Cũng thật lạ khi trong con người
suốt đời tự nguyện dấn thân tích cực ấy lại vẫn luôn mang niềm khao khát
"trở về". Trở về với núi cũ Côn Sơn – không gian xanh của thời thơ ấu
– là hoài vọng thường xuyên trong tâm khảm, khi Nguyễn Trãi đang còn trên bước
đường lưu lạc cũng như khi đã lập công danh. Tuy nhiên sẽ không là mâu thuẫn
nếu nhận ra rằng "dấn thân" và "trở về" thuộc hai bình diện
khác nhau, một là nhu cầu của con người xã hội, con người công dân và một là
nhu cầu của con người cá nhân cùng hiện diện trong nhân cách đặc biệt ấy. Điều
đó đã tạo cho Nguyễn Trãi một phong thái xưa nay ít thấy – một ông quan mà
giống một "ông tiên" (theo lời nhận xét của Nguyễn Mộng Tuân, người
cùng thời).
Bài ca Côn Sơn mở ra một khoảng
không xanh tươi, trong trẻo, mát mẻ. Núi rừng hùng vĩ nhưng không bí ẩn, xa
cách. Thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy mà thật ấm áp, thân tình.
Con người đến đó không lắng nghe, nhìn ngắm bằng tai thường, mắt thường mà bằng
cái tâm đã lọc sạch bụi bẩn và rộng mở. Nhờ trống không và rộng mở nên đã tiếp
nhận được toàn bộ cái "chân" của tạo vật. Thiên nhiên là một thế giới
riêng có tâm hồn. Đem cái tâm của mình hòa đồng cùng vạn vật, Nguyễn Trãi đã vận
dụng được nguyên lý "vạn vật đồng nhất thể" của triết học phương Đông
để vui niềm vui khám phá và phát hiện. Côn Sơn thực sự trở thành ngôi nhà thân
thuộc khi nhà thơ nghe được tiếng nói của suối, đá, thông, trúc, có thể cùng
nhau trò chuyện, cảm thông, có thể lấy nó làm đàn cầm, làm đệm chiếu êm mượt,
làm lọng biếc che mát để nằm nghỉ ngơi, làm tấm bình phong xanh để ngồi bên
ngâm vịnh. Thiên nhiên luôn hào phóng dành sẵn những hương sắc, thanh âm, xúc
cảm giản dị mà diệu kỳ đối với ai biết mở rộng giác quan của tâm hồn trước nó.
Khi con người mở cửa tâm hồn, thiên nhiên cũng mở cửa kho tàng vô tận. Giọng
thơ thật hào hứng khi nói "Côn Sơn có suối", "Côn Sơn có
đá", "trong núi có thông", "trong rừng có trúc". Giàu
có biết bao! Ta là một phần trong tất cả, và tất cả cũng chính là ta! Thực hiện
được sự hội nhập lớn lao này, con người đã mang được cái hồn vũ trụ, sự phong
phú và vĩnh cửu của vũ trụ. Cũng từ đó giải phóng khỏi mọi loại tù ngục của qui
ước, giáo điều, thiên kiến trong cách nhìn, cách nghĩ thông thường để dùng con
mắt nhìn của trẻ thơ ghi nhận cảnh vật và tái hiện lại trong một thế giới thơ
trong trẻo mà quyến rũ lạ thường.
Từ góc độ của cái
"chân" và sự vĩnh cửu của cả không gian, thời gian và tâm linh này,
nhìn lại mọi vật, mọi việc mới thấy hết những gì là giả tạm. Những ai "nửa
đời giam buộc mãi trong cát bụi" của cuộc sống đua chen danh lợi thực quả
giống như kẻ lạc lối xa nhà mà lời gọi "Hỡi người, sao chẳng về đi?"
kia đã làm sực tỉnh. Hỏi người mà cũng là tự hỏi mình. Thương mình mà cũng là
thương xót biết bao con người cùng cảnh ngộ. Hiểu được hạnh phúc đích thực,
cũng như một thiền gia trong khoảnh khắc "đốn ngộ", nhà thơ của Côn
Sơn chợt cảm thấy "vạn chung cửu đỉnh" mới vô nghĩa làm sao và tất cả
niềm vui mà bầu nước lã, bát cơm rau mang lại cho con người. "Uống nước
trong, ăn cơm rau, tùy theo hoàn cảnh mà tự thấy đủ" là lời sẻ chia kinh
nghiệm chân tình đầy lòng nhân ái. Một kinh nghiệm giản dị như chân lý bao giờ
cũng giản dị nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Mục đích của đời người
là đi tìm hạnh phúc cho cuộc sống, tuy cách quan niệm về hạnh phúc có khác
nhau. Và trong khi mọi người mải đi tìm những đường vòng đến có lúc quên mất cả
mục tiêu cần tới thì Nguyễn Trãi đã chỉ ra cho họ con đường ngắn nhất: hạnh
phúc ở ngay trong thực tại, trước mắt, nơi những gì ta đang có. Thật nhân văn
là ở chỗ này: quý trọng từng giây phút mà ta đang sống, biết sống vui để không
lãng phí cuộc đời. Nhân văn còn ở thái độ đối với bản thân mình, không dày vò
lao nhọc tâm trí và thân xác để đi tìm những vật ngoài thân như "vàng đầy
thành", "hồ tiêu tám trăm hộc", kể cả cái danh "tôi trung
không thờ hai chúa" mà Bá Di, Thúc Tề theo đuổi. Xét về mặt dưỡng sinh,
sống gần gũi thiên nhiên, trí ít lo âu toan tính, lòng trong sáng cởi mở, ăn
uống thanh đạm những gì sức mình lao động kiếm được là cách sống đem lại sức
khỏe, tuổi thọ và sự yêu đời. Đó cũng là khía cạnh thiết thực nhất của quan
niệm sống giàu chất nhân văn này.
Khi nghe qua ví dụ về Đổng Trác,
Nguyên Trải rồi tiếp đến là Bá Di, Thúc Tề, dễ có cảm tưởng như một bên đưa ra
là để phê phán, còn một bên là để ngợi ca. Thực ra, theo Nguyễn Trãi,
"hiền ngu hai đàng không so sánh được với nhau", nhưng "mỗi đàng
đều tự tìm theo ý muốn riêng của mình". Kẻ "ngu" dĩ nhiên không
hiểu được chân lý của cuộc sống, nhưng người thường được gọi là
"hiền" kia cũng chưa hẳn đã là biết sống. Chẳng phải họ đều chạy theo
cái lợi hão hoặc bị trói buộc bởi cái danh hão để phải làm tổn thương đến hình
hài và chân tính của mình sao? Trong khi "đời người chỉ trong khoảng trăm
năm, rốt cục đều nát cùng cây cỏ". Ở chỗ này, cũng như khi nói "mừng,
buồn, lo, vui, cái nọ đi, cái kia đến; tốt tươi rồi khô héo cứ nối tiếp
nhau", Nguyễn Trãi gợi nhớ đến câu thơ của Vạn Hạnh đời Lý: "Thân như
điện ảnh hữu hoàn vô; Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô". Quan niệm này vừa
ảnh hưởng từ Phật giáo – con người cùng vạn vật do "tứ đại" duyên hợp
mà thành, duyên hết lại trở về với những yếu tố vật chất ban đầu ấy; mọi sự
tuần hoàn, chuyển biến liên tục – mà cũng là từ triết học phương Đông nói
chung, trong đó có Dịch lý uyên áo. Do vậy mà "núi gò hoang sơ" hay
"cửa nhà lộng lẫy" đều là "ngẫu nhiên", không có gì bền
chắc; sau khi chết, sang và hèn đều trở thành vô nghĩa. Sự vận dụng quan niệm
này sẽ trở nên phiến diện, thậm chí có phần tiêu cực nếu phát xuất từ một người
vốn thích an nhàn cho riêng thân, không quan tâm đến xã hội, không có chí giúp
đời hay vì bất đắc chí mà trở thành yếm thế, bi quan. Với Nguyễn Trãi, khi ngẫm
suy những điều này, ông đã đứng trên tất cả những thất bại và thành công vinh
quang nhất mình đã trải qua trong đời. "Đời người trăm năm", nửa đời
đã từng "mặn lạt no mùi thế tình" (Tự thán X) nhưng vẫn kiên định một
"tấc lòng ưu ái cũ" (Thuật hứng V), con người ấy khi triết lý về cuộc
sống, chắc không phải chỉ là những lời rỗng suông hay bắt chước. Chiều sâu của
tri thức, bề dày của kinh nghiệm, độ chín của trí tuệ và sự linh mẫn của tâm
hồn đã làm nên chất minh triết cho quan niệm ấy.
Tương xứng với không gian mang
tầm vũ trụ ở Côn Sơn ca là thời gian cũng không hạn mức. Có khoảnh khắc của
thực tại mà cũng có mở rộng ra cả một đời người và của cả nhân gian. Những hình
ảnh được gọi về từ những khoảng cách thời gian còn hình dung được (Đổng Trác
đời Hán, Nguyên Tải đời Đường), rồi xa hơn nữa (Bá Di, Thúc Tề đời Ân), và xa
hơn nữa (Sào, Do đời Nghiêu, cổ đại)… Từ những đơn cử cụ thể đã đi dần đến
những đúc kết khái quát nhất mang tính quan niệm. Trên những qui luật chung
nhất này, và trong cõi nhân gian thật phù du ngắn ngủi, thiên niên kỷ chỉ như
cái chớp mắt, thì Sào, Do cách mấy ngàn năm và Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV thật
xiết bao gần gũi, có thể kết bạn tri kỷ hoặc tranh luận cùng nhau về quan niệm
sống, vì những vấn đề thuộc về con người đều là muôn thuở. Bối cảnh không –
thời gian trong khúc ca Côn Sơn mở rộng không giới hạn, nội dung bài ca giản
dị, nhẹ nhàng nhưng là những chân lý tối hậu. Cái lớn của Côn Sơn ca là ở đó.
Một khúc ca chứ không phải bài thơ, lại càng không phải là một áng văn lý luận
đạo mạo. Nguyễn Trãi viết để ca lên, để làm vui mình,và mời người cùng chia sẻ
niềm an lạc của tâm hồn. Nhưng với đời sau, Côn Sơn ca lại là một tổng hòa chất
minh triết của trí tuệ, lòng nhân ái nồng hậu với con người và chất thơ bay
bổng, thanh thoát của một tâm hồn nghệ sĩ. Ở đó, còn thấy được một ngòi bút
nghệ thuật tài hoa. Bài ca được viết thật tự do, sảng khoái. Những ý nghĩ có
thể dồn đuổi nhau thành những câu hỏi liên tục đẩy những vấn đề về nhân sinh
lên đến mức bức xúc nhất, để rồi giản ra sâu lắng thâm trầm sau lời lý giải
giản dị và điềm đạm.
Đàng sau Côn Sơn ca là cái nền
của triết học và mỹ học phương Đông được tổng hợp một cách linh hoạt từ cả Nho,
Phật và Đạo. Dung hòa được những nguồn tư tưởng này đã là sáng tạo. Nhưng nếu
chỉ có thế thì chưa đủ để bài ca Côn Sơn có sức hấp dẫn bền lâu đến thế. Điều
đáng nói chính là cốt cách Việt Nam
toát ra từ đó. Đó cũng là cốt cách của Nguyễn Trãi: luôn quan tâm đến hạnh phúc
của con người. "Cần gì phải muôn chung chín đỉnh; uống nước lã, ăn cơm
rau, tùy theo phận mình cũng cảm thấy đủ". Trong một bài thơ khác, Nguyễn
Trãi từng khuyên: "Nằm có chiếu chăn cho ấm áp; Ăn thì canh cá chớ khô
khan. Phúc dầu hay đến trăm tuổi; Mình thác thì nên mọi của tan" (Bảo kính
cảnh giới VII). Hai lời khuyên tuy có khác nhau nhưng cùng một ý tứ: Nên biết
quý và vui hưởng những gì mình có, không nên bỏ phí đời sống thực tại để chạy
theo những cái ngoài tầm tay. Hạnh phúc đích thực của đời người là điều nhà thơ
luôn muốn nhủ khuyên, cảnh tỉnh mọi người.
Tầm cao của Côn Sơn ca không chỉ
ở sự thâm uyên về cái nhìn triết học, sự thực hiện đại hòa điệu giữa
"ta" và "vật" hồn nhiên đầy minh triết. Đàng sau bài ca Côn
Sơn còn là vô hạn một tấm lòng. Nét riêng của dân tộc, của Nguyễn Trãi trong
cái chung của phong cách phương Đông là ở đó.