằng thịt đã tác động đến bộ óc, cung cấp rất nhiều hơn
trước những chất cần thiết cho sự bồi dưỡng và phát triển của bộ óc, và nhờ đó
mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, bộ óc có thể phát triển nhanh chóng hơn và
đầy đủ hơn”[4]
Với việc phải đối mặt với thời
tiết lạnh giá kéo dài đã làm nảy sinh nhu cầu cần được sưởi ấm của con người.
Nhu cầu đó đã thúc đẩy con người phát minh ra quần áo, việc tạo ra lửa. Trước
khi tạo ra được lửa con người cũng đã từng ăn thịt chín, nhưng chỉ là ngẫu
nhiên, tình cờ bắt gặp những con vật bị thui chín do cháy rừng chẳng hạn. Việc
ăn thịt chín dù chỉ là ngẫu nhiên, tình cờ nhưng cũng đủ để con người nhận thức
được lợi ích của việc ăn thịt chín như dễ ăn, ngon miệng, dễ tiêu hoá. Với việc
tạo ra lửa, con người chuyển hẳn từ ăn thịt sống sang ăn thịt chín, việc ăn
thịt chín “còn rút ngắn quá trình tiêu hoá lại hơn nữa, vì thức ăn cho vào
miệng có thể nói là đã được tiêu hoá một nửa rồi”[4]
Với lao động, cùng với sự phát
triển của lao động, ý thức của con người ngày càng phát triển. Tư tưởng, tình
cảm của con người ngày càng phong phú. Nhu cầu trao đổi tư tưởng, tình cảm ngày
một tăng lên. Ngôn ngữ hình ảnh ngày càng trở nên bất cập, không đáp ứng được
nhu cầu đó. Hạn chế đó là động lực thúc đẩy ngôn ngữ âm thanh phát triển thay
thế dần ngôn ngữ hình ảnh, đưa ngôn ngữ hình ảnh từ chủ yếu xuống hàng thứ yếu,
là thành phần bổ xung cho ngôn ngữ âm thanh. Với việc uốn giọng thường xuyên,
cuống họng ngày càng phát triển thích hợp với việc phát ra những âm thanh có âm
tiết, ngôn ngữ tiếng [ngôn ngữ hiện đại]ra đời. Ngôn ngữ càng hoàn thiện thì tư
tưởng của con người càng trở nên trọn vẹn hơn, rõ ràng hơn. Tư tưởng trọn vẹn
hơn, rõ ràng hơn lại làm cho con người dễ dàng hơn trong việc xác định cái mình
phải truyền đạt, cái mình phải làm. Như vậy tức là hoạt động sống của con người
trong đó có lao động sẽ trở nên có hiệu quả hơn.
Mỗi một bước tiến trong lao động
là một bước tiến trong cuộc sống, nhu cầu này được giải quyết thì nhu cầu khác
lại nảy sinh. Cứ như vậy cuộc sống của con người ngày càng trở nên phong phú và
sinh động.
Con người được ví như một vũ trụ
thu nhỏ, con người cũng sâu thẳm như vũ trụ. Vì vậy việc khám phá con người
luôn là một đề tài bất tận không bao giờ chấm dứt.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự
nhiên, Nxb Sự Thật, tr 261
[2] Những nền văn minh thế giới,
NXB Văn Hoá Thông Tin 2007
[3] Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự
nhiên, Nxb Sự Thật, tr 262
[4] Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự
nhiên, Nxb Sự Thật, tr 263