Người Việt tọc mạch vì bản chất làng xã còn rơi rớt

Bàn về tính cộng đồng của người Việt trong xã hội hiện đại, GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) cho biết, xã hội hiện đại ở nước ta, hoàn cảnh sống thay đổi nhưng bản chất của cộng đồng người Việt vẫn là cộng đồng làng xã vẫn còn rơi rớt.

Tính cộng đồng đã từng tạo nên sức mạnh cho dân tộc, xã hội nông thôn, nhưng ngày nay tính cộng đồng đó thể hiện có mặt trái của nó. Chính tư tưởng bình quân “con gà tức nhau tiếng gáy” là sản phẩm của tư tưởng cộng đồng kiểu thôn xã này và nó là căn nguyên nảy sinh nhiều vấn đề không hay trong xã hội hiện đại, đó là sự tọc mạch, chĩa mũi, kèn cựa nhau.

GS Thịnh cho biết, cộng đồng người Việt hiện đại bản chất vẫn là cộng đồng làng, rất bền chắc và cũng rất dễ vỡ. Khi có sức ép thì gắn kết với nhau nhưng khi môi trường thay đổi thì dễ mỗi người một mánh. Xã hội cộng đồng đẻ ra tư tưởng bình quân, sợ người khác hơn mình, do vậy mà kèn cựa, tọc mạch nhau.

“Vì chưa kịp thích nghi với hoàn cảnh mới, môi trường mới nên dù ở đô thị nhưng “tính cộng đồng nông thôn” vẫn còn đầy rẫy. Để ý nhau từng tí một, thấy người ta kém mình thì thương, bằng mình cũng được nhưng hơn mình thì chắc chắn không được. Cùng với đó là tâm lý đám đông, thấy một người làm là cả đám cùng làm, có sai thì cũng cả đám cùng sai chứ không phải mình mình. Đó là sự chậm trễ của tâm lý lối sống. Phải trải qua nhiều thế hệ mới có thể thay đổi”, GS Thịnh lý giải thêm.

Với ý kiến cho rằng, sự lộn xộn, lố bịch này là do sự phát triển chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa (chú trọng đổi mới kinh tế mà quên đổi mới văn hóa), GS Thịnh cho rằng điều này cũng không hoàn toàn đúng như vậy. Bởi văn hóa bao giờ cũng có “độ chậm” hơn kinh tế, văn hóa bao giờ cũng còn lại những tàn dư của giai đoạn trước.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng thói tọc mạch là của nông thôn, đổ lỗi cho người tỉnh lẻ đưa ra thành phố. Nhưng thực sự không phải thế, ở đâu cũng có cái tốt, cái xấu. Nông thôn có cái tốt của nông thôn, thành thị có cái xấu của thành thị. Bản chất của văn hóa là sự đa dạng, không thể so sánh văn hóa nào tốt hơn văn hóa nào được”, GS Thịnh lý giải thêm.

Hiếu kỳ là một nhu cầu, nhưng từ đó mà tọc mạch, soi mói là một thói xấu

Ở đô thị hiện đại, đời sống vật chất đầy đủ khiến con người ta trở nên nhàm chán. Chính vì vậy sự hiếu kỳ, tò mò, soi mói nhau là “con bệnh” dễ tìm được nơi “trú chân” ở xã hội đô thị. Giới truyền thông ở nhiều nước có xu hướng đi sâu vào khai thác đời tư, chuyện lạ để phục vụ “thị hiếu” không được lành mạnh này của độc giả thích sự giật gân, mới lạ của đời tư của mọi người, nhất là người nổi tiếng.

Theo GS Thịnh, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ, cái truyền thống đã và đang bị phá vỡ, cái hiện đại thì chưa hình thành. Sự lộn xộn này là tất yếu của giai đoạn lịch sử. Vì vậy chúng ta phải chấp nhận, không nên nôn nóng.

“Không ai bước lên văn minh bằng tấm thảm. Nhiều khi con người ta phải trả giá mới có được nó. Điều quan trọng là làm thế nào để không phải trả một cái giá quá đắt”, GS Thịnh nói.

Previous Post
Next Post