Tiếng nói lạc lõng của thế hệ trước

1. Đó không phải là tiếng thét về sư lạc lõng, về sự không được chia sẻ từ người khác, từ thế hệ cha chú. Không phải vậy. Những ngươi mà “sẵn sàng xuống đường tìm kiếm những em bé lang thang và dạy cho chúng học đọc, học viết; những người bỏ hết công sức và tiền bạc để thu gom kiến thức nhân loại và tìm mọi cách để chia sẻ với mọi người; những người dám xông xáo tìm kiếm một cách tân nghệ thuật có giá trị mang tầm thời đại; những người lao đầu vào các dự án bảo vệ môi trường và cộng đồng người; những người đang cố giữ gìn nền tảng đạo đức tôn giáo bất kể sự xuống cấp của niềm tin; những người sẵn sàng rũ bỏ đời sống vật chất giả dối để lên đường đi phiêu lưu khắp thế giới cố gắng tìm kiếm một sự kết nối với chính bản thân mình và kết nối với vũ trụ…” họ không cần sự cảm thông, an ủi, chia sẻ của người khác. Họ không cần. Cái họ cần, là họ cần sẻ chia cho ngươi khác.

Họ thấy cần phải chia sẻ không chỉ với người có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, về đời sống vật chất. Họ thấy cần phải chia sẻ nhiều hơn với những con người đang dư giả tiền bạc, danh vọng và quyền lực; những con người nhiều tuổi hơn họ; những con người từng trải hơn họ; hơn họ rất nhiều thứ. Nhưng dường như, những con người có rất nhiều thứ, lại đang đánh mất đi bản thân mình. Những con người nhận biết về tất cả những điều xung quanh, nhưng lại là những con người đánh mất sự nhận biết về bản thân. Những con người này họ đang lầm lẫn đồng hoá bản thể mình vào quyền lợi vật chất, vào những mối quan hệ giằng chéo, vào danh vọng tưởng là huy hoàng, vào hệ tư tưởng gắn chặt với quyền lợi,…

Ngay cả khi, những con người đóng vai trò VIP của lịch sử; ra một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến sinh mạng của rất nhiều người khác, ảnh hưởng tới diễn biến của lịch sử; nhiều con người đó, vào thời khắc đó nhiều khi đã quyên mất bản thể của mình. Những con người đó không nhận biết bản thể mình trong dòng chảy của lịch sử, của thời gian. Những con người đó bị đồng nhất bản thể mình với ảo vọng của lịch sử. Những con người đó không nhận biết bản thể mình đang trên chiếc ghế quyền lực. Những con người đó bị đồng nhất bản thể mình vào chiếc ghế. Những con người đó bị đồng nhất bản thể mình với những lợi lộc mang tới từ chiếc ghế của họ. Những con người đó bị đồng nhất bản thể của mình với lợi ích của những người thân, những người cùng phe nhóm, cùng tổ chức, cùng giáo đoàn. Có rất nhiều thứ, những con người đó đã lầm lẫn để đồng nhất, rồi quyên đi bản thể mình. Những con người đó đã bỏ lỡ.

Những con người 8x, 9x này họ đã thét lên; vì nhận biết của họ đã vượt lên những con người kia (những con người đang dư giả tiền bạc, danh vọng và quyền lực; những con người nhiều tuổi hơn họ; những con người từng trải hơn họ; hơn họ rất nhiều thứ); họ không chỉ nhận biết về những điều xung quanh, mà họ còn đang nhận biết về bản thân họ. Họ chia sẻ sự Nhận biết.

2. Nhận biết về bản thân mình, họ nhận biết mối quan hệ của họ với con người, với xã hội, với cuộc sống, với tự nhiên đã không còn phù hợp. Nó cũ quá rồi. Nó lỗi thời quá rồi. Họ thét lên tiếp:

“… Nền văn minh đề cao vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng với hàng hiệu, rượu bia, thuốc lá, vũ trường, ma túy… là sản phẩm do những người đi trước chúng ta tạo nên, và họ dùng tất cả những thứ ấy để mê hoặc chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi vào một lộ trình đã được thiết kế. Các bạn càng tách xa chúng, các bạn càng thoát khỏi sự ảnh hưởng của thế hệ cũ. Đâu đó trên thế giới, nhiều bạn trẻ không thể chịu đựng được thế giới đang tan rã và đổ nát này, không chịu đựng lối sống của những xác chết biết đi, họ đã từ bỏ cuộc sống văn minh, họ đau đớn chìm vào sự trống rỗng miên viễn, thậm chí họ đã tự tử để kết thúc mọi mối dây ràng buộc… Họ không ngu muội, họ không bị xúi bẩy, họ là những người dũng cảm không chấp nhận hòa mình vào đám đông vô thức do thế hệ cũ tạo nên, chỉ là họ quá cô đơn không thể nghe thấy một tiếng nói giống họ cũng đang cất lên ở đâu đo.” Và:

“… Sự vận động của thế giới là không thể tránh khỏi và chúng tôi mong sao các vị đừng dùng những chuẩn mực của thế hệ mình để xét đoán chúng tôi. Chúng tôi cũng như các vị, chúng ta đều đang sống trong một thế giới suy tàn, chúng ta thừa mứa vật chất nhưng thiếu thốn tinh thần, chúng ta thừa thãi bản năng nhưng thiếu thốn tình yêu, chúng ta cuồng vọng mà không có niềm tin trong sáng. Các vị hãy thử nhớ lại tuổi trẻ của mình, tuổi trẻ với sự khát khao lý tưởng, không thể chấp nhận một thế giới lộn ngược các giá trị, và các vị đã phẫn nộ như thế nào? Và các vị được dậy rằng đời sống cảm xúc chỉ mang lại thất bại, những gì trong trí tưởng tượng chỉ là trò trẻ con vô giá trị, các vị bị buộc phải sống đời sống thực tế và bị cài cắm bởi các mục đích do hệ thống cũ tạo ra. Dần dần, các vị đã quên rằng các vị từng có thời giống chúng tôi. Nếu các vị thất bại với hệ thống cũ, tại sao còn muốn lôi chúng tôi vào đó. Nếu các vị thành công với nó, vậy còn có ý nghĩa gì khi muốn chúng tôi lặp lại con đường các vị đã đi.”

Họ đang rất muốn thay đổi, thay đổi các mối quan hệ.

3. Tôi không còn trẻ. Tôi không thét lên được; dù tôi rất muốn thét lên.

Dùng mối quan hệ này, thay thế mối quan hệ khác; con người thường coi đó là cách mạng. Cái mới thủ tiêu cái cũ. Rồi cái mới hơn thủ tiêu cái mới. Con người hướng ngoại coi đó là cách mạng.

Con người hướng nội, coi tất cả các mối quan hệ đó là quan hệ phụ thuộc. Nền luân lý này đang bị khủng khoảng, người ta nói vậy. Nhiều giá trị bị đảo lộn, người ta nói vậy. Nền luân lý mới dân chủ hơn, người ta hy vọng vậy. Tất cả những điều đó đúng, nhưng nó bất toàn, bất toàn như định lý bất toàn của Kurt Gödel. Vì vẫn còn phân biệt là đúng, là sai. Vẫn còn xây dựng những giá trị mới, những định nghĩa mới, để phân biệt là đúng là sai. Hôm nay đúng, ngày mai sai; cuộc sống luôn là như vậy. Con người hướng nội, Nhận biết được nâng lên, khi đúng và sai, khi tích cực và tiêu cực là hai mặt của đồng tiên. Đúng và sai, tiêu cực và tích cực là cùng tồn tại, hài hoà với nhau, bù cho nhau. Tôi đã từng viết:

“Tích cực có, nhưng tiêu cực sẽ xuất hiện liền ngay sau đó. Không thể có chỉ tích cực và không có tiêu cực. Điều đó là không tưởng, điều đó là phi tư nhiên. Muốn thấy sự huy hoàng của ánh sáng, con người phải có kinh nghiệm về bóng tối. Có đau khổ day dứt về nỗi buồn, mới thấy được sự tràn trề của niềm vui. Niềm vui có cái gì đó đóng góp cho sự trưởng thành của cuộc sống và nỗi buồn cũng vậy. Niềm vui đem tới sự tươi tắn, tuổi trẻ; niềm vui đem tới điệu vũ cho trái tim bạn. Nỗi buồn cũng đem tới nhiều món quà, nhưng nếu con người lại trốn khỏi nỗi buồn, thì con người đó không thể nhận biết về những món quà này. Buồn bã đem tới im lặng mà không niềm vui nào có thể đem tới được. Vui vẻ bao giờ cũng có chút ít ồn ào; buồn bã hoàn toàn im lặng. Vui vẻ bao giờ cũng có chút ít nông cạn; buồn bã thì sâu sắc, nó có chiều sâu. Vui vẻ bao giờ cũng làm con người quên đi bản thân mình; sẽ dễ dàng hơn để đắm chìm vào niềm vui. Nó giữ con người trong trạng thái vô ý thức. Buồn bã đem tới sự sáng tỏ bởi vì con người không thể nhấn chìm bản thân mình trong nó được. Cũng vậy, tích cực làm con người dễ thành công; tiêu cực là con người dạn dày. Tích cực làm con người thỏa mãn, làm con người sung sướng; tiêu cực làm con người nhận biết. Con người không thể đắm mình trong tiêu cực được, phải đứng ở ngoài, bởi vì con người không muốn nó, và con người sẽ nhận biết được nó. Hãy chấp nhận cả cái tiêu cực, chấp nhận cả nỗi buồn, để nhận biết thành công từ thất bại.”

Con người hướng nội vượt qua mối quan hệ phụ thuộc, vươn lên mối quan hệ liên thuộc; đó là sự trưởng thành của Nhận biết.

4. Một con đường dài, từ Phụ thuộc, qua Liên thuộc rồi tới Độc lập đang chờ đón chúng ta, những người Tìm kiếm.

Previous Post
Next Post