Trong tiểu luận “Huyền thoại Sisyphus”, Camus cho rằng hạnh phúc và phi lý là hai điều không thể tách rời. Ở đoạn kết, ông tưởng tượng thấy Sisyphus hạnh phúc trong giờ khắc của ý thức, bước đến tảng đá đã rơi về chân núi. Giờ khắc ý thức – sự phi lý của Camus khơi gợi lên hình ảnh con người với lý trí và sự sáng suốt, thứ vũ khí duy nhất nhân loại có thể trông cậy vào khi đối diện tính phi lý của những giờ phút hiện hữu. Nhưng phi lý – trước hết là tình cảm, bắt nguồn từ sự cảm nhận chứ không phải suy tư, vốn không liên quan mấy tới lý trí để đủ kết luận rằng Sisyphus hạnh phúc trong giờ khắc ý thức, khi ông trực tiếp đối mặt cái phi lý. Tất nhiên Sisyphus có thể hạnh phúc, cũng như chúng ta đều có thể cảm thấy hạnh phúc khi cảm giác hiểu thấu vận mệnh của mình vây lấy. Nhưng điều này không khẳng định niềm hạnh phúc kia và cảm giác phi lý là hai khái niệm nối kết. Ignorance is bliss – hãy nhớ tới câu ngạn ngữ này.
Tôi muốn nói rõ hơn: nhìn ra cảm giác phi lý, đối diện với sự hiện hữu của cái phi lý, và chung cuộc chấp nhận nó không khởi tạo hạnh phúc, cũng như hạnh phúc không thể là một tiêu chí để đánh giá trạng thái lưu đày. Hai vấn đề này như hai đường thẳng song song. Con người nói chung dễ dãi trong việc chấp nhận cuộc sống. Tất nhiên không ai có thể không chấp nhận cuộc sống, trừ những kẻ đã chết hoặc chọn cái chết. Cái chết là điều duy nhất không chấp nhận cuộc sống. Nhưng mức độ chấp nhận cuộc sống ở mỗi người rất khác nhau. Kierkegaard chấp nhận cuộc sống trong trạng thái bất an, trong nỗi sợ hãi và run rẩy, đã đứng cạnh Chúa nhưng vẫn cô đơn, vì Chúa hiện hữu xa vắng, còn một mình phải vượt lên ngoài hết thảy chuẩn mực đạo đức của cái toàn thể. Kierkegaard là người nhận chân cảm giác phi lý và dấn thân vào cuộc lưu đày, dù trong chiếc bẫy ngôn từ của ông, ông là một hiệp sĩ của đức tin. Khó có thể nói Kierkegaard tìm thấy hạnh phúc theo cái nghĩa thông thường nhất, cái nghĩa Sisyphus có được, ở cuối cuộc hành trình ông đã chọn.
Hơn thế nữa, khi Đức Phật Thích Ca rời bỏ sự giàu sang tột đỉnh, danh vọng và gia đình êm ấm để dấn thân vào một cuộc tìm kiếm đầy bất trắc, điều gì thúc đẩy ông? Chính là cảm giác phi lý. Nhưng từ bỏ hạnh phúc trước mắt (thật vô nghĩa nếu cho rằng Đức Phật ra đi vì không cảm thấy hạnh phúc) để tìm kiếm một hạnh phúc khác, nếu có thể gọi là hạnh phúc, cái điều tuyệt đối chủ quan đó, xuất phát ở trí tuệ sáng suốt và mẫn cảm của một con người. Cùng với chúng có những người chạm đến hạnh phúc, có những người không.
Ngược lại, cần phải tách bạch hai khái niệm song song này bởi không ít người cho rằng chính vì không tìm thấy hạnh phúc mà con người rơi vào trạng thái lưu đày và bị vây khốn bởi cảm giác phi lý. Hằn nhiên một con người chìm đắm trong niềm vui sướng sẽ mất đi ít nhiều suy nghĩ sáng suốt. Đó chẳng khác trạng thái say sưa là mấy. Hãy tạm gác nó qua một bên. Cần chút ít sự tĩnh lặng và trầm tư để nhìn suốt sự việc. Tình cảnh cô đơn và tự giam mình không phải là sự thiếu hụt hạnh phúc mà là những giây phút cần thiết cho trí não hoạt động, thay vì mất hút giữa những nhốn nháo thường nhật. Cách đây không lâu tôi đã đề cập đến sự liên hệ không gắn kết của hai khái niệm hạnh phúc và phi lý trong một đoản văn khác, nhằm mục đích biện hộ cho sự tích cực của cảm giác phi lý trước những dè bỉu dành cho nó.
Người ta có thói quen gộp chung cả chiều dài cuộc sống của con người vào một hằng số để phân loại, hoặc người đó hạnh phúc, hoặc người đó đau khổ, như thể điều này có được bằng việc đem tất cả sự kiện trong đời người lên bàn tính, sắp đặt các hệ số cho phù hợp, rồi cuối cùng cho ra cái kết quả hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn không. Kẻ tự lưu đày, cũng như bao người khác, có cuộc sống trộn lẫn đau khổ và hạnh phúc. Sự lưu đày không mang nghĩa khổ sai. Kẻ lưu đày không phải một Sa môn đi tìm chân lý thông qua các hình thái hoạt động kiêng khem cứng nhắc, cũng không phải kẻ mơ mộng đến những cõi trời khác. Người ta thường đánh đồng mơ mộng với suy tưởng hay triết lý. Mơ mộng là hi vọng và hướng về những điều không thuộc hiện tại. Kẻ tự lưu đày là kẻ ý thức rõ rệt hiện tại của mình. Là kẻ không ngừng tìm kiếm chính mình. Không ngừng xa lạ với chính mình. Cho nên thực trạng của kẻ lưu đày chẳng phải là sự tiết chế mọi nhu cầu của một Sa môn hay sự đau khổ của ảo tưởng, mà chính như Camus đã nói rất rõ, là hiện thân của cái ý thức sắc bén không thể khác được. Ý thức này mang lại hạnh phúc hay khổ đau là một điều chủ quan mà những cá nhân thuộc về thế giới bên ngoài không thể xét đoán.
Phân tích điều này với mục đích gì? Tôi muốn khởi sự nhìn nhận rõ hơn về cảm giác phi lý, loại bỏ những hệ quả không xuất phát từ nó đã bị nhầm lẫn trong một lúc hứng khởi chẳng hạn. Liệu hạnh phúc, bởi nếu nó là mặt kia của sự phi lý, có khả năng phủ định cảm giác phi lý, cái đưa tới kết luận phi lý, hay sự phi lý nói chung, thông qua một chuỗi suy tư? Bởi cảm giác phi lý là tự nó, không bị thay đổi, mỗi kết quả của nó được đưa tới giới hạn khác. Và gắn liền hạnh phúc với phi lý liệu cũng là một bước nhảy qua bờ bên kia?
Khẳng định hạnh phúc và phi lý có cùng nguồn gốc gần như là một sự thoả hiệp. Camus tuyên bố thế giới của cái phi lý là thế giới thuộc về thời gian hiện tại, chối bỏ hi vọng và từ khước tương lai như một chỗ dựa. Đó là lập trường aesthetic trải qua nhiều cuộc thử lửa, được tôi luyện liên tục trong trạng thái sáng suốt đến nghiệt ngã của lý trí. Và cuối cùng, khi thấy tất cả các chọn lựa có trọng lượng ngang nhau, không hối tiếc, như Oedipus đã kết luận mọi thứ đều tốt, con người bước đến nhận xét sâu sắc gần như một lời reo vui rằng Sisyphus hạnh phúc.
Tôi chỉ biết một điều: Sisyphus có thể hạnh phúc. Thật sự, ông chẳng có gì khác ngoài công việc lăn đá và cảm giác phi lý (lý trí sáng suốt thì sao – sẽ có người hỏi như thế, xin trả lời rằng nếu nói tới hạnh phúc thì rốt cuộc đó là một điều hoàn toàn không quan trọng). Cả hai thứ sẽ tiếp tục quay trở lại với ông cho tới cái ngày ông không còn biết cả hạnh phúc lẫn đau khổ.
Nguồn: truongxua.vn