Đây là vấn đề đã được bàn cãi rất nhiều không những ở nước ta mà khắp trên thế giới: có nên giữ triết lại trong chương trình trung học chăng? Đại loại thì kẻ thưa có, người thưa không, và chương trình được duy trì lưng chừng giữa có và không nên chẳng đi tới đâu hết. Lý do chính là tại triết đã chẳng ra cái chi nên nhiều người chủ trương thải bỏ triết khỏi chương trình trung học là có lý: có lý với cái triết học hiện đang được dạy khắp nơi.
Linh mục Morfaux có viết trong một số báo Etudes nào đó có câu sau: “hiểm họa của những lớp khoa học, toán học là đào tạo ra những nhà chuyên môn thuần tuý thiếu tình người, còn hiểm họa triết là biến thành một môn dạy những sáo ngữ rỗng tuếch và biến học sinh trở thành những tên tán dóc tàn tật tri thức”. Câu nhận xét trên thực là xác đáng bởi vì chính những triết gia gọi là lớn đã chưa thành đạt, thế mà ở trung học lại bàn về tất cả mọi ông lớn cũng như tất cả mọi ông bé thì các triết học đó chỉ còn là một sự học vấn về ý kiến của các triết học gia: biết được thì kiến thức rộng mà không biết thì hẹp hơn chút nhưng chẳng hề hấn chi hết, vì kiến thức rộng như biển khơi người chèo ra được một vạn thước có rộng hơn chèo ra được năm, sáu ngàn thước, nhưng cả hai là cái thá chi đối với đại dương… Vì thế đề nghị bãi bỏ triết ở trung học có lý do của nó.
Thế nhưng phái chủ trương giữ lại triết ở trung học vẫn thắng vì giáo dục cần phải có một cơ sở tinh thần, thiếu nó giáo dục sẽ đốc ra sự học vấn suông mà không còn phải là giáo dục nữa. Vì chỉ là giáo dục khi nhà giáo dục có một đạo sống để mà vun tưới nuôi dưỡng. Vậy mà khoa chú trọng đến việc này cách nghiêm chỉnh lại là triết. Chỉ có triết mới bàn về đạo sống trong toàn bộ, theo hệ thống và một cách phương pháp thấu triệt, ngoài triết ra không có khoa nào bàn về đạo lý chuyên chủ cả. Vì thế triết lý rất cần cho một nền giáo dục xứng danh là giáo dục nghĩa là có một cơ sở tinh thần để dạy cho người học đặng tài bồi vun tưới. Chính triết lý mới là cột trụ, là nền móng của giáo dục, thiếu nó tất cả các khoa khác không sao bù đắp hay thay thế được: không văn chương, không luân lý…..
Văn chương vì là nghệ thuật và môi trường hoạt động của hậu trường nên giả thiết người học đã học đạo lý ở trường rồi, nhà văn chỉ đề cập đến một hai khía cạnh mà ông cho là cần phải để đặt nổi bằng những nhận xét thực tế, có khi sâu xa, nhưng tất cả được trình bày cách nghệ thuật lồng vào một câu chuyện dài lê thê có khi đến ba bốn trăm trang nên dễ dàng che lấp mất cái ‘triết lý’ của ông định đưa ra. Vì mục đích nhà văn không phải bàn cách hệ thống về triết, nhưng là nắm lấy một hai khía cạnh của triết để móc nối vào thực tại phiền tạp, làm cho triết trở thành cụ thể sống động. Vì thế nó rất khác triết học về phương pháp.
Ở triết học khi bàn cùng một vấn đề cũng được bàn trong văn chương thì phải róc hết mọi rườm rà lèo lái như cốt truyện hoặc cả sự kiện nữa để chỉ gỡ lấy mấy nét căn bản hơn hết dồn vào có khi chỉ còn vài ba trang đặng bàn một cách trực chỉ, lý giải và đưa ra những hậu quả của các lối giải quyết khác nhau về một vấn đề, sau đó phải bênh vực một lối giải quyết mà nếu ở văn chương sẽ bị cho là lên mặt ‘dạy đời’. Nhưng đó lại là điều mà triết học phải gánh lấy như một trách nhiệm. Văn nghệ phải tránh ‘dạy đời’ nghĩa là tránh lối nói thẳng ra cấu kết, nhưng phải đưa ra cách khéo léo tàng ẩn bên trong những sự kiện, những tình tiết đã được trình bày cách rất nghệ thuật, y như tác giả ‘rất khách quanh’ nghĩa là ‘chủ quan’ được giấu rất tài đến nỗi độc giả được lùa dần vào câu kết như tác giả mong muốn nhưng không nói toạc ra.
Vì văn nghệ thuộc hậu trường, người đọc thường đã là thành nhân nghĩa là giả thiết đã có đủ khả năng tự lựa chọn. Còn triết lý dạy ở trường cho những người chưa đủ khả năng lựa chọn cách thức đầy đủ nên cần phải nói cho xác lý cho đủ mặt đặng dạy cho người học biết cách phân biệt đâu là chính đâu là tuỳ, đâu là phải đâu là trái, đâu là hơn đâu là kém tất cả đều cần có tiêu chuẩn. Hơn nữa dẫu là triết học có viết cho tất cả mọi độc giả cũng phải khác văn nghệ ở chỗ nói thẳng ra lập trường và những lý lẽ biện minh, sao cho độc giả thấy tác giả chủ trương như thế nào, lý giải có mạch lạc, và dựa trên nền móng vững chãi chăng, kiện chứng có xác thực chăng… Rất khác với văn nghệ ở chỗ đó. Đọc một tiểu thuyết chẳng hạn của Joyce gần một ngàn trang thế mà vị tất đã mấy ai hiểu tác giả muốn chủ trương cái chi. Cần phải xem xét kỹ lắm mới nhận ra. Đó là đường lối chính đáng của tiểu thuyết, của văn chương và như thế là nó đã làm xong sứ mạng của nó.
Còn nếu triết cũng đi theo lối lang bang dài dòng như thế thì làm sao bàn được những vấn đề lớn liên hệ tới đời sống toàn diện nghĩa là rất phiền toái, đa phương, cần phải có cái nhìn tổng quát điều lý tất cả theo một hướng đi. Vì thế mà văn chương không thể thay thế. Nói cụ thể nếu nước ta nay có thêm vài cụ Nguyễn Du nữa với dăm tiểu thuyết gia nổi tiếng cỡ Tolstoi, Faulkner, Dostoiewski… thì chúng ta có thêm rất nhiều hãnh diện, kho tàng văn hóa của chúng ta trở nên phong phú rất mực, nhưng chúng ta vẫn thiếu hướng sống, cũng y như thế giới hiện đại mỗi năm đều sản ra được những giải Nobel về thơ, tiểu thuyết, nhưng vẫn không có hướng sống, vì đó không phải là việc của thơ, của tiểu thuyết, của văn chương. Hướng sống là việc của triết và chỉ có triết mới làm được.
Triết học cũng không thể nhường chỗ cho luân lý (morale). Luân lý thường là hình thức nên đầy ước định, đầy công thức không phải là khoa khai nguồn sinh lực (Energétique). Vậy mà hễ cái gì đã ước định thì lập tức trở thành những vỏ cứng. Tuy vậy người ta cần chấp nhận vì nó rất cần cho đời sống công cộng, bởi không phải ai ai cũng có khả năng suy nghĩ, hoặc có giờ lý luận, nhưng hầu hết đang bận rộn với công việc của mình vậy cần một số công thức, một số ước định để điều hòa đời sống chung. Đó là lý do cần phải có luân lý hình thức, nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu mà thôi thì dần dần nó chỉ còn là những câu lắp lại cách máy móc cũ kỹ, sếu rác vì thiếu sinh lực, là cái chỉ phát xuất do tác động sáng tạo đổi mới và đó là việc của triết. Bởi thế triết chính tông bao giờ cũng là cuộc sáng tạo không ngừng, và nhờ đó chân trời mới được mở rộng ra, bơm sinh khí vào nền học vấn, làm thêm khoẻ mạnh cơ sở tinh thần, và nhờ đó trở nên uyển chuyển sinh động.
Nho Giáo ở thế kỷ trước đã không theo kịp đà tiến của thế giới là vì đã đốc ra một thứ luân lý hình thức trở thành câu chấp cứng đọng nên đã quỵ ngã trước sức tràn ngập của triết thuyết đầy hấp dẫn. Vì thế dẫu là có sách Kinh Điển đi nữa làm sao đối thoại nổi với những tư trào đang vươn lên như vũ bão. Kinh điển chi là mỏ, nếu không biết khai thác, lập nhà máy đúc kim để sáng tạo đồ dùng hợp thời thì có mỏ cũng vẫn yếu nhược. Vậy ai là người khai mỏ nếu không là triết lý. Chính vì chúng ta đã không sáng tác nổi một nền triết lý nhân sinh mới nên cả một lâu đài văn hóa lâu đời đành phải sụp đổ, kẻ sĩ thì rút vào vỏ cũ với thái độ chống đối tiêu cực, còn trí thức tân học thì hoàn toàn theo ngoại lai tuy có đủ mọi ngành rất phong phú nhưng lại thiếu triết lý nhân sinh, nên lung tung. Bởi thế dầu có sản xuất ra từng cả trăm áng văn thơ tuyệt tác, những tiểu thuyết tuyệt hay, văn chương kêu nổ như pháo Tết, hoặc có lập ra mấy hội bảo vệ luân lý, các tôn giáo có xây thêm bao nhiêu điện đài thì nước cũng vẫn mất hướng, con người vẫn cảm thấy thiếu quê hương, ấy chỉ vì bấy nhiêu không thể thay thế cho triết được.
Triết cũng không thể thay thế bằng khoa công dân giáo dục hay cả phép lịch sự (mà tiếng Tây quen gọi tôn lên là savoir vivre) vì đó chỉ có ý nói đến cái nếp sống chung cần một số ước định, một số công thức, tất cả đều vụ hình thức, thiếu hẳn chiều sâu làm sao mà thay thế nổi triết, là cái bàn đến những nguyên lý sâu xa về đạo trời, đạo đất, đạo người. Không những bàn đến các vấn đề xã hội thuộc gia đình chính trị, quốc tế mà còn bàn đến cả phép tu thân thâm sâu thăm thẳm. Bởi vậy thiếu triết học chân thực thì mọi nền giáo dục dầu có đầy đủ mấy về các phương diện khác cũng cần phải kể là nền giáo dục thiếu bản chất, thiếu linh hồn, nghĩa là thiếu cái tinh ba hun đúc hồn dân tộc, thiếu chất gắn bó keo sơn vì thiếu mất sức bổ béo của một món ăn nuôi dưỡng tinh thần, và do đó thiếu nó giáo dục hết xứng danh là giáo dục.
Chính vì lý do sâu xa đó mà triết lý đang được dạy ở trung học dầu chỉ là những công thức rỗng, làm cho người học trở thành phế nhân tinh thần, nhưng không một chính phủ nào dám loại ra, nên bỏ thương vương tội, và triết vẫn sống lây lất trong chương trình với một địa vị bà con nghèo, và những người hiểu chuyện cũng phải chấp nhận tình trạng bất ổn đó. Vậy để tránh sự bất ổn này chúng ta cần tìm ra một nền Triết Lý Nhân Sinh, nghĩa là một môn học về đời sống toàn vẹn của con người: những vấn đề sống sao cho phải đạo người cả riêng từng cá nhân cũng như chung cho xã hội. Cái gì làm tiêu chuẩn hướng dẫn vận hệ con người?… Tóm lại là những vấn đề thiết cận tới tâm khảm mọi người chứ không phải là một nền triết bàn về bất cứ vấn đề nào.
Chính bởi còn thiếu một nền triết như thế mà giá trị triết chưa được nhìn nhận và giá trị của triết trong chương trình bị chối cãi cách nghiêm nghị, và đó cũng là vấn đề bế tắc trong các cuộc bàn cãi về giáo dục ở Tây Phương. Riêng nước Pháp đã bàn cãi cả gần ba chục năm nay mà vẫn chưa tìm ra lối thoát. Làm sao tìm ra nổi khi triết chưa ra hồn triết. Mặc cho nhà đèn chôn cột, mắc dây bắc bóng xanh đỏ đủ màu, nhưng nếu máy phát điện trục trặc thì thay dây thay bóng cả trăm lần cũng thế. Nước ta hiện đang bị bế tắc y hệt vì chương trình chúng ta theo Tây, thì rau nào sâu nấy. Tuy nhiên nếu muốn thoát ra khỏi ngõ bí thì chúng ta có phương thế, đó là trở lại với Kinh Điển của Tiền Nhân những sách này đã chứa sẵn một nền MINH TRIẾT Căn Bản (Sagesse Principiele) ta chỉ cần nhận thức lại giá trị thì sẽ có thể thiết lập ra một nền Triết Lý Nhân Sinh khả dĩ đáp ứng nhu cầu hiện đại cũng như đáp ứng được nguyện vọng dân tộc là đưa ra được một Cơ Cấu Tinh Thần và dưỡng nuôi cơ cấu đó bằng phương pháp tối tân mà không sợ mất hướng.
Vì những lý do rất nghiêm trọng thiết yếu đến thâm tâm từng người cũng như đến vận hệ quê nước như thế nên chúng tôi đề nghị không những phải giữ triết ở trung học, mà còn phải đưa ngày vào từ đệ ngũ và đệ tứ. Nhưng triết dạy ở đây sẽ là Triết Lý Nhân Sinh tức là nền triết phát huy từ KINH ĐIỂN, từ vốn liếng dân tộc, tuy có thể và phải vay mượn yếu tố ngoài nhưng Nền Móng phải là Văn Hóa Viễn Đông tức là nền NHÂN BẢN TÂM LINH nhưng được trình bày có Mạch Lạc Khoa Học. Những sách này chưa có trong chương trình. Nhưng hiện nay nước nhà đã có khả năng làm được hơn thế hệ trước mới chỉ làm được có Luân Lý và Sử Triết. Một khi có được nền Triết Lý Dân Tộc như thế là chương trình sẽ đặc biệt ở chỗ tất cả mọi người đến tuổi đều phải học một ít TRIẾT, nói khác là ĐẠO LÀM NGƯỜI. Vì thế cần đưa lên tới đệ ngũ, để cho đông đảo người trong nước có thể tham dự.
Nếu đưa cả vào tiểu học được càng hay, nhưng vì triết đòi một trình độ học vấn và một số tuổi nào đó nên không thể đưa vào tiểu học. Tiểu học chỉ có thể học thuộc lòng kinh điển và biết nghĩa đen, để sau này khi lớn lên có thể xem thêm sách triết. Hai năm đệ thất và lục đã có thể giải rộng kinh điển theo lối văn học. Rồi sang đệ tứ và ngũ đi vào triết học ở cấp sơ đẳng. Nếu trung học còn nối tiếp sau năm đệ tứ thì đệ tam sẽ học triết chuyên môn. Lúc ấy ta có thể dùng những sách triết đang dạy hiện nay, nhưng bỏ bớt đi lối 2, 3 để dành chỗ cho Triết Đông đặng có thể trình bày cho học sinh một nền Triết Tổng Hợp. Giữ y nguyên triết như đang dạy hiện nay thì tổ cho người đời hiểu lầm triết là cái gì vớ vẩn, bởi hiện nó vớ vẩn.
Vì thế rút bớt triết học cũ và đi mạnh vào Triết Mới để dễ hợp với Triết Đông đặng làm nên một Tổng Hợp.
Đại để đó là một cải cách then chốt mà bao lâu chưa hiện thực được thì chương trình giáo dục có sửa đổi theo đâu: Anh, Mỹ, Pháp, Nga… thảy đều là vá víu. Còn từ khi vào Đại Học thì hoàn toàn tự do để giáo sư lựa chọn xông xáo hầu chu toàn sứ mạng của đại học là mở rộng chân trời đi tìm khám phá, tân tạo.
Vì TRIẾT là Xương Sống của nền Giáo Dục, nên trong những lớp chuyên môn về bất cứ ngành nào cũng phải dạy thêm Triết như Văn Hóa Liên Hiệp Quốc khuyến cáo. Tuy nhiên đó phải là TRIẾT Chính Tông chứ không phải là luận lý hay luân lý hình thức như ta thấy hiện nay được dạy cho các ban A, B tú tài, hay các lớp đại học khoa học: nội một việc đó đủ tố cáo người làm chương trình chẳng hiểu triết là chi hết. Khoa học hay chuyên môn có thể nguy hiểm, làm khô cạn lòng người: Khoa Học mới cần đến TRIẾT đưa lại cho cái nhìn Toàn Diện, vậy mà lại đưa cho có ‘phương pháp’, thực tế là luận lý là biện chứng tức là một ngành hình thức và vụn mảnh nhất của Triết (xem “Tâm Tư”).
Người học khoa học cần điều hòa Tâm Tình bằng cái nhìn bao la mà lại đưa ra cái phương pháp triết chẳng ra triết, khoa học chẳng ra khoa học. Ý như khi ta muốn nghe nhạc, ngâm thơ lại chỉ được nghe phân tích nốt nhạc có bao nhiêu rung động, vần thơ phải trắc trắc bằng bằng ra sao… như thế thì triết bị coi khinh thật đáng kiếp. Vậy cần dạy cho các người chuyên môn những vấn đề Con Người và khoa học khai thác nguồn suối sinh lực trong Tâm Hồn… như được bàn đến trong các Sách TRIẾT có Chất TRIẾT.
Kim Định
(Trích “Hiến Chương Giáo Dục")