Quán xét tâm mình

Có bao giờ, mình tự hỏi: Ta đã làm gì đời nhau thế này chưa?

1. Tôi nói với chị rằng, hãy xin lỗi chính mình. Tôi cũng hơn một lần “khuyến khích” điều này dành cho mình, và cho những ai có duyên giãi bày với tôi những lỗi lầm, vụng dại... do họ tạo ra, gây đau khổ cho người khác, mà nhiều khi bây giờ muốn tìm gặp, hối lỗi cũng không còn cơ hội, không kịp nữa.

Hàng ngày, chúng ta vì nhiều lý do, như không biết nhân quả, thích tranh giành, muốn hạ bệ người khác vì nhìn... thấy ghét (vân vân) mà chúng ta đã tạo không biết bao nhiêu oan khiên, oán cừu, kết tạo những nghiệp duyên xấu-ác. Thế nên, ngoài việc xin lỗi với đương sự mà mình trực tiếp, gián tiếp gây ra lầm lỗi; sám hối với chư Phật, chư Hiền Thánh... trong cuộc đời mà mình có duyên được biết, thọ học lời hay ý đẹp thì việc ngỏ lời xin lỗi chính mình là việc nên làm.

Xin lỗi chính mình, để khắc ghi vào trong trái tim của mình một lần, nhiều lần rằng, tôi đã làm cái việc tệ hại quá, gieo cấy vào tâm thức mình hạt giống không lành cũng như tưới tẩm những hạt giống xấu xí ẩn tàng nẩy nở... Thiệt là có lỗi với chính mình, vì hạt mầm xấu xí mọc lên, hay hạt giống dở ẹc được gieo trồng thì quả xấu ấy mình sẽ lãnh đủ trong một mùa nào đó, không xa, mà không chừng là tức thì đâu đó, lát nữa đây hoặc ngày mai, ngày mốt trong tương lai gần.

Ờ, thì xin lỗi chứ, phải xin lỗi để thấy mình cũng là một thực thể, đối với mình phải trọng, phải quý, phải thương... theo cái cách đầy bi-trí mà Phật dạy (chứ không phải cái cách chiều chuộng, ai nói một câu, đụng một cái là mình quay lại “xử đẹp” người ta, như mình vẫn thường thấy hay lâu nay mình vẫn thường làm).

Do vậy, xin lỗi chính mình là để hứa với mình, mai mốt tôi không làm cái việc tàn nhẫn ấy với người ta, với chúng sinh khác, cũng như không lười biếng trong việc sửa mình nữa; vì tôi biết, làm thế là tôi sẽ còn lẩn quẩn mãi ở đây, trong cõi Ta-bà này, tử tử sinh sinh miết thôi, cô phụ lời Phật dạy về con đường tu tập, giải thoát...

Từ lời xin lỗi chân thành này, mình có thể sẽ có cơ hội để đứng dậy, vượt qua, vươn lên mà đi tiếp trên một lộ trình đẹp, mang ánh sáng từ, bi, hỷ, xả đi cùng như một ngọn đèn dẫn đường, soi cho mình thấy đâu là nẻo về chân như, đâu là bến đỗ an bình mà mình sẽ tới...

2. Cũng là tôi nói với chị, rằng, tại vì mình còn ái, còn tham, còn sân si nên mình mới khổ. “Tiên trách kỷ” là lời dạy của cổ đức, nhắc mình thấy nguồn cơn của mọi sự vốn do mình, từ nơi mình mà ra. Trên nền tảng đó, mình học Phật, hiểu rằng, mọi cái do tâm mình tạo, ý mình khởi, dắt dẫn cho sự việc ấy hiển bày thành hình tướng, trong câu “Nhất thiết duy tâm tạo” từ kinh Hoa nghiêm.

Vịn vào lời dạy ấy, mình có thể bước tới và thấy, đúng rồi, tại vì trong mình còn nhiều khúc mắc, nhiều chướng ngại, cố chấp quá nên mình nhìn đâu cũng thấy xót xa, thương cảm, nghe điều gì cũng thấy man mác ở trong lòng về một cái gì đó rất đỗi xa xôi, tạm gọi tên là quá khứ hay nỗi nhớ, hoặc xúc cảm nhạy bén, kiểu của những thi sĩ mênh mông chuyện buồn, ở trong mắt họ luôn chứa một bầu... tâm trạng.

Do vậy, mà cũng là gặp chuyện như vậy nhưng những bậc Thánh hay những người có-tu-đàng-hoàng sẽ thấy nhẹ hều, hổng có chi cả, còn mình thì dính lại, đớn đau, quằn quại, buồn thương, không hoan hỷ. Không phải ta không biết những lý lẽ, những “bí-kíp” để đạt tới cảnh giới ấy, nhưng vì ta chưa thực tập hay thực tập chưa tới nên ta còn loay hoay. Nghĩ thế để mặc áo tràng lên quỳ dưới chân Phật, thỉnh chuông, rồi cúi xuống lạy liền ba lạy, thưa với Thế Tôn sự thiệt của mình, nói với Ngài về vườn tâm đầy cỏ rác, lộn xộn trong mình. Tất nhiên, nói xong, phải quay về dọn dẹp, sắp xếp chứ ngồi đó nói suông cũng không hết được. Tín-hạnh-nguyện ở ngay trong cách ta làm điều đó, không xa.

3. Tôi nói với anh ấy rằng, mình là con Phật, thì đối với người xấu ác mình cũng thương luôn. Thương vì mình thấy biết, nhận diện nhân quả rõ ràng, nên không đời này thì kiếp khác, người ta sẽ phải rơi vào đường hiểm - nhận lấy quả bất thiện mà họ tạo. Vì, “Gieo gió gặt bão”, tất yếu vậy rồi.

Luật pháp thế gian lắm khi không xử hết, đôi khi người làm luật, thi hành luật lại lách luật hay dung dưỡng cho cái xấu, ác trong bộ sậu của mình, gây oán cừu, dẫn tới hành vi bạo ngược, bạo động, trả thù... Mình học Phật, thấy người ta bắn người đến chết, đâm người vì hận thù, vì oan khiên tới trọng thương (dẫu là người xấu) mà mình... đáng kiếp hay mở cờ trong bụng, hí ha hí hửng cho rằng vậy là đúng rồi, phải như thế..., thì nghe sao mà đặng.

Phật đâu có dạy mình như thế. Phật dạy mình thương yêu, trong cái trí sáng suốt của người luôn nắm luật nhân-quả, lấy định luật ấy làm kim chỉ nam cho mọi góc nhìn, mọi hành xử... thì lý nào mình lại hoan hỷ, hô hào xứng đáng với việc thanh toán qua lại, kiểu một bên cướp tiền bạc, đất đai còn bên kia thì tước đoạt mạng người khác? Nếu làm vậy, dẫu chỉ là mở cờ trong bụng hay đem ra đàm tiếu trong lúc trà dư tửu hậu, trên facebook, ở inbox riêng mình và họ mà không trên lòng từ bi Phật, với những ngữ ngôn nặng nhẹ, chợ búa thì mình cũng sẽ trở nên... đáng thương, vì mình vô cảm trong chính cảm xúc của một người con Phật lẽ-nên-phải khác trước mọi biểu hiện của cuộc đời.

Có những điều mà luật pháp thế gian không xử trọn vẹn, thiếu công bình, hay những người thi hành luật bị bưng tai bịt mắt bởi quyền lực khác hoặc bởi lợi lộc khác mà xử oan sai thì đã có... luật nhân quả. Mình không nên can dự bằng những bức xúc thiếu từ bi, bởi khi mình khởi lên niệm ấy, mình đã đứng vào hàng ngũ nào đó, không phải mang tên đệ tử Phật gia!

4. Tôi nói với em rằng, hãy bỏ qua những điều không đẹp, để làm lại đời mình, đóng góp cho cuộc sống nhiều thứ mà mình có thể, nhiều người “đặt hàng”. Cơ bản, những điều đã xảy ra ở quá khứ, ta không thể làm gì được, ngoài việc chấp nhận nó, sống tốt nhất với nó.

Đức Phật dạy, người mạnh mẽ là người có lỗi, nhận ra lỗi lầm và kiên quyết sửa, sửa được lầm lỗi. Cái khó nhất là làm sai mà biết mình sai, bởi vì có thể mình không thấy đó là sai, hoặc thấy là sai nhưng cái tôi mình lớn quá, nó không chịu thừa nhận, không-dám thừa nhận vì sợ... người ta cười. Đôi khi vì sự yếu đuối đó mà ta bị... cười nhiều hơn. Do vậy, những gì sai ở quá khứ, có thể đến từ ý niệm không tốt của mình hay đến từ hành động không được kiểm soát kỹ lưỡng, trên sự cạn nghĩ, tính nông của mình thì mình nên dàn xếp, thương lượng đầy từ bi để bỏ, buông và dứt khoát buông bỏ nếu mình thực thương chính mình, thực sự sống tốt, muốn mong mọi điều tốt lành...

Nhưng, dù là gì, phải nhớ rằng, mình cũng là móc xích cho mọi chuyện diễn ra, mình hãy nghĩ thế để “chịu trách nhiệm”, để mà... hoan hỷ, dẫu biết cười trong lúc mọi thứ xấu xí cứ dập dồn đổ tới thì người-bình-thường như mình khó mà làm được. Song, ít ra, mình cũng không nên trách nhau, trách hoài những cái đã qua để rồi cứ mời những điều khổ đau về hiện tại, rồi tiếp tục đau dai dẳng, dài dài. Như vậy là... có lỗi với chính mình!

Có bao giờ, mình tự hỏi: Ta đã làm gì đời nhau thế này chưa? Nếu chưa, thì hãy hỏi để thấy rằng, ta đã bỏ rất nhiều thời gian để... làm khổ nhau, vì ai cũng thấy mình là người thiệt thòi, là người đúng hoặc ta luôn... đúng hơn, thậm chí ta dành... mình ít sai hơn.

Sự hơn thua trong từng chút một của việc đá “quả bóng trách nhiệm” về những rắc rối, khổ đau... của đời mình đã vô tình làm mình càng khổ hơn. Do vậy, nếu em bỏ được, buông được thì ráng buông cho nhẹ lòng người mà lòng mình cũng thanh thản. Chẳng phải ta và em vẫn ca mãi “chân ngôn” về tình thương, rằng “Người với người sống để yêu nhau” hay sao? Vậy mà em vẫn cứ nắm níu hoài những cục chi chi, đau đớn trong lòng, bắt đầu bằng trách móc tùm lum, là sao vậy hả em?

Previous Post
Next Post