Tâm trạng luôn vui vẻ lạc quan
không phải là điều xa xôi khó nắm bắt. Điều quan trọng là bạn có biết thổi bùng
những thời khắc hạnh phúc nhỏ nhoi để biến chúng thành động lực trong cuộc sống
hay không.
Thời buổi hiện nay có quá nhiều
điều khiến con người ta chìm đắm trong nỗi ưu phiền. Nếu người lớn lo lắng vì
chuyện tiền nong trong gia đình thiếu trước hụt sau, mối quan hệ trai gái thất
bại hoặc phải theo đuổi các công việc nhàm chán, chẳng có gì tiến triển; thì
một bộ phận lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” cũng ta thán đủ cả 1.001 kiểu
chán trên cõi đời này. Thử lướt một dọc các diễn đàn và blog trên internet,
chúng ta có thể bắt gặp từ A đến Z loại chán nản, bi quan, từ chuyện nhà cô này
nghèo trước hụt sau, thua thiệt với bạn bè, còn cậu ấm cô chiêu nào giàu thì
lại chán vì tình trạng ở không, buồn chân buồn tay chẳng biết làm chuyện gì. Cứ
thế, điệp khúc “chán sống” cứ xuất hiện nhan nhản khắp nơi một cách vô lý, mà
chủ nhân của nó thì chẳng biết làm gì ngoài chuyện than phiền.
Nếu không sớm nhận ra, những suy
nghĩ tiêu cực trên có thể sẽ chôn vùi những người từng lạc quan nhất xuống hố
sâu sầu não. Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn còn có nhiều cách mà bạn có thể
làm để vực dậy tinh thần của chính mình. Sau đây là những mẹo đơn giản giúp bạn
cảm thấy lạc quan hơn mỗi ngày.
Tận hưởng những niềm vui đơn giản
nhất. Con người dễ dàng quên đi những gì quen thuộc nhất đối với mình, thậm chí
dần dần chẳng buồn để ý đến sự hiện hữu của nó, mặc dù ban đầu bạn rất hài lòng
với điều đó. Bạn đang ăn một thanh sô-cô-la ngon tuyệt, nhưng vì đang chán nản
nên bạn chẳng nhận thấy vị của nó đang tan dần trong miệng mình? Trời nóng, một
cơn gió mát thổi qua, nhưng vì quá bực bội nên bạn chẳng để ý đến sự thoải mái
đột ngột mà luồng gió mang đến? Hãy bắt đầu ghi lại những điều sảng khoái dù
nhỏ nhặt nhất xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày để bạn có thể cảm nhận trọn
vẹn được chúng và xua tan cảm giác chán chường. Đến cuối ngày, trước khi đi
ngủ, bạn hãy nhớ lại 3 “món quà” mà mình đã nhận được trong ngày. Không cần
phải là cái gì to tát, có thể là tiếng chim hót trong buổi sớm mai hoặc cuộc
trò chuyện hữu ích với bạn bè.
Lòng tốt ngẫu nhiên và không đòi
hỏi. Các nhà tâm lý chuyên về lạc quan đã phát hiện một trong những chiến thuật
có hiệu quả nhất có thể giúp vực dậy một người đang bị trầm cảm chính là kêu
gọi người này hãy giúp đỡ kẻ khác. Cảm giác làm người tốt rất dễ dàng bị quên
lãng trong cái hỗn độn của cuộc sống đời thường, nhưng nếu bạn đặt ra mục tiêu
sẽ có hành động tốt một cách ngẫu nhiên, dù đối với người lạ, bạn sẽ tận hưởng
cảm giác vui vẻ đến từ hành động trên suốt nhiều giờ liền. Không phân biệt cái
mà bạn sẽ cho, dù là thời gian, tiền bạc, sự quan tâm, nhưng việc giúp đỡ và
cho đi mà không đòi hỏi sự đáp trả sẽ giúp thay đổi cách người khác nhìn về
bạn, và quan trọng hơn đó là bạn cảm thấy như thế nào về bản thân. Một người
luôn kiên nhẫn lắng nghe người khác than thở về những chuyện khúc mắc trong gia
đình, dù ngày này sang ngày khác, là sự hỗ trợ tinh thần đầy quý giá, giúp
người bạn đó có điều kiện suy ngẫm về những khó khăn của bản thân mà rút ra sự
phản ứng thích hợp.
Chia sẻ nụ cười và 3 lời cảm ơn.
Làm cho một người khác nở nụ cười là điều rất dễ dàng, hãy mỉm cười với họ.
Những người cứ trơ trơ trước nụ cười của người khác sẽ chẳng cảm giác được hạnh
phúc. Các nhà nghiên cứu phát hiện cách biểu hiện của con người làm cho chúng
ta có cảm giác về bề ngoài của chính mình. Vậy thì hãy cười lên, dù tâm trạng
có chán chường đi chăng nữa, và sức mạnh của nụ cười sẽ còn tăng lên gấp nhiều
lần nếu bạn chia sẻ nó với người khác. Và khi có dịp, hãy cảm ơn người đã mang
lại cho bạn niềm vui hay giúp bạn điều gì đó. Mỗi ngày nên tìm 3 tình huống có
thể cảm ơn người khác, như khi có ai mua cho bạn ly nước cam, hoặc xách giỏ
giùm bạn, hoặc đơn giản là nhường đường cho bạn trong lúc đường kẹt xe.
Hãy dành thời gian cho bản thân.
Chúng ta thường quá bận rộn để chăm sóc bản thân một cách đúng mức, nhưng hầu
hết mọi người đều cảm thấy hưng phấn nếu tập trung vào điều gì khiến họ hài
lòng. Hãy bỏ ra khoảng 30 phút, ít nhất một lần trong tuần, để lắng nghe đòi
hỏi của chính bản thân để có thời gian cảm thấy hạnh phúc.