Trái đất 4,5 tỉ năm tuổi. Nếu sự sống 3,5 tỉ năm trên địa cầu thun lại còn một phút và bắt đầu với các con vi khuẩn đơn bào thì có 50 giây cho sự sống đa bào để từ đó loài vật tiến hóa phức tạp. Vào 0,002 giây cuối cùng thì con người hiện đại mới xuất hiện. Trong muôn loài, người có bộ não lớn nhất tính theo tỷ lệ với cơ thể. Thể tích não tăng dần theo thời gian. Sự sinh tồn đòi hỏi các hành động và phản ứng ngày càng phức tạp để thích ứng môi trường sống. Bộ não người phải tiến hóa cho kịp. Khoảng 10.000 năm nay, bộ não cho con người bao nhiêu là quyền năng.
Khi báo và sách in lan tràn giúp việc đọc, học được phổ cập, có nỗi hoảng loạn ở giai cấp lãnh đạo khắp châu Âu. Các giáo sĩ không kiểm soát được tín ngưỡng. Các vương triều không thể đè nén đời sống chính trị. Giới trí thức băn khoăn “sự xáo trộn do sách làm mỏi con mắt, đau ngón tay”. Edgar Allan Poe kêu lên “lượng sách khổng lồ là các bóng ma của thời đại, chướng ngại lớn cho việc nắm thông tin chân xác”.
Internet làm đổi thay mọi thứ. Sự bùng phát đời sống kỹ thuật số cũng gây các cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều người như Patrick Tucker (báo Futurist), Baroness Green (đại học Oxford ) cảm thấy là internet không để dấu ấn dương cho thế hệ sắp tới mà đang tạo chiều hướng đi xuống. Lớp trẻ ít suy tư hơn, thiếu chiều sâu trí tuệ, đầu óc mông lung lơ đễnh. Mới đây hai tác phẩm của Nicolar Carr Phải chăng Google làm chúng ta ngu đi và internet khiến chúng ta nông cạn hơn gây xôn xao. Evgeny Morogov cho rằng mạng thỏa mãn các nhu cầu cấp thời, đánh đổi cách suy tư sâu sắc. Nhiều người khác như Joshua Green (đại học Harvard), Russell Newman (The Chronicle) không chia sẻ như vậy. Còn Clay Shirkey, Steven Pinker thì thấy internet làm người ta khôn hơn.
Nhiều băn khoăn cho lớp trẻ, thế hệ đẻ ra cùng kỹ thuật số (digital native). Trẻ con và thanh niên để nhiều giờ dùng vi tính, điện thoại di động (lúc đang lái xe?), xem tivi, tìm thêm bạn, gặp bồ bịch… Giới trẻ sẽ phát triển kiểu nào đây. Có những nhận định thuận lợi là thế hệ digital native (M2) có thể tạo ra hàng loạt thông tin mà chúng ta không nghĩ được.
Tiếng hót của một loài chim. Gary Small, đại học UCLA, nhận định “từ khi con người hoang sơ biết cách dùng một công cụ thì nay bộ não con người mới bị tác động nhanh và mạnh đến thế”. Nghiên cứu mới đây của nhóm ông cho thấy người lớn tuổi lướt web có thể tăng chức năng não.
Có loài chim học được những điệu hót mới. Thì ra bộ óc chim sản sinh được những nơron mới giúp ghi nhớ. Khoảng 20 năm trước, chim hót đã gợi ý tìm ra sự sinh nơron mới ở não người. Nơi phì nhiêu cho nơron nảy mầm: vùng hải mã dạng nằm sâu trong não, đặc trách về học hỏi và ghi nhớ. Não có tính mềm dẻo để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh.
Bộ não toàn cầu. Khoa học gia bộ não Jeffrey Stibel hồ hởi. Internet không chỉ là một loạt các mạng lưới vi tính gắn kết nhau mà thực sự là mô hình của bộ não người ở bên ngoài não. Chắc chắn internet có tác động lên bộ não nhưng chính bộ não người hoạch định tương lai của mạng.
Mỗi thế hệ phải thích ứng với sự thay đổi. Nông nghiệp làm thay đổi thế giới. Rồi đến chữ viết, cách mạng in ấn, thuốc súng, cách mạng công nghệ… Không bao giờ đứng yên. Internet là thế giới mới của chúng ta. Không lùi được. Còn lựa chọn nào khác hơn là bước vào thế giới không ngừng tiến hóa này. Không phải trên trời rơi xuống, internet phát triển và tiến hóa do yêu cầu của chúng ta.
Điện thoại di động liên lạc với các tháp thu phát thông qua các sóng RF, một dạng năng lượng điện từ. RF không phải là bức xạ ion-hóa, không gây ung thư bằng cách trực tiếp làm hư phân tử DNA. Sóng phát từ ăngten của điện thoại. Áp vào tai, năng lượng nhận càng nhiều khi ăngten càng gần đầu, thời gian dùng càng lâu.
Không có kết luận dứt khoát. Công trình nghiên cứu INTERPHONE từ 13 quốc gia với sự hợp tác của tổ chức Y tế thế giới, lớn nhất cho đến nay vừa công bố vào tháng 5 qua. Nhìn chung không thấy mối quan hệ giữa nguy cơ bướu não với số lần gọi, thời gian gọi, dùng trên mười năm. Nhưng có thể gia tăng nguy cơ ung thư não (loại gliôm), bướu lành màng não ở 10% người dùng thật nhiều. Không có kết luận dứt khoát, cần nghiên cứu tiếp. Khảo sát lớn ở Đan Mạch (1982 – 2002): dùng lâu hơn mười năm không liên quan đến nguy cơ bướu não, bướu tuyến mang tai. Kết quả này khó áp dụng cho hiện nay, khi người ta dùng điện thoại nhiều hơn, thường hơn. Phần lớn các nghiên cứu không cho thấy điện thoại cầm tay gây bướu não. Tuy nhiên có những hạn chế khiến tranh cãi vẫn tiếp diễn. Mới được dùng đại trà khoảng hai mươi năm, mà ung thư cần phải nhiều chục năm mới xuất hiện. Liên tục đổi kiểu đổi đời, kết quả nghiên cứu trước khó áp dụng bây giờ. Còn chưa lưu ý lớp trẻ. Não còn non có thể nhận chịu nhiều tổn hại hơn, tuổi đời dài, tác hại xuất hiện trễ.
Có vài lời khuyên: Giảm nghe cầm tay. Bớt áp máy chỉ một bên tai. Rút ngắn cuộc gọi. Tránh dùng lâu mỗi ngày. Hạn chế cho trẻ em dùng.
Mắt sáng như mù. Tay lái Honda, tay cầm di động, bịt một lỗ tai: não bị rối. Mũ bảo hiểm chỉ che hộp sọ, điện thoại cầm tay làm khổ não. Bộ óc chúng ta không được thiết kế để làm đồng thời hai nhận thức phức tạp như là lái xe và nói chuyện điện thoại, gửi email… đầu óc lơ đễnh, mắt sáng như mù, thấy không tới phân nửa cảnh vật. Xe hơi vô tư vượt đèn đỏ, gắn máy không tránh ôtô. Tại Mỹ, khoảng 6.000 người chết năm 2008, trong đó có 659 trong tuổi teen, lái xe dùng điện thoại làm giảm hoạt động của não đến 37%.
Kỳ diệu nhất
Thomas Edison, bộ óc thiên tài, người phát minh bóng đèn điện nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của cơ thể là mang bộ óc đi đây đi đó”.
Michelangelo vinh danh bộ não. Từ nhỏ đã mổ nhiều tử thi nghiên cứu, Michelangelo là bậc thầy về cơ thể người. Với các tác phẩm để đời, ông thể hiện rất chính xác khuôn mặt người. Tôi ngẩn ngơ ngắm tượng David ở Florence , ngất ngây với hình ảnh Chúa trời trên vòm trần nhà nguyện Sistine ở Vatican , đặc biệt bái phục cách vinh danh bộ não con người. Năm 1990 bác sĩ F. Meshberger đã gợi ý là bức họa Sự tạo ra Adam, có lồng ghép não người. Mới đây (tháng 5.2010) bác sĩ R.Tamargo, đại học Johns Hopkin nhận ra là hình bộ não người được gài vào cổ trước của Chúa trời trong bức họa Sự phân chia Sáng Tối. “Nhà danh họa thời Phục hưng đem bộ não gởi gắm vào sự sáng tạo của vũ trụ vì đây chính là một trong những điều kỳ diệu nhất Chúa trời tạo ra”.
Thomas Edison, bộ óc thiên tài, người phát minh bóng đèn điện nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của cơ thể là mang bộ óc đi đây đi đó”.
Michelangelo vinh danh bộ não. Từ nhỏ đã mổ nhiều tử thi nghiên cứu, Michelangelo là bậc thầy về cơ thể người. Với các tác phẩm để đời, ông thể hiện rất chính xác khuôn mặt người. Tôi ngẩn ngơ ngắm tượng David ở Florence , ngất ngây với hình ảnh Chúa trời trên vòm trần nhà nguyện Sistine ở Vatican , đặc biệt bái phục cách vinh danh bộ não con người. Năm 1990 bác sĩ F. Meshberger đã gợi ý là bức họa Sự tạo ra Adam, có lồng ghép não người. Mới đây (tháng 5.2010) bác sĩ R.Tamargo, đại học Johns Hopkin nhận ra là hình bộ não người được gài vào cổ trước của Chúa trời trong bức họa Sự phân chia Sáng Tối. “Nhà danh họa thời Phục hưng đem bộ não gởi gắm vào sự sáng tạo của vũ trụ vì đây chính là một trong những điều kỳ diệu nhất Chúa trời tạo ra”.