Soren Kierkegaard |
1830 – 1841: Thời gian học Đại học Copenhagen vật vã kéo dài trong 11 năm, mãi đến năm thứ 10, Kier mới vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp môn thần học. Trong thời gian này, lần lượt cha mẹ và 3 anh chị khác trong gia đình Kier qua đời.
1841 từ hôn Regine Olsen và cũng là năm hoàn thành luận văn “On the Concept of Irony with constant reference to Socrates” (Om Begrebet Ironi med stadigt Hensyn til Socrates). Hàng loạt các tác phẩm ra đời bắt đầu từ đây.
1843: Xuất bản “Cũng – Hoặc: Một quãng đời” (Either-Or: A Fragment of Life/Enten-Eller. Et Livs-Fragment).
Ý kiến Kierkegaard chính thức về đời thể hiện lần cuối qua “Khoảnh khắc” (The Instant/jeblikket) với 9 chương, chương thứ 10 đang sẵn sàng đem công bố thì Kierkegaard gục ngã trên đường phố. Ông được đưa đến bệnh viện và chết ngay sau đó trong tình trạng kiệt lực vì công việc. Hôm đó là ngày 11 tháng 11 năm 1855, Soren Kierkegaard hưởng dương 42 tuổi.
Lúc còn sống, không mấy ai biết về ông. Kierkegaard chỉ được nhìn nhận là “Socrate của Đan Mạch”, là thủ lĩnh Anti-Hégel sau khi đã qua đời. Toàn bộ sự nghiệp của Kierkegaard có gần 30 tác phẩm triết học, thần học, tâm lý học cùng khoảng 10 quyển truyện ngắn. Kierkegaard đã làm một cuộc cách mạng về lý luận chống cái “phổ biến”, ‘hệ thống” bằng một sự thể hiện đa dạng và phức tạp về những khao khát và cảm xúc cá nhân.
Tuy nhiên khi còn sống, những đóng góp của Kierkegaard về chính trị và xã hội chẳng được xem trọng. Kier là một nhà tư tưởng phi chính trị, những va chạm của Kier với các hệ thống quyền lực chưa đủ sức gây nên sóng gió trong xã hội như các hậu bối sau này của triết thuyết Hiện sinh. Những va chạm với hệ thống giáo quyền Tin lành Đan Mạch không hề ảnh hưởng đến việc một anh trai của Kier: P.C. Kier trở thành một giám mục.
1. Nichname và Kierkegaard
Như việc sử dụng các nickname ngày nay trên mạng, đôi khi là một vấn đề rất tế nhị trong những hoàn cảnh “hơi bị tế nhị”. Kierkegaard thể hiện nhiều chủ ý khi sử dụng các bút danh và tên thật trong các tác phẩm của mình, chúng được xem như một biểu trưng cho thái độ và quan điểm ngay với tác phẩm của mình – trước khi đối với người đọc. Với một loạt các tên như: Victor Eremita, Vigilius Haufniensis, Nicolaus Notabene, Hilarious Bookbinder, H.H., ông tỏ ra mặn mà trong việc sử dụng quyền lực tác giả như một loại âm binh. Kierkegaard xứng đáng là một nhà tiên phong trong lãnh vực có lắm điều đùa cợt này. Tác phẩm là một phát biểu của tác giả nhưng không hẳn luôn là tiếng nói chính thức của người viết.
Trong năm 1843, “Fear and Trembling” xuất bản với tên Johannes de Silentio, nhưng đến “Reppetition” liên quan Tâm lý học thử nghiệm thì ra lò với tên Constantin Constantius. Qua năm 1844, còn có cả một tác phẩm là “Philosophical Fragments or a Fragment of Philosophy” (Philosophiske Smuler eller En Smule Philosophie) được viết bởi ông “Johannes Climacus” nào đó và lại được ông S. Kierkegaard xuất bản. Trường hợp này lặp lại 2 lần. Đến năm 1849 và 1850 lần lượt có 2 tác phẩm của Anti-Climacus ra đời và Kier chỉ giữ vai trò của một người có trách nhiệm công bố. Đến nỗi có một sự nhầm lẫn khi có người cho rằng có một ông J. Climacus thật (1). Thậm chí trong năm 1844, có lúc Kier xuất bản 2 tác phẩm trong 1 ngày với 2 bút hiệu khác nhau.
Trong những luận văn về Kitô giáo với tư cách tín đồ nhiệt thành, cùng bút hiệu khác, Kier đã tấn công ngay chính mình. Rồi ông lại sử dụng tên thật trong “Works of Love: Some Christian Reflections in the Form of Discourses” (Kjerlighedens Gjerninger. Nogle christelige Overveielser i Talers Form - 1847) - một tác phẩm khác về Kitô giáo. Sau đó, Kierkegaard tỏ ra là một tín đồ ngoan đạo hơn với “Sự rèn luyện trong Kitô giáo” (Training in Christianity/Indøvelse i Christendom - 1850), song lại với tên... khác. Có lẽ vì vậy mà không trách ông thầy triết học Phạm Minh Lăng cho rằng Kierkegaard đã “ca ngợi giá trị của cuộc sống cá nhân với sự hiện diện của Chúa Kitô”. (2)
Kierkegaard chỉ dừng việc dùng các bút hiệu khác trong 4 năm cuối đời. Với “The Instant”, Kierkegaard đã châm biếm Kitô giáo – được xem là quốc giáo ở Đan Mạch một cách tàn khốc. Lần này, thì ông đã sử dụng tên thật khi xuất bản tác phẩm của mình. Hậu vận Kierkegaard đã trôi qua trong nghèo khó cho đến lúc chết.
2. Cảm xúc của cuộc hiện sinh
Độc giả Việt Nam sẽ khá vất vả khi tìm đọc những gì về Kierkegaard, chẳng hạn như trong cuốn giáo khoa Lịch sử Triết học có 455 trang, thì phần về chủ nghĩa Hiện sinh có 10 trang và trong ấy người ta nhắc đến Kierkegaard được... 3 lần. Có một công thức mà các ông thầy triết học Việt Nam hay dùng khi viết về Kierkegaard là: “hiện tượng học Đức + Kierkegaard = chủ nghĩa hiện sinh”. Và được viết ra như một quán tính của nhận thức luận phê phán Marxist, các ông thầy triết học viết tiếp: “có thể nói, chủ nghĩa hiện sinh đã rút ra những chủ đề của mình từ sự phê phán Hegel”. (3)
Chẳng thấy ai đề cập Kierkegaard phản đối hệ thống chính trị trong tôn giáo trước hay với triết thuyết có tính hệ thống của Hegel (1770 – 1831) trước. Chỉ chắc chắn một điều là ông ta chối bỏ những gì có tính hệ thống. Kierkegaard tỏ ra không hề mệt mỏi trong việc thể hiện tính cá nhân chủ biệt chống lại đám đông chủ toàn. Đan Mạch vào thời Kierkegaard, ngôn ngữ và văn hóa Đức có vai trò trội hơn cả hơn cả tiếng La tinh. Triết học Hegel ngự trị ở Đan Mạch như một công cụ truyền giáo, mà người chủ xướng là J.L. Heiberg. Kier tấn công vào Hegel từ góc độ này, ông bị dị ứng với những hứa hẹn đầy khoa trương của học thuyết hệ thống này. Kierkegaard nói, Hegel vẫn là nhà tư tưởng lớn nhất từng có mặt, nếu như ông ấy thể hiện hệ thống của mình như một suy nghĩ hiện sinh. Thay vì vậy, Hegel lại tỏ ra quá ôm đồm cuồng trên con đường đi đến chân lý, và ông ta đã tạo ra cho mình một hài kịch.
Tư tưởng của Kierkegaard ra đời như một hệ quả của chuỗi ngày vật vã của nhận thức chỉ biết dùng một phương tiện duy nhất là lý trí. Kierkegaard bắt đầu bằng sự chối bỏ tất cả những gì liên quan đến tính hệ thống, ông phủ định lại Hegel bằng chính các thể nghiệm của bản thân. Theo Kierkegaard, quan điểm duy lý của Hegel đã “quên hiện hữu” và không thấy rằng chính “chủ thể là chân lý”.
Kierkegaard chống đối việc biến xã hội thành một trại lính khổng lồ, tất cả các tiếng nói cá thể đều đóng rọ vào một dàn đồng ca. Ông mời gọi thiên hạ hãy sống thực trong cuộc sống tâm tình của mình, thân phận con người là một hiện sinh đáng kể nhất chớ không phải là hệ thống những ý niệm lạnh lùng kia – dẫu cho chúng có biện chứng đến thế nào chăng nữa. Nhân dân giống như cục bột nắn mấy con tò he, rồng cũng đấy mà chuột cũng đấy, thành vật hay người là tùy tay người nắn. Dụng con đỏ là một trò chơi tò he hình như khá ưa thích của không ít chính khách. Kierkegaard nhiều lần bêu rếu Auguste Comte (4), ông tỏ ra nghi ngờ quan điểm: mọi nền triết học phải nên đặt trọng tâm vào sự cải thiện nhân loại trên phương diện tinh thần và chính trị. Kierkegaard vạch ra sự đểu cáng của những phát biểu nhân danh cái chung, kiểu như: nhân loại, nhân dân.v.v. Triết học được Kierkegaard nhìn nhận là những hoạt động của các cá nhân; triết học là một công việc có tính cách rất riêng tư của “cái Tôi”. Kierkegaard không có một mảy may tham vọng đưa ra những cải cách thế giới. Con người chung chung chẳng là cái quái gì ngoài một khái niệm trống rỗng, khái niệm này hay bị sử dụng như một chiêu bài trong việc thỏa mãn cho các tham vọng của những con người rất cụ thể.
Nếu Descartes hoài nghi không có thế giới rồi lại dùng tư duy để kết luận rằng có thế giới. Đối với Edmund Husserl (1859 – 1938), phần đáng nghi ngờ nhất ở đây là tư duy. Với Descartes là “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy nên tôi hiện hữu – Ngã tư cố ngã tại) thì Husserl đã nhại thành: “Cogito, ergo cogitatum” (Tôi tư duy, vậy tư duy về cái gì). Theo Husserl, “cái gì” là cái bất biến làm thành bản chất của hiện tượng. “Về cái gì” là về cái mà tôi thực sự ý thức, theo E. Husserl, đó mới là bản chất. Kierkegaard đi xa hơn, khi cho rằng tư duy trừu tượng là một lãnh vực ở đó không tồn tại tư duy. Kierkegaard viết “Tính chủ thể là chân lý”, chủ thể ở đây không phải là một ông vô hình hoặc dăm khái niệm tuyệt đối nào đó, mà chính là con người.
Bắt đầu từ tác phẩm “Either-Or” đến “Concluding Unscientific Postscript”, dưới một cái tên giả, Kier đã đưa ra một học thuyết Hegel đảo ngược. Song khác với K. Marx là sẽ xây dựng hệ thống quan điểm duy vật của mình ngay trên mô hình đảo ngược ấy, Kier đã vẫy tay chào vĩnh biệt học thuyết Hegel – không hẹn ngày tái ngộ trong khi hình thành khuynh hướng phi hệ thống của mình.
3. Các ảnh hưởng của Kierkegaard
Ảnh hưởng của Kierkegaard khá lớn đối với các triết gia hàng đầu của Hiện sinh, đến nỗi người ta cho rằng, “Hữu thể và Hư vô” của J. Sartre ngoài việc có “cầm nhầm lộ liễu” một ít từ “Hữu thể và Thời gian” của Heidegger, thì triết luận bỏng cháy nhất của Sartre còn được “gợi hứng” khá nhiều từ những quan điểm của S. Kierkegaard. Hoặc quan niệm văn chương của Kafka có chịu ảnh hưởng của Kierkegaard, khi cho rằng bản chất của sự sinh tồn chính là nỗi bất an. Và đến lượt “Hữu thể và Thời gian” (Being and Time) của Heidegger mắc nợ những ghi chép của Kierkegaard (cái này không được Heidegger thừa nhận).
Giống Kierkegaard, Nietzsche ủng hộ triệt để cho sự dấn thân của những cá thể trên con đường tìm kiếm chân lý, mọi nhận thức khách quan đều đáng vứt bỏ. Cái quan trọng là chính bản thân mỗi con người đang cảm thấy thế nào trong cuộc sống này, còn những ý niệm theo thông lệ chung thì hãy cho... ai đó suy nghĩ tiếp. Nếu như phái vô thần tìm thấy ở Nietzsche một niềm cổ vũ cuồng nhiệt sau khẳng định khét tiếng: “Thượng đế đã chết !” thì các nhà thần học tôn giáo lại hay nêu ra Kierkegaard trong các bài giảng của mình mội khi cần nói về thế nào là tình cảm đam mê, khoảng cách giữa hiện sinh tuyệt đối với Niết bàn/Thiên đàng.
Nietzsche và Kierkegaard giống nhau ở chỗ đều nhấn mạnh đến tính chủ quan phi hệ thống. Là hai sư phụ khởi đầu của dòng triết học Hiện sinh, họ chỉ khác nhau khi Niezsche nhấn mạnh đến ý chí.
Dẫu vô thần như Sartre hay Camus, hữu thần như Jaspers hoặc G. Marcel đều phải dính tới Kierkegaard. Chủ trương con người sẽ đạt được tự do đích thực khi từ bỏ vị kỷ trở nên có ích trong những luận bàn về thế giới quan.
4. Nhưng, cuối cùng rồi cũng chết
‘Then she said to me: Forgive me for what I have done to you. I answered: It was I, after all, who should ask that. She said: Promise to think of me. I did so. She said: Kiss me. I did -- but without passion. Merciful God! ‘
Trên là một đoạn văn tiêu biểu về tình yêu của Kier. Văn chương là một lãnh vực phải theo đuổi đến mức thoái hôn thì có lẽ Kier là trường hợp duy nhất của thế giới văn chương. Song cũng chẳng thấy ai giải thích minh bạch cái việc tại sao người ta biết đến Kier là một triết gia nhiều hơn là một nhà văn.
Những biến đổi xã hội Âu châu và Bắc Âu cần những phương án giải quyết thích hợp hơn. Tiếng nói của những cá nhân cần được tôn trọng hơn. Và người ta nhớ tới Kier. Quan điểm của Kier đã tác động đến hiện thực Scandinavians, trong đó có Henrik Ibsen và August Strindberg. Ibsen và Strindberg, cùng với F. Nietzsche trở thành những biểu tượng tư tưởng trung tâm của Berlin vào những năm 1890. Nhà phê bình văn học Georg Brandes đã đem triết học Kierkegaard vào giảng đường Đại học Đan Mạch, Ola Hansson của Thụy Điển láng giềng tiếp bước theo.
Triết học Kierkegaard tỏ ra mệt mỏi với tiên đề đầy lãng mạn “Cogito” (Tôi tư duy – Ngã tư) đã có từ thời Parmenides (tiền Socrates) của triết học Tây phương. Cõi nhân sinh đâu thuần những suy nghĩ, mà còn ngập những cảm xúc vui buồn, thăng hoa và sa đọa cần nếm ngắm. Những khoảnh khắc sống và chết, trực giác và trực cảm phi lý tính ấy rất thật – song chẳng cần gì phải tuyệt đối và hệ thống hóa chúng như Hegel đã làm, ở đời. Triết học đối với Kierkegaard là một quá trình trải nghiệm bằng thân chứng. Con người làm triết học thực sự khi nói lên được tiếng nói của trái tim mình. Con người có thể đánh lừa nhau bằng những ý niệm, nhưng những hiện tượng đâu chỉ là những trò ảo hóa.
Rồi với thân phận rất mỏng giòn của mình, cuối cùng thì con người cũng chết. Heidegger với định nghĩa: “con người là một hữu thể hướng về cái chết” đã tàn nhẫn cắt đứt con đường tìm tới hiện sinh tuyệt đối của Kierkegaard. Sau đó lần lượt là Kafka và Sartre, những hậu sinh vô cùng khả uý, đã đưa triết học Hiện sinh đến những nỗi lo đời thường đôi khi/thường xuyên vô cùng phi lý của kiếp người.
Kierkegaard là một triết gia đáng yêu. Đọc văn của Kierkegaard người ta sẽ không thấy những tiếng gầm gừ như K. Marx, trạng thái siêu nhân thoát tục của Nietzsche, cái phi lý đến tuyệt vọng cùng Kafka…người ta sẽ nghe được sự thổn thức của trái tim, cảm được các trạng thái bi hài của một cuộc hiện sinh; bởi trên con đường đi tìm chân lý, Kierkegaard luôn tỏ ra trung thành với những xúc động của bản thân.
Việt Lang
Chú thích:
(1) Người ta dùng lời của ông J. Climacus này đi nhận định ngược lại người sáng tạo ra ông J. Climacus: việc dùng bút danh trong triết học của Kierkegaard ví như hành động của một sát thủ được thuê để giải quyết những người theo phái Hegel.
Ở phần Soren Kierkegaard của “Hành trình cùng Triết học” do Ted Honderich chủ biên. Lưu Văn Hy biên dịch. Nxbản Văn hóa Thông tin, H. – 2002.
(2) Những vấn đề cơ bản của Triết học phương Tây” Phạm Minh Lăng biên soạn. Nxbản Văn hóa Thông tin, H. – 2001, tr. 576.
(3) Sở dĩ tôi dùng chữ “ông thầy triết học” vì thấy các vị ấy toàn biên soạn các sách triết học giáo khoa thư mà không thấy các tác phẩm bàn về triết học với các ý kiến riêng của các vị ấy.
“Lịch sử Triết học” (Giáo trình dùng cho các trường Đại học và Cao đẳng) do Bùi Thanh Quất chủ biên. Nxbản Giáo dục – 2001. Phần chủ nghĩa Hiện sinh từ trang 344 – 354.
Tôi có một lời khuyên cho những ai định đọc các sách loại này: quý vị chỉ cần đọc một cuốn mà thôi thì quý vị sẽ nắm được nội dung nhiều cuốn còn lại thuộc dạng này. Chẳng hạn như phần triết học Hiện sinh của “Lịch sử Triết học” sẽ khác ở cuốn “Những vấn đề cơ bản của Triết học phương Tây” do Phạm Minh Lăng biên soạn (Nxbản Văn hóa Thông tin, H., 2001) một số dấu (.) và (,).
(4) Ảnh hưởng từ người thầy đầu tiên: Saint Simon – một nhà chủ trương xã hội lý tưởng, Auguste Comte luôn sục sôi với những cải cách thế giới. Suýt nữa ông này được đứng vào hàng ngũ những lãnh tụ cách mạng thế giới, nếu năm 1827 không tự đâm đầu xuống sông Seine vì bị loạn óc sau hai năm bất hạnh trong đời sống hôn nhân.