Lý do làm cuộc đời đáng sống

Chúng ta hãy xem cuộc đời là gì? Cuộc đời là cuộc đời hay cả bí nhiệm về cuộc đời? Cuộc đời là đời sống hay cả cái chết? Cuộc đời là con người hay toàn thể vũ trụ này?

Chúng ta hãy mở màn bằng một câu thật xác đáng của Sartre: “Anh chẳng là cái gì khác ngoài đời sống của anh.” Còn gì hiển nhiên hơn thế. Con người chỉ là con người với đời sống của nó, là con người đang sống, cuộc sống đó gọi tên con người giữa cuộc đời người, giữa kiếp người, giữa định mệnh làm người. Không có đời sống con người chỉ là cát bụi giữa cát bụi. Tuy vậy sự xác tín của Sartre dẫn ta đến đâu? Nó có dẫn ta trở lại một chân lý rụt rè cố thủ vẫn được xướng lên rằng: A = A không?

Không! Khi con người đã được định nghĩa như đời sống của nó, là nó đã di trú từ hữu thân xác sang môi trường sống, nó đã đi ra khỏi ngôi nhà của nó để bước vào giữa cuộc đời; nó ngừng hít thở thứ không khí dưỡng sinh vị kỷ của mình, mở rộng buồng phổi nhân quần hít thở với tha nhân, bởi lẽ sống là sống với. Nhưng khi con người di trú ra khỏi thân xác là lúc nó khởi sự bước đầu tiên cho cuộc đời huyền nhiệm. Bởi lẽ, lúc đó con người sẽ đặt câu hỏi: Ta đi về đâu? Ta là ai? Ta sống để làm gì? Tất cả những câu hỏi đó tra vấn con người, buộc nó phải tìm lời giải đáp, cũng như dấn thân tìm lời giải đáp. Vả lại những câu hỏi đó cũng qui định rằng: con người bắt đầu mở màn huyền nhiệm bởi lẽ nó sửa soạn lên đường với dự phóng làm người “Ta đi về đâu?” “Ta sống để làm gì?” của nó. Khi cuộc đời là một huyền nhiệm là lúc cuộc đời trôi tuột khỏi tay con người, bởi vì cuộc đời lúc đó là những tra vấn, là ý nghĩa, là dự phóng, là những giá trị tinh thần hơn là cuộc đời thân xác đang sờ sờ ra đấy. Chúng ta hãy nghe tiếng kêu khẩn thiết của một Albert Camus “Ý nghĩa cuộc đời là vấn đề cấp bách nhất.”

Có đúng vậy không? Biết bao kẻ treo cổ, bao nhiêu kẻ nhảy xuống sông Seine trầm mình, bao nhiêu kẻ nhảy từ trên thác Niagara xuống dòng thác trào bọt sùng sục để kết liễu đời mình, bao nhiêu kẻ chĩa súng vào chính thái dương mình như kết thúc kẻ thù địch nhất của mình… Những kẻ đó phần đông hoặc hầu hết không phải những kẻ đói rách, bần hàn đến tột cùng hố thẳm đời sống, mà ngược lại đa phần là những trang nam nhi công tử, những thiếu nữ xinh xắn đài các thất tình, những kẻ nhồi nhét được ít nhiều chữ nghĩa tư tưởng vào đầu… Họ là ai? Trước hết họ là những người đau khổ đã.

Còn lại, tại sao những kẻ rách rưới bần hàn không những chẳng tủi phận lê la của mình mà còn cố bôi lem trang trí cho thân thể mình tàn tạ để lê lết giữa gió loạn cuộc đời mặt đầy hoan hỉ? Tại sao họ vui sống? Họ có đau khổ không? Theo Leo Tolstoi thì: Không! Ông cho rằng: “ Kẻ ăn mày, họ chỉ tủi nhục chứ không đau khổ.”

Trong đời sống, ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu thế kỷ 19, biết bao nhiêu cá nhân và tập thể đã đi đến tự sát hàng loạt, khi họ không trả lời được câu hỏi “chúng ta sống để làm gì?” Tất cả những người tự tử đi đến cái chết không phải là họ đang hấp hối hay buộc phải chết mà là: ý nghĩa cuộc đời đã tịch diệt trong tinh thần họ.

Cuộc đời con người là một huyền nhiệm vô cùng cao cả nhưng cũng đầy thảm khốc, bởi lẽ chỉ mình con người là: muốn sống trước hết phải tìm lý do để sống. Phạm Thế Ngũ nói: “Thà mất đời sống còn hơn là mất những lý do để sống” (Siêu hình học).

Chúng ta hãy trở lại cuộc Thập tự chinh thảm khốc của lịch sử nhân loại, khẩu hiệu tối cao biện chính cho sự tận hiến xương máu đến tột cùng của cả châu Âu là “God will it” – “Chúa muốn vậy!” Chúng ta hãy để ý đến hai chữ “muốn vậy” – nó có phải sự ám chỉ một ý nguyện của con người không? Và ý nguyện đó có phải chính là sự biện giải nào đó cho ý nghĩa đời sống, một đức hy sinh vì giá trị linh hồn?

“Cuộc đời đáng sống khi tìm được lẽ sống,” đó là một tuyên ngôn của Albert Camus. Tuyên ngôn này tiếp tục ru con người vào màn sương huyền nhiệm. Chúng ta thử đặt câu hỏi: vậy không tìm thấy lẽ sống thì cuộc đời có đáng sống không? Chúng ta thử hình dung một kẻ nao nức đi tìm lạc thú, và hắn chẳng tìm được lạc thú thì khao khát của hắn sẽ tịch diệt hay càng bùng cháy lên? Giả dụ hắn tìm thấy lạc thú và được thỏa mãn trong lạc thú thì liệu khao khát của hắn có mãi mãi sẽ được dẹp yên một lần cho tất cả? Không! Chính sự thỏa mãn lạc thú lại nuôi dưỡng lạc thú của hắn, bởi lẽ lạc thú như dầu đổ vào lửa, càng đổ vào lửa càng bốc lên cao. Vậy ở đây chúng ta hãy nhìn nhận rằng: cuộc đời càng đáng sống khi con người khao khát và đi tìm lẽ sống! Và khi không tìm thấy hay tìm thấy cũng vậy thôi, con người vẫn cứ khao khát đi tìm và tìm mãi.

Tại sao cuộc đời lại không là một huyền nhiệm nhỉ? Chúng ta thử ngẫm xem trong thí dụ trên: cả hai hướng có và không đã không vạch ra nổi một biên giới biệt lập nào. Tại sao vậy? Bởi lẽ sự huyền nhiệm nằm sâu tận căn để bản tính bí nhiệm và định mệnh huyền bí của con người. Chính vì vậy mà sau khi tìm kiếm lẽ sống khát khao, Albert Camus đã thốt lên: “Vấn đề là xem đời có nghĩa để sống không, ở đây trái lại thấy rằng đời càng không có nghĩa bao nhiêu thì càng đáng sống bấy nhiêu.”

Câu nói trên thật xứng đáng để hóa giải tất cả sự chần chừ của chúng ta trước ngưỡng cửa của huyền nhiệm cuộc đời. Bạn và tôi, chúng ta hãy tan chảy trong huyền nhiệm cuộc đời, hãy vui sống với nó, bởi nó thánh hóa tất cả chúng ta trên những tầng trời khao khát của những giấc mơ siêu việt, nó nâng đỡ cuộc đời khỏi nỗi nhục nhằn ở trần gian này, nó hóa giải nỗi lo chết của chúng ta khi cuốn về cánh cửa mở vào vĩnh cửu. Bạn hãy lắng nghe lời nói thấm thía của Malraux về một cuộc đời huyền nhiệm - một cuộc đời chẳng gì sánh nổi: “Cuộc sống chẳng có giá trị nào hết, nhưng chẳng có gì đúc kết nổi thành cuộc sống” (La vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie).

Từ đám mây của cuộc đời huyền nhiệm, chúng ta hãy hạ xuống lãnh địa sát thực hơn của cuộc đời, đó là cuộc đời xét như cuộc sống đang tồn tại ngay bên lề một cái chết vĩnh cửu. Kiếp người chẳng đáng ngập ngùi lắm thay, khi mà Đức Phật Thích Ca đã nói lên hình ảnh đắng cay của nó:

“Thế gian quán trọ, âm ty quê nhà”.

Một cuộc đời, chỉ đủ thời gian sống dài như một giấc ngủ trong quán trọ tồi tàn; còn âm ty là sự lôi kéo về im lìm vĩnh cửu như chốn nương náu quê nhà của mọi đời sống. Tại sao vào lúc mở màn cho triết học nhân loại, Socrate đã xướng lên một cách quả quyết rằng “Triết học là sự lo chết” ? Chúng ta thử trôi theo ý tưởng này của Socrate xem ông muốn nói gì :

-Từ bản tính: triết học là sự thông thái của tinh thần. Một thần tinh muốn vượt thoát khỏi kiếp phù sinh đoản mệnh của thân xác đã với tới trí tuệ hiền minh mong lưu lại dấu vết giữa dòng thời gian.

- Về cứu cánh: triết học nhắm tới lý giải cùng đích nguồn gốc của loài người cũng như cứu cánh của đời sống. Và để cứu vãn kiếp sống đoản mệnh của con người, triết học tìm kiếm lý giải vấn đề Thượng Đế vẫn được con người xem như cứu tinh tối cao - tối hậu để hóa giải con người phù sinh vào cõi vĩnh hằng.

- Về mô thức: triết học tìm kiếm cuộc sống và cái bên ngoài cuộc sống, đó là cái chết (cái hư vô của cuộc sống).

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post