Định nghĩa về hai từ "quyền lực" của “Thư viện Điện tử” - kilobooks.com, dưới đây, có lẽ là định nghĩa thấu đáo nhất:
“Quyền lực là một phạm trù xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người. Quyền lực là một phạm trù ghép, được tạo lên từ hai phạm trù “Quyền’’ và “Lực’’.
Quyền là một phạm trù mang tính chất xã hội mà ở đó người ta ý thức ra việc một nhu cầu nào đó của mình phải được thực hiện trong sự thừa nhận của người khác. Quyền chỉ mối quan hệ giữa người với người, con người có được quyền khi nhu cầu của anh ta được người khác thừa nhận. Sự thừa nhận có thể được Luật hóa dưới dạng văn bản pháp quy hoặc được xã hội thừa nhận dưới dạng quy phạm đạo đức.
Lực là thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng nhưng nó được thể hiện ra, được bộc lộ ra trong tương tác với cái khác ở khả năng gây ra sự biến đổi, hoặc giữ cho sự vật không đổi. Lực có trong các sự vật, hiện tượng ở tự nhiên, trong mỗi cá thể con người. Lực mạnh hay yếu phụ thuộc vào quá trình tương tác của sự vật hiện tượng được bộc ra như thế nào. Nói tới lực là nói tới sức mạnh, là khả năng chi phối sự vật, hiện tượng khác, chi phối người khác, hoặc giữ cho bản thân mình không biến đổi trong tương tác với người khác, sự vật khác”.
Vâng! Quyền và lực tuy hai nhưng luôn là một. Cái trước là tiền đề của cái sau và ngược lại. Người có quyền trước, có lực sau; kẻ có lực trước có quyền sau.
Có quyền là có lực, không nhiều thì ít – đó là lẽ thông thường. Nhưng vẫn có trường hợp bất thường, có quyền mà vẫn chẳng có lực, quyền chỉ là “hữu danh vô thực”: Làm đến chức Vua như Vua Lê vẫn chịu lép vế trước chúa Trịnh là một dẫn chứng lịch sử điển hình.
Lại có khi được giao quyền rất lớn, nhưng chỉ là “danh hão”, người ta đặt lên đó làm “vì”, gọi danh thế để “lấy lòng”, để bỡn cợt, thậm chí để làm “bình phong”, che mắt thế gian,... chứ thực chẳng vương tướng gì. Về điểm này, tác giả của “thư viện điện tử” http://kilobooks.com cũng đã phân tích khá kỹ: “Trong những trường hợp chỉ có quyền mà không có lực, hoặc chỉ có lực mà không có quyền thì hoạt động của con người không mang lại kết quả như mong muốn”. Ấy là chưa kể đến trường hợp quyền thì chỉ là cái danh mờ ảo, nhưng trách nhiệm thì hiện hữu, đó là cái mà dân gian gọi là… “quyền rơm vạ đá”!...
Có người sinh ra đã có “mầm mống” quyền lực, có kẻ suốt cuộc đời an phận bị sai khiến: “Con vua thì lại làm vua, con nhà sãi chùa đi quét lá đa”.
Nhưng lực thì khác. Có lực tất có quyền, không chóng thì chầy. Trừ phi cái gọi là lực ấy, chỉ là lực ảo, là sự ngộ nhận. Lực chính đáng là lực tự thân được tạo dựng trong quá trình rèn luyện, học tập, tu dưỡng… Nhưng trong thực tế, lực còn được tạo thành từ nhiều nguyên cớ khác, chẳng hạn như tiền (hoặc vật tương đương) hoặc như lực kẻ đỡ đầu, kẻ đứng khuất phía sau – tập hợp thành cái thế cho lực và thực tế, thế mới chính là sức mạnh của lực.
Và không phải ngẫu nhiên mà người ta lại ghép hai từ đó lại với nhau thành cặp từ "thế lực". Bất cứ nơi nào, bất cứ thời buổi nào, bên cạnh thế lực chính đáng cũng thường tồn tại loại thế lực đen, tỷ như xã hội có xã hội đen, Luật có Luật rừng… Kẻ đang có quyền thường rất e sợ những thế lực đang mạnh lên và muốn giữ được quyền thì không còn cách nào khác phải nhanh chóng làm suy yếu cái thế lực manh nha đó, càng sớm càng tốt – Phải “bóp chết nó từ trong trứng”, nếu có đủ… Thế và lực làm việc đó.
Quyền lực được phân chia thành quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và quyền lực văn hóa. Thông lệ thì “quyền lực chính trị” là thống soái, nhưng thực tế, nhiều khi “quyền lực kinh tế” lại chỉ đạo “quyền lực chính trị”. Quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế thường có giới hạn về thời gian; trái lại, “quyền lực văn hóa” có khả năng tồn tại qua cả không gian lẫn thời gian, trở thành thứ quyền lực vĩnh cửu.
Đối với quốc gia, quyền lực chính trị cao nhất là quyền toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp đó là tam quyền (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp). Đối với mỗi người, quyền lực chính trị cao nhất là nhân quyền, trong đó trước hết là quyền được sống, tiếp đến là các quyền về Cư trú, Tự do, Dân chủ, Ứng cử, Bầu cử…Trong mỗi quyền như thế, lại được chia làm nhiều thứ quyền cụ thể như trong quyền tự do có tự do lập hội, tự do báo chí… Trong quyền dân chủ có bao hàm nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…
Đối với từng cá thể, con người – bằng rất nhiều con đường, hoàn toàn có thể tự định lập quyền lực cho mình từ khả năng chuyên môn cao, từ sự được cộng đồng quý trọng, từ sự có địa vị, chức vụ và từ sự được suy tôn, phong tước.
Thực tế cho thấy, một người khi đã định lập được “khả năng chuyên môn cao”, thông thường cũng sẽ tự định lập được ba yếu tố còn lại (“được cộng đồng quý trọng”, “có địa vị chức vụ” và “được suy tôn phong tước”). Bốn yếu tố đó có thể coi là lực của quyền. Một tổ chức, một cá nhân được coi là có quyền lực đầy đủ khi hội tụ được hầu hết bốn yếu tố trên.
Cuộc sống con người nói riêng, động vật nói chung, suy cho cùng kỳ lý, cũng là cuộc đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giành quyền lực, ở mức độ thấp hay ở mức độ cao; trong từng nhóm lợi ích hay trong cả dòng tộc; trong một địa dư hẹp hay trên cả một vùng lãnh thổ; trong phạm vi một quốc gia hay trên một khu vực nhiều nước… Vấn đề không phải ở chỗ thừa nhận hay không thừa nhận có sự hiện diện cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, vấn đề nằm ở chỗ văn hóa quyền lực.
Lâu nay, nói đến quyền, người ta nghĩ ngay đến lực, đến thế. Người có quyền nghĩ vậy, người chịu sự cai trị của kẻ có quyền cũng nghĩ vậy. Công việc đầu tiên của một người vừa có quyền, là chăm chú vào việc củng cố và tăng cường cái quyền đó – đương nhiên là bằng lực, bằng thế. Không thể khác. Người chưa có quyền thì cố gắng tạo lực, tạo thế để mau chóng quyền đến tay mình. Vậy là vô tình chúng ta bỏ quên yếu tố văn hóa của chữ quyền cũng như của cặp từ quyền lực.
Trước hết cần nhận biết rằng, trong phạm vi một quốc gia, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, nhân dân là “người” có địa vị quyền lực cao nhất, dân gian có câu: “đẩy thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân”). Đó là cái văn hóa trước nhất cần có của “người, tổ chức nắm quyền lực”.
Hống hách, cậy quyền cậy thế, áp đặt tư duy, lợi dụng chức quyền… đều là thứ quyền lực vô văn hóa. Quyền lực cần phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật. Không, tuyệt đối không có một thứ quyền lực nào đứng trên, đứng ngoài hiến pháp và pháp luật.
Quyền lực còn phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân, đúng như ý kiến của thiếu tướng Lê văn Cương trong cuộc tọa đàm "giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị" do tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 10/5/2011((http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/20255/doi-moi-chinh-tri--dan-phai-duoc-giam-sat-quyen-luc.html)): “Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ”. Đó chính là điều kiện tiên quyết của một xã hội dân chủ, văn minh.
Chỉ có thứ quyền lực đen mới không tuân thủ những quy định đó.
Vấn đề thứ hai của “văn hóa quyền lực” là phải nhận thức được rằng, mọi quyền lực chỉ thực sự phát huy trong cuộc sống, khi và chỉ khi có được sự đồng thuận trong cộng đồng, trong nhân dân. Đồng thuận thực sự chứ không phải thứ “đồng thuận hình thức” – quy thuận, thuận theo do bị áp lực, do sợ hãi… đồng thuận xã hội là hình ảnh tốt đẹp và cụ thể của thể chế dân chủ.
Cuối cùng, cũng cần nói thêm: văn hóa quyền lực không phải chỉ là đòi hỏi của phía người không có quyền mà còn chính là nhu cầu tự thân của bản thân quyền lực. Bởi chính yếu tố này đã tạo điều kiện cho quyền lực phát huy.
Đúng như thế. Và nếu xét trên bình diện đó, thì có thể khẳng định văn hóa quyền lực còn quan trọng hơn quyền lực.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi nghĩ rằng, trước khi trao quyền lực, cơ quan và cá nhân được trao cần phải được giáo dục đầy đủ về văn hóa quyền lực.
Chỉ khi thống nhất được các nhận thức cơ bản trên, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa câu nói của Hồ Chủ Tịch: “giành chính quyền khó, giữ chính quyền khó hơn” - Đó vừa là lý luận vừa là hành động, vừa là thực tiễn lại vừa là chân lý vậy.