Con người dù mạnh mẽ hay tưởng mình mạnh mẽ đến đâu, cuối cùng cũng chỉ là một kẻ bé nhỏ thảm hại, bị nhốt bên trong một cái vòng luẩn quẩn xung quanh, nhốt trong chính những ước mơ khát vọng của bản thân mình. Cuộc đời là phi lý. Con người xoay theo những vòng quay phi lý. Cảm thức đó đã trở thành ám ảnh trong những tác phẩm của Milan Kundera và một lần nữa trở lại với “Điệu Valse giã từ”.
Kinh thánh nói: Chúa tạo ra con người giống hình ảnh Chúa. Phải chăng thế? Và Chúa đặt con người vào những vòng xoay của cuộc đời mình - những vòng xoay định mệnh? Milan Kundera đã đưa cảm thức tôn giáo vào tác phẩm của mình nhưng ông đã giải mọi trung tâm, mọi đại tự sự, mọi tín ngưỡng để tạo cho mỗi người một “cơ hội của Chúa” cũng như một cơ hội của quỷ dữ. Con người quay cuồng trong cuộc đời mà không biết mình đang quay, không biết mình đang bị điều khiển bởi chính mình.
Đọc “Điệu Valse giã từ” người đọc sẽ có cảm giác không phải đang đọc một cuốn tiểu thuyết mà là đang xem những điệu nhảy trên sàn sân khấu. Sân khấu đó chính là một thành phố nước nóng với những con người đang nhảy những điệu Valse bất tận của cuộc đời mình. Trên sân khấu đó, những tấn kịch cả bi lẫn hài đã diễn ra mà màn kết của nó là là một cái chết vô tình, một người đạt được mục đích của đời mình, một người ra đi với rất nhiều bí ẩn còn bỏ ngỏ. Và trong điệu Valse này, mỗi người không chỉ xoay quanh một bạn nhảy - những con người, mà còn xoay quanh rất nhiều giá trị.
Khác với những tiểu thuyết khác của Kundera, trong “Điệu Valse giã từ” cảm thức tôn giáo nổi lên rất rõ nét. Những đoạn tranh luận của các nhân vật về các vị thánh, về niềm tin tôn giáo là những ví dụ sinh động mang tính ẩn dụ cao nhưng không kém phần mỉa mai, cay độc. Điều thú vị là mỗi nhân vật của Kundera dù tin tuyệt đối vào một Đức Chúa duy nhất hay phủ nhận sự tồn tại của Chúa, bằng cách nào đó đều đang nỗ lực để trở thành vị Chúa trong thế giới riêng của mình.
Giàu có, Bertlf dùng tiền để tạo thế lực và điều khiển cuộc đời theo cách mà ông cho rằng cần phải thế. Jakub lại muốn trở thành vị Chúa của chính bản thân, được tự định đoạt cái sống, cái chết của mình. Còn Skreta thông qua tài năng tự biến mình thành một vị Chúa sáng thế, ban phát sự sống cho những đứa bé còn chưa ra đời, những “tiểu Skerata” với cái mũi gồ và nốt ruồi giống anh bằng phương pháp ưu sinh…
Kết cục là các các vị Chúa chỉ làm rối tinh thêm việc vốn đã rối tinh từ trước, họ cứ xoay quanh điệu Valse mà không tìm được đường thoát. Không chủ định nhưng cả ba đều liên quan đến cái chết của Ruzena mà không hề áy náy, băn khoăn. Điều đó là gì? Điều đó chứng tỏ rằng trong cuộc đời có những sự tình cờ phi lý mà ta không thể ngờ tới. Đó mới chính là vị nhạc công vĩ đại tài ba.
Điều lôi cuốn nhất ở tác phẩm tập trung vào cách tác giả xây dựng lên nhân vật Jakus. Đây là một nhân vật có tính cách phức tạp mà ở khía cạnh nào đó, nó chứa đựng hình ảnh của Milan Kundera. Những suy nghĩ của Jakus rất khác người. Anh từ chối việc có con với những suy nghĩ hết sức phi lý. Anh khinh ghét tình mẹ con mà theo anh nó ràng buộc con người. Trong suy nghĩ đó có sự ảnh hưởng chi phối bởi luận thuyết của Frued khi khám phá ra tính dục trong trẻ con và những “mặc cảm Ơdip”.
Anh còn cho rằng cuộc đời này xấu xa, con người cũng xấu xa nên có con đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với con người. Với anh con người không phải là sinh vật tuyệt diệu nên không cần phải tái tạo nó. Chính vì thế, trong tiềm thức, anh luôn ẩn chứa hành động hủy hoại con người thậm chí hủy hoại chính mình. Khi anh bỏ viên thuốc vào trong lọ của Ruzena, anh chẳng hề áy náy bởi anh nghĩ mình giết người chẳng vì lý do nào cả.
“Ý nghĩa duy nhất cuộc giết người của anh rõ ràng là để anh biết mình là kẻ giết người”. Tính chất phi lý là ở chỗ đó. Kundera đã giải tất cả những thứ mà con người ta gọi là “lý do” để tồn tại trong cuộc đời này. Tính chất phức tạp đặt ra ở Jakus chính là khi từ chối tất cả, không coi có sự tồn tại của những giá trị trên đời thì chính là lúc anh nhận ra sự hiện hữu của nó. Bao nhiêu năm anh không nhận ra sự tồn tại của cái đẹp cũng như phủ nhận sự hiện hữu của những người đàn bà đẹp, thì khi gặp Kamila, anh nhận ra sự tồn tại của cái đẹp thánh thiện, cao quý ẩn dấu trong người phụ nữ. Nhưng cũng chính lúc ấy là khi anh mất đi mãi mãi, anh đã để tuột mất cơ hội của cuộc đời mình.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, mỗi người sẽ nhận ra có những giá trị mà con người kiếm tìm, tôn thờ nhưng rồi một ngày nhận ra đó chỉ là phù du. Hay những cái ta từng cho là vô nghĩa nhưng hóa ra lại quan trọng như máu thịt. Cuộc đời là một sân khấu mà ở đó con người khóc cười quay cuồng trong yêu thương hận thù, quay cuồng giữa hai bờ hư thực rồi khi tỉnh ra mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ vô thường.
Tác phẩm kết thúc cũng là lúc điệu Valse đã ngừng nhưng đó chỉ là sự tạm ngưng để lại bắt đầu những điệu Valse khác trong cuộc đời có thể còn dữ dội hơn, quay cuồng hơn và phức tạp hơn.
Tác giả: Milan Kundera
Dịch giả: Cao Việt Dũng
Xem tác phẩm TẠI ĐÂY