Hạnh phúc tìm đâu?

Từ lạc thú, chúng ta hãy bước vào địa hạt mênh mông cao cả của hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Đó là tra vấn khiến chúng ta như vừa muốn khoa chân múa tay hùng biện về sự tất yếu của nó như thể đang phô diễn nhịp tim hồi hộp của tình yêu trước người bạn tình cuộc đời, như vừa tắc nghẹn không nói lên lời trong nỗi mặc cảm tự ti của đôi tay ngắn cùng kiếp người trước chân trời hạnh phúc cứ lùi ra vô tận. Tuy vậy, chúng ta cũng gắng dọn đường để đi đến một định nghiã về hạnh phúc. Và khởi đầu chúng ta hãy mở cẩm nang Aristote ra, mặc dù cái nền móng hạnh phúc sắp đặt ở đó đã ít nhiều bị đặt ra ngoài không gian huyền nhiệm của chính nó. Theo Aristote thì: hạnh phúc được xem như một chuỗi liên tục hoặc hội tụ của các lạc thú.

Quan niệm này cũng khá căn bản và mạch lạc, bởi lẽ nếu chúng ta thừa nhận rằng: khoái lạc là những bông hoa tô thắm cuộc đời, thì dường như chúng ta phải đi đến một suy luận khác là: cuộc đời càng có nhiều bông hoa tươi thắm là một cuộc đời đẹp, một cuộc đời hạnh phúc! Tuy nhiên cái hình ảnh mô hình hóa cuộc đời bằng vườn hoa này có gì không ổn, bởi một lẽ nếu có một vườn hoa xum xuê thì liệu đã đủ sức mạnh để thuyết phục rằng những bông hoa đã tỏa hương sắc để quyến rũ tuyệt vời chưa?

Hương sắc của bông hoa chính là ý nghĩa cuộc đời, và lạc thú chưa đủ sức để đồng hóa với hạnh phúc bằng số lượng, mà ngược lại nó chỉ tỏa thành hương thơm hạnh phúc khi nó mang một ý nghĩa mãnh liệt sâu sắc cho cuộc đời toàn diện. Nếu con người là tinh thần thì cuộc đời là ý nghĩa về cuộc đời! Và hạnh phúc cũng là ý nghĩa về hạnh phúc! Vậy hạnh phúc là gì? Chúng ta hãy xem cái bóng đỏng đảnh của nó qua một phương ngôn: “Hạnh phúc là một cái bóng mình theo nó, nó chạy”. Thế là thêm một lần nữa hạnh phúc lại thoát khỏi tay chúng ta. Chúng ta vừa trực ôm lấy nó ghì xiết lại, thì nó lại tuột khỏi tầm tay, và oái oăm thay nó chẳng chịu bay vút ra xa, mà cứ nhởn nhơn dập dình trêu ghẹo trước mắt chúng ta hệt như cái đốm sáng phát ra từ mảnh gương vỡ của một thằng bé tinh nghịch đang giỡn con mèo.

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại một định đề hạnh phúc được coi như nền tảng đạo lý đầu tiên của khoa triết học nhân sinh do ông tổ Socrate thiết định:

Lý trí = Đức hạnh = Hạnh phúc

Theo Socrate thì hạnh phúc chỉ có được khi đặt trên nền tảng một lý trí sáng suốt và một đức hạnh thiện hảo. Bởi lẽ đó, hạnh phúc chẳng thể là một tổ hợp của những lạc thú. Để hiểu cặn kẽ hơn ý tưởng của ông tổ đạo lý, chúng ta hãy tham dự cuộc tranh luận của ông với Giorgiar thủ lĩnh phái ngụy biện gia (tôi xin tóm lược).

Sau khi nghe Socrate tuyên xưng về một hạnh phúc đầy đạo hạnh, một hạnh phúc phải được lý trí tiết chế hòng thiết định sự cân bằng của tâm hồn và thể xác, của phóng dục và đức hạnh, giống như ăn uống phải chừng mực nếu không sẽ hủy hoại dạ dầy hoặc mắc chứng “tào tháo đuổi” hay khó tiêu, giống như chơi bời phải điều độ nếu không sẽ hủy hoại sức khỏe hay thân xác. Giorgiar đã lớn tiếng phản bác:

- Ăn uống phải chừng mực, đó là khẩu hiệu của những kẻ mắc bệnh tật phải kiêng khem! Chơi bời điều độ là phương châm của những kẻ yếu ớt, nhút nhát không đủ kiêu hùng để chịu chơi trong cuộc đời! Đối với tôi, một kẻ có thân thể cường tráng khỏe mạnh biết thưởng thức món ăn như một con sói đói, biết tung hê những suy tính vụn vặt, yếm thế, rụt rè để chơi cho thỏa chí tang bồng. Hắn sống ào ạt trong khoái lạc, đó là hạnh phúc.

Socrate nói:

- Chúng ta hãy tạm coi một kẻ như là hạnh phúc nếu hắn vừa hấp thụ được nhiều lạc thú, vừa phóng thể được nhiều khoái lạc?!

Giorgiar:

- Đúng vậy!

Socrate:

- Như vậy kẻ đó giống như một chiếc thùng, nước càng chảy ào ạt vào thì hắn càng được hưởng thụ, và để nước tuôn chảy vào liên tục dào dạt trong chiếc thùng, kẻ đó phải đục thủng những chiếc lỗ để nước thoát ra; càng đục nhiều lỗ càng tốt vì nước càng thoát ra khỏe, nước càng ra khỏe thì nước chảy vào càng được nhiều. Có đúng không? (Chúng ta có thể liên tưởng đến đầu vào và đầu ra của hưởng thụ và phóng dục).

Giorgiar :

- Đúng vậy!

Socrate:

- Nếu vậy, một chiếc thùng có thể để nước chảy vào nhiều nhất là chiếc thùng không đáy, bao nhiêu nước chảy qua cũng mặc lòng?

Giorgiar (ngập ngừng):

- Đúng vậy!

Socrate:

- Một chiếc thùng không đáy không còn là chiếc thùng nữa. Một con người không còn khả năng tích tụ được những gì mình hấp thụ không còn là con người nữa. Bởi vậy con người như chiếc thùng đó phải có khả năng điều hòa được lượng nước chảy vào và lượng nước chảy ra. Vì vậy hạnh phúc phải được đặt trên nền tảng của một lý trí xem xét, tiết chế, cân đối và cân bằng giữa tâm hồn và thể xác. Đó cũng là đức hạnh.

Đó là cách nhìn nhận của Socrate theo nhãn quan triết lý, quan niệm này có thể gây cho không ít người trong chúng ta sự khó chịu bởi cách đồng hóa biểu tượng với ý nghĩa đích thực, và chiếc thùng với con người da thịt. Tuy vậy chúng ta hãy nhìn nhận thật nghiêm túc quan niệm của Socrate và soi chiếu nó vào đời sống thực. Chúng ta hãy nhìn kẻ muốn thụ hưởng tột bậc lạc thú ăn uống, hắn nốc hết cốc rượu này đến cốc rượu khác, rồi hắn say xỉn, đổ quỵ, nôn mửa, mê man bất tỉnh, hắn có hạnh phúc không khi mà thân xác hắn đã phóng thể toàn diện: danh dự trước mắt mọi người? Một kẻ tham lam ăn đến ngắc ngứ, cái lưỡi đã quá ngấy của gã liệu có còn biết thán tụng lên vài lời để ca tụng món ăn? Không! Hạnh phúc là một ngây ngất tột đỉnh nhưng lại buộc phải là một nghệ thuật hòa điệu vi diệu: lý tính và cảm tính. Saint Beuve nói: “Trong chén rượu đời thường chỉ thêm một giọt... là nó sẽ tràn ra mùi vị đáng ghét.”

Hạnh phúc là gì? Ít nhất nó là dòng chảy nối tiếp hạnh phúc, bởi con người không muốn kết thúc hạnh phúc của mình. Hạnh phúc là những lạc thú phải nuôi dưỡng và nối tiếp lạc thú, chứ không phải chấm dứt lạc thú. Là vị ngon giữ lấy vị ngon, chứ không phải thứ vị ngon bay lên mùi chán ngấy. Là đam mê nối tiếp đam mê chứ không phải sự thui chột đam mê! Là cuộc sống nuôi lấy hy vọng khát sống! Là cuộc đời khai triển ý nghĩa về cuộc đời mãi mãi tinh khôi và miên viễn! Hạnh phúc giống như nghệ thuật huyền nhiệm của sân khấu cuộc đời: nó vừa ấp ủ che giấu để nuôi dưỡng lòng hồi hộp chờ đợi, vừa bày tỏ cho thoả chí tò mò mà vẫn không quên che đậy ấp ủ trở lại để nuôi dưỡng khát vọng tìm tòi. Schopenhauer nói: "Sự thoả mãn mà thế giới có thể đưa lại cho các dục vọng của chúng ta cũng như bố thí cho người ăn mày đủ sống hôm nay để rồi mai lại đói".

Trong tình yêu cũng vậy, người ta chỉ còn yêu nhau chừng nào còn khát nhau, và khi cơn khát chấm dứt thì tình yêu cũng hết. Bởi vậy bổn phận của những kẻ đang yêu là phải tự nuôi lấy cơn khát cho mình.

Đến đây, chúng ta hãy tìm cách lý giải hạnh phúc bằng thực thi toàn diện con người. Con người là tâm hồn và thể xác, bởi vậy hạnh phúc trọn vẹn của con người là hạnh phúc ở đó nó hội nhập được cả hai cuộc cứu rỗi tâm hồn và thể xác cùng một lúc, và nó phóng thể nhờ cuộc giải phóng của tinh thần và sự giải toả cơn khát của thân xác cùng một trật. Tuy vậy, hạnh phúc của con người luôn có nguy cơ bị kẻo xuống làm chức năng thoả thuê khoái lạc thân xác, bởi lẽ thân xác như một thiếu nhi nũng nịu bé bỏng luôn gào la vòi vĩnh đòi những món quà thị dục đầy cám dỗ, thêm nữa "Sự băng hoại của tinh thần len lỏi vào tâm tư rất êm đềm và vô thức" (Kinh Phật). Và khi chúng ta có một tinh thần băng hoại thì hạnh phúc mà thân xác kiếm chác được liệu có phải là thứ hạnh phúc toàn diện? Không? Hạnh phúc chỉ toàn diện khi nó nâng cả thận xác và tâm hồn con người lên trong cuộc cứu rỗi cao cả. Con người là con người hạnh phúc khi nó uống đã cơn khát của mình bằng cách tự nâng cao và tôn vinh chính mình. Chúng ta hãy lắng nghe lời nói của khát vọng hạnh phúc đang say khát thăng hoa: "Chừng nào mà cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng đồng nhất" (Nietzsche).

Đến đây, chúng ta có lẽ nên rẽ vào con đường của Kant để tìm kiếm một nền tảng khả dĩ cho bản tính của hạnh phúc. Kant đã bỏ rất nhiều công phu để lần theo con đường hạnh phúc và ông kết luận: "Con người chỉ có khả năng sinh hoạt cho đáng được hạnh phúc, chứ con người không có khả năng tự minh đạt tới hạnh phúc bởi vì con người không sáng tạo nên vũ trụ cùng với những điều kiện khách quan của hạnh phúc".

Dù sao thì hạnh phúc cũng chỉ là phá sản của chứ hạnh phúc chẳng thể nào tạo dựng nổi con người.

Bởi vậy, có lẽ hạnh phúc chỉ là cái' bóng của chủ thể dũng mãnh, càng tao nhã thì chiếc bóng sẽ phản ánh đúng tất cả những giá trị mà nó mang lấy của chủ thể sáng tạo. Khi con người muốn xây dựng một đời sống con người phải xây dựng và đào luyện sao cho mình hạnh phúc tự nó sẽ mang lấy xứng đáng, thiện hảo và cao thượng.

Một nữ văn sĩ có nói: "Hạnh phúc là một trái bóng mình rượt bắt nhưng mỗi khi đụng lới mình lại đá đi, nên mình theo đuổi nó hoài". Quả vậy cuộc đời là một đam mê sống, và con người "sống với" không phải là những con người khư khư giữ lấy trái bóng bất động cho mình, mà ngược lại con người đã tham gia vào cuộc cộng tồn nhân loại với tha nhân bằng cách tham dự vào cuộc khơi chung". Nhưng con người chỉ sống khi mà cuộc chơi này cứ kéo dài mãi mãi, và trận đấu này kết thúc thì trận đấu khác lại mở ra. ý nghĩa hạnh phúc cũng nằm ở đấy, ở giữa cuộc chơi này. Trận đấu chỉ đẹp, sôi động cuồng nhiệt sự tán thưởng khi những cáu thủ của trận đấu là những cầu thủ tài năng đá hết mình một cách chân thành và biết chơi đẹp. Trận đấu hay hoặc tẻ nhạt là tuỳ thuộc ở các cầu thủ chứ không phải ở trái bóng.

Cũng vậy, hạnh phúc luôn luôn bám sát và mỉm cười với những con người xả thân phấn đấu cho nó, chứ không đến với những kẻ hèn nhát bệnh hoạn và suy thoái. Một kẻ gian trá bệnh hoạn có thể kiếm được chức tước tiện nghi của cải nhưng bạn hãy tin rằng: "Người ta càng chạy theo hạnh phúc vật chất thì người ta càng xa dần hạnh phúc chân chính". (Kierkegaard - HTLHS, 59). Những kẻ gian manh có thể kiếm chác được lợi lộc từ những thủ đoạn nguỵ tín, song bạn hãy tin rằng đó không phải là hạnh phúc, bởi chính những kẻ đó luôn luôn phải nơm nớp thủ thế với chính người thân của hắn vợ con hắn, đồng đội hắn, và kết quả là sự gian trá của hắn chính là lực xung phá cuộc sống của hắn ngay từ bên trong. Đó là thực tại, bạn đừng từ chối nó như từ chối một chân lý.

Một xã hội đầy rẫy những kẻ khôn lỏi ma lanh luôn muốn chụp giật đánh lưới của người, xã hội đó chắc chắn sẽ là một xã hội nghèo nàn đổ nát, và có phù phiếm xa hoa thì cũng chỉ là thứ học đòi nhơ nhớp. Một xã hội giàu mạnh, chắc chắn phải là xã hội của những người chân thật, ở đó: chính trị ra chính tả, học giả ra học giả, nhà buôn tay nhà buôn, và ngay cả con điểm sẽ bị nhận ngay ra là gái điếm, thằng ăn cắp cũng ra thằng ăn cắp - chứ ăn cắp không ở lẫn với người ngay... Lịch sử đã chứng tỏ, nền văn minh Hy Lạp sở dĩ cho đến tận ngày nay vẫn còn đổ bóng giá trị xuống toàn nhân loại là bởi vì xã hội Hy Lạp cổ đã được xây dựng trên những giá. tứ bình an và thiện tín. Một xã hội đầy rẫy khôn lỏi sẽ chỉ là xã hội chuyên chú móc túi vặt. Bởi vậy, hạnh phúc trước hết phải được dựng trên nền tảng chân thành, và con người hãy sống xứng với phẩm giá như thể nó là một hành khách xứng đáng đang đón đợi con tầu hạnh phúc chân chính!

Con người khát sống! Con người là kẻ hành hương đi tìm hạnh phúc! Song bi kịch thay, con đường hạnh phúc đó lại chông chênh leo qua miệng vực đau khổ và chẳng phải phi lý khi mà nhiều người đã ca thán "Cái lầm lỡ nhất của loài người là cuộc đi tìm hạnh phúc". Cũng chính để tránh gặt hái đau khổ trên gót Đức Phật Thích Ca chủ trương rèn luyện triệt để mong tiêu trừ tận gốc cả hạnh phúc - quê hương chốn giáo coi khát vọng hạnh phúc là hậu họa của đau khổ, chính E.Mounier cũng đại diện cho số đông những con người bình dị khi kêu lên :"Có những bệnh của hạnh phúc không?"

Người Anh có câu "Càng nhiều món ăn càng nhiều bệnh tật - Many dishes many diseases”. Tại sao khi con người muốn ăn ngon thì cùng lúc con người cũng rước lấy nhiều bệnh tật? Tại sao khi con người muốn say, ngây nhất trong ái tình đắm đuối, thì cùng lúc con người lại phải rỏ những giọt nước mắt chia ly đau xót nhất? Tại sao đội quân bên này có được vinh quang thắng trận, thì đội quân bên kia phải chuốc lấy thảm hoạ? Tại sao con người thích xa hoa để rồi phải tủi nhục trong bần hàn? Tại sao con người thích sự thông thái để rồi thấy mình ngu dốt?... Con người có sinh ra đề được hưởng hạnh phúc trọn vẹn không? Chúng ta hãy nghe câu trả lời đích đáng của Deter Wust: "Con người ở giữa trạng thái tâm lý và sinh lý, ở giữa đời sống và tinh thần. Nó không thoả mãn trong sinh lý cũng như không thể tìm sự yên tĩnh tuyệt đối trong tâm lý".

Vả lại, khi con người khát hạnh phúc chính là con người đã lựa chọn đau khổ rồi, bởi chính đau khổ chứ chẳng phải cái gì khác - sẽ xây nên nền móng của hạnh phúc. Đau khổ là một cơn khát của chính chiếc cổ họng khô cháy uống lấy những giọt nước mát lành - người ta càng khát uống nước càng thấy ngon.. Vào lúc lâm chung của cuộc đời, Socrate, ông tổ triết học đã giành giây phút cuối cùng để lý giải về ý nghĩa hạnh phúc cho các bạn' bè của ông. Khi viên quản ngục tháo xích để ông được thư giãn đôi chút trước khi uống thuốc độc, khi bạn bè gãi cho ông chỗ ngứa phồng rộp lên do dây xích để lại, ông bảo: Tôi cảm thấy khoan khoái quá! Bởi chính tả có được chỗ ngứa đó nên khi gãi mới cảm thấy sướng?

Hạnh phúc là vậy đấy, con người chỉ có thể có được nó trên nền tảng của đau khổ, giống như người ta phải có một chỗ thấp mướt hy vọng đắp lên chỗ cao. Về điểm này Nietzsche cũng nói: "Tất cả những vết thương đang tấy xưng một lớp da non".

Hạnh phúc là gì? là lý tính hay cảm tính? khi một cơ thể bệnh hoạn cần phải giải phẫu trong đau đớn thì nó có cảm thấy hạnh phúc không? Tất nhiên là không! Bởi lẽ tự nhiên cơ thể chối bỏ sự đau đớn, chối bỏ con dao mổ đang cắt vào da thịt. Nhưng tại sao khi con bệnh được chữa khỏi, anh ta đã nói với viên bác sĩ rằng: Cám ơn ngài! Tôi hạnh phúc quá, tôi đã được ngài cứu sống! Sớm hơn nữa, tại sao người bệnh lại tìm đến thuốc đắng để dã tật, và họ vừa nhăn mặt uống thuốc vừa tự nhủ "Ta hạnh phúc vì ta đã gặp được thuốc". Hạnh phúc nếu là của lạc thú thân xác thì hạnh phúc đó sẽ chối bỏ đau đớn! Hạnh phúc nếu là của lý trí, thì hạnh phúc đó sẽ tìm chọn một cứu cánh, một giải pháp!

Nhưng hạnh phúc chẳng phải của riêng thân xác cũng như lý trí, hạnh phúc là của con người toàn thể. Bởi vậy hạnh phúc tìm kiếm một giải pháp toàn diện. Hạnh phúc là gì? Nó là một huyền nhiệm mà kẻ đang trải qua không hiểu được đó là hạnh phúc, mà nó chỉ lý hội được đó là hạnh phúc toàn diện khi đã trải nghiệm qua. Một tình yêu chỉ được coi như là hạnh phúc khi nó tựu thành trái ngọt cho lứa đôi, ngược lại nếu nó tan vỡ trong đau đớn người ta sẽ cho đó là bất hạnh. Một ca mổ chỉ được coi như niềm hạnh phúc của người bệnh khi nó cứu được người bệnh, ngược lại nó sẽ trở thành thảm hoạ nếu giết chết người bệnh. Bởi vậy, Aristote cho rằng người ta chỉ được coi như là hạnh phúc sau khi thẩm giá bằng một nhãn quan chung kết của cuộc đời, ông. nói: "Liệu có kẻ nào được coi như là hạnh phúc khổ đang sống? Chắc chẳng có ai như Solon nói, chúng ta phải nhìn vào kết cục" (Should no man be called happy while he lives? Must no one at all, be called happy while he lives; must we, as Solon says, see the end.- The Pocket Aristote, 174).

Cuộc sống là cuộc hành trình, là quá trình sinh sống gắn liền với hoạt động của con người, chứ không phải cuộc ngưng đọng lý của sự yên nghỉ. Cũng vậy là con đường khát vọng truy cầu hạnh phúc hơn là chính hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc phải biết chủ động gieo cấy những nguyên nhân chính đáng hơn lâu thụ động chờ đón những quả sung phù phiếm được chăng hay chớ của định mệnh. Con người hãy lựa chọn một thái độ sống cho hạnh phúc "Hậu quả của hành động chân chính thì tinh khiết... và hậu quả quán tính thì ngu lậu" (Kinh Gita, 141).

Để có hạnh phúc bạn hãy lựa chọn hành động chân chính của một tinh thần sáng suốt hay quán tính ngu lậu của một thể xác lúc nào cũng chất đầy thị dục? Và cuối cùng bằng một bản lĩnh phi thường của con người, bạn hãy biết hy vọng! Hãy biết vượt thắng đau khổ! Hãy biết xây đỉnh non hạnh phúc từ chính' vực thẳm đau.khổ của mình! Péguy nói: "Hy vọng là điều độc nhất làm cho Thượng Đế cũng phải kinh ngạc".

Vượt lên tất cả khổ đau mà định mệnh giành cho bộ, bạn hãy vui sống lạc quan như một kẻ hành hương can trường đầy bản lĩnh đi giữa gió loạn cuộc đời. Hãy sống như lời nhắn nhủ của một Thượng Đế kiêu hùng "Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực của con nhỏ mọn thay" (Cựu ước).

Cuối cùng như một Iliat, một Ô-đi-xê, chúng ta hãy mang lấy một bản lĩnh bi tráng kiêu hãnh hào hùng để nhìn thẳng vào thực tại cuộc đời. Cho dù cuộc đời có đau khổ như "Nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn biển" (Đức Phật) thì chúng ta cũng chẳng ngại ngần gì mà không rỏ nước mắt để xây lên hạnh phúc chính đáng của mình. Dostoevski nói: "Nếu nước mắt của con người tràn ngập các đại dương thì hạnh phúc ở đâu cũng có".
Nếu nước mắt là con đường duy nhất của hạnh phúc! Nếu con người chẳng thoát khỏi con đường nước mắt để tạo dựng hạnh phúc của mình thì chúng ta hãy rỏ nước mắt, hãy khóc! Hãy khơi chảy tất cả các con sông để cho nước mắt chảy sôi cuồn cuộn!

Hãy khóc để những đại dương trào lên những con sóng thuỷ triều làm trầm lụt vũ trụ này. Hãy khóc để cho khổ đau, cho sự giác ngộ về khổ đau trở nên ngày càng mênh mông lồng lộng! Và lúc đó vũ trụ với những khổ đau bành trướng toàn vẹn sẽ trở nên thế giới của những tia sáng chói loà hạnh phúc và những đám mây ngũ sắc bay bổng dạt dao hân hoan ở khắp các tầng trời. Bởi lẽ:

Đau khổ lớn dẫn đến giác ngộ lớn!
Giác ngộ lớn dẫn đến cứu cánh lớn?

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post