Giá trị trung thực đang mờ dần trong cuộc sống quá bận rộn và đòi hỏi phải lươn lẹo như hiện nay. Không quơ đũa cả nắm, nhưng đang có rất nhiều người sẵn sàng dùng “sự thật” cho việc đổi chác, miễn là đạt được lợi ích ngay.
Tôi thường chia sẻ về tư duy mì ăn liền, hay một từ khác thường dùng là tư duy thiển cận. Suy nghĩ sâu hơn, tại sao người ta lại thiển cận thì tôi cho là do thiếu trung thực. Chính sự vắng mặt này dẫn đến việc con người chỉ cần hào nhoáng bề ngoài cho bản thân hoặc tổ chức của họ là đủ. Một tuần đọc vài quyển sách. Đi thi kiếm thành tích để khoe. Chức vụ thì cứ quản lý này nọ cho dễ giao tiếp. Khổ nỗi như thế mới sống được trong thời nay. Từ đó dẫn đến dễ sa vào trạng thái thích cái gì ăn liền cho gọn lẹ, đỡ tốn công.
Tính chính trực khi không hiện diện trong cách nghĩ thì đừng mong có hành động đúng đắn và bền vững. Cá nhân hay tổ chức ngày nay đều cần điều này. Với doanh nghiệp thì khái niệm CSR (Corporate Social Responsibility) chẳng còn xa lạ. Doanh nghiệp nào ăn xổi ở thì, dùng mưu mẹo để đạt lợi ích, đồng thời gây hậu quả có khi còn lớn hơn giá trị tạo ra (nhưng chưa thấy ngay) thì chẳng thể trường tồn. Cá nhân nào thích sống trong ảo giác của hòa nhoáng, phù phiếm thì số phận rồi cũng chẳng đi về đâu. Phải thành thật rằng không dễ vượt qua tính hấp dẫn của danh, quyền, tiền nhưng cũng không khó làm chủ nó nếu giá trị trung thực tồn tại trong ta.
Mọi sự đều có xuất phát điểm giống nhau, đó là con người. Đất nước có tiến bộ hay không; chính sách được ban ra như thế nào; giáo dục tiên tiến hay lạc hậu; công nghệ phát triển đến đâu; thể thao văn hóa được vận hành ra sao,… tất cả đều do con người quyết định. Tất cả mọi lĩnh vực, vĩ mô đến vi mô, từ đông sang tây, từ cổ chí kim luôn bất di bất dịch ở điểm chung ấy. Vậy mà khi đánh giá sự phồn vinh của một đất nước, người ta thường dựa vào số liệu kinh tế, biểu đồ tăng trưởng,… nhưng lại ít đề cập đến yếu tố con người; mà ở đây trong phạm vi bài viết muốn nêu lên đó là tính trung thực. Bởi một khi đã hành động trong tư duy thiếu trung thực thì hành động ấy chỉ mang tính đối phó, lấp liếm, và đương nhiên kết quả mang lại chỉ gói gọn trong hai chữ “dối trá” mà thôi.
Có một nghịch lý là dường như khi sinh ra không một đứa trẻ nào biết nói dối. Bởi thế mà ông bà vẫn có câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Ấy vậy mà đứa trẻ ấy khi lớn lên phải “hòa nhập” với môi trường sống xung quanh là “đồng loại” khi nó tiếp xúc. Nó ngờ ngợ khi để ý một người nói khác sự thật. Nhưng xảy ra quá nhiều lần ở quá nhiều người, nó bắt đầu tin rằng đó là một “chuẩn mực” để có thể tồn tại một cách “khôn ngoan” trong đời. Rồi một ngày, đứa trẻ ấy trưởng thành, giỏi giang, nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Từ đó lan tỏa và đặc biệt vào lúc này, nó đã có sức ảnh hưởng nên chẳng biết tự bao giờ dối trá đã trở thành con người thật của đứa trẻ năm nào. Thích hào nhoáng. Thích phù phiếm. Quen đánh đổi trung thực để đạt được thật nhiều lợi ích. Rất dễ dàng để biện hộ rằng đời còn dài, có giả dối vài lần cũng chẳng sao, sau này sẽ nói thật cũng được. Ừ thì đúng là đời còn dài lắm nhưng một khi đã sa vào thì khó dứt. Ngoài ra, một lần bất tín là vạn lần bất tin.
Gì thì gì, bỏ một thói quen tư duy luôn khó khăn hơn rất nhiều so với một thói quen hành động. Để hình thành một hành động mới buộc mình phải kỷ luật vài chục ngày (đã khó), nhưng để hình thành một tư duy mới buộc mình phải làm song song hai việc là loại bỏ, đồng thời tiếp nhận ở chiều sâu tư duy phù hợp kia (còn khó hơn). Tư duy cũ chính là cách nghĩ đã ăn sâu vào ta, được hay bị ảnh hưởng hàng ngày theo thời thế. Đã vậy ngày nay việc nói chuyện về tư duy không được đón nhận nhiều so với chiêu thức, do phải tốn công suy gẫm, nhức não. Họ vẫn thích cái gì xài được nhanh, ngay và luôn. Lại luẩn quẩn trở về thứ tư duy mì ăn liền. Xuất phát từ thiếu tính trung thực, lòng vòng một hồi quay lại với thiển cận. Khổ nỗi nó là hai thứ liên quan mật thiết với nhau nên khó tách rời. Nhưng nếu chỉ lựa chọn một để bắt đầu, tôi cho rằng không gì quan trọng hơn là hãy có đức tính trung thực.
Một khi sự thật được con người tôn trọng thì mọi thứ xung quanh sẽ bắt đầu biến đổi tích cực theo. Ngược lại, nếu giả dối lên ngôi và được mọi người chấp nhận như điều kiện để có cuộc sống tốt, thì con người cũng ngày càng xa dần với bản chất của mình hơn.