Ngồi không mà nước từ trong thân cứ rỉ rả hết cả ra ngoài. Cái hầm hập của khí trời phả vào thân thể, gợi mở từng lỗ chân lông, bài tiết độc tố... và ta thì đơn giản ngồi chơi mà ngắm nghía và tận hưởng quá trình chuyển giao năng lượng...
Tiết trời có thể nóng nhưng tâm ta có nóng cùng tiết trời hay không lại là một chuyện khác. Nếu cứ than thở và cầu trời khấn Phật cho mau có gió có mưa thì đúng là ta đang bị thời tiết điều khiển cảm xúc và tâm trạng. Thế nghĩa là ta đã mất tự do rồi...
Nhiều người hay định nghĩa tự do là muốn làm gì thì làm. Một số người khác đòi hỏi tự do phải được pháp luật bảo hộ. Quyền cơ bản của con người là tự do thân thể, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do mưu cầu hạnh phúc. Họ còn quên mất một điều, rằng dù cho tất cả những thứ tự do như thế được bảo hộ và thừa nhận về mặt luật pháp, nhưng nếu ta không làm chủ được nó thì đó chưa chắc đã phải là tự do thực sự.
Thiên hạ quanh ta đầy người vẫn thích gì làm nấy, thích gì nói nấy, thích ở đâu thì ở, thích sống sao thì sống, thích chê bai ai thì chê bai, thích tâng bốc ai thì tâng bốc, thích bám víu ai thì bám víu, thích yêu ai thì yêu... thế nhưng, hầu hết những cái thích đó của ta, phần lớn là a dua theo đám đông, hành động theo thói quen, kết luận theo tập quán, phán đoán theo kết quả của quá trình giáo dục. Chúng ta vẫn sống trong vô thức, bị điều khiển bởi những cảm xúc nhất thời và ăn chơi theo sự hãnh tiến phù du.
Trong cuộc sống, ta biết ta không chỉ có một mình. Ta sống trong các mối quan hệ, giữa người này với người khác, giữa ta với xã hội, giữa ta với thiên nhiên. Sự tương tác hai chiều trong ý thức tôn trọng lẫn nhau hình thành ra khái niệm tự do. Nếu ta chỉ biết có mình, đặt ta trong quan hệ cao hơn người khác, coi những xúc cảm và cuộc sống của ta là quan trọng nhất thì đó không còn là mối quan hệ tự do nữa, nó trở thành phụ thuộc. Một vài ai đó phụ thuộc mình, một vài ai đó mình phụ thuộc và cũng có khi mình phụ thuộc vào chính tính cách hay hay cảm xúc của mình.
Một cuộc sống tự do thực sự là một cuộc sống biết định vị bản thân trong mối quan hệ nhiều chiều, với chính ta, với người khác, với xã hội và với tự nhiên. Biết định vị bản thân là biết mình là ai, ở đâu, cần làm gì và không được phép làm gì trong những mối quan hệ như thế. Bớt đòi hỏi cái không thuộc về mình; biết làm chủ những cái mà mình đang sở hữu; biết sử dụng ngôn ngữ, ý thức, tư duy và cảm xúc của mình trong từng hoàn cảnh nhất định.
Tự do - về bản chất là không cần pháp luật cho, ban ơn, thừa nhận hay bảo hộ. Tự do sinh ra cùng với sự ra đời của ta, trưởng thành theo nhận thức của ta, lớn lên cùng với ta. Có những kẻ tuổi tác nhiều, kiến thức uyên bác, chức vụ địa vị xã hội cao... nhưng không biết định vị bản thân, không làm chủ được những thứ mình sở hữu, đua đòi chạy theo sự thay đổi của cảm xúc, a dua theo đám đông, tập quán, truyền thống, bám víu mãi vào một ước mơ chưa tới hay quá khứ đã qua... thì mãi chỉ là một kẻ nô lệ mà thôi.
Ta biết thân thể này không phải là của ta. Ta chỉ mượn nó từ sự kết tinh gặp gỡ của cha mẹ và nuôi dưỡng nó qua cơm gạo của xã hội. Thông qua sự trao đổi chất của môi trường, ta có thể cảm thấy nóng hay lạnh, mát hay ấm... Thông qua mối quan hệ với người khác, ta có thể cảm thấy vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ... Thông qua mục tiêu của bản thân, ta có thể cảm thấy được hay mất, thành hay bại... Nhưng tất cả những cái đó chưa xác định được ta là ai...
Ta chỉ tự do thật sự khi ta không bị sự bức bối của cơ thể điều khiển, không bị sự thay đổi của môi trường làm cho khó chịu, không bị quá khứ tương lai lôi kéo, không bị cảm xúc vui buồn ràng buộc, không bị được mất thắng thua chi phối... Khi ta tự do ngay trong chính sự bức bối của cơ thể, sự khó chịu của thời tiết, cảm xúc vui buồn hay được mất thắng thua... thì đó cũng là lúc ta định vị được bản thân mình là ai...
Trời quá nóng thì cơ thể toát mồ hôi
Cơ thể toát mồ hôi nhưng ta không hề khó chịu
Thân thể có thể không tự do với hoàn cảnh xung quanh
Nhưng ta tự do với thân thể của ta
Nguồn: suynghiem.blogspot.com