Nguyên lý thì giấu mặt

“Siêu hình học là một nỗ lực nhằm nắm bắt nguyên lý và hoạt động của đời sống”.

Chúng ta có thể coi câu nói của Bergson là câu chỉ dẫn quá rõ ràng cho siêu hình học: vật thể thì luôn luôn có mặt, song nguyên lý hoạt động cho nó thì luôn luôn giấu mặt. Một tấm gỗ có thể nổi trên mặt nước, nhưng khi nó còn nằm lăn lóc trên bờ, nó không phô bày ra rằng nó có tính nổi; rồi một tấn sắt được tán mỏng ra đã biến thành con tầu lênh đênh trên đại dương mà chẳng sợ chìm, nguyên lý đó có mặt ở đời không, hay nó đã giấu mặt?

Khi tất cả mọi nguyên lý giấu mặt bằng cách chỉ hàm tàng trong vật thể, và chỉ phô diễn qua chính sự hoạt động của vật thể, như vậy mỗi vật thể tự thân đang chính là sự có mặt của nó cùng với nguyên lý hàm tàng sự có mặt của nó, lúc đó siêu hình học xuất hiện. Còn siêu hình học con người thì sao? Sartre nói: “Trước khi bạn sống ở đời, thì sự sống chẳng là gì cả, nhưng chính bạn sẽ cho đời sống một ý nghĩa, và giá trị của nó không nằm ngoài ý nghĩa mà bạn đã lựa chọn.”

Theo Sartre thì con người là siêu hình học là bởi con người mang lấy dự phóng tinh thần hơn là mang lấy dự phóng thân xác. Với nhãn quan rốt ráo hơn, chúng ta thấy rằng tự thân xác cũng như chất thể chẳng thể nào thiết lập nổi những dự phóng cho chúng, giống như chiếc rìu không tự tìm đến rừng cây để xin cái cán. Sartre nói: “Con người không khác gì ngoài một chuỗi dự định.”

Hơn nữa Sartre định nghĩa con người như một hữu siêu hình học, qua chính khuôn khổ của con người. Một khuôn khổ muốn phá bỏ chiếc khung phù du yểu mệnh của nó trong thời gian bay về vĩnh cửu. Và chính ở lằn giới hữu hạn do chiếc khung khuôn khổ tạo nên, cái hữu hạn con người tiếp xúc với cái ở ngoài nó, cái không phải là nó, cái phi hữu của nó. Sartre cho đó là hình ảnh về siêu hình học con người, bởi lẽ hữu con người đã kề cận cọ sát với cái phi hữu của nó: “Vì con người tự nó là giới hạn, và đó là phi hữu của con người. Phi hữu là giới hạn của một tra vấn siêu hình” (sdd ‘Hiện tượng luận hiện sinh’, tr.221).

Đến đây chúng ta đã đi đến một nền siêu hình học toàn thể - một siêu hình học cho hữu thể (to be – cái là).

Vậy siêu hình học là gì? Nó có ích gì cho đời sống thực tại của chúng ta?

Hẳn bạn đã từng đứng cùng người bạn tình bên mặt hồ trong một đêm trăng sáng. Bóng hai người dập dình, nhập nhòa lung linh theo gió cùng mặt trăng nằm sâu đáy nước cũng đang chòng chành uốn lượn; rồi thi hứng bỗng xảy đến với bạn, rồi một tứ thơ đã ra đời… rồi bài thơ của bạn được mọi người chuyền tay nhau đọc. Vậy đấy! Mặt trăng đáy nước, bóng hình lung linh không có thực như chất thể đâu, nhưng bài thơ của bạn có thực, nó được sinh ra từ những hình ảnh huyễn ảo đó. Một vật thể là nó, là cả hình ảnh về nó lẫn tất cả những giá trị hàm hỗn thuộc về nó, vật thể đó được nhìn nhận như là toàn thể, toàn hảo, toàn diện. Đó là siêu hình học.

Một vật thể có một cái bóng, bạn đừng vứt cái bóng của nó đi và bảo rằng: cái bóng đó không cần thiết, bởi lẽ không chỉ có cái cần thiết mới được có mặt ở đời. Ta cần biết, cái không cần thiết cũng có quyền có mặt ở đời và không làm sao có thể ngăn cản được sự có mặt của nó, bởi lẽ sự có mặt tự thân là cuộc hiện diện khuôn mặt chứ không phải để minh chứng rằng nó cần thiết hay không! Sartre định nghĩa về một hữu thể toàn diện như sau: “Một hữu thể được nhận định không phải chỉ bằng cái gì nó là mà còn bằng cái gì không là, tức hư vô.”

Nếu chúng ta nhìn nhận siêu hình học như thể một nhãn quan toàn diện hướng về vật thể, về thế giới, về cuộc đời, thì trái lại khi chúng ta vứt bỏ nhãn quan siêu hình đi để mong bắt tay vào việc lĩnh hội thế giới - cuộc đời một cách trực giác và nôn nóng, thì đó là phương pháp đã lãng phí tính toàn hảo của nó. White Head nói: “Mọi suy luận không trông dựa vào siêu hình học, đều có tính cách khiếm khuyết” (sdd – ‘Bước đường phiêu lưu của những dòng tư tưởng’, tr.314).

Bởi lẽ, hữu thể là hữu thể toàn diện, cuộc đời là cuộc đời muôn mặt về cuộc đời - cuộc đời sống như ôm ấp ghì xiết lấy hình ảnh và ý nghĩa về cuộc đời! Cuộc đời sống thực và tỏa chiếu cái bóng của nó lan đi khắp nơi để làm duyên dáng cho đời! Cuộc đời uống lấy hình ảnh của cuộc đời cho thỏa cơn khát nhớ nhung người bạn tình - cuộc đời! Cuộc đời lao đến cuộc đời bằng cả chuỗi dự phóng khát khao mãnh liệt! Cuộc đời thánh hóa chính cuộc đời! Cuộc đời lên ngôi cuộc đời về vĩnh cửu và siêu việt! Cuộc đời có thực nhưng bay trên đôi cánh khát vọng siêu hình!

Và đây chúng ta hãy tham chiếu cái nhìn của Hegel như thể cuộc đời mang sẵn bản tính vĩnh cửu của mình đang phô diễn trên sân khấu hữu hạn thời gian, theo ông đó là cuộc hôn phối siêu hình học: “Cái vô hạn chính là cái vô hạn bản tính liên hệ với hữu hạn như thể cái vô hạn chính đáng có nghĩa là sự hợp nhất vô hạn và hữu hạn.”

Để tạm kết thúc công việc đặt nền tảng siêu hình làm nền móng cho các giá trị xem xét cuộc đời, chúng ta hãy tham chiếu một ý tưởng của Descartes:

“Khoa luận lý đích thực chỉ có được sau khi đặt xong nền tảng siêu hình.”

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post