Không có sự tử tế trên nền văn hóa suy đồi

Trong nhiều năm, công chúng khát khao một câu trả lời cho sự luẩn quẩn toàn diện mà xã hội đang mắc phải.

Phải có nguyên nhân gì đó giải thích cho tất cả hiện tượng tham nhũng, dối trá, những lon nước ngọt giả, những bữa tiệc thịt thối, thói phô trương của cải bất chấp trạng thái lam lũ chung của xã hội, hay cho sự thất bại của hàng loạt chính sách mà Nhà nước đã cố công “đưa vào cuộc sống”.

Bình luận về phát biểu của GS Hoàng Tụy, “không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi, người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng: “Tôi khái quát vấn đề của bác Hoàng Tụy lên là: Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa” (Phunutoday.vn, 22-6).

Hơn 100 năm trước đây, nhà văn hóa Phan Châu Trinh đã sớm nhận ra sức cản trở to lớn mà một nền văn hóa thấp kém gây ra đối với sự hưng thịnh của dân tộc. Ông đấu tranh để người Việt từ bỏ những thói hư tật xấu của mình, đọc sách để nâng cao dân trí và tiếp cận khoa học, rồi sau cùng mới có thể nói đến chuyện “dân sinh”.

Một thế kỷ trôi qua không phải chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử dân tộc nhưng người Việt ngày nay vẫn luẩn quẩn với những bài toán văn hóa mà Phan Châu Trinh đặt ra.

Ngó lên chính trường, người ta thấy ở đó những quan chức sẵn sàng biển thủ tiền thuế của nhân dân mà vẫn có thể đứng trước nhân dân để rao giảng đạo đức, thấy văn hóa trách nhiệm, văn hóa từ chức còn là một khái niệm xa vời; trông xuống đám đông, thấy hàng trăm ngàn thí sinh ngồi trong những phòng thi với đầy rẫy nghi ngờ về tiêu cực, thấy những bác sĩ đặt mạng sống của người dân bên dưới chiếc phong bì, thấy những chủ quán nhậu đặt dạ dày của thực khách bên dưới dạ dày của gà, heo…

Người Việt ngày nay đang phải đối diện với một sự thật rằng sự luẩn quẩn của xã hội trong vòng thất bại có phần của mỗi người mà không thể đổ lỗi cho riêng Nhà nước.

Previous Post
Next Post